25 tuổi, có thâm niên hơn 10 năm phụ giúp cho một chủ ghe cá ở Kiên Giang cứ 1 tháng thì lênh đênh trên biển mười mấy hai mươi ngày, mỗi tháng như vậy chủ ghe cho từ 3 đến 4 triệu đồng và cũng ngần ấy thời gian Nguyễn Văn Muôn đã biết đem tiền về cho mẹ.
Thế nhưng niềm vui của em và gia đình chưa trọn thì cơn bệnh ập đến, em nói:
- Con bệnh xong, mấy chú làm con rắn biển con ăn, rồi sau đó con bị nổi mẩn đỏ khắp người.
Gia đình đã đưa đến bệnh viện Da liễu Kiên Giang, bác sĩ chẩn đoán là vẩy nến, viêm khớp chuyển bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng vẫn không khỏi những vết mẫn đỏ. Các khớp tay sưng đỏ, những đầu ngón tay và chân cụp vào. Em lại nằm giống như Lâm Nạn (Lâm Sang) ở Vĩnh Châu. Gặp chúng tôi em vừa nói, vừa ứa nước mắt:
- Bệnh như vậy, con muốn chết cho rồi
Chúng tôi khuyên em và hướng dẫn cho em cách trì chú kinh cũng như niệm Phật. Mẹ em thì đôi mắt đỏ hoe bảo rằng:
- Nó kêu tui mua thuốc chuột uống cho nó, nhưng ai mà nỡ lòng vậy, ráng đi làm kiếm tiền mua thuốc theo toa cho nó uống đỡ vậy thôi.
Chị cho biết thêm:
- Mỗi ngày tui đi bán vé số bữa nào đắt thì có được 100 nghìn đồng có khi hơn, nhưng bữa nào mưa bán ế thì chỉ vài chục.
Cuộc sống của cả gia đình em Muôn bà ngoại, mẹ, dì và em rất vất vả, ở tạm trong một căn phòng, do một chủ hãng nước đá tên Trung Tín là cán bộ nghỉ hưu, thương tình cho tá túc, nó nằm cặp bên sông Mỹ Thanh ở ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Cha thì làm công ở tận Phú Quốc để kiếm thêm tiền trị bệnh cho con. Xem một số loại thuốc giảm đau theo toa bác sĩ, cùng loại thuốc đặc trị và thuốc thoa ngoài da, thì số tiền mẹ em kiếm được cũng không thể bảo đảm cho em có thuốc uống thường xuyên.
Chúng tôi không phải là bác sĩ, nhưng nhìn vào cơ thể của em Muôn với bệnh án chẩn đoán, thì thầm hỏi không biết còn thiếu một căn bệnh nào nữa không, mà hơn 3 năm rồi, không khỏi mỗi lúc một dầy thêm những vết đỏ và đau nhiều ở các khớp xương?
Em nằm đó, nét mặt buồn vô vọng, thật xót xa khi nghe em tâm sự:
-Bạn bè con giờ tốt nghiệp ra trường hết rồi, còn con thì bệnh như vậy...
Em bỏ lửng câu nói và lại lau nước mắt với chiếc khăn bằng những ngón tay co quắp.
Một người thanh niên vì hoàn cảnh nghèo phải sớm lao động để mưu sinh, giúp đỡ cha mẹ, bỗng chốc trở thành một người bệnh tật, dở dang bao nhiêu ước muốn cho đời sống khởi sắc hơn. Hãy ra tay giúp đỡ, nếu khả năng chúng ta có và biết nhé bạn đạo cũng như những tấm lòng hảo tâm gần xa.
Cũng từ thông tin nầy chúng ta nên cẩn trọng hơn khi sử dụng thịt những động vật hoang dã, tốt hơn hết hãy hưởng ứng việc ăn chay là để bảo vệ môi trường, tránh được sát sinh. Không chỉ những ngày gần đây trên các trang web của Gia đình Việt Nam, một số trang web khác, nói về rắn tấn công, rắn trả thù sự tin và không nên tin, nhưng kết luận vẫn là: "Theo một số nhà nghiên cứu, chuyện rắn 'báo thù' có thể chỉ là sự tưởng tượng người dân quá sợ hãi. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, loài vật nào cũng có 'tình đồng loại'. Nếu thiếu đi người thân thì tất yếu nó phải đi tìm" trên trang Gia đình Việt Nam.
Vì vậy, con vật cũng cần có sự sống và theo truyền thuyết rắn có tên gọi là Naga còn được coi là linh vật của người Khmer và của Phật giáo Nam Tông Khmer, người Khmer thờ thần Rắn là để được thần rắn che chở, phù hộ độ trì cho người dân Khmer diệt trừ ma quỷ. Còn trong Phật giáo nói chung cũng có hình tượng con rắn 7 đầu, phình to mang để che mưa cho đức Phật ngồi thiền định dưới cội Bồ đề. (bài viết của Tăng Nguyên trên trang Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán).
Thiện Tâm