Một tâm thanh tịnh
Phật chỉ ở ngay tại lòng của chúng ta, mà không phải ở một nơi nào khác. Dù cho có đi sang Ấn Độ, đến tận nơi đức Phật thành đạo, nhưng nếu không khéo tu thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được Phật.
Vô niệm không phải là đoạn niệm
Hỏi: Vì sao gọi là tụng kinh ‘thâm nhập pháp tánh’?
Đáp: Việc tụng kinh được phân chia thành ba cấp độ khác nhau:
1. Đọc tụng trên văn chữ.
2. Theo lời kinh mà xét sâu nghĩa lý, gọi là ‘tùy văn nhập quán’.
3. Tụng kinh được vào trong chánh định, gọi là ‘thâm nhập pháp tánh’.
Cấp độ thứ nhất là đọc tụng trên văn chữ, trong sách viết bao nhiêu chữ thì đọc tụng đúng y như vậy, không có bỏ sót. Mỗi ngày đều ngồi trang nghiêm trước bàn thờ Phật và đọc tụng như vầy: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Cấp cô độc viên…”, cứ đều đặn đọc tụng suốt mấy mươi năm, nhưng khi có ai hỏi câu đó là ý nghĩa gì, thì mới giật mình lắc đầu vì không biết.
Do tất cả các kinh điển được lưu hành và sử dụng phổ biến đều được viết bằng âm Hán Việt, cho nên người không có học về chữ Hán thì sẽ không biết được câu nói đó nói về điều gì; mà đã không biết được nghĩa của câu kinh thì làm sao mà biết cách vận dụng để tu tập?
Hoặc ngay cả khi tụng đọc những bản kinh được chuyển sang chữ Việt như kinh Phổ Môn có đoạn: “Giả sử hắc phong suy kỳ thiền phưởng, phiêu đọa La-sát quỷ quốc…”, khi được chuyển sang tiếng Việt là: “Giả sử gió đen thổi ghe thuyền trôi dạt vào nước của quỷ La-sát…”, thì tuy tụng đọc mà không hiểu được ý nghĩa sâu kín bên trong của lời kinh đó thật sự chỉ dạy về điều gì? Sự tụng đọc trên văn tự tuy cũng có phước, nhưng rất nhỏ bé và do không biết cách thực hành để đoạn trừ phiền não, cho nên dù đọc tụng nhiều kinh điển mà khổ vẫn hoàn khổ.
Cấp độ thứ hai là cách đọc tụng mà có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh, gọi là ‘Tùy văn nhập quán’. Trong kinh, đức Phật thường dùng những ví dụ để chỉ bày những nghĩa lý sâu xa của việc tu Đạo, mà phần nhiều người đọc tụng hiếm khi nhận rõ, mà chỉ xét trên những nghĩa nông cạn của câu kinh mà thôi. Ví dụ như khi đọc đến đoạn:
Nếu bị người hãm hại
Xô vào hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Thì người ở cấp độ thứ nhất sẽ nghĩ nếu trong cuộc sống mà có ai hãm hại thì liền xưng niệm danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm thì liền được ngài cứu thoát khỏi mọi tai nạn. Tuy nhiên, đối với người tụng kinh ở cấp độ thứ hai này với trình độ học hiểu Phật pháp khá, cho nên có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa là ‘hầm lửa lớn’ tượng trưng cho tánh nóng nảy sân giận của mình. Khi bị người chọc tức thì trong lòng nổi giận, lửa sân phát khởi ngùn ngụt đốt cháy cả thân và tâm, khiến cho bản thân không còn tỉnh táo sáng suốt và có thể phát ra những lời nói hoặc hành động làm tổn hại đối phương. Tuy nhiên, nhờ có sự tu tập trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm mà tâm trí được sáng suốt an định, chánh niệm quán xét thấy lời nói kia như gió thoảng mây bay và bản thân của mình đâu có thật, cho nên có thể buông bỏ mọi việc nhẹ nhàng. Chính khi ấy là ‘Hầm lửa biến thành ao’ mà trong kinh muốn nói đến.
Có một câu chuyện trong nhà Phật cũng nói về việc đọc tụng mà không hiểu rõ nghĩa lý như sau:
Một vị tướng quân có tâm ngưỡng mộ Phật pháp, cho nên hằng ngày ông ta đều siêng năng đọc tụng kinh Phổ Môn. Nhiều lần ông đọc tụng đến đoạn “Giả sử hắc phong suy kỳ thiền phưởng, phiêu đọa La-sát quỷ quốc…”, mà ông không hiểu được danh từ ‘hắc phong’ tức là ngọn gió đen mà trong kinh nói là chỉ về điều gì? Bởi vì từ nhỏ cho đến khi ông đã trạc độ ngũ tuần mà chưa từng bao giờ nhìn thấy có ngọn gió nào gọi là gió đen, vì vậy mà trong lòng ông luôn ôm ấp thắc mắc này.
Sống tỉnh thức để trải nghiệm chân hạnh phúc
Một hôm, ông quyết định đi đến chùa để gặp Hòa thượng và trình bày rằng:
- Bạch Hòa thượng! Từ trước đến giờ, con đọc tụng kinh Phổ Môn và trong đó có nói về danh từ ‘gió đen’, nhưng dù suy nghĩ mãi mà con vẫn không biết ‘gió đen’ là gió như thế nào? Vậy xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con hiểu.
Ngay lúc đó, vị Hòa thượng mới quát một lời khiến vị tướng quân giật mình:
- Ông đường hoàng là một vị tướng quân mà lại hỏi câu hỏi ngớ ngẩn như vậy sao?
Vừa nghe được những lời lẽ xúc phạm của Hòa thượng, vị tướng quân không thể kiếm chế được cơn giận, cho nên ông đã rút gươm ra khỏi vỏ và trợn mắt, nghiến răng hét lớn rằng:
- À! Lão Hòa thượng dám cả gan chê bai một người như bổn Tướng như thế thì Ta sẽ trị tội ông.
Lúc ấy, Hòa thượng vẫn thản nhiên nhìn thẳng vào mặt vị tướng quân kia và nói:
- Ông đến đây vì muốn biết về ‘gió đen’ và Ta đã chỉ cho ông thấy nó là như thế nào rồi đó. Vậy sao ông còn nổi giận?
Nghe những lời ấy, vị Tướng quân như bị hóa đá và không biết trả lời ra sao, bởi vì ông ta đã kịp nhận ra lỗi lầm của mình và thật sự hiểu được danh từ ‘gió đen’ được nói đến trong Kinh là như thế!
Cũng vậy, hằng ngày chúng ta tuy đã biết tu học Phật pháp mà thỉnh thoảng cũng còn bị ‘gió đen thổi tấp vào nước quỷ La sát’ khiến mặt mũi đang hiền từ biến dạng thành hung tợn, chuẩn bị tư thế chiến đấu với mọi người. Từ cái tâm sân hận, những ngọn lửa của sự chấp ngã và tham dục đã phục cháy làm cho sắc mặt và hình tướng đều thay đổi biến dạng. Ngay lúc đó, dù là người có đẹp như Tây Thi hay Điêu Thuyên đi nữa, nhưng ‘tam bành lục tặc’ đã nổi lên thì nhìn giống như quỷ La-sát xấu xí và hung dữ, khiến mọi người không ai dám ở gần. Cái tâm sân khởi lên và mình để cho nó tự thoải mái phát tác ra bên ngoài ở nơi lời nói và hành động thì nó sẽ đưa mình người cảnh khổ sầu. Đó chính là hình ảnh bị trôi dạt vào nước của quỷ La-sát và như vậy là sẽ bị nguy hiểm đến tánh mạng.
Bây giờ khéo biết niệm: "Nam mô Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Quán Thê Âm Bồ Tát” tức là dùng nước cam lồ mát của từ bi mà tưới mát thì ngọn lửa sân giận đâu còn phựt cháy được nữa. Chính vì vậy mà trong kinh cũng nói rằng: "Do sức niệm Quán Âm, chúng đều không dám hại”. Nhờ niệm Quán Âm nương về tâm từ bi thì có thể hóa giải được sân si thù hận.
Đọc kinh mà hiểu được nghĩa lý như vậy rồi mới đem ra ứng dụng vào cuộc sống giao tiếp hằng ngày để có được an lạc nhẹ nhàng cho mình và người. Ứng dụng lời dạy đó ở mức độ nào thì mình được cái kết quả an lạc ở mức độ đó. Cho đến khi nào ứng dụng được hoàn mãn một trăm phần trăm là tới đạt chỗ cứu cánh đại từ đại bi giống như Bồ tát Quán Thế Âm.
Cấp độ thứ ba là hạng ngưòi tụng kinh có trình độ cao nhất. Do hiểu được nghĩa lý của kinh, cho nên khi đọc tụng đến đâu thì tâm sáng tỏ đến đấy và được an lạc, thanh tịnh, trong sáng không có vọng tưởng, phiền não xen tạp. Đang lúc tụng kinh, tâm được vào chánh định.
Ngày xưa, Đại sư Thiên Thai Trí Khải, là vị Tổ của tông Pháp Hoa, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm, trong lúc ngồi tụng kinh Pháp Hoa, khi đến phẩm Dược Vương Bổn Nguyện Công Đức, có đoạn: “Bồ tát Dược Vương lần lượt đốt tay trái, tay phải và cuối cùng là đốt luôn tấm thân để cúng dường Đức Phật… Đức Phật khen ngợi rằng: Đây mới thật là chân công đức, là pháp cúng dường chân thật”. Khi ấy, ngài liền nhập vào chánh định và nhìn thấy Pháp hội Linh Sơn vẫn còn chưa tan, đức Phật Thích Ca còn đang giảng nói kinh Pháp Hoa ở đó.
Nếu chúng ta đã có đọc tụng kinh Pháp Hoa sẽ thấy đức Phật có nói rằng: "Người nào tu hành tinh tấn có công đức sẽ thấy Ta và chư Tỳ-kheo tăng vẫn còn ở trên núi Linh Thứu chưa hề nhập diệt”. Qua sự kiện trên, chúng ta thấy được hai mặt:
- Do tâm được an định, lặng lẽ cho nên có thể cảm thông với Phật và nhìn thấy Pháp hội Linh sơn.
- Chính là Pháp thân của mỗi người, tức là tâm sáng suốt sẵn có.
Khi tụng kinh, tâm được an lạc, thanh tịnh thì tất cả các ‘Hóa thân’ tức là những vọng niệm đều tụ hội về một chỗ, thì liền có thể nhìn thấy "tháp báu của Phật Đa Bảo" và mở được cửa tháp thấy được đức Phật - bản tâm sẵn có này.
Ngay lúc này, cái thấy, cái biết nghe đang hiển bày lồ lộ ở nơi tai mắt của mỗi người, không còn một vật gì ngăn che. Giống như mặt trời tỏa sáng gữa bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Cho nên nói:
Phật tại Linh Sơn đâu có xa
Linh Sơn chỉ ở tại lòng ta
Người người sẵn có Linh Sơn tháp
Hãy hướng Linh Sơn tháp ấy tu.
Phật chỉ ở ngay tại lòng của chúng ta, mà không phải ở một nơi nào khác. Dù cho có đi sang Ấn Độ, đến tận nơi đức Phật thành đạo, nhưng nếu không khéo tu thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được Phật. Phải nhìn lại ngay nơi bản thân này thì sẽ thấy được ‘đức Phật thật sự’ chính là cái tâm thanh tịnh sáng suốt ở nơi mỗi người. Đã có sẵn cái tâm sáng suốt rồi, thì cần phải nhọc lòng đi tìm ở đâu nữa, hãy xoay trở lại cái tâm ấy mà tu hành thì chắc chắn được Giác ngộ.
Như vậy đọc tụng kinh mà thấu suốt được bản tánh thanh tịnh thuần nhất vốn sẵn có của mình chính là công phu tụng kinh ‘thâm nhập Pháp tánh’ cao nhất của người chuyên đọc tụng kinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm