Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/02/2024, 08:40 AM

Một mùa xuân tinh tấn

Chúng ta muốn đạt được kết quả viên mãn của người tu, thì phải hết sức nỗ lực, cam chịu mọi khó khăn nguy khốn. Như vậy phải nỗ lực tinh tấn không lúc nào dám lười biếng, không lúc nào dám giải đãi thì sự tu hành của chúng ta sẽ được như nguyện, đúng theo những gì chúng ta phát tâm mong cầu.

Tất cả chúng ta, mọi người tin Phật đều tin đức Di-lặc là một vị Bồ-tát hiện giờ còn ở trên cung trời Đâu-suất. Khi đủ duyên thì Ngài sẽ xuống cõi Ta-bà. Khi đó Ngài ngồi dưới cội cây Long Hoa mà thành Phật hiệu là Di-lặc. Hội thuyết pháp đó gọi là hội Long Hoa. Khi lạy Phật chúng ta có câu: Nam-mô Long Hoa Giáo chủ, tức là Giáo chủ ở Long Hoa. Long Hoa là tên cây như cây bồ-đề của Phật Thích-ca ngồi vậy. Như vậy đức Phật Di-lặc chừng nào mới ra đời?

Đó là câu hỏi mà Phật tử thắc mắc, vì thỉnh thoảng nghe người ta đồn đại hoặc ở nơi này có đức Phật Di-lặc hiện thân, ở nơi kia có đức Di-lặc hóa thân hoặc là sẽ ra đời làm Phật v.v... Những lời đồn đại đó nghe tưởng chừng như năm mười năm nữa Ngài ra đời. Nhưng trong kinh Phật nói thế nào? Điều đó tôi nhắc lại một lần nữa để cho quí vị nhớ kỹ để chúng ta khỏi lầm lẫn.

Kinh Di-lặc Thượng Sanh kể lại đức Di-lặc từ khi Ngài còn làm Bồ-tát ở thời Phật Thích-ca tu hành, nhập diệt sẽ sanh lên cung trời Đâu-suất ở trong nội điện. Đó là kinh kể lại hành tung công hạnh tu hành của Ngài. Trong kinh Di-lặc Hạ Sanh, Phật Thích-ca nói rằng: Sau thời gian ở trên cung trời Đâu-suất tu hành đến khi mãn duyên thì được gọi là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ tức là vị Bồ-tát chỉ còn một đời nữa thì được bổ làm Phật. Khi mãn duyên ở cung trời Đâu-suất, Ngài mới giáng sanh nơi cõi Ta-bà để rồi tu hành như đức Thích-ca thành Phật hiệu là Di-lặc ở dưới cội Long Hoa.

Phật giáo và mùa xuân

10387624_1535547846659580_7570636976669247653_n

Bao giờ Ngài ra đời?

Đó là điều mà chúng tôi sẽ nhắc lại sau này. Theo trong kinh kể thì thế giới chúng ta đang ở trong thời kỳ giảm. Cứ một trăm năm, con người giảm đi một tuổi, giảm như vậy bao giờ tuổi thọ con người còn mười tuổi. Sau thời kỳ giảm đó rồi tới thời kỳ tăng, cứ mỗi một trăm năm thì tăng một tuổi. Bao giờ tuổi thọ khá cao thì đức Phật Di-lặc mới ra đời.

Cho nên trong nhà Phật có câu quở chúng ta: Tu hành thế ấy cho tới đức Phật Di-lặc ra đời cũng chưa gặp được Ngài. Ý nói thời gian xa xôi thật là xa xôi cũng chưa có thể tiến được. Như vậy mà người ta hẹn nay hẹn mai đức Phật Di-lặc ra đời thì sao? Quí vị thấy hẹn đó đúng hay sai? Chẳng qua người ta nghe danh từ trong nhà Phật rồi bắt chước hoặc lợi dụng đó để làm một cái tựa cho người ta tin rồi hướng người về mê tín.

Vì vậy người Phật tử chân chánh phải hiểu rõ điều đó, đức Di-lặc không ra đời sớm đâu, ngày ấy còn xa lắm! Bởi vì Ngài còn sanh trên cung trời Đâu-suất, và trong nội điện Đâu-suất một ngày bằng một ngàn năm ở dưới mình. Trên cung trời Đâu-suất, Ngài tu cho tới mãn đời thì biết là bao xa. Vì một ngày cung trời Đao-lợi bằng dưới mình năm trăm năm, một ngày cung trời Đâu-suất bằng một ngàn năm. Ngài tu hết cuộc đời của Ngài khoảng một trăm tuổi thì ở dưới này là bao xa? Khi sự tu hành của Ngài đầy đủ, Ngài mới sanh vào cõi Ta-bà này. Như vậy tại sao chúng ta đến ngày mùng một Tết, đi chùa lễ Phật cho đó là ngày vía đức Phật Di-lặc. Tại sao vậy?

Bồ-tát đâu phải sanh một đời thành Phật. Chưa thành Phật thì cứ chết rồi sanh đời khác tu nữa. Cứ như thế cho tới khi thành Phật, chẳng biết là bao nhiêu đời. Tại sao chúng ta lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía Bồ-tát Di-lặc? Việc ấy vẫn có ý nghĩa. Có lẽ rằng chư vị Tổ sư của chúng ta đã thông minh sáng suốt cho nên mới đặt ngày này là ngày vía đức Di-lặc. Bởi vì tất cả hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia ai cũng nghĩ rằng chúng ta tu để đạt đến cái kết quả cuối cùng là thành Phật. Nhưng chừng nào thì chưa biết. Nghĩa là hi vọng cuối cùng của chúng ta là sẽ thành Phật. Như vậy là nhắm tương lai về sau, đó là cái hi vọng về sau này chúng ta sẽ thành Phật.

Ngày Tết Nguyên Đán tức là ngày đầu của một năm. Cũng là ngày hi vọng của toàn dân Việt Nam. Ai cũng nghĩ rằng ngày Tết là ngày hệ trọng phải làm sao tạo điều kiện tốt, hành động tốt, ngôn ngữ tốt, làm toàn việc tốt để rồi có một năm toàn vẹn tốt. Ai cũng mơ ước như vậy. Người Phật tử chúng ta, cũng mong cái tốt đẹp ấy là mai sau sẽ thành Phật như Ngài đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật. Mỗi đầu năm chúng ta đều hi vọng tương lai sẽ thành Phật. Chúng ta mong như thế, từ năm này sang năm khác, từ đời này đến đời sau, tới bao giờ thành Phật mới thôi.

Cái mong đó là cái ước mơ chung của toàn thể. Vì vậy mà ngày đầu năm được coi như là ngày vía đức Di-lặc để chúng ta hi vọng, chúng ta tin tưởng ở mai sau chúng ta sẽ thành Phật. Lạy Ngài không phải cầu Ngài ban ơn cho chúng ta, mà với tất cả niềm tin rằng Ngài sẽ thành Phật và chúng ta sẽ thành Phật. Đó là niềm tin căn bản của tất cả người Phật tử vào ngày đầu năm. Giờ đây tôi đi qua đề tài như đã nói là, năm nay dành buổi chúc Xuân cho tất cả quí vị Tăng Ni và Phật tử tức là chúc “Một mùa Xuân tinh tấn”.

Tại sao tôi nói một mùa Xuân tinh tấn?

Đây tôi kể sơ ảnh hưởng về đức Di-lặc cho quí vị nghe. Trong kinh có một đoạn Phật Thích-ca Ngài kể lại rằng: Bồ-tát Di-lặc và đức Thích-ca hai vị đồng phát tâm Bồ-đề một lượt, nhưng khi phát tâm rồi thì Phật Thích-ca chuyên cần tinh tấn tiến tu cho nên Ngài thành Phật đến giờ đã hơn hai ngàn năm trăm năm rồi. Còn đức Di-lặc dù đã phát Bồ-đề tâm Ngài lại thích đi viếng thăm những nhà quyền quí, thích đi chơi chỗ này chỗ kia, thăm người này viếng người nọ, cho nên trong kinh gọi Ngài là Cầu Danh. Bởi Ngài thích rong Nam tẩu Bắc, nên đức Phật đã thành Phật hơn hai ngàn năm trăm năm rồi mà tới sau thăm thẳm kia Ngài mới thành Phật. Mình nghĩ rằng đồng thời tu mà người bạn mình thành Phật trước mình mười năm, mình còn buồn huống nữa là thành Phật đã lâu xa như thế. Cái lỗi đó do đâu? Tại thiếu tinh tấn. Bởi thiếu tinh tấn cho nên phát tâm thì đồng thời mà thành quả thì sai biệt, kẻ trước người sau quá xa.

Cho nên trên phương diện tu hành chúng ta đừng có đặt thời gian. Cứ nghĩ rằng tôi tu ba năm người kia tu bốn năm, người nọ tu hai năm thì người tu bốn năm coi như nhiều hơn người ba năm, người ba năm coi như tu nhiều hơn người hai năm. Đặt thời gian như vậy e không đúng. Người tinh tấn tu một năm bằng người thiếu tinh tấn tu hai năm, bằng người giải đãi tu ba năm. Người giải đãi là người làm biếng, chỉ tu cho có chừng thì người đó chắc phải chừng gấp hai gấp ba. Như vậy thời gian không phải là cố định cho người tu là phải mấy mươi năm, mà chỉ giá trị ở sự tinh tấn. Cho nên trong kinh đức Phật Thích-ca nhiều lần Ngài nói rằng: Có những kiếp Ngài tu hạnh Bồ-tát chỉ một đời tinh tấn mà vượt qua bao nhiêu kiếp. Vì vậy tinh tấn là yếu tố then chốt trên đường tu hành. Tôi xin tổng kê những phương pháp tu của đạo Phật để quí vị thấy cái hạnh tinh tấn quan trọng như thế nào.

Nếu nói về giáo lý Thanh văn Tiểu thừa thì Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là yếu tố then chốt tu hành thành A-la-hán. Bắt đầu là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi hay Thất bồ-đề phần, Bát chánh đạo. Tứ niệm xứ thì không có chữ tinh tấn, nhưng qua Tứ chánh cần là bốn điều chuyên cần tức là phải tinh tấn.  Tôi nói trong ba mươi bảy pháp tu thì trước hết là Tứ niệm xứ, kế đến pháp thứ hai là Tứ chánh cần. Như vậy cái thứ hai là cái tinh tấn. Đó là nói chung cho ba mươi bảy pháp. Còn nói riêng thì tới Tứ như ý túc tức là bốn cái làm cho mình được như ý, trong đó có Dục như ý túc, kế là Tinh tấn như ý túc. Rồi Ngũ căn, trước là Tín căn, kế là Tấn căn (tinh tấn). Ngũ lực cũng vậy, Tín lực rồi đến Tinh tấn lực. Thất giác chi hay Thất bồ-đề phần thì Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi rồi đến Tinh tấn giác chi. Còn Bát chánh đạo thì sau Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng rồi tới Chánh tinh tấn. Như vậy quí vị thấy trong pháp tu không thể thiếu tinh tấn được. Thiếu tinh tấn thì không thành công. Đó là tôi nói Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chỗ nào cũng có tinh tấn đó hết, thiếu thì không đạt kết quả. Rồi đến pháp Bồ-tát thì sao?

Bồ-tát thì tu pháp Lục độ. Lục độ gồm có: 1- Bố thí, 2- Trì giới, 3- Nhẫn nhục, 4- Tinh tấn. Như vậy cũng có tinh tấn. Do có tinh tấn rồi Thiền định mới tới Trí tuệ.

Như vậy trong pháp tu của Phật, tinh tấn không thể thiếu được. Nhờ trí tuệ nhận xét, chúng ta biết được giáo lý của đức Phật dạy, nói theo danh từ chuyên môn là chân lý. Biết được chân lý rồi thì phải nỗ lực tiến hành, chớ không phải biết rồi thả trôi rề rề được, mà phải nỗ lực. Nỗ lực đó gọi là tinh tấn. Tinh tấn là một đức tánh rất là thiết yếu trên phương diện tu hành. Vì vậy đức Thích-ca nhờ tinh tấn mà thành đạo được sớm, còn ngài Di-lặc vì thiếu tinh tấn cho nên phải kéo dài đến mấy muôn năm so với thời gian trong cõi mình. Đó là điều mà chúng tôi thấy mọi người chúng ta cần phải tu tinh tấn. Như vậy hạnh tinh tấn phải tu cách nào? Chia tổng quát ra làm bốn giai đoạn tu tinh tấn.

1- Lấy Tứ chánh cần.

2- Để trừ tam độc.

3- Tinh tấn để trừ hai con quỉ tán loạn và hôn trầm.

4- Đại tinh tấn.

Đó là đường lối tôi phác họa ra nói về đề tài tinh tấn.

Tu Tứ chánh cần.

Có nhiều người nghe nói siêng năng tưởng là cuốc rẫy trồng khoai hay siêng năng cái gì? Nhưng không phải. Siêng năng của nhà Phật chia ra làm bốn thứ:

- Điều ác chưa sanh thì cố gắng đừng cho nó sanh.

- Điều ác đã sanh thì nỗ lực bỏ nó làm cho nó tiêu diệt đi.

- Điều thiện chưa sanh phải kích phát cho nó sanh.

- Điều thiện đã sanh phải làm sao cho nó tăng trưởng.

Như vậy quí vị thấy chúng ta phải tinh tấn chuyên cần: chuyên cần ngăn chận những điều ác, chuyên cần phá hoại cái ác đã lỡ làm, chuyên cần gây dựng cho điều thiện phát sanh, chuyên cần làm cho điều thiện được tăng trưởng. Đó là tôi kể tên của Tứ chánh cần để quí vị nhớ bốn điều chuyên cần chân chánh của người Phật tử.

Người nào là Phật tử phải nhớ như vậy.

- Điều ác chưa sanh.

Thí dụ mình chưa biết cờ bạc tức là điều ác chưa sanh. Có người rủ thì mình phải làm sao? Nhất định từ chối. Không làm để khỏi mắc kẹt trong tội lỗi đó. Như vậy điều ác chưa có thì phải giữ trọn vẹn cho nó được tốt luôn. Còn như mình chưa biết uống rượu, nhưng có ai mời, bạn bè rủ mình, mình cũng ráng đừng cho nhiễm trong đường đó. Có nhiều người không biết uống rượu, bị người ta rủ thì uống liền. Như vậy chưa có điều xấu, lại tạo thành điều xấu, chưa có tội lỗi gây thành tội lỗi, chưa phải là chánh cần.

Cho nên ngăn ngừa là một sức cố gắng, phải nỗ lực chớ không phải là ngừa suông. Ở thế gian có những cái khổ, mình không có những tật xấu, người có tật xấu họ muốn mình giống họ. Nghĩa là mình không có say rượu, không bị ngã bờ ngã bụi họ muốn làm sao cho mình giống họ. Nếu mình không chịu ngồi chung bàn với họ thì họ sẽ nói làm sao? Hoặc giả họ nói mình keo kiệt sợ tốn tiền, hoặc giả sợ về bà xã rầy, làm cho mình tức lên. Họ làm nhiều cái làm cho mình tức, rồi nghĩ trong bụng nếu mình không làm như vậy nó khi dễ mình đi. Đó là họ làm cách thả câu, nếu mình đớp mồi là mắc câu. Cho nên  mình phải gan dạ, dù cho họ nói xấu mình, họ nói nhục mình, mình vẫn gan dạ, không bao giờ sợ, không bao giờ để bị kích động mà sanh ra cái dở. Đó là một sức cố gắng chớ không phải thường,  phải gan dạ lắm mới được. Có một người Phật tử kể câu chuyện sau khiến tôi rơi nước mắt.

Một ông Phật tử quê cách Cai Lậy năm, sáu cây số, ông qui y tại chùa Thiên Phước. Mấy năm khoảng một ngàn chín trăm năm mươi mấy, đồn bót còn nhiều lắm, thuộc về Pháp, cho nên mấy chú lính là oai lắm. Muốn giết là giết, muốn bắn ai là bắn. Người Phật tử đó đã qui y thọ năm giới rồi. Ông khoảng năm mươi tuổi. Khi đó nhằm chiều mười bốn, hay rằm gì đó, ông đi chùa sám hối. Ông đi về ngang bót, trong bót có một người lính cũng quen ở gần nhà. Chú lính quen chào và hỏi ông đi đâu, ông trả lời tôi đi chùa về. Chú xếp bót uống rượu ngà ngà, chú thấy mới kêu vô ngồi uống rượu. Kêu không vô sợ bắt lỗi, đã lỡ rồi ông Phật tử đành bước lại. Mấy người trong tiệc bảo uống rượu. Ông từ chối, thưa: “Dạ tôi không biết uống rượu.” - “Cứ uống đi, chết tôi chịu cho.” Ông túng quá phải nói thật: “Thưa ông xếp tôi đã qui y thọ năm giới, tôi giữ giới không uống rượu.” - “Uống đại đi, Phật quở tôi chịu cho.” Cùng quá ông nói thầm trong bụng, giả sử bắn thì bắn chớ không uống rượu. Ông tìm cách năn nỉ: “Tôi đã lỡ thọ giới rồi xếp thương tha cho tôi. Tôi uống phạm tội nghiệp.” Chúng nó ép uống nếu không uống thì nó bắn. Năn nỉ quá mà nó cũng không chịu, nó đòi bắn. Bảo uống chớ không uống thì bắn, nó không cho đi. Có một người quen ở gần lối xóm biết ông là người lương thiện, mới xô bảo: “Anh đi đi, anh này dốt lắm. Thôi xếp đừng ép ảnh. Ảnh ngu không biết ăn chơi gì hết.”

Ông đi rồi, ông nghĩ giả sử bị bắn thì chịu bắn chớ nhất định không uống.

Mình thấy người Phật tử gan dạ như vậy thật là hiếm có. Chớ còn đa số thì làm sao? - Thôi uống để nó cho đi cho rồi. Cái lối say ba ngầu có biết gì phải quấy.

Một câu chuyện khác cũng nói về giới uống  rượu.

Ngày xưa có một vị làm quan lớn biết Phật pháp. Có người phạm tội. Ông nói: “Bây giờ tôi bắt anh làm ba việc, anh xem coi anh nên làm việc nào? Một là anh uống rượu, hai là anh đốt nhà, ba là anh giết người. Trong ba tội ác ấy, anh thích tội nào và chọn tội nào anh cho rằng nhẹ nhất.” Anh chàng suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thôi tôi xin lãnh uống rượu.” Không ngờ anh uống rượu say, anh nổi điên đốt nhà người ta, người ta cự anh, anh giết người ta luôn.

Như vậy tội hết sức nhẹ mà nó trùm luôn tất cả tội nặng. Cho nên hiểu rằng uống rượu mà Phật cấm không phải là vô lý. Chính nó làm cho người ta cuồng dại, khi cuồng dại rồi thì tội nào cũng dám làm hết. Vì vậy người Phật tử chân chánh, phải ngừa phải đón đừng để cho mình mắc kẹt vào cái lỗi đó. Phải có ý chí như vậy, sự tu mới tiến được. Đó là tôi nói về điều ác chưa sanh. Trong những buổi tiệc nhất là tuổi trẻ, phải nỗ lực lắm, chiến đấu ghê gớm. Chỗ đó chính là Chánh cần vậy. Nỗ lực lắm mới chận được tội lỗi chưa sanh, nếu không cố gắng thì cái chưa sanh dễ phát sanh lắm.

- Điều ác đã sanh.

Người Phật tử đã thọ giới qui y, mà giới thứ năm lỡ ghiền rượu rồi bây giờ không thể bỏ được, nên chỉ thọ bốn giới, còn chừa một giới. Vì lỡ ghiền rượu rồi, bỏ thì bỏ không nổi. Bây giờ mình cần giữ bốn giới suốt đời sao? Năm nay thọ bốn giới, năm tới nhất định phải giữ năm giới. Như vậy là điều ác đã sanh rồi, mà phải ráng bỏ dù ghiền mà bỏ có phải ụa thì ụa, mửa thì mửa. Chừng nào bỏ được thì thọ thêm một giới. Như vậy điều ác đã sanh mình phải nỗ lực tiêu diệt, chớ đừng để nó kéo dài mãi. Đó là một cố gắng phi thường. Thí dụ như người quen uống rượu, những người quen làm tổn thương người, họ quen làm rồi, bây giờ bỏ cái đó thì họ coi như khó sống hay là khó chung chạ với bạn bè. Cần phải nỗ lực can đảm mới làm được, vì vậy mà nói là “cần”. Cần là cố gắng. Đó là điểm thứ hai, điều ác đã sanh chúng ta phải nỗ lực cố gắng mà tiêu diệt nó.

- Điều thiện chưa sanh.

Con người thông thường vô tình, thấy một người đi đường vấp té, mình cứ tỉnh bơ mà đi. Đáng lẽ mình phải tới đỡ người ta lên xem họ có thương tích gì không, băng bó cho họ, nếu cần thì đưa họ về nhà. Đó là điều thiện mà mình không chịu làm. Điều đó làm được đâu đến nỗi nào, mà chưa có trong lòng mình. Mình quen lơ là vô tình, vô nghĩa như vậy. Bây giờ mình biết đạo lý, mình phải có lòng từ bi, phải thương phải giúp những người khổ hoạn nạn. Đó là tôi nói người gặp tai nạn té, còn những trường hợp khác cũng vậy. Nếu gặp ai khổ, nhiều khi mình ngó lơ, không thèm để ý gì tới. Bây giờ trong cảnh đó mình có thể làm được mình ráng kích động cho lòng mình thương xót để cố gắng mà làm. Cái thói quen lơ là, là một điều tiêu cực. Muốn cho tích cực thì phải cố gắng thúc đẩy thì nó mới phát lên, vì vậy cần phải nỗ lực mới có thể làm điều thiện được.

- Điều thiện đã sanh phải làm cho tăng trưởng.

Trên đường tu nếu chúng ta chưa thành Phật thì chưa bao giờ hài lòng, ngày nào thành Phật mới thoả nguyện. Những phước đức chúng ta đã tạo hoặc nhiều hoặc ít cũng chớ nên hài lòng. Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, đức Phật có dạy chúng ta đừng bao giờ sợ phước mà luôn luôn sợ tội. Tội là chướng khổ làm cho ta lui sụt, cần phải sợ phải tránh.

Phước là duyên tốt giúp ta tiến tu dễ dàng nên lúc nào cũng phải làm. Vì vậy chúng ta không nên thỏa mãn với việc làm phước. Chính đức Phật còn bòn mót từ phước xỏ kim. Trong kinh kể ngài A-na-luật-đà do tinh tấn tu hành mà mù cả hai mắt. Một hôm muốn vá lại chiếc y, nhưng xỏ kim không được, Ngài mới than: “Ai làm phước xỏ kim giùm tôi.” Đức Phật đi ngang nghe được, bảo: “A-na-luật-đà, đưa ta xỏ cho.” Ngài giật mình thưa: “Bạch Thế Tôn, Như Lai là bậc phước đức trên tất cả mà còn làm phước chi nữa?” Phật dạy: “Chính ta đã đầy đủ phước đức mà còn bòn mót từ phước xỏ kim.”

Đức Phật còn như thế, huống là chúng ta mới làm được chút ít phước mà đã hài lòng tự mãn. Chúng ta phải luôn nhớ hình ảnh này của đức Phật để khi làm được điều tốt không nên hài lòng, phải nỗ lực hết khả năng. Đối với phước đức đừng bao giờ thấy đủ.

Chờ xuân, khuyến tu

50078580_806676569683158_8703819227561197568_n

Một số Phật tử làm việc từ thiện than có những điều thật khó làm. Ví dụ đi cứu trợ nạn lụt, ban tổ chức chỉ đem theo một trăm gói gạo, thế mà họ tới một trăm mười người. Những người không được quà họ chửi mình. Như vậy làm sao không chán! Muốn không chán cần phải nỗ lực lắm mới được. Khi làm những điều lành, điều tốt, vẫn có những chướng ngại làm cho chúng ta dễ chán nản. Do đó phải bền chí, nỗ lực mới viên mãn được việc làm phước của mình.

Tôi nhắc lại tinh tấn bước đầu có bốn điều:

- Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa sanh đừng cho sanh.

- Tinh tấn tiêu diệt những điều ác đã sanh.

- Tinh tấn kích phát những điều lành chưa sanh khiến cho sanh.

- Tinh tấn làm tăng trưởng những điều lành đã sanh.

Bốn điều tinh tấn căn bản trên đây, Tăng Ni và Phật tử đều phải tu tập.

Trừ tam độc.Tam độc là tham, sân và si. Muốn tiêu diệt nó phải có từ bi và trí tuệ. Tập hạnh từ để diệt lòng tham. Tham là muốn gom của thiên hạ đem về mình, dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn lòng tham làm cho kẻ khác đau khổ. Từ là lòng thương ban vui cho tất cả. Thấy ai chúng ta cũng thương xót muốn cho họ được vui, thì lòng tham không thể khởi được. Đó là dùng hạnh từ để diệt lòng tham.

Muốn lòng bi để trừ sân hận. Bi là nhổ hết gốc khổ của chúng sanh. Bởi có lòng bi không nỡ làm cho ai đau khổ. Sợ người đau khổ, khi nổi giận chúng ta không thể mắng chửi đánh đập họ, nên vừa dấy niệm giận liền nhớ điều này thì cơn giận lắng dịu.

Như vậy do từ mà diệt được lòng tham, do bi mà diệt được sân hận. Cho nên điều căn bản tu hành là chúng ta phải có lòng từ bi. Làm sao đối với mọi người, chúng ta thương như người thân của mình. Không nỡ làm khổ người thân tức nhiên không nỡ làm cho tất cả chúng sanh khổ. Đó là lòng từ bi. Lòng từ bi giúp chúng ta dẹp dần tâm tham lam và sân hận. Người nào mình thương có làm điều gì bực tức, mình cũng dễ tha thứ. Còn người mình ghét, có sơ hở một chút thì nổi giận liền. Thương thì lỗi mười giảm còn hai ba, ghét thì hai ba tăng lên bảy tám. Người mình thương thì muốn chia sẻ cho họ được đầy đủ. Ngược lại, người mình ghét thì muốn họ thua thấp hơn mình. Cho nên lòng thương giúp chúng ta bớt nóng giận, bớt tham lam, bỏn sẻn. Vì vậy mà phải tập từ bi đối với mọi người.

Trong đạo Phật, lý luân hồi giúp chúng ta dễ khởi từ bi. Tất cả chúng sanh, ai sanh ra đây cũng không phải mới một lần, mà đã trải qua vô số đời rồi. Đời nào sanh ra cũng có ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu, bà con quyến thuộc để mình thương, ít nhất cũng được vài chục người. Ngoài ra còn thầy bạn v.v… đáng cho mình lo, ít nhất cũng vài chục người nữa. Vô số đời như vậy thì trên thế gian này đâu còn ai xa lạ, tất cả chúng sanh đều là thân thuộc của mình. Tỉ như hai gia đình bà con chú bác ruột xa nhau, mười năm không gặp, thì không thể biết được những đứa cháu mới ra đời sau này. Ngay cả những đứa cháu gần mình thuở năm ba tuổi, bây giờ gặp lại chúng ta cũng không nhận ra. Như vậy bà con trong một đời lâu ngày không gặp còn quên thay, huống là bà con nhiều đời. Cho nên chúng ta dùng tâm quán tất cả người thế gian nếu không phải bà con ruột thịt đời này, cũng là bà con ruột thịt đời trước hoặc nhiều đời trước nữa. Nếu mình thương bà con ruột thịt bây giờ, tại sao không thương bà con ruột thịt trước kia? Vì tất cả đều là bà con ruột thịt hết, đâu nỡ hại ai, do đó khởi tâm từ bi. Nhờ trí quán xét ấy mà lòng từ bi tăng trưởng, tham và sân giảm dần đi.

Kế đến là si. Si mê thì dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu để dẹp. Si mê có hai: si mê về thân, si mê về cảnh. Thân này do duyên hợp mà tưởng lầm là thật, là cố định nên ngã mạn, chấp trước, hơn thua phải quấy. Lúc nào cũng thấy mình là quan trọng, nếu mọi người không để ý tới thì buồn giận, tức tối. Trong đạo, ai cho ta tu lơ là không ra gì ta cũng giận. Vì bản ngã mà mình tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Bản ngã có, là vì mình lầm nhận thân thật cố định. Nếu thân thật cố định thì ông bà cha mẹ mình cũng còn hoài, nhưng ông bà cha mẹ mình đã chết hoặc sẽ chết, thì mình cũng thế. Như vậy tất cả chúng ta đều là tướng duyên hợp, còn mất tùy duyên. Dùng trí Bát-nhã quán xét như vậy thì phá được si mê. Phá được si mê thì dứt được ngã mạn, tức là dứt được giận hờn tật đố xấu xa.

Người học Phật cần tu tập hai hạnh căn bản từ bi và trí tuệ, tức là phước trí song tu. Phước là từ bi, tuệ là trí tuệ. Muốn thành Phật phước và trí không thể thiếu, cho nên đức Phật được gọi là bậc Lưỡng túc tôn. Chúng ta tu phải nỗ lực tinh tấn, để lòng từ bi ngày càng tăng trưởng, cố gắng dùng trí tuệ quán sát thân này để đừng lầm. Thân không lầm thì đối cảnh chúng ta cũng hết lầm. Thấy rõ thân cảnh là duyên hợp, thì tất cả sanh tử được mất, cả thế gian không còn chi phối chúng ta được nữa. Đó là điều tinh tấn thứ hai.

Trừ tán loạn và hôn trầm.Tinh tấn thứ ba là tinh tấn của người chuyên tu, để trừ hai loại ma hôn trầm và tán loạn. Khi ngồi thiền nếu tâm không nghĩ chuyện này chuyện nọ thì gục lên gục xuống, đó là ma hôn trầm nhập rồi. Nếu chấn chỉnh qua được hôn trầm thì tới tán loạn, nhớ chuyện này chuyện nọ, cái hay cái dở. Hết nói chuyện thì hình ảnh, hết hình ảnh thì nói chuyện. Ngồi một mình mà nói chuyện hoài, nhớ người này nhớ người nọ, không cho một niệm dừng. Bị hai con ma này nhập rồi thì nó dẫn chạy hoài, một giờ ngồi thiền rốt cuộc không còn được bao nhiêu.

Làm sao trị hôn trầm? Loại ma này nguy hiểm lắm. Người mới tu ít sợ hôn trầm mà sợ tán loạn. Người tu khá ít sợ tán loạn mà sợ hôn trầm. Người tu khá, tâm hơi yên thì bắt đầu buồn ngủ, tức là hôn trầm. Người mới tu, ngồi lại thì lo đau chân, nhớ những việc xảy ra trong ngày, nhớ hoài không bỏ được, nên bị tán loạn. Ma tán loạn thấy nó khó mà dễ trị. Vì tán loạn là tâm chạy đầu này đầu nọ, khi tu hơi thuần thục, dùng trí quán biết nó là bóng dáng không thật, chúng ta buông, dần dần nó lặng. Trị ma hôn trầm mới thật là cay đắng. Vừa ngồi yên yên gục hồi nào không hay, giật mình thì việc đã rồi. Chúng ta chống không được, cũng không biết đâu mà chống. Ma tán loạn quán chiếu thì lặng, còn ma này không biết đâu mà ngừa. Trong A-hàm có bài kinh Trưởng lão Thùy Miên, Trưởng lão là người đã đắc đạo mà ngồi thiền vẫn gục như thường, huống là phàm phu chúng ta làm sao khỏi gục. Ngủ gục rất khó trị chớ không phải thường, muốn trị phải làm sao?

Có vị Thiền sư ngồi thiền ngủ gục, không có cách nào trị nổi, Ngài mới nghĩ nếu như vầy thà chết còn hơn. Ngài lên núi, tìm một nhánh cây gie ra ngoài vực thẳm, rồi leo lên đó ngồi thiền, thầm nghĩ cho mầy gục. Mầy gục cắm đầu rơi xuống dưới nát thây cho rồi. Chính nhờ sợ nát thây nên không dám gục. Hết gục Ngài được chứng đạo. Phương tiện này thật là thù thắng, phải gan dạ lắm mới làm được, gan vừa không làm nổi đâu.

Người xưa cũng khổ sở như mình, nhưng nhờ sức cố gắng nên các ngài thắng được. Trong kinh có dạy nhiều cách điều trị hôn trầm. Ngồi thiền con mắt nhìn xuống nên dễ ngủ gục. Khi lỡ gục thì phải chấn chỉnh, mở mắt to lên. Khi ngồi thiền cần để đèn sáng vừa phải, mắt mở vừa chừng. Vì để tối và nhắm mắt dễ buồn ngủ. Mở mắt lớn dễ bị tán loạn, mở vừa chừng mà gục thì mở lớn, trợn mắt, chấn chỉnh lại. Nếu còn gục thì đứng dậy lễ Phật đi kinh hành, kinh hành mà chưa hết thì rửa mặt. Rửa mặt mà không hết nữa thì đến trước Phật tha thiết lạy sám hối. Phải thay đổi luôn luôn như vậy khả dĩ mới trị được nó. Chúng ta tu mà tán loạn và hôn trầm là tại thiếu sức tinh tấn. Muốn tinh tấn thì lúc nào cũng khắc chữ “tử” trên trán. Thà chết chớ không để cho tán loạn và hôn trầm xâm nhập. Do sức tinh tấn liên tục mà qua được cơn ngủ và tán loạn. Như vậy muốn thắng được buồn ngủ và tán loạn phải dùng sức mạnh tinh tấn mà trong nhà thiền gọi là phát tâm tha thiết, thà chết chớ không để cho ma dẫn. Đó là tinh tấn để trị ma hôn tán.

Niệm khởi liền biết.

Đến tinh tấn thứ tư, không phải chỉ ngồi thiền mà đây là phần chuyên môn trong Thiền tông. Chúng ta phải tập làm sao trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng tu, nghĩa là đi đứng nằm ngồi luôn luôn tỉnh giác. Một niệm khởi lên liền biết, không cho niệm nào dẫn đi. Như vậy cả ngày trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi đều làm chủ, không mất một phút giây nào, đó là đại tinh tấn. Nếu chúng ta tinh tấn như thế, thì không còn dụng công bằng hình thức lễ bái, mà trong bất cứ hoạt động nào cũng vẫn làm chủ được mình. Người được như vậy đối với đạo không còn xa, chắc chắn sẽ thoát ly sanh tử.

Để kết thúc buổi nói chuyện về mùa Xuân tinh tấn này, tôi đọc lại bài kệ của Thiền sư Hoàng Bá:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường

Hệ bả thằng đầu tố nhất trường

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

Tranh đắc mai hoa phốc tỹ hương.

Dịch:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường

Nắm chặt đầu dây giữ lập trường

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Thoát khỏi trần lao là việc phi thường. Như người leo núi phải nắm dây cho thật vững. Đây cũng vậy, muốn thoát khỏi trần lao phải nắm chặt mối dây. Mối dây ở đây là mối dây buông hết vọng tưởng, phải hằng tỉnh giác, giữ lập trường không lay chuyển, dù gặp hoàn cảnh nào. Đó là đức tinh tấn.

Cũng như muốn ngửi được mùi hương ngạt ngào của hoa mai thì phải chịu một phen lạnh thấu xương.

Chúng ta muốn đạt được kết quả viên mãn của người tu, thì phải hết sức nỗ lực, cam chịu mọi khó khăn nguy khốn. Như vậy phải nỗ lực tinh tấn không lúc nào dám lười biếng, không lúc nào dám giải đãi thì sự tu hành của chúng ta sẽ được như nguyện, đúng theo những gì chúng ta phát tâm mong cầu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc

Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024

Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.

Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang

Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024

Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh

Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.

Xuân thung dung

Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024

Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...

Xem thêm