Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 16/04/2017, 13:25 PM

Ký sự dự lễ "Trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ" ở làng Thi Ông, Quảng Trị

Sáng ngày 19/03/Đinh Dậu (15/04/2017) dân làng Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thành tâm tổ chức Đại lễ Trai đàn truy niệm tiền hiền công đức, phổ độ tiên linh, giải oan, chuẩn tế âm linh cô hồn, cầu nguyện âm siêu dương thái; cho các hương linh từ đời thứ nhất cho đến thế hệ sau cùng của các họ tộc.

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng cực Bắc Trung Bộ, dân số 612.500 người, diện tích 4.746km², có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Đây là tỉnh có Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt hai miền Bắc - Nam Việt Nam, đó cũng là một chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975).

Phật giáo được truyền vào tỉnh Quảng Trị cách đây trên 600 năm, dấu tích của các ngôi chùa cổ không còn nhiều do dòng thời gian và nhất là sự ác liệt của chiến tranh nên chùa chiền, làng ấp bị tàn phá một cách khốc liệt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Quảng Trị đã chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát nhưng cũng là niềm tự hào vì đây là nơi xuất phát ra những bậc Tăng tài cho đạo pháp, là nơi có số lượng tăng sĩ nhiều nhất trên cả nước (ước tính trên 6.000 tăng, ni đi tứ phương).

Ngày nay, về Quảng Trị được biết với những địa danh như nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, hàng rào điện tử Mc Namara, cầu treo Dakrong, đại lộ Kinh Hoàng, bãi tắm cửa Tùng và biển Mỹ Thủy.

Tìm hiểu về quá khứ cho thấy, vùng đất đã trải qua nhiều trận chiến tranh, chịu bao oan khí vất vưởng, hàng bao thế kỷ, chưa bao giờ người sống quan tâm đến người đã chôn thân ươm mầm xanh tươi cho đất mẹ, bởi cuộc sống của người dân chưa được an toàn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên; bao lần tài sản máu xương của người dân đã bị bão lũ cuốn trôi, ruộng vườn từng bị tiêu điều sau cơn giông tố. Dù chiến tranh hay lúc thái bình, người dân luôn là nạn nhân đau thương trước những nghiệt ngã của dâu bể tang thương.

Vào đời vua Hồng Đức triều Lê một người họ Võ đi chinh sứ đến đây, thấy vùng đất phong cảnh hữu tình, Ngài dừng lại cắm mốc giới để khai hoang lập ấp và trở thành Thỉ Tổ tiền khai của làng Thi Ông. Sau đó có ngài họ Nguyễn và ngài họ Hồ cũng vào thêm cùng nhau sinh sống ở đây, xác định ranh giới vùng đất đai của làng và ngài Nguyễn là kiến canh địa bộ, ngài Hồ là hậu khai canh của làng Thi Ông. Sau này còn có các họ khác đến nhập cư có số khẩu trên 20 người, trên 5 hộ sinh sống tại làng như họ Lê, họ Phạm, Nguyễn Thế,…
Nghinh đón Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa về làm lễ Trai đàn
Chính vì vậy, để đền ơn đáp nghĩa những Tiên Tổ đã khai sơn lập địa, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, những người con quá cố đã làm rạng rỡ quê hương, ngày 19-20/03/Đinh Dậu (14-15/04/2017), toàn thể con dân làng Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thành tâm tổ chức Đàn chay, Đại lễ Trai đàn truy niệm tiền hiền công đức, phổ độ tiên linh, giải oan, chuẩn tế âm linh cô hồn, cầu nguyện âm siêu dương thái; cho các hương linh từ đời thứ nhất cho đến thế hệ sau cùng của các họ tộc. 
HT.Thích Trí Hải, Thành viên HĐCM, Phó Trưởng ban TT BTS Phật giáo tỉnh Quảng Trị, HT.Thích Chánh Huyền, Phó Trưởng ban TT BTS Phật giáo tỉnh Quảng Trị cùng Chư tôn đức về tham dự làm lễ Trai đàn.
Đề cao truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những người con xa quê hàng năm nhưng với đạo lý, nghĩa tình “ly hương bất ly tổ”, toàn thể dân làng đã chung sức, chung lòng, chung tài vật luôn kề vai sát cánh tổ chức Đại lễ.

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.”

Căn cứ vào sử liệu đến nay làng Thi Ông đã có lịch sử 517 năm khai sơn lập địa, làng có gần 500 hộ với 2000 nhân khẩu, gần 1.500 người sinh sống khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Dù đi đâu, ở đâu những hình ảnh đình, chùa, miếu mạo, dòng sông Vĩnh Định, bến đò Thi Ông với lũy tre làng, cánh đồng xanh ngát không bao giờ phai mờ trong lòng người con dân của làng.
Lễ nghinh phan Sơn Thủy trên sông Vĩnh Định
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử “Đá trôi nhưng làng không trôi”, bà con dân làng dù đi đâu cũng nhớ về nguồn cội. Làng tuy nghèo nhưng đã có truyền thống hiếu học, khuyến học và khuyến tài. Bà con dân làng sống có đạo lý, thủy chung, đoàn kết yêu thương nhau.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dân làng Thi Ông đã có nhiều cống hiến lớn lao về công của và xương máu, dân làng Thi Ông cũng như những dân làng khác, luôn đấu tranh để tồn tại và trưởng thành. Người dân làng không chịu khuất phục trước áp bức, cướp nước của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với truyền thống yêu quê hương, dân làng đã kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh chống giặc, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của đất nước. 
Rước vong linh từ sông Vĩnh Định về nhập đàn tràng
Vượt qua muôn vàn khó khăn với sự nỗ lực phấn đấu, chung tay góp sức của dân làng trong và ngoài nước, đến nay hầu hết các di tích lịch sử của làng đều được tái tạo, cuộc sống của dân làng đã đi vào ổn định. Sự trưởng thành và lớn mạnh của làng là nhờ truyền thống yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. 
Lễ Yết bái tại miếu 
Sinh ra trên mảnh đất là khúc eo, là “đòn gánh” của hai đầu đất nước, chịu nhiều khổ đau vì thiên tai, vì chiến tranh nên con người nơi đây nhận thức rõ về nỗi khổ, để rồi người làng Thi Ông nói chung và người Quảng Trị nói riêng đã chọn đạo Phật làm cứu cánh, tu tập giải thoát khổ đau. Nơi gian khổ, nghèo khó nhất chính là nơi trui rèn cho đạo lực thêm mạnh mẽ, và đó là lý do vì sao Phật giáo âm ỉ thấm nhuần vào lòng người Quảng Trị, biểu hiện rõ từ số lượng người xuất gia tu học cũng như phật tử địa phương thuần mến Phật, theo đạo Phật.

Chính vì thế, gần đây Phật giáo đã thường xuyên tổ chức các đại đàn chẩn tế để kỳ siêu chư anh linh tại Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Đại lộ Kinh Hoàng,... và tổ chức kỳ siêu cho hương linh tại các chùa. Trong làng Thi Ông có Thượng tọa Thích Tâm Hiệp là một tu sĩ biết kết hợp phong tục truyền thống để hướng dẫn quần chúng hòa hợp giữa sự tu tập và tế độ hương linh Tiên Tổ, thể hiện tinh thần Tứ trọng ân của Phật giáo, qua đó xoa dịu một phần đau thương của thân nhân còn sống, an ủi những cô hồn nơi thế giới âm linh, và đem Phật pháp thấm nhuần vào lòng người, trở thành một nét đẹp văn hóa trong lòng dân tộc.
Chư tôn đức làm lễ đề phan vị, thỉnh chư hương linh, cung tiến
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp cho biết, Đại lễ Trai đàn lần này là thầy đã khởi xướng, bàn bạc dân làng từ năm 2009, như vậy sau 8 năm mới thành hiện thực. Việc tổ chức một Đại lễ Trai đàn do dân làng phát tâm tự đứng ra làm là điều vô cùng khó, với sự kiên trì thuyết phục của thầy, gia hộ của Tam bảo, thầy Tâm Hiệp đã hoàn thành được một tâm nguyện cho làng xã, nơi đã nuôi lớn thầy trưởng thành và trở thành một tu sĩ Phật giáo cống hiến nhiều cho xã hội, hiện nay thầy đang xây dựng ngôi chùa Kim Bản (tại thôn Tràng, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với sự tài trợ của ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka, ngoài ra thầy còn tham gia vào các hoạt động xã hội như từ thiện, lập dự án Tủ vàng sách quý Việt Nam, tổ chức kỳ siêu hàng tháng,… thầy Tâm Hiệp còn đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về đạo hiếu trong Chương trình Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” do Ban TTTT T.Ư GHPGVN tổ chức năm 2016, với tác phẩm “Đĩa ngô đầu mùa”.
Cụ Võ Đình Phả, Hội chủ làng Thi Ông cùng các bô lão làm lễ Trai đàn
Đại lễ Trai đàn là dịp để dân làng dù ở đâu, trong nước và ngoài nước luôn luôn hướng về cội nguồn “ly hương bất ly tổ”, là dịp tri ân Tiên Tổ đã dày công khai canh lập ấp, đến nay đã sinh hạ 17 đời, nhiều con dân làng trong và ngoài nước đã làm rạng rỡ quê hương, góp phần xây dựng làng Thi Ông nói chung và toàn tỉnh Quảng Trị nói riêng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Mặc dù, chịu nhiều thiên tai, chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào nương lúa, song với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết keo sơn, toàn thể dân làng Thi Ông đã thành tâm, hợp sức, nhất trí đứng lên tổ chức Đại lễ Trai đàn cho các hương linh đã mất từ ngày thành lập làng 517 năm qua được siêu thoát trong thế giới âm linh. Đại lễ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 14/03 - 20/03/Đinh Dậu), hàng ngày dân làng đều thỉnh Chư tăng về làm lễ, tụng kinh cầu nguyện, cúng vong linh,... Có hơn 6.000 vong linh có danh sách được cầu siêu. Điều đặc biệt là mọi kinh phí đều do dân làng đóng góp tổ chức.
Món chay dân làng thành tâm chuẩn bị từ sáng sớm dâng lên chư vị hương linh tiền bối
Hiếm thấy một trai đàn nào do dân làng khởi xướng tổ chức như vậy, đây là sự kiện lịch sử của làng, đàn chay được tổ chức với sự thống nhất của toàn thể dân làng Thi Ông, các nghi lễ được thực hiện trên tinh thần Phật giáo vừa hiệu quả cho người quá cố, người dương thế cũng vui mừng hoan hỷ. Phật giáo góp phần xoa dịu nỗi đau thương, oan ức của những cô hồn hàng nghìn năm lưu lạc, hôm nay theo tiếng kinh cầu mà được siêu thoát, qua Đại lễ mới thấy được Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong tận ngõ ngách của cuộc sống.

Trên tinh thần "Âm siêu dương thới", tất cả lòng thành kính của con dân làng Thi Ông, sau 517 năm khai sơn lập địa, hôm nay toàn thể đều hướng về chư vị hương linh, cô hồn, thành kính đốt nén tâm hương, nguyện linh hồn trong cõi âm dương, hãy lắng nghe kinh nhẹ nhàng siêu thoát, cho người nặng tình nhẹ bớt đau thương, cho người sống được bình an, mùa màng thuận lợi.
Dân làng tụng kinh Thủy Sám
Đại lễ Trai đàn đã quy tụ đông đảo bà con dân làng Thi Ông về tụng kinh, cầu nguyện, trong đó những gia đình theo Thiên Chúa giáo, đạo khổng, đạo thờ cúng ông bà, và chủ yếu dân làng theo đạo Phật. Đạo pháp với dân tộc thấm nhuần vào tư tưởng người dân nơi đây, ở tận miền quê xa nhưng gắn bó keo sơn, hòa quyện với văn hóa làng xã của con người.
Lễ hành đàn, giải oan bạt độ, cầu siêu, quy y cho 6.000 hương linh
Thượng tọa Thích Minh Thông, trụ trì Am Thụy Ứng, kiêm trụ trì chùa làng Thi Ông cho biết "... Trai đàn khởi xướng cách đây lâu rồi, nhưng mãi không thực hiện được, để tổ chức một Trai đàn do dân làng tự đứng ra làm là điều vô cùng khó khăn, cách đây một tháng dân làng mới đi đến thống nhất, chỉ trong một tháng chuẩn bị, đến giờ phút này Trai đàn đã thành công viên mãn, đây là sự nhiệm mầu của những hương linh, cô hồn họ ao ước, cầu mong. 
Nhờ công đức Tổ tiên ông bà, và người trong làng có tâm hướng về đạo hạnh, báo hiếu nên kết tụ lại, vì thế mà mọi việc đã thành tựu viên mãn. Việc tổ chức Trai đàn là việc tốt, giúp cho dân làng được an lành và đây cũng là tác động, khơi dậy những làng khác để con cháu hướng về nguồn cội, hướng về tiên linh, báo hiếu Tổ tiên ông bà..."
Đại Trai đàn được diễn ra trang nghiêm, thành kính trong niềm hân hoan của toàn thể con dân làng Thi Ông. Nguyện cầu hương linh Tiên Tổ và các vong hồn phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, nhân dân trong làng được khỏe mạnh, hạnh phúc, thăng tiến, sống tốt đời đẹp đạo.

Tâm Đạt

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm