“Bán dạ du thành, xuất gia tầm đạo”
Nửa đêm hôm đó, cổng thành Ca Tỳ La Vệ nhẹ nhàng hé mở. Nhịp vó khẽ khàng của hai con ngựa thong thả lách ra.
Hình như chúng cũng biết ý chủ, phải rất từ tốn để không gây tiếng động làm phiền bao người đang an giấc, nhất là đám lính canh ngoài cửa thành. Tuy nhiệm vụ là canh cửa thành, nhưng thời buổi thanh bình thịnh trị quá, có gì bất trắc đâu mà phải lo lắng. Thế nên, vào thời khắc đã quá nửa đêm này, họ đều say ngủ, có khi đang chìm trong bao giấc mộng đẹp không chừng!
Hai con ngựa ra khỏi cổng thành mà không ai hay biết. Trời tối quá, không nhìn rõ hình dáng và sắc phục của hai người trên lưng ngựa. Nhất là, cả hai đều im lặng. Vó ngựa vẫn chậm rãi thêm một đoạn nữa, dường như để giữ an toàn, đủ khoảng cách không làm thức giấcđám lính canh, hay tâm người trên lưng ngựa đang có chút bâng khuâng, lưu luyến?
Một người bỗng dừng cương, quay nhìn về phía cổng thành, chắp tay, vái ba lạy. Xong, bằng một thái độ cương quyết, người ấy giật giây cương. Con ngựa trắng chồm lên, tuân lệnh chủ, nhắm hướng nam mà phi nước đại.
Người và ngựa bên cạnh cũng làm theo như thế.
Trong bóng đêm, tiếng vó ngựa rộn rã reo vui, đánh thức những vườn cây hồng táo, những ruộng lúa xanh rì, những đường dốc lên đồi cỏ, những lối sỏi ven suối trong veo. Tiếng vó ngựa cũng ca hát với rừng cây, khóm trúc, với làng mạc, thôn xóm, với ruộng lúa, nương dâu, với giòng sông, với núi, với sương đêm ….. Hình như vạn hữu, nơi vó ngựa đi qua đang cùng hòa tấu một bài ca bất tận.
Đôi ngựa cứ thế, nhắm hướng nam mà phi nhanh trong bóng đêm. Bấy giờ, bầu trời long lanh trăng sao cho thấy lờ mờ bóng người trên lưng ngựa. Người cưỡi ngựa trắng vận áo hoàng bào, người cưỡi ngựa hồng vận áo chẽn lục.
Họ đi, như đã có chủ đích. Im lặng mà đi. Như giòng sông. Im lặng mà không ngừng. Im lặng mà ra biển. Im lặng mà trở thành trùng dương, thành bao la, thành vô tận …
Một sự im lặng hùng tráng!
Bấy giờ, bóng đêm đang loãng dần. Ánh dương chưa lên nhưng vầng mây hồng nhạt đã hiện. Xa xa là cánh rừng trúc xanh mướt, rậm rạp, mạnh mẽ như muốn vươn tay đón bình minh.
Người vận áo hoàng bào ghìm cương con ngựa trắng chậm lại, rồi dừng hẳn. Người vận áo chẽn lục cũng làm theo.
- Ta nghĩ, đã tới nơi.
- Thưa …
Người vận áo hoàng bào đã xuống ngựa. Và làm như không nghe thấy giọng nói nghẹn ngào của kẻ đồng hành. Người ấy vuốt ve con ngựa trắng, âu yếm ôm lấy đầu nó. Con ngựa ngẩng nhìn chủ rồi cũng dụi đầu vào vòng tay chủ.
Khi ấy, người vận áo chẽn xanh cũng đã xuống ngựa, rồi quỳ trên nền đất ẩm.
Vẫn làm như không thấy cử chỉ của kẻ đồng hành, người vận áo hoàng bào nhìn vào đôi mắt long lanh của bạch mã mà chân thiết nói rằng:
- Kiền-Trắc, ta cám ơn con đã đưa ta tới những nơi ta muốn tới. Bao năm nay ta đã cùng con chứng kiến muôn vàn cảnh khổ của trần gian. Con có nhớ hay không, Kiền-Trắc?
Lần đầu, con đưa ta ra bốn cửa thành, để ta thấy được bốn cảnh khổ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đó là chặng đường không một chúng sinh nào thoát khỏi. Con có biết là từ cảnh đó, lòng ta đã khởi lên nghi hoặc “chẳng lẽ chúng sinh phải chìm đắm mãi trong luân hồi đau khổ này? Phải có con đường thoát khổ chứ! Con đường đó là gì? Con đường đó ở đâu? Ai sẽ tìm ra? Ai sẽ dẫn dắt? Hạnh phúc là gì? Nếu cười hôm nay mà khóc ngày mai, nếu có hôm nay mà mất ngày mai thì đó không phải là hạnh phúc! Đó chỉ là bóng! Vậy hạnh phúc đích thực ở đâu?”
Kiền-Trắc ơi, ta đã không thể ngừng – dù chỉ phút giây – băn khoăn về những dấu hỏi đó. Ta biết rằng, rồi một ngày, chính ta phải đi tìm. Muốn đi tìm, ta phải dứt bỏ đời sống ràng buộc, dù đời sống đó là cung vàng điện ngọc. Tìm được hay không, ta chưa biết, nhưng biết chắc rằng, ta phải bắt đầu cuộc tìm kiếm. Ngày bắt đầu đó chính là hôm nay, là giờ phút này. Ta vừa giã từ hoàng-gia. Bây giờ, ta cám ơn con và sẽ giã từ con. Ta sẽ đi vào cánh rừng kia và sẽ bắt đầu đời sống của người sa-môn không nhà.
- Điện hạ!...
Người vận áo chẽn lục khóc nấc lên, vẫn quỳ gối mà hai tay ôm mặt, khóc nức nở. Người ấy biết rằng lời nói với Kiền-Trắc chính là nói cho anh ta nghe.
- Xa-Nặc, anh đã hiểu lòng ta rồi mà! Anh đã biết có ngày ta sẽ rời hoàng cung, phải không? Anh không phải chỉ là người đánh xe mà còn là bạn tốt của ta bấy lâu nay. Chính vì vậy mà ta sẽ nhờ cậy anh thêm một việc quan trọng.
Trong khi Xa-Nặc còn bàng hoàng thì nhanh như cắt, người vận áo hoàng-bào đã rút thanh đoản kiếm đeo bên hông, nghiêng đầu, cắt đứt mái tóc xanh và tháo chuỗi ngọc đeo nơi cổ, trao cho Xa-Nặc:
- Anh đem hai kỷ vật này về, dâng lên phụ vương và mẫu hậu ta, thay lời tạ tội. Anh hãy thưa rõ tâm nguyện của ta, ta tin là hoàng-gia sẽ thông cảm mà thôi.
- Trăm lạy Điện-hạ, dầu Điện-hạ đi đâu cũng xin cho con theo hầu. Xin đừng bắt con về báo tin dữ này. Trăm lạy Điện-hạ, xin Điện-hạ nhủ lòng thương con.
- Đừng làm ta thất vọng, Xa-Nặc. Giờ này chắc hoàng-gia đang xôn xao đi tìm ta. Anh là người duy nhất giúp ta đem tin về. Hãy đứng lên và dắt Kiền-Trắc cùng về. Hãy chăm sóc nó thay ta. Đi mau đi!
Nói rồi người ấy tiến tới, đỡ Xa-Nặc đứng dậy, ôm bạn giây lát, vuốt ve hai con ngựa, rồi, không nói gì thêm nữa, người ấy thong thả đi về phía cửa rừng.
Xa-Nặc đứng lặng, nhìn theo từng bước chân vị Thái-tử, nay là những bước chân đầu tiên của vị sa-môn quyết tâm đi tìm Đạo Cả, giúp chúng sinh thoát khỏi lưới vô minh luân hồi.
Bấy giờ, ánh dương vừa rạng ở phương đông, lấp lánh những vệt nắng tinh khôi óng ánh, rực rỡcánh rừng trúc, nơi vị Thái-tử con vua Tịnh Phạn của vương quốc Thích Ca vừa đổi chiếc áo hoàng bào cho người thợ săn để mặc vào mình tấm áo sa-môn bạc mầu phấn tảo.
Đó là ngày tám, tháng hai của một năm xa xưa.
Ngày Thái-tử Tất Đạt Đa “Bán dạ du thành, xuất gia tầm đạo”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm