Lễ hằng thuận: Nét đẹp trong văn hóa Phật giáo
Lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa, trong buổi lễ này, những lời dạy của Đức Phật về hôn nhân, hạnh phúc gia đình được Tăng, Ni thuyết giảng cho các cặp vợ chồng cùng các phương tiện khác được sử dụng mang đến ý nghĩa tích cực, tác động mạnh đến nhận thức khi chuẩn bị bước vào đời sống gia đình.
Lễ hằng thuận là gì?
Hằng thuận nghĩa là đôi vợ chồng sống với nhau trong tinh thần hòa thuận, nhường nhịn nhau, cả hai phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và họ hàng trên cơ sở giáo lý nhà Phật. Thượng tọa Thích Nhật Từ giải thích cặn kẽ như sau: Hằng thuận gọi đủ là “Hằng thuận chúng sinh”- lời nguyện thứ 9 của Bồ tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong văn hóa hôn nhân Phật giáo, hằng thuận là kỷ năng sống hòa hợp, tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc trong hôn nhân. Thông qua lễ hằng thuận, đôi tân hôn phải sống hòa thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính. Đây là mấu chốt của đời sống gia đình. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ tên gọi và ý nghĩa này, nên họ còn gọi nôm na là lễ cưới tại chùa.
Thượng tọa Thích Huệ Thông cho biết nguồn gốc lễ hằng thuận ở Việt Nam: Người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), quê ở Hải Dương, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông khởi xướng việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho người Phật tử, giúp thăng hoa đời sống đạo đức tâm linh của họ. Năm 1930, Bác sĩ-cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại Chùa Từ Đàm (Huế). Năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa chính thức đặt tên nghi lễ kết hôn tại chùa là lễ hằng thuận.
Ngoài ra, trong bài viết Lễ Hằng thuận, Ninh Thị Sinh cho rằng: Nghi lễ này là nghi thức chúng ta học tập của người Nhật trong tục cưới hỏi. Đối với người Nhật, ngoài các nghi thức truyền thống trong lễ cưới, họ còn làm lễ kết hôn trước cửa Phật, tức là trong chùa (đối với người theo đạo Phật). Tác giả này kể thêm: Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, với tư tưởng “Nhân gian hóa Phật giáo”, ông Nguyễn Năng Quốc- Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934-1939) đã đề xuất sáng kiến tổ chức lễ kết hôn trước cửa Phật đối với con em thiện tín. Tại miền Bắc, người đầu tiên thực hiện nghi thức này gia đình ông Đào Thiện Luân ở Thái Bình. Ngày 14/9/1937, ông tổ chức lễ hằng thuận kết hôn cho cô con gái là Đào Thị Phương Nam với anh Trần Văn Cư tại Chùa Kỳ Bá, tỉnh Thái Bình. Chủ lễ là Sư cụ Trừng Mai. Lễ này diễn ra thật giản dị mà ý nghĩa. Hai bên gia đình cùng các vị khách tham dự đều lấy làm vui mừng, phấn khởi.
Xây dựng hạnh phúc hôn nhân gia đình
Ngày nay, lễ hằng thuận ngày càng được tổ chức phổ biến ở nhiều ngôi chùa trên khắp cả nước. Nhiều thanh niên nam nữ khi bước vào đời sống hôn nhân, họ quan tâm và tiến hành tổ chức lễ hằng thuận tại chùa. Qua tìm hiểu, trong thời gian qua, nhiều doanh nhân, diễn viên, ca sĩ,…nổi tiếng đến chùa nhờ Tăng, Ni đứng ra làm lễ để nên vợ nên chồng.
Thậm chí, nhiều trường hợp cô dâu Việt Nam kết hôn với chồng ngoại quốc cũng nhờ các chùa khai lễ hằng thuận. Về ý nghĩa, lễ hằng thuận giúp ngày cưới của họ viên mãn, thăng hoa ở phương diện tâm linh và trí tuệ cũng như mong muốn đời sống hôn nhân sau này tốt đẹp, đạt được an vui lẫn hạnh phúc.
Phần lớn các đôi bạn trẻ, thậm chí là gia đình hai bên, đến chùa tổ chức lễ hằng thuận là Phật tử thuần thành hoặc có tâm mến mộ Phật pháp. Việc chư Tăng, Ni ở các chùa đứng ra tổ chức lễ hằng thuận hoàn toàn đúng với giáo pháp của Đức Phật. Việc làm này là một nhân tố quan trọng giúp cho người Phật tử tại gia Phật hóa gia đình, xây dựng đời sống gia đình hướng thiện. Tình yêu đặt trên nền tảng Phật-Pháp-Tăng sẽ là một tình yêu bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của ta và người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Tình thương yêu hiện hữu trong suốt quãng đường đời của đôi bạn trẻ nếu họ biết làm chủ trong tình yêu của mình để chúng thăng hoa trên nền tảng sự hiểu biết. Vì vậy, Phật luôn dạy để duy trì tình yêu và hạnh phúc gia đình lâu dài thì cả vợ và chồng phải thường luôn trau dồi giới đức, biết tôn trọng, lắng nghe, tha thứ, hết lòng yêu thương và sống chung thủy với nhau.
Chuẩn bị đời sống hôn nhân gia đình theo lời Phật dạy
Lễ hằng thuận được tổ chức như thế nào?
Đầu tiên, chư Tăng, Ni nguyện hương, đảnh lễ Tam bảo và bạch Phật cầu nguyện, Chủ lễ nhắc lại bổn phận vợ- chồng trong Kinh Thiện Sinh, đôi vợ chồng trao nhẫn cưới, đọc lời phát nguyện, hồi hướng Tam bảo. Trình tự tổ chức lễ hằng thuận ngắn gọn nhưng bài bản, gồm nhiều nghi thức nối liền, thời gian khoảng một giờ đồng hồ là kết thúc.
Bên cạnh đó, đối với những cặp vợ chồng chưa trở thành Phật tử, các chùa còn tổ chức qui y tam bảo, thọ trì ngũ giới trước khi làm lễ hằng thuận để họ hiểu rõ, thực hành bổn phận của hàng cư sĩ tại gia để thực hành đúng giáo pháp của Đức Phật nhằm tăng trưởng tín tâm và thêm nhiều lợi lạc trong cuộc sống gia đình sau này. Tiếp theo, nhiều gia đình còn tổ chức bữa tiệc chay tại chùa để họ hàng, bạn bè thân thiết hai bên trải nghiệm những món chay thanh đạm, bổ dưỡng trong niềm vui mừng của ngày cưới. Qua quan sát của chúng tôi, bên cạnh việc tổ chức lễ hằng thuận tại chùa, để duy trì phong tục hôn nhân truyền thống dân tộc, nhiều gia đình tổ chức lễ cưới cho con cái họ theo lề lối trước nay tại gia đình, kèm theo đãi tiệc mừng tại nhà hàng. Lễ hằng thuận có thể diễn ra trước hoặc sau lễ cưới.
Có nên xem tuổi trước hôn nhân
Tóm lại, lễ hằng thuận đã tồn tại trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam và trở thành một sinh hoạt văn hóa Phật giáo vừa mang ý nghĩa truyền thống vừa phản ánh nhiều giá trị tốt đẹp, đem lại lợi ích cho hàng tại gia dựa trên quan niệm hôn nhân, hạnh phúc gia đình mà Đức Phật giảng dạy trên 2.500 năm cách đây. Mặt khác, cách thức tổ chức lễ hằng thuận còn phù hợp với truyền thống hôn nhân Việt Nam. Đó chính là không bỏ qua nghi thức làm lễ gia tiên tại nhà, sự chứng kiến của gia đình và người thân trong ngôi chánh điện cũng như những lời chúc phúc của họ dành cho đôi vợ chồng mới nên duyên nợ, cô dâu - chú rễ tri ân, lạy tạ và dâng trà cho cha mẹ hai bên. Điều này còn là minh chứng cho tinh thần linh hoạt, dung hòa giữa Phật giáo với văn hóa dân tộc. Cho nên, lễ hằng thuận mang đến ý nghĩa tích cực, tạo khởi đầu tốt đẹp cho đời sống hôn nhân đôi lứa. Phải chăng nhờ vào đây mà lễ hằng thuận đang được giới trẻ quan tâm và đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm