Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 26/06/2016, 07:14 AM

Ký sự một buổi lễ chùa quê

Pháp Quang tự miền Sóc Sơn tồn tại từ bao giờ chẳng rõ. Chỉ biết rằng chùa bị phá từ những năm đầu cuộc chiến chống Pháp. 

Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Hòa bình lập lại, dân làng xót cảnh hoang phế, cùng nhau xây lên một nếp chùa vách đất cỏn con. Tượng Thế Tôn và các vị khác bằng đất sét nặn do một bác thợ nề tạo tác. Năm tháng trôi đi, làng nhiều thêm nhà ngói, phố chợ nhộn nhịp sầm uất hơn riêng cảnh chùa vẫn đìu hiu. Tượng đất im buồn chẳng nói.

Cuối năm Ngọ 2014, Thành hội cho sư thầy về bàn với dân xây lại chùa. Ngày động thổ, cờ xí đỏ đường thôn, chiếu điều trải hàng trăm mét đường đón chư tăng và phật tử.

Lễ tan rồi, nhìn mảnh đất gập ghềnh nhấp nhô ao chuôm khấp khểnh, mấy bụi tre lụi với cái cổng sập một nửa bên ngoài, gian chùa bằng đất đắp ngày trước nay mái xô vẹo hẳn sang bên mới thấy hoảng thay cho sư thầy. Chẳng biết nền đâu móng đâu tiền đâu mà chùa với chiền. Nhiều đứa chép mồm nói vụng thật chẳng biết thầy có phúc hay có nghiệp phải xây chùa.

Tết năm Mùi chúng em lên chúc Tết, thầy đưa ra xem tiến độ: nhà Tổ vừa xong mái, tường vách chưa có, chỉ có mấy cái cột gỗ dỡ từ căn nhà cũ do phật tử cúng dường. Chỗ Chính điện có một cái bàn, hai bình hoa cúc vàng, và một lư hương đơn sơ ở giữa. Hình như đâu đó cũng có một nhành đào bích.

Một bà cụ trong làng vừa "A Di Đà Phật" chào thầy vừa khó nhọc bước lên bậc đá mới xây. Bà thắp hương lễ Phật mà em cứ lặng người đi nhìn. Cụ chẳng quản gì chùa chưa xây hay đã xây, có đài có điện có tượng hay không, cụ lễ đức Phật vô hình trên hai bình hoa, thảnh thơi khấn lầm rầm trong buổi sớm đầu xuân mát mẻ. Em nghĩ, như thế này chắc chắn thầy sẽ xây được chùa. Dân nghèo nhưng tịnh tín, phước đức của làng sẽ trợ duyên cho thầy.

Tết năm Thân này, chúng em lại có duyên được lên chùa dự lễ giải đàn Dược Sư và Rằm tháng Giêng vào buổi tối.

Một năm đã qua, nhà tổ đã xây xong, Tam bảo mới xong phần móng. Và lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ, làng làm lễ hội Rằm tháng Giêng tại chùa. Tựa như chùa trong lòng người đã thành hình trang trọng.

Rạp dựng trong sân dưới thềm nhà tổ, các bà các chị tíu tít sắp cỗ cúng Mông sơn thí thực, mỗi mâm cỗ đặt trên một cái ghế inox thành hàng chạy dài ngang sân trước mặt tượng đức Phật trang nghiêm màu đồng sậm thầy mới thỉnh về. Nhiều cháu bé xúng xính trong các bộ đồ cư sĩ tí hon màu xanh ghi nhạt hoặc nâu nhà chùa, hớn hở vì được mặc đồ mới lạ, được ăn cỗ của làng và nhất là chúng sắp được bán khoán lên chùa!

Đúng giờ, thầy đăng đàn làm lễ Dược Sư. Lễ bày trang trọng dù gian nhà tổ thật hẹp, đàn Dược Sư bày ra gần tận cửa. Trước khi vào lễ, thầy còn dặn bà con không ồn, không nói chuyện riêng, kẻo không tạo được công đức, kẻo thầy không hoan hỉ. Thầy nhẫn nại hỏi đi hỏi lại xem có ai không biết tắt điện thoại thì nhờ người tắt hộ. Cũng đúng thôi, các cụ già ở thôn quê có thể có điện thoại để gọi con nghe cháu, nhưng bật hoặc tắt điện thoại là một việc khác hoàn toàn, chẳng liên quan gì đến cụ.

Dân làng trật tự ngồi dồn quanh trong nhà tổ, sít sìn sịt vì hàng trăm người dự mà nhà Tổ còn chật chỗ quá. Cả làng cùng đọc kinh theo thầy, nghe lời kinh dạy bỏ ác, làm lành. Tiếng mõ, tiếng chuông nhịp theo lời dẫn, nhiều lúc em nghe cứ như là thầy đang lĩnh xướng acapella, tự thấy mình hòa với âm thanh, với làng, với lòng mong ước tiêu tai nghiệp ách. Như chiêu cảm được năng lượng của đất trời trong lời đọc vang vang ấy.

Trong khi dân làng gần như thuộc hết kinh Dược Sư, cái lũ dân phố mỏng mép tán phét lười học chúng em phải dán mắt vào sách mà đọc. Đã thế thỉnh thoảng cái đứa ngồi cạnh em nó còn sờ sờ quyển kinh xem còn dày hay mỏng, đã sắp hết chưa, em nghiêm trang tự nhủ lần sau em phải ngồi xa nó ra, em phải bám vào các cụ già trong làng mà ngồi cạnh mới lây được duyên quê của các cụ chứ duyên phố nhiều khi cũng làm mình phì cười thất tâm quá.

Rồi đến cúng dường dược liệu, khói quế chi cháy tỏa khắp trong rạp ngoài sân thơm khen khét. Rồi đến cúng Mông sơn thí thực dưới sân cho các loài chúng sinh vô hình còn đang chìm đắm trầm luân. Sư thầy nhắc mọi người phải ngồi dẹp chỗ để dành đường cho các chúng sinh đến sát được các mâm cỗ đã bày sẵn. Em như hiểu được lòng từ bi của thầy, khiến em gần như thông cảm và thương các chúng sinh ấy, với lại chỗ đông người đèn sáng, em không sợ mấy, chứ bình thường ra, ngoài đồng vắng đêm đen, nếu bảo em nhường chỗ cho các bậc vô hình chắc em đã chạy mất dép mà nhường từ lâu lắm.

Sang quá đầu giờ Hợi, lễ tan, bà con thụ lộc xong dần tản mát ra về, chỉ còn lại các thanh niên xếp bàn thu ghế, mấy chị khua chổi dọn dẹp và lũ trẻ má hồng mắt díu vì buồn ngủ, lệch thệch bám theo bố mẹ vào trước điện chờ thầy làm lễ bán khoán.

Em mong em được là người nhà quê chất phác, để khỏi phải bẹp não tư duy về ngã và vô ngã, để mặc nhiên nhìn sự việc như nó là như thế, và hồn nhiên mở lòng đón nhận tha lực của các đức Phật.

Phạm Tố Châu
Nguồn: https://www.facebook.com/hai.h.huynh/posts/10205935023554062
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm