Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Mẹ ơi, con mất mẹ thật rồi...

Con còn mẹ như trăng sáng đêm rằm, ai còn mẹ xin chớ làm mẹ khổ, khi mẹ không còn nữa như đêm tối không trăng. Chúng ta đi khắp cả thế gian này không ai có thể tốt bằng mẹ được, chính mẹ là người đã phát nguyện xuất gia để mong con qua cơn bạo bệnh, một lần nữa mẹ là người đã giúp tôi vượt qua cạm bẫy cuộc đời để gặp được Tam Bảo. Cho nên ơn mẹ khó đáp đền, ai bây giờ còn mẹ là cả một phước báu to lớn. Vì sao? Vì còn có cơ hội để cung kính, hiếu dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, nhất là công ơn mẹ.

Ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn tôi chuẩn bị đi giảng ở chùa Thiền Tôn huyện Đầm Dơi - tỉnh Cà Mau, đang luôi nguôi xếp đồ thì nhận được điện của đứa em gái báo mẹ tôi đã được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ đã lắc đầu, đang làm thủ tục chuyển mẹ về chùa Giác Ngộ. Trước đó một ngày thầy Nhật Từ đã gọi điện cho tôi và báo mẹ đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi cứ nghĩ mẹ chưa đến nỗi phải ra đi sớm như thế, nên tôi nói để tôi đi giảng ở Cà Mau về rồi tiện đường thăm mẹ một thể.

Được tin mẹ hết khả năng sống mà chỉ còn chờ ngày chết trong nay mai nên tôi xin thầy về thăm mẹ gấp và cùng đi có chư huynh đệ pháp lữ Thiền môn, chúng tôi đến chùa Giác Ngộ trước đó 10 phút khi mẹ được chuyển về. Theo lời yêu cầu của mấy đứa em nhờ quý thầy tụng cho một thời kinh Dược Sư để cầu mẹ tai qua nạn khỏi. Trong khi đang tụng mẹ tôi khóc hai lần và mở mắt ra nhìn quý thầy, lúc này hai chân mẹ tôi tím và lạnh ngắt, sắc mặt tái nhợt.

Tôi nói với mẹ: “Con là Phổ Giác cùng quý thầy ở Thường Chiếu về thăm mẹ, đồng nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho mẹ thân tâm luôn được sáng suốt, chính niệm tỉnh giác để nghe quý thầy tụng một thời kinh Dược Sư, mong mẹ thính pháp nghe kinh. Nếu mẹ đủ khả năng thì nương vào lời kinh tiếng kệ mà vượt qua bệnh tật để tiếp tục tu hành. Nếu không đủ sức thì nhiếp tâm niệm Phật nhờ sự hộ trì của Tam Bảo mà mau về cõi Cực Lạc Phật A di Đà”. Tôi chỉ nói như thế và thầm nguyện như thế, mong mẹ sáng suốt chọn lựa. Như hiểu được lời tôi nên mẹ hai dòng lệ tuôn rơi.

Sau đó, thầy Nhật Từ cùng đại chúng tụng một thời kinh Phổ Môn để hộ niệm cho mẹ và nói rằng: “Má ơi, bây giờ con cháu đã đầy đủ rồi, ai cũng có mặt cả. Má đừng luyến tiếc, nhớ thương con cháu nữa. Đừng để nỗi buồn, niềm thương làm xao động mà cố gắng nhiếp tâm niệm Phật. Đừng nên lo lắng, sợ hãi mà một lòng hướng về Tam Bảo phát nguyện đi cho đến nơi đến chốn”. Sau đó, chúng tôi mở máy niệm Phật để mẹ được nghe và chuyên chú niệm theo. Cứ thế mỗi ngày chư tăng phật tử chùa Giác Ngộ hết lòng tụng kinh, niệm Phật để trợ duyên mong mẹ sớm được vãng sinh về cõi Cực Lạc.

6 đêm 5 ngày trôi qua, vào lúc 12 giờ 50 phút ngày 20 tháng Giêng, trước khi trút hơi thở cuối cùng mẹ tôi mở mắt ra nhìn mọi người lần cuối và an nhiên ra đi. Khỏi cần coi ngày chúng tôi thống nhất 10 giờ sáng cùng ngày tẫn liệm nhập quan, đến 8 giờ sáng ngày 22 làm lễ di quan hỏa táng tại Bình Hưng hòa Tp.HCM. Vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, nhìn mẹ lần cuối tôi không kiềm nổi xúc động nên đã khóc nghẹn ngào hết nửa tiếng đồng hồ. Chiều ngày 21, đoàn sư cô Hoa Viên Thường Chiếu hơn 15 người đã đến tụng cho mẹ tôi một thời kinh để trợ tiến.

Tôi cầm micro mà khóc nức nở không thể nào kiềm được khi nhớ lại hình ảnh mẹ được xuất gia cùng tu học với mấy cô mà giờ đây mẹ đã sớm ra đi. Khi mẹ mất hai lần tôi khóc thét mà không cách nào kiềm được, tôi được sinh ra là nhờ mẹ và được sống trở lại lần thứ hai, thứ ba cũng là nhờ mẹ. Ơn này biết đến bao giờ tôi mới có thể trả hết nên tôi phải khóc và tôi mãi mãi sẽ khóc bởi tôi bây giờ đã không còn mẹ nữa.

Nhờ mẹ tôi biết đường tu,
Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhớ lại quãng đời thơ ấu cho đến khi khôn lớn tôi đã làm khổ mẹ không biết bao lần, vậy mà mẹ vẫn một lòng thương nhớ tôi, không bao giờ trách móc, oán than một điều gì.

Tôi nhờ ân đức mẹ hiền,
Nên vào cửa Phật tu hành đến nay.

Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu là nơi đào tạo con người tâm linh, ai vào đây cũng phải năm ba phen khóc thầm thì họa may mới có cơ hội làm mới lại chính mình. Tôi là một trong những người may mắn được sống để học hỏi, làm việc và tu sửa tuy có phần chậm lụt hơn chư huynh đệ pháp lữ Thiền môn. Nhưng quả thật tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy vì không ngờ tất cả mọi thứ đều được chuyển hóa và thay đổi theo thời gian. Phật pháp đúng là để phục vụ cho con người, vì con người mà đạo Phật có mặt trên thế gian này. Và chỉ có đạo Phật mới là đạo của con người vì đem lại quyền làm chủ bản thân bình đẳng trên nhân quả, mình làm lành hưởng phước tốt đẹp, mình làm ác chịu quả khổ đau.

Nếu không có được mẹ hiền,
Đời tôi giờ đã trở thành bụi tro.
Chỉ vì chấp trước sai lầm,
Nên tôi phải chịu khổ đau nửa đời.

Nhờ mẹ thương xót chỉ bày,
Nên tôi giờ đã khác xưa rất nhiều.
Từ bỏ cờ bạc, rượu chè,
Hút chích, đàn điếm bây giờ cũng không.

Lại được Tam Bảo sáng soi,
Gặp duyên bạn tốt, thầy lành, ân sư.
Tôi giờ thay đổi cuộc đời,
Làm lành, lánh dữ, cùng người sẻ chia.

Tôi bây giờ không còn mẹ nữa để được mẹ yêu thương như thuở nào, càng nhớ mẹ tôi lại nhớ hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng quả giác ngộ giải thoát đã nghĩ đến mẹ khi còn sống hay làm các điều xấu ác nên không biết mẹ chịu đọa lạc nơi đâu. Vì thương mẹ nên Tôn giả vận thần thông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng phát giác mẹ mình bị đọa vào loài quỷ đói, thân thể tiều tụy, ốm o gầy mòn. Thương xót mẹ, Ngài trở lại trần gian xin được một bát cơm rồi hai tay cung kính dâng mẹ. Mẹ của Ngài khi thấy bát cơm thèm quá, một tay che cơm lại vì sợ các quỷ khác thấy xin, một tay bà bốc cơm ăn nhưng thật nghiệt ngã cơm hóa thành lửa ăn không được, sự tình vì thế thêm đau xót não nề. Bát cơm Tôn giả dâng mẹ tưởng làm no lòng người nhưng ngược lại bị lửa thiêu đốt, ăn không được càng khổ sở vô cùng.

Nhìn từ góc độ trần gian, loài quỷ đói cũng có trong loài người, như những người quá nghèo khổ thiếu trước hụt sau, bị chết đói chết khát. Người giàu có chứa đầy của cải để cho mục nát mà không dám đem ra giúp người cứu vật, hoặc đã giàu mà còn tìm cách vơ vét cho riêng mình. Nhân hiện tại như thế nào thì sẽ cho ra kết quả trong tương lai khi hội đủ nhân duyên, do đó tâm thèm khát quá đáng cũng không khác loài quỷ đói. Bà Thanh Đề lúc còn sống vì lúc nào cũng tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, muốn nắm giữ những thứ mình đã có để rồi phải gây tạo các nghiệp nhân xấu mà chịu đọa loài ngạ quỷ.

Tôn giả nhìn cảnh mẹ đói khát nhưng không cách nào cứu được bèn trở về bạch Phật: “Mẹ con bị như vậy do không biết tin kính Tam Bảo, lại hay làm điều tà vạy, tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ nên mới bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng. Kính bạch đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cách nào để mẹ con thoát khỏi cảnh đói khát khốn khổ vô cùng?” Phật dạy: “Nhân mùa an cư kiết hạ của Chư tăng, ông hãy làm lễ cúng dường Trai Tăng, nhờ sức tu hành của đại chúng có thể làm mẹ của ông thức tỉnh, buông xả tâm bỏn sẻn, ích kỷ mà hướng về Tam Bảo một lòng ăn năn sám hối, xả bỏ tâm xấu ác”. Tôn giả nghe lời Phật dạy nên đã cứu được mẹ thoát khỏi cảnh đói khát khổ sở và vô số quỷ đói khác cũng được chuyển nghiệp mà đến cảnh giới tốt đẹp hơn.

Chỗ quỷ đói ở toàn là dầu sôi lửa bỏng, đụng vào thứ gì cũng bị đốt cháy, muốn ăn mà ăn không được nên thèm khát đủ thứ, cứ sống dật dờ muốn chết cũng không xong trong tình cảnh bị lửa địa ngục thiêu đốt làm khổ đau vô cùng. So với mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên mẹ tôi có nhiều ưu điểm hơn, bà đã quy y Tam Bảo gần 30 năm và sau đó xuất gia tu học được 7 năm rồi an nhiên ra đi mà tôi vẫn tiếc thương mẹ, vì con còn mẹ vẫn hơn.

Con còn mẹ như trăng sáng đêm rằm, ai còn mẹ xin chớ làm mẹ khổ, khi mẹ không còn nữa như đêm tối không trăng. Chúng ta đi khắp cả thế gian này không ai có thể tốt bằng mẹ được, chính mẹ là người đã phát nguyện xuất gia để mong con qua cơn bạo bệnh, một lần nữa mẹ là người đã giúp tôi vượt qua cạm bẫy cuộc đời để gặp được Tam Bảo. Cho nên ơn mẹ khó đáp đền, ai bây giờ còn mẹ là cả một phước báu to lớn. Vì sao? Vì còn có cơ hội để cung kính, hiếu dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, nhất là công ơn mẹ.

Xin mẹ cho con được tỏ bày:

Mới hôm nào còn bé
Giờ con đà năm ba
Bao lần con mong đợi
Để đền đáp ơn người.

Con tu là nhờ mẹ
Cả cuộc đời thương con
Không quản ngại thân gầy
Công ơn mẹ khó đền.

Mẹ là ánh trăng soi
Xóa tan bao phiền muộn
Mẹ cho con tất cả
Bình yên tận cõi lòng.

Nói đến tình mẹ quả thật trên đời này không có thứ tình nào thiêng liêng, cao cả và thâm sâu như tình mẹ. Vậy mà ít con trẻ nào nghĩ đến, chính tôi dù được mẹ cứu sống nhiều lần và nhờ mẹ mà được xuất gia đầu Phật, được an ổn tu hành nhưng tôi vẫn thờ ơ với mẹ. Sau khi mẹ làm tròn bổn phận của một người vợ, làm tròn bổn phận của một người mẹ hiền lo cho con cái an bề gia thất, bà đã xuất gia theo tâm nguyện năm xưa. Tâm nguyện đó cũng chỉ vì thương tôi và mong cho tôi mau hết bệnh mà thôi.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Triết lý giác ngộ và ý nghĩa văn chương trong Kinh Pháp Hoa (1)

Phật giáo thường thức 16:00 22/04/2024

Kinh Pháp Hoa, còn gọi là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” (có tên đầy đủ là “Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm Diệu pháp Liên hoa kinh”) ra đời vào thời Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ, được xem là tinh hoa, đỉnh cao của triết lý Đại Thừa.

Công đức của việc xây chùa

Phật giáo thường thức 15:54 22/04/2024

Xin Thầy giải thích cho con về công đức và thành tựu của việc xây dựng những ngôi chùa lớn, xây chùa lớn có phải là biểu hiện cho một sự thành tựu của Chánh pháp hay không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ cho con.

Những hình thức sinh và tử

Phật giáo thường thức 10:18 22/04/2024

Pháp thập nhị nhân duyên dùng những danh từ kỹ thuật tế nhị để diễn tả tiến trình sinh tử và dạy rằng hiện tượng chết phát sinh do một trong bốn nguyên nhân sau đây:

Tu là việc sửa đổi và cải thiện ba nghiệp từ xấu thành tốt

Phật giáo thường thức 09:00 22/04/2024

Chữ 'tu' trong đạo Phật không chỉ đơn thuần là việc tu hành, mà nó còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Chữ 'tu' là một khái niệm quan trọng về việc sửa đổi và cải thiện ba nghiệp của con người - thân, khẩu, ý - từ xấu thành tốt.

Xem thêm