Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 07/10/2023, 20:47 PM

“Kỹ sư áo nâu” xây hàng trăm cầu nông thôn giúp bà con Đồng Tháp Mười

Gần 30 năm, Thượng tọa Thích Lệ Tấn, 70 tuổi đã vận động mạnh thường quân xây hơn 300 cây cầu cùng nhà tình thương ở vùng sâu, xa ở Đồng Tháp Mười.

Sáng đầu tháng 10, trong khi sư thầy Lệ Tấn, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tân Thạnh, trụ trì chùa Giác Hoa (Hậu Thạnh Đông) nghe điện thoại, chiếc điện thoại còn lại trên bàn làm việc liên tục reo.

Bài liên quan

Khoác vội chiếc tay nải đã sờn, chiếc xe máy của vị sư trụ trì nổ máy, nửa tiếng sau Thầy đã có mặt tại công trường cầu bắc qua sông xã Nhơn Hòa Lập, cách đó khoảng 10 km. Cây cầu bêtông cốt thép dài 30 m, rộng 3,7 m kinh phí khoảng 700 triệu đồng sau một tháng thi công đã xong phần trụ, mố chỉ chờ gác dầm, dự kiến khoảng một tháng nữa sẽ hoàn thành.

"Một ngày nghe 30, 50 cuộc gọi là bình thường, như trong sáng nay tôi vừa chạy đi khảo sát tiến độ thi công hai cây cầu, kiểm tra xây nhà tình nghĩa, vừa tiếp nhận các ca xin mổ mắt từ thiện", thầy Tấn nói.

Thượng tọa Thích Lệ Tấn, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tân Thạnh. Ảnh: Hoàng Nam

Thượng tọa Thích Lệ Tấn, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tân Thạnh. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, cho biết địa phương thuộc vùng sâu, khó khăn, phần lớn các cầu bắc qua sông đã cũ và nhỏ hẹp, ôtô không qua được. Nhờ Thượng tọa cùng các mạnh thường quân, đầu năm đến nay xã đã xây mới 10 cầu cùng 2 cống, tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Trời mưa nặng hạt, vị sư già tiếp tục chạy xe máy thêm 5 km, băng qua con đường đá đỏ ngập ngụa bùn lầy đến xã Hậu Thạnh Tây. Cạnh bờ kênh, căn nhà cấp 4 của ông Lương Văn Đức (56 tuổi) đang được nhóm thợ hoàn thiện những công đoạn cuối, dán gạch, thi công nhà vệ sinh.

Bài liên quan

Ông Đức là cựu chiến binh trở về từ chiến trường Campuchia, nhiều năm nay thần trí không ổn định, lại không vợ con nên cất căn chòi lá ở tạm cạnh nhà người em. Biết chuyện, thầy Lệ Tấn vận động các nhà hảo tâm gần xa được 120 triệu đồng để xây nhà tình thương. "Có căn nhà mới không còn lo mưa nắng sẽ giúp anh tôi mau lành bệnh, đỡ vất vả tuổi xế chiều", em trai ông Đức nói.

Sau khi tiếp tục vượt hơn 10 km kiểm tra tiến độ một cầu khác nối hai tỉnh Tiền Giang, Long An tại xã Nhơn Ninh, sư thầy trở về chùa khi trời đã nhá nhem tối. Phía trước cổng chùa, các cọc nhồi bêtông cùng nhiều cuộn cáp, vật liệu xây dựng từ TP HCM cũng vừa được vận chuyển về tập kết, chuẩn bị cho dự án cầu mới.

Thượng tọa Thích Lệ Tấn kiểm tra chất lượng gạch tại nhà tình nghĩa của cựu chiến binh Lương Văn Đức. Ảnh: Hoàng Nam

Thượng tọa Thích Lệ Tấn kiểm tra chất lượng gạch tại nhà tình nghĩa của cựu chiến binh Lương Văn Đức. Ảnh: Hoàng Nam

Thượng tọa Thích Lệ Tấn quê gốc ở xứ "rốn phèn" Tân Thạnh, năm 13 tuổi Thầy xuất gia. Sau nhiều năm tu tập và tham gia công tác thiện nguyện, nhận thấy địa phương kênh rạch chằng chịt nhưng thiếu cầu, người dân phải đi "cầu khỉ" hoặc xuồng, đò ngang rất vất vả nên thầy phát nguyện vận động xây cầu.

Ban đầu, do thiếu kinh phí lẫn kinh nghiệm, các cầu chỉ đủ rộng cho xe máy chạy, ngoài trụ bêtông, nhịp chính vẫn bằng gỗ. Về sau, thầy Lệ Tấn tham khảo mô hình cầu nhiều nơi để rút kinh nghiệm, Thầy cũng đến tận TP HCM chọn vật liệu và trực tiếp giám sát thi công để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Toàn bộ cầu nông thôn trước khi thi công đều được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thẩm định.

Không qua trường lớp đào tạo, nhưng nhờ nhiều năm tự tìm tòi, học hỏi, thượng tọa khá am hiểu các kiến thức về xây dựng, có thể đọc và góp ý bản thiết kế, tính được tải trọng. Nhiều người dân địa phương vì thế còn gọi thầy là "kỹ sư áo nâu".

Tại công trường, thầy Lệ Tấn còn có đội ngũ thợ phụ hùng hậu là người dân địa phương. Mỗi khi cầu khởi công, họ đều đến công trường xin trộn, xách vữa hoặc thay phiên nhau nấu cơm cho thợ xây.

"Có khi một ngày trên 100 người dân đến đăng ký góp công sức, nên nhiều cầu sớm hơn tiến độ", Thượng tọa nói và cho biết một số hộ ban đầu không đồng ý hiến đất xây cầu, Thầy phải chạy xe máy đến nhà nhiều lần vận động, phân tích lợi ích cho họ thấy, dự án sau đó mới triển khai được.

Cầu treo bắc qua kinh Dương Văn Dương dài hơn 70, rộng 3 m kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng do Thượng tọa Thích Lệ Tấn cùng UBND huyện Tân Thạnh phối hợp xây dựng. Ảnh: Hoàng Nam

Cầu treo bắc qua kinh Dương Văn Dương dài hơn 70, rộng 3 m kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng do Thượng tọa Thích Lệ Tấn cùng UBND huyện Tân Thạnh phối hợp xây dựng. Ảnh: Hoàng Nam

Không chỉ huyện Tân Thạnh, theo từng năm những chiếc cầu dáng cong cong sơn màu vàng nhà chùa xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương khác như Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng đến tỉnh bạn như Tiền Giang, Đồng Tháp.

Bài liên quan

Ông Hà Thanh Chì, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, cho biết chỉ tính từ năm 2020 đến nay, thầy Lệ Tấn cùng các đơn vị liên quan đã vận động xây mới và duy tu, sửa chữa gần 90 cầu bêtông cốt thép, tổng vốn gần 33 tỷ đồng. Trong đó, có những cầu dây văng dài hơn 70 m, kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.

"Nhờ đóng góp của thầy mà bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, việc đi lại của người dân cũng đỡ vất vả hơn", ông Chì nhận định.

Ở tuổi 70, Thượng tọa Thích Lệ Tấn cho biết ngày nào còn sức Thầy sẽ cố gắng xây càng nhiều cầu càng tốt để phục vụ người dân tốt hơn. "Từ nay đến cuối năm chỉ tiêu còn 8 cây cầu nữa phải hoàn thành, tâm nguyện của tôi là làm sao mỗi năm phải xây mới khoảng 30 cầu", Thượng tọa cho biết.

*Title đã được BBT đặt lại

Nguồn: Báo VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bậc Thầy mô phạm

Chân dung từ bi 14:50 25/03/2024

Giản dị nhưng sâu lắng, nghiêm nghị mà từ bi, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uy hùng mà bao dung. Mỗi lời nói của khẩu đều là Pháp ngữ, mỗi động tĩnh của thân đều là Phật hạnh. Tùy duyên nhậm vận, trọn đời thuyết pháp cứu độ quần sinh, hòa quang đồng trần, thuận theo nhân tâm mà hành Phật sự.

“Làm đến Hòa thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ”

Chân dung từ bi 10:15 11/03/2024

Có lúc giữa chúng đông, tôi thường nói, bây giờ làm đến Hoà thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên!

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Chân dung từ bi 16:00 02/03/2024

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Thiền sư Vạn Hạnh - Hình tượng ngàn năm

Chân dung từ bi 11:20 06/02/2024

Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm