Luật tục đế muôn đời - "Lý của kẻ mạnh luôn thắng"
Dạ thưa Thầy cho con được chia sẻ điều tâm sự của mình, lòng con như quặn lại khi dần nhận ra sự thực đầy chua chát của pháp thế gian qua câu trả lời của Thầy “Luật của tục đế muôn đời luôn là: lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng”.
Với một thanh niên vừa ra đời như con thì giờ đây con đã công nhận điều này. Qua thời gian chiêm nghiệm xung quanh và chính mình con đã nhận ra sự thực về cái gọi là công bằng của pháp thế gian. Dần rồi con cũng nhận ra đây chính là sự thực. Từ ngàn xưa cho đến nay luôn là như vậy, không bao giờ có công bằng tuyệt đối trên thế gian mà chỉ là sự tương đối.
Chỉ có công bằng thể hiện qua luật nhân-quả đang chi phối vũ trụ mới là tuyệt đối. Chính Đức Phật ra đời, thấy những sự thực khổ đau của kiếp người và thấy rằng vương quốc mình sẽ sở hữu quá nhỏ bé so với các đế quốc xung quanh nên đã quyết chí tu hành tìm ra con đường thoát khổ. Và sự thật là dù rằng ngài trở thành Phật Toàn Giác nhưng trước thảm kịch bộ tộc Thích Ca bị tàn sát Ngài cũng không thể làm gì hơn.
Ở tầm vi mô thì con người sống với nhau trong xã hội ngày ngay hầu như đều là “cá lớn nuốt cá bé”, có những người khi có cơ hội dẫm đạp lên người khác để được bước lên cao thì họ bất chấp sẵn sàng bằng mọi thủ đoạn để làm. Hoặc tìm mọi cách hãm hại bất chấp sự khổ đau sống chết của người khác để mình có thể trục lợi. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, luôn là như vậy.
Con đã nhận ra rằng ước mong thay đổi cuộc đời chỉ là chuyện không tưởng, điều mình có thể làm đó là giúp ai được thì giúp trong khả năng của mình chứ không phải cố gắng làm điều tốt để thay đổi gì cả.
Qua những điều chiêm nghiệm nêu trên và từ nhân quả mà con học được và thấy ra từ những người xung quanh, con nhận ra một sự vận hành của pháp, của vũ trụ rất đúng đắn nhưng cũng thật buồn cười & trớ trêu. Đó là những người có quyền lực & tiền bạc, có thể ở ngôi vị cao như vậy trong xã hội và đang làm những việc xấu ác, lại đến từ những phước báu mà chính người ấy có được nhờ đã từng làm những việc thiện, tốt trong những kiếp trước. Họ đã tích luỹ phước từ việc thiện-tốt để rồi trong một kiếp này họ hưởng quả, nhưng do bản ngã khiến họ lầm tưởng rằng tất cả những thành tựu ấy chỉ do tài năng & nỗ lực trong kiếp này của chính họ tạo ra, chứ chẳng có nhân-quả nào cả, để rồi bất chấp nhân-quả mà làm việc sai xấu.
Người còn may mắn thì lãnh quả ngay trong kiếp hiện tại, còn không thì khi những phước báu hết họ sẽ phải trả trong một kiếp nào đó khi đủ duyên, nếu họ không nhận ra chánh đạo. Một điều công bằng đến mức lạnh lùng khắc nghiệt của pháp đó là trả quả mà không biết nhân từ đâu, như những người sinh ra đã bị những bệnh tật, những dị tật trên cơ thể, hay suốt đời phải sống trong nghịch cảnh.
Con không hề có ý chê trách bất kì ai, mà chỉ là nêu ra sự thật mà con chiêm nghiệm & thấy ra, nên nếu có ai đọc và phiền lòng thì con xin được phép xin lỗi. Vì thực ra chính con cũng là một chúng sinh đang chịu “quả khổ” mà con không thể nào tìm ra lý do nào ở kiếp này, ngoại trừ chỉ do “nhân” đã gây ra từ kiếp trước. Và rồi khi rơi vào những thân phận như vậy, mỗi người bắt đầu tìm đến những tôn giáo và trở lại quan sát, khám phá tại sao nhiều người lại có cuộc sống ấm no hạnh phúc, từ đó đúc kết ra được những kinh nghiệm từ nguyên lý muôn đời của Pháp.
Đó là lý do mà người Việt và nhiều nơi thấy ra được điều này qua những câu thành ngữ: “Ở hiền gặp lành,... Lù khù ông Cù độ mạng,... Trời không cho hùm leo dây,... Người ta ăn thì còn mình ăn thì hết…”. Khi rơi vào những thân phận quá khổ, dần dần họ biết sống nhún nhường, khiêm cung, cố gắng không ganh tỵ, tự cao tự đại, và làm nhiều việc tốt nhằm tích luỹ phước báu cải thiện cuộc sống. Nhưng khi cuộc sống của họ bắt đầu tốt lên trở lại nhờ phước báu đã tích luỹ ấy, thì bản ngã sẽ lại có thể tiếp tục sai lầm trong một kiếp kế tiếp nào đó, bởi vì thực sự cái gốc trong mọi hành động, nói năng & suy nghĩ của họ vẫn là THAM-SÂN-SI. Chỉ khi nào chuyển hoá được cái gốc này thì dù có tái sinh bao nhiêu kiếp cũng không thành vấn đề vì lúc này người này chỉ có sống vừa đủ cho chính mình và giúp ích cho cuộc đời. Phước báu tự động đến nên một vị Thánh Nhập Dòng không bao giờ rơi vào đường khổ là vì vậy.
Từ những thân phận quan sát được làm cho con hiểu ra tầm quan trọng & trách nhiệm trong mọi hành động & cách ứng xử của mình trong đời để không hại mình hại người, và để có thể mở rộng lòng ra trước nhiều thân phận trong cuộc sống. Và đặc biết đó là luôn biết soi sáng lại chính mình, cảm nhận, chiệm nghiệm mình qua mọi tình huống trong đời sống, để cuối cùng thấy ra được cái “ÁC” cũng chỉ là một mặt đối lập bắt buộc của pháp thế gian.
Dù chưa hoàn toàn thực chứng điều này, vì con vẫn còn rơi vào nhị nguyên ghét ác hơn thiện nhưng nhờ hiểu như vậy nên con cũng bình tâm và trầm tĩnh hơn trước những xấu ác của thế gian này, hạn chế việc chê trách mà quay lại quan sát phản ứng của mình trước sự việc.
Xin Thầy xem giúp những điều con hiểu đã thực sự đúng đắn chưa, vì con chưa thực chứng mà chỉ hiểu trên “lý” mà thôi. Kính tri ân Thầy, con kính chúc Thầy thân tâm luôn an lạc!...
Trả lời:
Con hiểu như vậy là đúng.
Nguồn: trungtamhotong.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Con quan sát nhưng không thay đổi được gì?
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 15:00 04/11/2024Hỏi: Khi con chán nản thấy mọi sự điều vô nghĩa thì con nên làm gì? Dù con quan sát tâm nhưng không thay đổi được gì và tình trạng này kéo dài mấy ngày. Xin Sư giúp con!
Niết bàn, sinh tử thị không hoa
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 12:48 03/11/2024Xin Thầy giảng về câu “Niết-bàn sinh tử thị không hoa”. Con xin cám ơn Thầy.
Đạo ở ngay chỗ dừng lại mọi tìm cầu
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:17 02/11/2024Thầy từng nói Đạo Phật vốn không có giáo lý, và có rất nhiều vị đã phản đối điều này. Vì Tam Tạng Kinh Điển của Phật giáo vô số mà nói “không có giáo lý” sao được!
Không có kiểu học bình yên trong tháp ngà
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 09:40 02/11/2024Hỏi: Thưa Thầy ý nghĩa thật sự của cuộc đời đầy thăng trầm đau khổ này là gì?
Xem thêm