Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 7)

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

TÂM NGUYỆN CỦA DỊCH GIẢ

Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong.

Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại ngửng mặt tự xưng là Tỳ-kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới. (Trích cuối tập 9 Kinh Đại-Bửu-Tích).

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ-Tát.
Chùa Vạn Đức, Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tî. (08-10-1989)
Thích Trí Tịnh
Cẩn Chí.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 6)

Quyển VII

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát

Lúc bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật từ nhục kế (1) tướng đại nhân phóng ra ánh sáng, và phóng ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chặn mày, soi khắp tám trăm muôn ức na-do-tha hằng-hà-sa các cõi Phật ở phương Đông.

Qua khỏi số đó có thế giới tên Tịnh-Quang Trang-Nghiêm. Nước đó có Phật hiệu: Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế-Tôn (2) , được vô lượng vô biên đại chúng Bồ-Tát cung kính vây quanh, mà vì chúng nói pháp.

Ánh sáng lông trắng của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật soi khắp cõi nước đó.

Lúc đó, trong các nước Nhứt-Thiết-Tịnh-Quang trang nghiêm có một vị Bồ-tát tên là Diệu-Âm, từ lâu đã trồng các gốc công đức, cúng dường gần gũi vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật mà đều được trọn nên trí huệ rất sâu, được môn Diệu-tràng-tướng tam-muội, Pháp-hoa tam-muội, Tịnh-đức tam-muội, Tú-vương-hý tam-muội, Vô-duyên tam-muội, Trí-ấn tam-muội, Giải-nhứt-thiết chúng-sanh ngữ-ngôn tam-muội, Tập-nhứt-thiết công-đức tam-muội, Thanh-tịnh tam-muội, Thần-thông du-hý tam-muội, Huệ-cự tam-muội, Trang-nghiêm-vương tam-muội, Tịnh-quang-minh tam-muội, Tịnh-tạng tam-muội, Bất-cộng tam-muội, Nhựt-triền tam-muội, v. v. . được trăm nghìn muôn ức hằng-hà-sa các đại tam muội như thế.

Quang-Minh của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật soi đến thân vị Bồ-Tát đó, liền bạch cùng đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật rằng: “Thế Tôn! Con phải qua đến cõi Ta-bà để lễ lạy gần gũi cúng dường đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, cùng để ra mắt ngài Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-Vương-Tử Bồ-Tát, Dược-Vương Bồ-Tát, Dõng-Thí Bồ-Tát, Tú-Vương-Hoa Bồ-Tát, Thượng-Hạnh-Ý Bồ-Tát, Trang-Nghiêm-Vương Bồ-Tát, Dược-Thượng Bồ-Tát”.

Khi đó, đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật bảo ngài Diệu-Âm Bồ-Tát: “Ông chớ có khinh nước Ta-bà sanh lòng tưởng là hạ liệt. Thiện-nam-tử! Cõi Ta-bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy dẫy sự dơ xấu, thân Phật kém nhỏ, các chúng Bồ-Tát thân hình cũng nhỏ, mà thân của ông cao lớn đến bốn muôn hai nghìn do-tuần, thân của ta sáu trăm tám muôn do-tuần. Thân của ông tốt đẹp thứ nhất trăm nghìn muôn phước sáng rỡ đẹp lạ, cho nên ông qua chớ khinh nước kia hoặc ở nơi Phật, Bồ-Tát cùng cõi nước mà sanh lòng tưởng cho là hạ liệt”.

Ngài Diệu-Âm Bồ-Tát bạch với Phật đó rằng: “Thế-Tôn! Con nay qua cõi Ta-bà đều là do sức thần thông của Như-Lai, do thần thông du hý của Như-Lai, do công đức trí huệ trang nghiêm của Như-Lai”.

Lúc đó, Ngài Diệu-Âm Bồ-Tát, chẳng rời tòa, thân chẳng lay động mà vào trong tam muội, dùng sức tam muội ở nơi núi Kỳ-Xà-Quật cách pháp tòa chẳng bao xa hóa làm tám muôn bốn nghìn các hoa sen báu: Vàng Diêm-phù-đàn làm cọng, bạc làm cánh, kim-cang làm nhụy, chân-thúc-ca-bảo làm đài.

Bấy giờ, ngài Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-vương-tử thấy hoa sen bèn bạch cùng Phật rằng: “Thế-Tôn! Đây do nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này, có ngần ấy nghìn vạn hoa sen: Vàng Diêm-phù-đàn làm cọng, bạc làm cánh, kim-cang làm nhụy, chân-thúc-ca làm đài?”

Khi ấy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật bảo ngài Văn-Thù Sư-Lợi rằng: “Đó là Diệu-Âm Đại Bồ-Tát từ cõi nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật muốn cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-Tát vây quanh mà đến cõi Ta-bà này để cúng dường gần gũi lễ lạy nơi ta, cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp-Hoa”.

Ngài Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Vị Bồ-Tát đó trồng gốc lành gì, tu công đức gì mà có được sức đại thần thông như thế? Tu tam-muội gì? Mong Phật vì chúng con nói danh tự của tam-muội đó. Chúng con cũng muốn siêng tu hành đó. Tu hành môn tam-muội này mới thấy được sắc tướng lớn nhỏ oai nghi tấn chỉ của vị Bồ-Tát đó. Cúi mong đức Thế-Tôn dùng sức thần thông khi vị Bồ-Tát đó đến khiến chúng con được thấy”.

Lúc ấy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật bảo ngài Văn-Thù Sư-Lợi: “Đức Đa-Bảo Như-Lai đã diệt độ từ lâu, nay sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ-Tát đó”. Tức thời đức Đa-Bảo Phật bảo Bồ-Tát đó rằng: “Thiện-nam-tử đến đây! Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-vương-tử muốn thấy thân của ông”.

Bấy giờ, ngài Diệu-Âm Bồ-Tát nơi cõi nước kia ẩn mặt, cùng với tám muôn bốn nghìn Bồ-Tát đồng nhau qua cõi Ta-bà, ở các nước trải qua, sáu điệu vang động, thảy đều rưới hoa sen bằng bảy báu, trăm nghìn nhạc trời chẳng trổi tự kêu, mắt của vị Bồ-Tát đó như cánh hoa sen xanh rộng lớn. Giả sử hoà hợp trăm nghìn muôn mặt trăng, diện mạo của ngài tốt đẹp lại hơn nơi đây, thân sắc vàng ròng vô lượng trăm nghìn công đức trang nghiêm, oai đức rất thịnh, ánh sáng chói rực, các tướng đầy đủ như thân Na-La-Diên (3) bền chắc.

Ngài vào trong đài thất bảo bay lên hư không cách đất bằng bảy cây đa-la. Các chúng Bồ-Tát cung kính vây quanh mà đồng đến núi Kỳ Xà Quật, ở cõi Ta-bà nầy, đến rồi xuống đài thất bảo, dùng chuỗi ngọc giá trị trăm nghìn, đem đến chỗ Thích-Ca Mâu-Ni Phật, đầu mặt lễ chân Phật dâng chuỗi ngọc lên mà bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Đức Tịnh-Tú Hoa-Vương-Trí Phật hỏi thăm đức Thế-Tôn ít bịnh, ít khổ, đi đứng thơ thới, sở hành an vui chăng? Bốn đại đều hòa chăng? Việc đời nhẫn được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng? Không có người nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn chăng? Không kẻ chẳng thảo cha mẹ, chẳng kính Sa-môn (4) tà kiến tâm chẳng lành, chẳng nhiếp năm tình (5) chăng?

Thế-Tôn! Chúng sanh hàng phục được ma oán chăng? Đức Đa-Bảo Như-Lai diệt độ từ lâu ở trong tháp bảy báu có đến nghe pháp chăng? Lại hỏi thăm đức Đa-Bảo Như-Lai: An ổn, ít khổ, kham nhẫn ở lâu được chăng? Thế-Tôn! Nay con muốn thấy thân đức Đa-Bảo Phật, cúi mong Thế-Tôn chỉ bày cho con được thấy”.

Lúc đó, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói với Phật Đa-Bảo rằng: “Ông Diệu-Âm Bồ-Tát này muốn được ra mắt Phật”.

Đức Đa-Bảo Phật liền nói với Diệu-Âm Bồ-Tát rằng: ” Hay thay! Hay thay! Ông có thể vì cúng dường đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật và nghe kinh Pháp-Hoa cùng ra mắt Văn-Thù Sư-Lợi v. v. . nên qua đến cõi này”.

Lúc bấy giờ, ngài Hoa-Đức Bồ-Tát bạch Phật rằng: ” Thế Tôn! Ngài Diệu-Âm Bồ-Tát trồng gốc lành gì, tu công đức gì, mà có sức thần thông như thế?”

Đức Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: ” Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, cõi nước tên là Hiện-Nhứt-Thiết-Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Diệu-Âm Bồ-Tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân-Lôi Âm-Vương Phật cùng dâng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật, có sức thần như thế. Hoa-Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó, nơi chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Vương Phật, Diệu-Âm Bồ-Tát cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu-Âm đại Bồ-Tát đây.

Hoa-Đức ! Diệu-Âm Bồ-Tát này đã từng cúng dường gần gũi vô lượng các đức Phật, từ lâu trồng gốc công đức, lại gặp hằng-hà-sa trăm nghìn muôn ức na-do-tha đức Phật”.

Hoa-Đức! Ông chỉ thấy Diệu-Âm Bồ-Tát thân hình ở tại đây, mà Bồ-Tát đó hiện các thứ thân hình, nơi nơi vì hàng chúng sanh nói kinh điển này.

Hoặc hiện thân Phạm-Vương, hoặc hiện thân Đế-Thích, hoặc hiện thân Tự-Tại-Thiên, hoặc hiện thân Đại-Tự-Tại-Thiên, hoặc hiện thân Thiên-Đại Tướng-Quân, hoặc hiện thân Tỳ-sa-môn Thiên-Vương, hoặc hiện thân Chuyển-Luân-thánh-vương, hoặc hiện thân các Tiểu-vương, hoặc hiện thân Trưởng-giả, hoặc hiện thân Cư-sĩ, hoặc hiện thân Tể-quan, hoặc hiện thân Bà-la-môn, hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di, hoặc hiện thân phụ nữ cuả Tể-quan, hoặc hiện thân phụ nữ của Bà-la-môn, hoặc hiện thân đồng-nam đồng-nữ, hoặc hiện thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A- tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn cùng phi-nhơn v. v. . . mà nói kinh này.

Bao nhiêu địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh và các chỗ nạn đều có thể cứu giúp, nhẫn đến trong hậu cung của vua biến làm thân người nữ mà nói kinh này.

Hoa-Đức ! Diệu-Âm Bồ-Tát này, hay cứu hộ các chúng sanh trong cõi Ta-bà, Diệu-Âm Bồ-Tát này biến hoá hiện các thân hình như thế ở tại cõi Ta-bà này vì chúng sanh mà nói kinh Pháp-Hoa ở nơi thần thông biến hóa không hề tổn giảm. Vị Bồ-Tát này dùng ngần ấy trí huệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng sanh đều được hiểu biết, ở trong hằng-hà-sa cõi nước trong mười phương cũng lại như thế.

Nếu chúng sanh đáng dùng thân Thanh-văn được độ thoát, liền hiện thân hình Thanh-văn mà vì đó nói pháp.

Đáng dùng thân hình Duyên-giác được độ thoát, liền hiện thân hình Duyên-giác mà vì đó nói pháp, đáng dùng thân hình Bồ-Tát được độ thoát, liền hiện thân hình Bồ-Tát mà vì đó nói pháp.

Đáng dùng thân hình Phật được độ thoát, liền hiện thân hình Phật mà vì đó nói pháp.

Theo chỗ đáng độ mà vì chúng hiện các thứ thân hình như thế, nhẫn đến đáng dùng diệt độ mà được độ thoát liền thị hiện diệt độ.

Hoa-Đức ! Diệu-Âm đại Bồ-Tát trọn nên sức đại thần thông trí huệ, việc đó như thế.

Lúc đó ngài Hoa-Đức Bồ-Tát bạch cùng Phật rằng: “Thế Tôn! Ngài Diệu-Âm Bồ-Tát sâu trồng căn lành. Thế-Tôn! Bồ-Tát đó trụ tam-muội gì mà có thể ở các nơi biến hiện thân hình độ thoát chúng sanh như thế?”

Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: “Thiện-nam-tử! Tam-muội đó tên là “Hiện-nhứt-thiết-sắc-thân”. Diệu-Âm Bồ-Tát trụ trong tam muội đó có thể giúp ích vô lượng chúng sanh như thế”.

Lúc nói phẩm “Diệu-Âm Bồ-Tát” này những Bồ-Tát cùng đi chung với Diệu-Âm Bồ-Tát tám muôn bốn nghìn người đều được: “Hiện-nhứt-thiết-sắc-thân tam-muội”. Vô lượng Bồ-Tát trong cõi Ta-bà này cũng được tam-muội đó và Đà-la-ni.

Khi ngài Diệu-Âm đại Bồ-Tát cúng dường đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật và tháp của Đa-Bảo Phật xong rồi, trở về bổn độ, các nước đi trải qua đều sáu điệu vang động, rưới hoa sen báu, trổi trăm nghìn muôn ức các thứ kỹ nhạc đã đến bổn quốc cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-Tát vây quanh đến chỗ đức Tịnh-Hoa Tú-Vương Trí-Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Con đến cõi Ta-bà lợi ích chúng sanh, ra mắt đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật và ra mắt tháp đức Đa-Bảo Phật lễ lạy cúng dường, lại ra mắt Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-Vương-Tử Bồ-Tát, Dược-Vương Bồ-Tát, Đắc-Cần Tinh-Tấn-Lực Bồ-Tát, Dõng-Thí Bồ-Tát, cũng làm cho tám muôn bốn nghìn vị Bồ-Tát này được “Hiện-nhứt-thiết-sắc-thân tam-muội”.

Lúc nói phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát Lai-Vãng” này, bốn mươi hai nghìn vị Thiên-tử được vô-sanh pháp-nhẫn. Hoa-Đức Bồ-Tát được Pháp-Hoa tam-muội.

***

25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Phổ-Môn

Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán-Thế-Âm?”

Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện-nam-tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.

Nếu có người trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ-Tát này được như vậy.

Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-Tát này liền được chỗ cạn.

Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách, trân châu các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tắp nơi nước quỉ La-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ La-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán-Thế-Âm.

Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy liền được thoát khỏi.

Nếu quỉ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán-Thế-Âm Bo-Tát, thì các quỉ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.

Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.

Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: “Các Thiện-nam-tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, vị Bồ-Tát đó hay đem pháp vô-úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thì sẽ được thoát khỏi oán tặc nầy”.

Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: “Nam-Mô Quán-Thế-Âm Bồ-Tát!” vì xưng danh hiệu Bồ-Tát nên liền được thoát khỏi.

Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát sức oai thần to lớn như thế.

Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, liền được ly dục.

Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, liền được lìa lòng giận.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, liền được lìa ngu si.

Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có những sức oai thần lớn, nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ.

Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, liền sanh con trai phúc đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng gốc phước đức, mọi người đều kính mến.

Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có sức thần như thế.

Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.

Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng-hà-sa Bồ-Tát lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống y phục, giường nằm, thuốc thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn đó có nhiều chăng?

Vô-Tận-Ý thưa: “Bạch Thế-Tôn! Rất nhiều”. Phật nói: “Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thì phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong trăm nghìn ức kiếp không thể cùng tận.

Vô-Tận-Ý! Thọ trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế. “

Ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát dạo đi trong cõi Ta-bà như thế nào? Sức phương tiện đó như thế nào?”

Phật bảo Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát liền hiện thân Phật vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Duyên-giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên-giác mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Thanh-văn được độ thoát, liền hiện thân Thanh-văn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Phạm-vương được độ thoát, liền hiện thân Phạm-vương mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Đế-Thích được độ thoát, liền hiện thân Đế-Thích mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tự-tại-thiên được độ thoát, liền hiện thân Tự-tại-thiên mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Đại-tự-tại-thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại-tự-tại-thiên mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Thiên-đại-tướng-quân được độ thoát, liền hiện thân Thiên-đại-tướng-quân mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ-sa-môn được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-sa-môn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tiểu-vương được độ thoát, liền hiện thân Tiểu-vương mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Trưởng-giả được độ thoát, liền hiện thân Trưởng-giả mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Cư-sĩ được độ thoát, liền hiện thân Cư-sĩ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tể-quan được độ thoát, liền hiện thân Tể-quan mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân Bà-la-môn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-ba-di được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-ba-di mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân phụ nữ của Trưởng-giả, Cư-Sĩ, Tể-quan, Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân đồng-nam, đồng-nữ được độ thoát, liền hiện thân đồng-nam, đồng-nữ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn cùng phi nhơn được độ thoát, liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Chấp-Kim-Cang thần được độ thoát, liền hiện thân Chấp-Kim-Cang thần mà vì đó nói pháp.

Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh, cho nên các ông phải một lòng cúng dường Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.

Quán-Thế-Âm đại Bồ-Tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô-úy, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Ngài là vị “Thí-vô-úy”.

Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Con nay phải cúng dường Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”. Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lạng vàng, đem trao cho ngài Quán-Thế-Âm mà nói rằng: “Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này”.

Khi ấy Quán-Thế-Âm Bồ-tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô-Tận-Ý lại thưa cùng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát rằng: “Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này”.

Bấy giờ Phật bảo Quán-Thế-Âm Bồ-Tát: “Ông nên thương Vô-Tận-Ý Bồ-Tát này và hàng tứ chúng cùng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn và phi-nhơn v. v. . . mà nhận chuỗi ngọc đó.

Tức thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thương hàng tứ chúng và trời, rồng, nhơn, phi-nhơn v. v. . . mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: Một phần dâng đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa-Bảo.

Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta Bà”.

Lúc đó, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát nói kệ hỏi Phật rằng:

Thế-Tôn đủ tướng tốt!

Con nay lại hỏi kia

Phật tử nhân duyên gì?

Tên là Quán-Thế-Âm?

Đấng đầy đủ tướng tốt

Kệ đáp Vô-Tận-Ý:

Ông nghe hạnh Quán-Âm

Khéo ứng các nơi chỗ

Thệ rộng sâu như biển

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn

Hầu nhiều nghìn đức Phật

Phát nguyện thanh tịnh lớn.

Ta vì ông lược nói

Nghe tên cùng thấy thân

Tâm niệm chẳng luống qua

Hay diệt khổ các cõi.

Giả sử sanh lòng hại

Xô rớt hầm lửa lớn

Do sức niệm Quán-Âm

Hầm lửa biến thành ao.

Hoặc trôi dạt biển lớn

Các nạn quỉ, cá, rồng

Do sức niệm Quán-Âm

Sóng mòi chẳng chìm được.

Hoặc ở chót Tu-di

Bị người xô rớt xuống

Do sức niệm Quán-Âm

Như mặt nhật treo không

Hoặc bị người dữ rượt

Rớt xuống núi Kim-Cang

Do sức niệm Quán-Âm

Chẳng tổn đến mảy lông.

Hoặc gặp oán tặc vây

Đều cầm dao làm hại

Do sức niệm Quán-Âm

Đều liền sanh lòng lành.

Hoặc bị khổ nạn vua

Khi hành hình sắp chết

Do sức niệm Quán-Âm

Dao liền gãy từng đoạn.

Hoặc tù cấm xiềng xích

Tay chân bị gông cùm

Do sức niệm Quán-Âm

Tháo rã được giải thoát

Nguyền rủa các thuốc độc

muốn hại đến thân đó

Do sức niệm Quán-Âm

Trở hại nơi bổn-nhân. (6)

Hoặc gặp La-sát dữ

Rồng độc các loài quỉ

Do sức niệm Quán-Âm

Liền đều không dám hại.

Hoặc thú dữ vây quanh

Nanh vuốt nhọn đáng sợ

Do sức niệm Quán-Âm

Vội vàng bỏ chạy thẳng.

Rắn độc cùng bò cạp

Hơi độc khói lửa đốt

Do sức niệm Quán-Âm

Theo tiếng tự bỏ đi.

Mây sấm nổ sét đánh

Tuôn giá (7) , xối mưa lớn

Do sức niệm Quán-Âm

Liền được tiêu tan cả.

Chúng sanh bị khổ ách

Vô lượng khổ bức thân

Quán-Âm sức trí diệu

Hay cứu khổ thế gian

Đầy đủ sức thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương

Không cõi nào chẳng hiện.

Các loài trong đường dữ:

Địa-ngục, quỉ, súc sanh

Sanh, già, bịnh, chết khổ

Lần đều khiến dứt hết.

Chơn-quán thanh tịnh quán

Trí-huệ quán rộng lớn

Bi-quán và từ-quán,

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng

Sáng thanh tịnh không nhơ

Tuệ nhật (8) phá các tối

Hay phục tai khói lửa

Khắp soi sáng thế gian.

Lòng bi răn như sấm

Ý tứ diệu dường mây (9)

Xối mưa pháp cam lồ

Dứt trừ lửa phiền não (10)

Cãi kiện qua chỗ quan

Trong quân trận sợ sệt

Do sức niệm Quán-Âm

Cừu oán đều lui tan.

Diệu-Âm, Quán-Thế-Âm

Phạm-âm, Hải-triều-âm

Tiếng hơn thế gian kia,

Cho nên thường phải niệm.

Niệm niệm chớ sanh nghi

Quán Âm bậc tịnh thánh

Nơi khổ não nạn chết

Hay vì làm nương cậy.

Đủ tất cả công đức

Mắt lành trông chúng sanh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đảnh lễ.

Bấy giờ, ngài Trì-Địa Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Đạo-nghiệp Tự-Tại, Phổ-Môn Thị-Hiện sức thần thông nầy, thì phải biết công đức người đó chẳng ít”.

Lúc Phật nói phẩm Phổ-Môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm vô-đẳng-đẳng vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

***

26. Phẩm Đà-La-Ni

Lúc bấy giờ, ngài Dược-Vương Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch áo bày vai hữu chấp tay hướng Phật mà bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Nếu có Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn hay thọ trì được kinh Pháp-Hoa này, hoặc đọc tụng thông lẹ, hoặc biên chép quyển kinh, được bao nhiêu phước đức?”

Phật bảo ngài Dược-Vương: ” Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn cúng dường tám trăm muôn ức na-do-tha hằng-hà-sa các đức Phật. Ý ông nghĩ sao? Người đó được phước đức có nhiều chăng?” – Thưa Thế-Tôn! Rất nhiều.

Phật nói: ” Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn ở nơi kinh này có thể thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu đọc tụng giải nghĩa, đúng như lời mà tu hành thì công đức rất nhiều”.

Lúc đó, ngài Dược-Vương Bồ-Tát bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Con nay sẽ cho người nói kinh Pháp-Hoa chú Đà-la-ni để giữ-gìn đó”. Liền nói chú rằng:

”An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ, chuyên đế, mục đế mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý, tang lý, ta lý xoa dệ, a xoa duệ, a kỳ nhị chuyên đế xa lý, đà la ni, a lư dà bà ta kî đá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn dá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật đà tỳ kiết lợi diệt đế đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa dã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ”.

Thế-Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của sáu mươi hai ức hằng-hà-sa các đức Phật nói. Nếu có người xâm hủy vị Pháp-sư này, thì là xâm hủy các đức Phật rồi.

Lúc đó, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật khen Dược-Vương Bồ-Tát rằng: ” Hay thay! Hay thay! Dược-Vương! Ông thương xót muốn ủng hộ vị Pháp-sư đó, nên nói chú Đà-la-ni này, được nhiều lợi ích ở nơi các chúng sanh”.

Lúc bấy giờ, ngài Dõng-Thí Bồ-Tát bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Con cũng vì ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp-Hoa mà nói chú Đà-la-ni. Nếu vị Pháp-sư đó được chú Đà-la-ni này, hoặc Dạ-xoa, La-sát hoặc Phú-đan-na hoặc Cát-giá, hoặc Cưu-bàn-trà, hoặc Ngạ-quỷ v. v. . . rình tìm chỗ dở của Pháp-sư không thể được tiện lợi”. Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:

”Toa lệ, ma ha toa lệ, úc chỉ, mục chỉ, a lệ, a la bà đệ, niết lệ đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nỉ, vi trí nỉ, chỉ trí nỉ, niết lệ trì nỉ, niết lê trì bà để”.

Thế-Tôn! Thần chú Đà-la-ni này của hằng-hà-sa các đức Phật nói, cũng đều tùy hỷ. Nếu có người xâm hủy vị Pháp-sư này thì là xâm hủy các đức Phật đó rồi.

Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Thiên-vương, vì trời hộ đời bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Con cũng vì thương tưởng chúng sanh ủng hộ vị Pháp-sư đó mà nói Đà-la-ni này. Liền nói chú rằng: A-lê, na-lê, nâu na lê, a na lư, na lý, câu na-lý”.

Thế-Tôn! Dùng thần chú này ủng hộ Pháp-sư, con cũng tự phải ủng hộ người trì kinh này, làm cho trong khoảng trăm do tuần không có các điều tai hoạn.

Bấy giờ Trì-Quốc Thiên-Vương ở trong hội này cùng với nghìn muôn ức na-do-tha chúng Càn-thát-bà cung kính vây quanh đến trước chỗ Phật, chấp tay bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Con cũng dùng thần chú Đà-la-ni ủng hộ người trì kinh Pháp-Hoa”. Liền nói chú rằng:

“A dà nễ, dà nễ, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đắng kỳ, thường cầu lợi, phù lâu sa nỉ, át để”.

Thế-Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của bốn mươi hai ức các đức Phật nói, nếu có người xâm hủy vị Pháp-sư này thì là xâm hủy các đức Phật đó rồi.

Bấy giờ có những La-sát nữ: một, tên Lam-bà; hai, tên Tỳ-lam-bà; ba, tên Khúc-xỉ; bốn, tên Hoa-xỉ; năm, tên Hắc-xỉ; sáu, tên Đa-phát; bảy, tên Vô-yếm-túc; tám, tên Trì-anh-lạc; chín, tên Cao-đế; mười, tên Đoạt-nhứt-thiết chúng-sanh tinh-khí. Mười vị La-sát-nữ đó cùng với quỷ Tử-mẫu, con và quyến thuộc đều đến chỗ Phật, đồng tiếng bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp-Hoa, trừ sự khổ hoạn cho người đó. Nếu có kẻ rình tìm chỗ dở của Pháp-sư, thì làm cho chẳng được tiện lợi”. Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:

” Y đề lý, y đề dẫn, y đề lý, a đề lý, y đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê, lâu hê, lâu hê, lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nâu hê”.

Thà trèo lên đầu chúng con, chớ đừng não hại Pháp-sư, hoặc Dạ-xoa, hoặc La-sát, hoặc Ngạ-quỷ hoặc Phú-đan-na, hoặc Cát-giá hoặc Tỳ-đà-la, hoặc Kiền-đà hoặc Ô-ma-lặc-đà, hoặc A-bạt-ma-la, hoặc Dạ-xoa cát-giá, hoặc Nhân-cát-giá, hoặc quỷ làm bệnh nóng, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc đến bảy ngày, hoặc làm bệnh nóng luôn, hoặc hình trai, hoặc hình gái, hoặc hình đồng-nam, hoặc hình đồng-nữ, nhẫn đến trong chiêm bao cũng lại chớ não hại”.

Liền ở nơi trước Phật mà nói kệ rằng:

Nếu chẳng thuận chú ta

Não loạn người nói pháp

Đầu vỡ làm bảy phần

Như nhánh cây A-lê

Như tội giết cha mẹ

Cũng như họa ép dầu (15)

Cân lường khi dối người

Tội Điều-Đạt phá Tăng

Kẻ phạm Pháp-Sư đây

Sẽ mắc họa như thế.

Những La-sát-nữ nói kệ đó rồi, bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng hộ người thọ trì đọc tụng tu hành kinh này, làm cho được an ổn, lìa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc”.

Phật bảo các La-sát-nữ: ” Hay thay! Hay thay! Các người chỉ có thể ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp-Hoa phước chẳng thể lường được rồi, huống là ủng hộ người thọ trì toàn bộ cúng dường qưyển kinh, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, phan, lọng, kỹ nhạc, thắp các thứ đèn: Đèn nến, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, đèn dầu hoa tô-na-ma, đèn dầu hoa chiêm-bặc, đèn dầu hoa bà-sư-ca, đèn dầu hoa ưu-bát-la, nghìn trăm thứ cúng dường như thế.

Cao-Đế! Các người cùng quyến thuộc phải nên ủng hộ những Pháp-sư như thế”.

Lúc nói phẩm ” Đà-la-ni” này, có sáu muôn tám nghìn người được vô-sanh pháp-nhẫn.

***

27. Phẩm Diệu-Trang-Nghiêm-Vương Bổn-Sự

Lúc bấy giờ, Phật bảo hàng đại chúng rằng: ” Về thuở xưa, cách đây vô -lượng vô biên bất-khả -tư-nghì a-tăng-kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Vân-Lôi-Âm Tú-Vương Hoa-Trí Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri. Nước đó tên Quang-Minh Trang-Nghiêm, kiếp tên Hỷ-Kiến”.

Trong pháp hội của Phật đó có vị vua tên Diệu-Trang-Nghiêm, phu nhân của vua tên Tịnh-Đức có hai người con, một tên Tịnh-Tạng, hai tên Tịnh-Nhãn. Hai người con đó có sức thần thông lớn, phước đức trí huệ, từ lâu tu tập đạo hạnh cuả Bồ-Tát, những là: Thí ba-la-mật, giới ba-la-mật, nhẫn-nhục ba-la-mật, tinh-tấn ba-la-mật, thiền ba-la-mật, trí-huệ ba-la-mật, phương-tiện ba-la-mật, từ-bi hỷ-xả nhẫn đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp thảy đều rành rẽ suốt-thấu. Lại được các môn tam-muội của Bồ-Tát: Nhựt-tinh-tú tam-muội, Tịnh-quang tam-muội, Tịnh-sắc tam-muội, Tịnh-chiếu-minh tam-muội, Trường-trang-nghiêm tam-muội, Đại-oai-đức-tạng tam-muội, ở nơi các môn tam-muội này cũng đều thấu suốt.

Lúc đó, đức Phật kia vì muốn dẫn dắt vua Diệu-Trang-Nghiêm cùng thương tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp-Hoa này.

Bấy-giờ, Tịnh-Tạng, Tịnh-Nhãn, hai người con đến chỗ của mẹ chấp tay thưa mẹ rằng: ” Mong mẹ đến nơi chỗ đức Phật Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí, chúng con cũng sẽ theo hầu gần gũi cúng dường lễ lạy”.

Vì sao? Vì đức Phật đó ở trong tất cả chúng trời người mà nói kinh Pháp-Hoa, nên phải nghe và tin nhận.

Mẹ bảo con rằng: ” Cha con tin theo ngoại đạo, rất ham pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa với cha để cùng nhau đồng đi”.

Tịnh-Tạng, Tịnh-Nhãn chấp tay thưa mẹ: ” Chúng con là Pháp-vương-tử mà lại sanh vào nhà tà kiến này!”

Mẹ bảo con rằng: “Các con nên thương tưởng cha các con, mà vì đó hiển phép thần thông biến hóa, nếu cha con được thấy lòng ắt thanh tịnh, hoặc là chịu cho chúng ta qua đến chỗ Phật”.

Lúc ấy, hai người con thương cha nên bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la, hiện các món thần biến. Ở trong hư không đi, đứng, ngồi, nằm, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, ở trong hư không ẩn mất, bỗng nhiên hiện trên đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, hiện các món thần biến như thế làm cho vua cha lòng thanh tịnh tin hiểu.

Bấy giờ, cha thấy con có sức thần như thế, lòng rất vui mừng được chưa từng có, chấp tay hướng về phía con mà nói rằng: ” Thầy các con là ai, con là đệ tử của ai?”

Hai người con thưa rằng: ” Đại-vương! Đức Vân-Lôi-Âm-Tú-Vương-Hoa-Trí Phật kia nay đương ngồi trên pháp tòa dưới cây bồ-đề bằng bảy báu, ở trong tất cả chúng trời người thế-gian, rộng nói kinh Pháp-Hoa, đó là thầy chúng con, con là đệ-tử”.

Cha nói với con rằng: “Ta nay cũng muốn ra mắt thầy các con, nên cùng nhau đồng đi”. Khi đó hai người con từ trong hư không xuống, đến chỗ của mẹ chấp tay thưa mẹ rằng: ” Phụ-vương nay đã tin hiểu, có thể kham phát được tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, chúng con đã vì cha làm Phật sự rồi, mong mẹ bằng lòng cho chúng con, ở nơi chỗ đức Phật kia mà xuất gia tu hành Phật đạo”.

Lúc đó, hai người con muốn tuyên lại ý mình nói kệ thưa mẹ:

Mong mẹ cho các con

Xuất-gia làm Sa-môn

Các Phật rất khó gặp

Chúng con theo Phật học

Như hoa Ưu-đàm-bát

Gặp Phật lại khó hơn

Khỏi các nạn cũng khó

Mong cho con xuất-gia.

Mẹ liền bảo con rằng: ” Cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp vậy”.

Bấy giờ, hai người con thưa cha mẹ rằng: Lành thay, cha mẹ! Xin liền qua đến chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Tú-Vương-Hoa-Trí Phật để gần gũi cúng dường.

Vì sao? Vì Phật khó gặp được, như hoa Linh-Thoại, như rùa một mắt gặp bộng cây nổi (16) mà chúng ta do phước đời trước sâu dày, sanh đời này gặp Phật Pháp, xin cha mẹ nên cho chúng con được xuất gia.

Vì sao? Vì các đức Phật khó gặp được, thời kỳ gặp Phật cũng khó có.

Lúc đó nơi hậu cung của vua Diệu-Trang-Nghiêm có tám muôn bốn nghìn người thảy đều có thể kham thọ trì kinh Pháp-Hoa này. Tịnh-Nhãn Bồ-Tát từ lâu đã thông đạt nơi ” Pháp-Hoa tam-muội”. Tịnh-Tạng Bồ-Tát đã từ vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, thông-đạt môn ” Ly-chư-ác-thú tam-muội”, vì muốn làm cho tất cả chúng sanh lìa các đường dữ (11) vậy.

Phu nhân của vua được môn ” Chư-Phật-Tập tam-muội”, hay biết được tạng pháp bí mật của các đức Phật. Hai người con dùng sức phương tiện khéo hóa độ vua cha như thế, khiến cho lòng cha tin hiểu ưa mến Phật Pháp.

Bấy giờ vua Diệu-Trang-Nghiêm cùng chung với quần thần quyến thuộc, Tịnh-Đức phu nhân cùng chung với thể nữ quyến thuộc nơi hậu cung, hai người con của vua, cùng chung với bốn muôn hai nghìn người đồng một lúc đi qua chỗ Phật. Đến rồi đầu mặt lạy chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, rồi đứng qua một phía.

Lúc đó đức Phật kia vì vua nói pháp, chỉ dạy làm cho được lợi ích vui mừng. Vua rất vui đẹp.

Bấy giờ, vua Diệu-Trang-Nghiêm cùng phu nhân mở chuỗi trân châu giá trị trăm nghìn đeo nơi cổ, để rải trên đức Phật, chuỗi đó ở giữa hư không hóa thành đài báu bốn trụ, trong đài có giường báu lớn trải trăm nghìn muôn thiên y, trên đó có đức Phật ngồi xếp bằng phóng hào quang sáng lớn.

Lúc đó vua Diệu-Trang-Nghiêm nghĩ rằng: Thân Phật tốt đẹp riêng lạ ít có, thành tựu sắc thân vi diệu thứ nhất.

Bấy giờ, đức Vân-Lôi-Âm-Tú-Vương-Hoa-Trí Phật bảo bốn chúng rằng: “Các người thấy vua Diệu-Trang-Nghiêm chấp tay đứng trước ta đó chăng?

Vị vua này ở trong pháp ta làm Tỳ-kheo siêng ròng tu tập các món trợ Phật đạo Pháp, sẽ được làm Phật hiệu Ta-La-Thọ-Vương, nước tên Đại-Quang, kiếp tên Đại-Cao-Vương.

Đức Ta-La-Thọ-Vương Phật có vô lượng chúng Bồ-Tát và vô lượng Thanh-văn, nước đó bằng thẳng công đức như thế”.

Vua Diệu-Trang-Nghiêm liền đem nước giao cho em, rồi cùng phu nhân hai người con và các quyến thuộc, ở trong Phật Pháp xuất gia tu hành đạo hạnh.

Vua xuất gia rồi trong tám muôn bốn nghìn năm thường siêng tinh tấn tu hành kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa; qua sau lúc đây, được môn ” Nhứt-thiết-tịnh-công-đức-trang-nghiêm tam-muội”.

Liền bay lên hư không cao bảy cây đa-la mà bạch Phật rằng: ” ‘Thế-Tôn! Hai người con của con đây đã làm Phật sự dùng sức thần thông biến hóa, xoay tâm tà của con, làm cho con được an trụ trong Phật Pháp, được thấy Thế-Tôn. Hai người con này là thiện-tri-thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước lợi ích cho con nên đến sanh vào nhà con”.

Lúc đó đức Vân-Lôi-Âm-Tú-Vương-Hoa-Trí Phật bảo vua Diệu-Trang-Nghiêm rằng: ” Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn nào trồng gốc lành thời đời đời được gặp thiện-tri-thức, vị thiện-tri-thức hay làm Phật sự, chỉ dạy cho lợi ích vui mừng, khiến vào đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Đại-vương nên biết! Vị thiện-tri-thức đó là nhân duyên lớn, giáo hóa dìu dắt làm cho được thấy Phật phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Đại-vương! Ông thấy hai người con này chăng? Hai người con này đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn muôn ức na-do-tha hằng-hà-sa các đức Phật, gần gũi, cung kính, nơi chỗ các đức Phật thọ trì kinh Pháp-Hoa, thương tưởng những chúng sanh tà kiến làm cho trụ trong chánh-kiến”.

Diệu-Trang-Nghiêm-Vương liền từ trong hư không xuống mà bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Như-Lai rất ít có do công đức trí huệ nên nhục kế trên đỉnh sáng suốt chói rỡ. Mắt Phật dài rộng mà sắc xanh biếc, tướng lông trắng chặn mày như ngọc kha-nguyệt, răng trắng bằng và khít thường có ánh sáng, môi sắc đỏ đẹp như trái tần-bà”.

Lúc đó vua Diệu-Trang-Nghiêm khen ngợi Phật có vô lượng trăm nghìn muôn ức công đức thế rồi, ở trước Như-Lai một lòng chấp tay lạy bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Chưa từng có vậy! Pháp của Như-Lai đầy đủ trọn nên bất-khả tư-nghì công đức vi diệu dạy răn chỗ tu hành an ổn rất hay, con từ ngày nay chẳng còn lại tự theo tâm hành của mình chẳng sanh những lòng ác: Kiêu mạn, giận hờn, tà kiến”.

Vua thưa lời đó rồi lạy Phật mà ra.

Phật bảo đại chúng: ” Ý các ông nghĩ sao? Vua Diệu-Trang-Nghiêm đâu phải người nào lạ, nay chính là Hoa-Đức Bồ-Tát, bà Tịnh-Đức phu nhân nay chính là Quang-Chiếu Trang-Nghiêm-Tướng Bồ-Tát hiện đang ở trước Phật, vì thương xót vua Diệu-Trang-Nghiêm và quyến thuộc nhà vua nên vị Bồ-Tát này sanh sống trong cung. Còn hai hoàng tử nay chính là Dược-Vương Bồ-Tát cùng Dược-Thượng Bồ-Tát”.

Dược-Vương và Dược-Thượng Bồ-Tát này thành tựu các công đức lớn như thế, đã ở chỗ vô lượng trăm nghìn muôn ức, các đức Phật trồng các gốc công đức, thành tựu bất khả tư nghì những công đức lành. Nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-Tát này thì tất cả trong đời, hàng trời, nhân dân cũng nên lễ lạy.

Lúc đức Phật nói phẩm ” Diệu-Trang-Nghiêm-Vương Bổn-sự” này có tám muôn bốn nghìn người xa trần lụy, rời cấu nhiễm, ở trong các pháp chứng được pháp nhãn tịnh.

***

28. Phẩm Phổ-Hiền Bồ-Tát Khuyến-Phát

Lúc bấy giờ, ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô biên bất-khả-xưng-sổ chúng đại Bồ-Tát từ phương Đông mà đến; các nước đi ngang qua khắp đều rung động, rưới hoa sen báu, trổi vô-lượng trăm nghìn muôn ức các thứ kỹ-nhạc.

Lại cùng vô số các đại chúng: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn, phi-nhơn v. v. . . vây quanh, đều hiện sức oai đức thần thông đến cõi Ta-bà trong núi Kỳ-Xà-Quật, đầu mặt lạy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật đi quanh bên hữu bảy vòng, bạch Phật rằng: ” Thế-Tôn! Con ở nơi nước của đức Bảo-Oai-Đức-Thượng-Vương Phật, xa nghe cõi Ta-bà này nói kinh Pháp-Hoa, nên cùng với vô-lượng vô biên trăm nghìn muôn ức chúng Bồ-Tát đồng đến để nghe thọ, cúi mong đức Thế-Tôn nên vì chúng con nói đó”.

Nếu Thiện-nam-tử thiện-nữ-nhơn sau khi Như-Lai diệt độ, thế nào mà có thể được kinh Pháp-Hoa này.

Phật bảo Phổ-Hiền Bồ-Tát rằng: “Nếu Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thành tựu bốn pháp, thì sau khi Như-Lai diệt-độ sẽ được kinh Pháp-Hoa này: Một là được các đức Phật hộ-niệm; hai là trồng các gốc công-đức; ba là vào trong chánh-định; bốn là phát lòng cứu tất cả chúng-sanh”.

Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thành tựu bốn pháp như thế, sau khi Như-Lai diệt-độ quyết được kinh này.

Lúc đó ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Năm trăm năm sau trong đời ác-trược nếu có người thọ trì kinh-điển này, con sẽ giữ gìn trừ các sự khổ-hoạn làm cho được an-ổn, khiến không ai được tiện-lợi rình tìm làm hại; hoặc ma, hoặc con trai của ma, hoặc con gái của ma, hoặc dân ma, hoặc người bị ma dựa, hoặc Dạ-xoa, hoặc La-sát, hoặc Cưu-bàn-trà hoặc Tỳ-xá xà, hoặc Cát-giá, hoặc Phú-đan-na, hoặc Vi-đà-la v. v. . . những kẻ làm hại người đều chẳng được tiện-lợi.

Người đó hoặc đi, hoặc đứng, đọc tụng kinh này, bấy giờ con cưỡi tượng-vương trắng sáu ngà cùng chúng đại Bồ-Tát, đều đến chỗ người đó mà tự hiện thân ra, để cúng-dường thủ-hộ an-ủi tâm người đó, cũng để cúng-dường kinh Pháp-Hoa.

Người đó nếu ngồi suy nghĩ kinh này, bấy giờ con lại cưỡi tượng-vương trắng hiện ra trước người đó, người đó nếu ở trong kinh Pháp-Hoa có quên mất một câu một bài kệ, con sẽ dạy người đó chung cùng đọc tụng, làm cho thông thuộc.

Bấy giờ, người thọ trì đọc tụng kinh Pháp-Hoa được thấy thân con, lòng rất vui mừng lại càng tinh-tấn, do thấy thân con nên liền được tam-muội và Đà-la-ni tên là “Triền-đà-la-ni”, “Pháp-âm-phương-tiện đà-la-ni”, được những môn Đà-la-ni như thế.

Thế-Tôn! Nếu đời sau, sau năm trăm năm trong đời ác-trược, hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu tìm, người thọ trì, người đọc tụng, người biên chép, mà muốn tu tập kinh Pháp-Hoa này, thời trong hai mươi mốt ngày, phải một lòng tinh-tấn, mãn hai mươi mốt ngày rồi, con sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà, cùng vô-lượng Bồ-Tát vây quanh, dùng thân mà tất cả chúng-sanh ưa thấy, hiện nơi trước người đó để vì nói pháp chỉ dạy cho lợi-ích vui mừng cũng lại cho chú Đà-la-ni.

Được chú Đà-la-ni này thì không có phi-nhơn nào có thể phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ làm hoặc loạn. Con cũng đích thân thường hộ người đó. Cúi mong đức Thế-Tôn nghe con nói chú Đà-la-ni này, liền ở trước Phật mà nói chú rằng:

“A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để, Phật đà ba chiên nễ, tát bà đà la ni a bà đa ni, tát bà bà sa a bà đa ni, tu la bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết dà đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà dà địa, đế lệ a nọa tăng già đâu lược, a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa, tam ma địa dà lan địa, tát bà đạt mạ tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa lâu đà kiêu xá lược, a nâu dà địa, tân a tỳ cát lợi địa đế”.

Thế-Tôn! Nếu có Bồ-Tát nào được nghe chú Đà-la-ni này, phải biết đó là sức thần thông của Phổ-Hiền.

Nếu kinh Pháp-Hoa lưu-hành trong Diêm-phù-đề có người thọ trì, thời nên nghĩ rằng: Đều là sức oai thần của Phổ-Hiền.

Nếu có người thọ trì đọc tụng ghi nhớ chân chánh hiểu nghĩa thú trong kinh đúng như lời mà tu hành, phải biết người đó tu hạnh Phổ-Hiền, ở nơi vô lượng vô biên các đức Phật, sâu trồng gốc lành, được các Như-Lai, lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ in chép, người này mạng chung sẽ sanh lên trời Đao-Lợi.

Bấy giờ, bốn muôn tám nghìn thiên nữ trổi các kỹ nhạc mà đến rước , người đó liền đội mũ bảy báu ở trong hàng thể nữ, vui chơi khoái lạc, huống là thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh hiểu nghĩa thú kinh, đúng như lời mà tu hành.

Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa thú kinh, người đó khi mạng chung được nghìn đức Phật trao tay, khiến chẳng sợ sệt, chẳng đọa vào đường dữ, liền lên cung trời Đâu-Suất, chỗ Di-Lặc Bồ-Tát mà sanh vào trong hàng quyến thuộc trăm nghìn muôn ức thiên nữ, đức Di-Lặc Bồ-Tát có ba mươi hai tướng, chúng đại Bồ-Tát cùng nhau vây quanh. Có công đức lợi ích như thế cho nên người trí phải một lòng tự chép hoặc bảo người chép thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh đúng như lời mà tu hành.

Thế-Tôn! Con nay dùng sức thần thông giữ gìn kinh này, sau khi Như-Lai diệt độ, làm cho rộng lưu bố trong Diêm-phù-đề khiến chẳng dứt mất.

Lúc bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật khen rằng: ” Hay thay! Hay thay! Phổ-Hiền! Ông có thể hỗ trợ kinh này làm cho nhiều chúng sanh an vui lợi ích, ông đã thành tựu bất-khả tư-nghì công đức, lòng từ bi sâu lớn, từ lâu xa đến nay phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, mà có thể thực hành nguyện thần thông đó, để giữ gìn kinh này.

Ta sẽ dùng sức thần thông giữ gìn người hay thọ trì danh hiệu Phổ-Hiền Bồ-Tát.

Phổ-Hiền! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh tu tập biên chép kinh Pháp-Hoa này, phải biết người đó thì là thấy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, như từ miệng Phật mà nghe kinh điển này. Phải biết người đó cúng dường cho đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, phải biết người đó được Phật Ngài khen lành thay, phải biết người đó được Thích-Ca Mâu-Ni Phật lấy tay xoa đầu. Phải biết người ấy được đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, lấy y trùm cho. Người như thế chẳng còn ham ưa sự vui trong đời, chẳng ưa kinh sách viết chép của ngoại đạo, cũng lại chẳng ưa gần gũi ngoại đạo và các kẻ ác, hoặc kẻ hàng thịt, hoặc kẻ nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, hoặc kẻ buôn bán sắc gái. Người đó tâm ý ngay thật có lòng nghĩ nhớ chơn chính có sức phước đức. Người đó chẳng bị ba món độc làm não hại, cũng chẳng bị tính ghen ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại. Người đó ít muốn biết đủ, có thể tu hạnh Phổ-Hiền.

Phổ-Hiền! Sau khi Như-Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nào thấy người thọ trì đọc tụng kinh Pháp-Hoa phải nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá các chúng ma thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, chuyển pháp luân, đánh pháp cổ, thổi pháp loa, rưới pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp tòa sư-tử trong đại chúng trời người.

Phổ-Hiền! Nếu ở đời sau, có người thọ trì đọc tụng kinh điển này, người đó chẳng còn lại ham ưa y phục, giường nằm, những vật nuôi sống, chỗ mong cầu chẳng luống, cũng ở trong hiện đời được phước báo đó.

Nếu có người khinh chê đó rằng: ” Ông là người điên cuồng vậy, luống làm hạnh ấy trọn không được lợi-ích”. Tội báo như thế sẽ đời đời không mắt. Nếu có người cúng dường khen ngợi đó, sẽ ở trong đời này được quả báo hiện tại.

Nếu lại thấy người thọ trì kinh này mà nói bày lỗi quấy của người đó, hoặc thực, hoặc chẳng thực, người này trong hiện đời mắc bệnh bạch-lại (12) . Nếu khinh cười người trì kinh sẽ đời đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chân cong quẹo, mắt lé, thân-thể hôi dơ, ghẻ dữ máu mủ, bụng thũng hơi ngắn, bị các bệnh nặng dữ.

Cho nên Phổ-Hiền! Nếu thấy người thọ trì kinh điển này phải đứng dậy xa rước, phải như kính Phật.

Lúc Phật nói phẩm Phổ-Hiền Bồ-Tát khuyến phát này có hằng-hà-sa vô lượng vô biên Bồ-Tát được trăm nghìn muôn ức môn ” Triền-đà-la-ni”, tam-thiên đại-thiên thế giới vi trần số các đại Bồ-Tát, đủ đạo Phổ-Hiền.

Lúc Phật nói kinh này, Phổ-Hiền v. v. . . các vị Bồ-Tát, Xá-Lợi-Phất v. v. . . các vị Thanh-văn và hàng trời, rồng, nhơn, phi-nhơn v. v. . . tất cả đại chúng đều rất vui thọ trì lời Phật làm lễ mà đi.

***

THÍCH NGHĨA:

(1 ) Trên đầu Đức Phật, thịt đùn cao lên như hình búi tóc, 1 tướng tốt trong 32 tướng tốt của thân Phật.

(2 ) Mỗi vị Phật đều có đủ 10 hiệu này, phải đủ 10 hiệu này mới phải là Phật:

1. Như-Lai: Toàn thể như như bất động, tùy duyên hóa độ mà đến trong muôn loài – đến trong muôn loài mà vẫn như như bất động.

2. Ứng-Cúng: Ruộng phước vô lượng vì lợi quần sanh nên đến thọ sự cúng dường của chín giới.

3. Chánh-Biến-Tri: Hiểu biết suốt thấu khắp tất cả pháp một cách chơn chánh đúng như thực.

4. Minh-Hạnh-Túc: Minh: trí huệ, Hạnh: công hạnh lợi mình lợi người. Trí huệ và công hạnh đều hoàn bị.

5. Thiện-Thệ: Khéo qua. Qua Niết-bàn nhưng vẫn thường độ sanh, nhưng vẫn không rời Niết-bàn.

6. Thế-Gian-Giải: Rành rẽ tất cả pháp của thế-gian và xuất-thế-gian.

7. Vô-Thượng-Sĩ: Đấng vô thượng, không còn ai trên.

8. Điều-Ngự-Trượng-Phu: Bậc trượng phu hay điều hòa hóa độ chúng sanh nhu hòa, và hay ngự phục hóa độ chúng sanh cang cường.

9. Thiên-Nhân-Sư: Thầy của tất cả trời, người v. v. . .

10. Phật: Đấng vô-thượng chánh đẳng chánh giác.

“Thế-Tôn” hiệu chung của 10 hiệu trên. Nếu được đủ 10 đức hiệu trên thời là bậc tôn quý của thế-gian và xuất-thế-gian.

(3 ) Kim-Cang: Một chất rất cứng rắn, không chi phá vỡ được.

(4 ) Hiệu chung của tất cả người xuất gia.

(5 ) Năm-Căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.

(6 ) Người chủ, người dùng bùa chú thuốc độc để hại người khác.

(7 ) Ta thường gọi là mưa đá.

(8 ) Mặt trời trí huệ, ý nói trí huệ sáng chói như mặt trời.

(9 ) “Lòng bi” là lòng muốn cứu chúng sanh khỏi khổ, răn trừ các độc, như sấm vang làm khiếp vía các ma mị.

“Ý TỪ” là muốn chúng sanh được hưởng các sự vui thỏa nên thường đem sự lợi lạc ban cho chúng sanh như mây rưới mưa đượm nhuần cỏ cây muôn vật.

(10) Lòng tham giận, ganh, v. v. . . làm phiền nhiễu bức rức khổ não thân tâm người như lửa đốt, Bồ-Tát nói pháp trừ những tánh xấu trên đó làm cho thân tâm người thư thái mát mẻ, như rưới nước cam lồ tắt lửa.

(11) Địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sanh.

(12) Bệnh hủi (da tróc sần sùi, tóc mày đều rụng).

(13) Hội lớn rộng rất đông như biển không thể lường biết!

(14) 1) Thuyết-pháp chu, 2) Thí-dụ chu 3) Nhân-duyên chu. Phụ. – Bích-chi-Phật: có hai hạng:

1) Ra đời không gặp Phật, không gặp chánh pháp, nhân thấy sự biến

đổi trong đời như hoa héo lá khô, v. v. . . mà tự ngộ lý vô thường, dứt kiến-tư-hoặc, thoát ly sanh tử luân hồi, gọi là vị: Độc Giác.

2) Ra đời gặp Phật, gặp chánh pháp, tu pháp ” thập-nhị-nhân-duyên” (xem Phẩm “Hoá-Thành-Dụ” thứ 7, quyển thứ ba), mà chứng ngộ vô sanh, thoát ly sanh tử luân hồi gọi là vị “Duyên-Giác”, 2 bậc: Độc-Giác cùng Duyên-Giác, cứ quả vị thì ngang với quả A-la-hán.

(15) Người xứ Tây-Trúc ép dầu, trước giã nhỏ mè hay đậu v. v. . . ủ cho sanh trùng rồi sau mới ép. Ép dầu tức là sát hại nhiều trùng nên phải bị ương họa.

(16) Để ví dụ những việc lâu xa khó gặp khó được. Kinh nói: “Như trong biển lớn có khúc cây bọng nổi trên mặt nước 100 năm một lần trôi qua, 100 năm một lần trôi lại; đáy biển có một con rùa đui, 100 năm một lần nổi lên mặt nước đón một bọng cây để chui vào. Biển rộng, cây 100 năm mới một lần trôi qua, rùa đã mù mà 100 năm mới nổi lên 1 lần, chực chui được vào bộng cây, khó lắm!”

(17) Tức là “Đà-la-ni”

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 7)

Kinh Phật 15:04 05/01/2025

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 6)

Kinh Phật 15:56 04/01/2025

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 5)

Kinh Phật 10:48 03/01/2025

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Quyển 4)

Kinh Phật 12:08 02/01/2025

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

Xem thêm