Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 02/08/2014, 09:13 AM

Một vài suy nghĩ về vấn đề gắn bó giữa đạo với đời trong tư tưởng Phật giáo

Với tinh thần Phật giáo nếu khi chúng ta hiểu một cách không máy móc, chấp vào câu chữ thì có lẽ quan điểm của nhà Phật sẽ rất gần với những tư tưởng tiến bộ, với hệ giá trị mà ngày nay chúng ta đang theo đuổi. 

Tư tưởng của Phật giáo hiện được coi là một trong những học thuyết Triết học - tôn giáo lớn nhất trên thế giới, tồn tại rất lâu đời với hệ thống giáo lý đồ sộ và số lượng người tin theo đông đảo, phân bố rộng khắp. Người sáng lập Phật giáo là Siddhartha sinh ngày 8-4-563. Siddhartha (Tất đạt đa) nghĩa là “người thực hiện được mục đích” hay Thích Ca Mâu Ni (nghĩa là ông Thánh hay nhà hiền triết của tộc người Thích Ca). Ông mang họ là Gautama (Cù Đàm), vốn là con đầu vua Tịnh Phạn.

Sau khi đức Phật nhập Niết bàn, nền tảng đạo đức và triết lý cao siêu của Ngài đã được hiểu và thực hành theo từng bối cảnh văn hoá khác nhau. Từ đó, Phật giáo có hai trường phái triết học lớn, trường phái Thượng toạ, thường gọi là Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Nam truyền hoặc Phật giáo Nguyên thuỷ và trường phái Đại thừa, hay còn gọi là Bắc truyền hoặc Phật giáo phát triển, Phật giáo cách tân.

Phật giáo Nam truyền chủ yếu phát triển ở các nước Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia v.v… theo hướng địa lý miền Nam Ấn Độ, trong khi Phật giáo Bắc truyền, chuyển hướng về vùng địa lý miền Bắc Ấn Độ, du nhập vào các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên và Việt Nam v.v… Văn hệ chủ yếu của trường phái Nam tông là tiếng Pali. Văn hệ chính của Bắc tông là Sanskrit với hai dịch ngữ chính là tiếng Hán và Tây Tạng.
Chùa Một Cột xưa
Do nền tảng triết lý đạo Phật, dù của Nam truyền hay Bắc truyền, đượm nhuần chất liệu nhân bản sâu sắc. Tư tưởng của Phật giáo được đông đảo tín đồ ở nhiều nơi trên thế trong đó có Việt Nam đón nhận và được coi như một dưỡng chất tinh thần và tâm linh mới, thay thế cho cấu trúc tinh thần lệ thuộc thần quyền của các tôn giáo nhất thần hay đa thần, vốn nặng về mê tín và sợ hãi.

Sự gắn bó giữa Phật giáo và đời sống dân tộc Việt Nam được chứng minh trong tiến trình dựng nước và giữ nước: 

Bản chất nội dung tư tưởng của Phật giáo chứa đựng tính nhập thế cao thông qua học thuyết tuỳ duyên. Ngay từ thời du nhập, Phật giáo tiếp xúc với nền văn hoá bản địa, trong tinh thần dung thông, không độc tôn, loại trừ. Nhờ tinh thần dung thông này, đạo Phật đã sử dụng các dữ liệu tích cực của văn hoá và tôn giáo dân gian để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc.

Hình ảnh chùa Tứ Pháp nói lên được sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá Phật giáo với văn hoá bản địa. Nếu “Mây, Mưa, Sấm, Chớp” được tín ngưỡng dân gian nâng lên  thành các vị thần linh, thì đạo Phật đã nhìn dưới góc độ của các hiện tượng thiên nhiên, qua hoá thân của các tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện.

Học thuyết tứ ân (ân tổ quốc, ân đồng bào, ân cha mẹ, ân thầy cô), đặc biệt là ân tổ quốc của Phật giáo đã hoà quyện với tín ngưỡng thành hoàng làm cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta và tư tưởng nhân từ của nhà Phật đã kết hợp và được nhân lên. Cùng với thời gian đó chính là một trong những nhân tố giúp Việt Nam vượt qua được các phong ba bão táp trong tiến trình dựng nước và giữ nước. 

Tư tưởng triết lý của nhà Phật đã từ lâu trở thành một phần đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tinh thần từ bi, yêu chuộng hoà bình, tôn trọng sự sống và hiếu sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng tâm hồn Việt Nam một cách sâu sắc. Một trong những nhà văn, nhà chính trị lớn của Việt Nam là Nguyễn Trãi đã thể hiện tình thần nhân bản của đạo Phật trong bài Bình Ngô Đại Cáo của ông rằng: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Đem trí nhân để thay cường bạo”. Nhờ tinh thần “Thần vũ chẳng giết hại/Thuận lòng trời ta mở đường hiếu sinh”, sau khi chiến thắng nhà Minh, chính quyền Việt Nam thời đó đã mang tinh thần nhà Phật, không giết hại và cầm tù kẻ thù, ngược lại cung cấp thuyền bè và lương thực cho họ về nước an toàn. Đạo lý này được đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Hận thù diệt hận thù/Đời này không có được/Từ bi diệt hận thù/Là định luật muôn đời”.

Trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đặc biệt là Lý - Trần, tinh thần nhập thế, gắn bó giữa đạo với đời của đạo Phật đã thúc đẩy các vị cao tăng Phật giáo đảm trách vai trò cố vấn, tham gia triều chính, vì họ nhìn thấy được nỗi đau của một dân tộc nhỏ bé, từng bị ngoại bang lớn mạnh hơn ức hiếp, thôn tính và đô hộ. Thời Đinh Tiên Hoàng có thiền sư Ngô Chân Lưu được mời làm quốc sư, với mỹ hiệu Khuông Việt Đại Sư, bậc thầy tâm linh tạo ra khuông phép cho nước Việt.

Thời Tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh có công hình thành nhà Lý, đưa Lý Công Uẩn lên làm vị minh quân, kết thúc chế độ bạo hành của hôn quân ngoạ triều Lê Long Đĩnh. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, do ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Phật giáo mà các ngục hình đã được huỷ bỏ hoặc giảm đi, thay vào đó là nhiều những chính sách giáo dục. Ông đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa, làm vai trò “mái chùa che chở hồn dân tộc”.

Trong triều đại nhà Trần các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và các tướng lĩnh mang trong mình nhiều sự ảnh hưởng của Phật giáo, như Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo... Trong thời Trần, mặc dù Phật giáo chưa được chính thức công nhận là quốc giáo nhưng tư tưởng yêu nước, dựng nước và phát triển đất nước đã trở thành tư tưởng chủ đạo, góp phần mang lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc. Đường lối đức trị của hai triều đại Lý - Trần làm cho Việt Nam đạt đến đỉnh cao của tự hào dân tộc, chứng minh sự hội nhập của văn hoá Phật giáo trong văn hoá dân tộc Việt Nam.

Truyền thống tri ân và báo ân tổ quốc đã giúp cho nhiều tăng ni đã mạnh dạn “cởi áo cà-sa khoác chiến bào”. Thời kỳ Pháp thuộc, nhiều phật tử Việt Nam đã vận động ân xá cho nhà chính trị yêu nước Phan Bội Châu, trong nỗ lực đòi độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Pháp... 

Sự gắn bó giữa đạo với đời theo tư tưởng của Phật giáo đối với Việt Nam đã có quãng thời gian trên dưới 20 thế kỷ, kể từ khi Phật giáo du nhập. Nhiều thế hệ thiền sư và Phật tử vừa yêu đạo, vừa yêu nước. Tinh thần tứ ân của đạo Phật đã tạo ra cao trào tự cường dân tộc, toàn dân yêu nước và đoàn kết vì đại nghĩa quốc gia, nhiều lần đánh bại kẻ thù xâm lược. 

Tiến trình dựng nước, giữ nước và mối quan hệ giữa Phật giáo với nền độc lập và tự chủ của Việt Nam là một sự gắn bó không thể tách rời. Lịch sử Việt Nam đã gắn với lịch sử Phật giáo.

Nhà thơ Hồ Dzếnh đã phát biểu:

Trang sử Phật
Đồng thời trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi phật tử là một người công dân yêu nước. Nền tảng của sự gắn bó giữa đạo với đời có gốc rễ của học thuyết tuỳ duyên bất biến, tuỳ duyên là con đường tiếp biến và hội nhập với văn hoá bản địa để tạo ra cơ hội và giá trị đóng góp của Phật giáo cho cuộc đời. Sự tuỳ duyên để tiếp biến văn hoá trong Phật giáo luôn đi kèm theo điều kiện “bất biến” tức là không được cắt đứt gốc rễ văn hoá dân tộc, trong tiến trình hội nhập với dân tộc. Do tính cách đặc thù của đạo Phật, quan điểm nhà Phật đã thích ứng với cái gốc rễ văn hoá. Đạo Phật có mặt như một thực tại văn hoá và tâm linh nhân bản.

Từ quá trình gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam, và ngược lại, giữa dân tộc với Phật giáo trong quá  khứ cho phép chúng ta khẳng định rằng nói đến đất nước Việt Nam hiện tại sẽ không thể không nói đến tình cảm của người Việt Nam đối với Phật giáo ở Việt Nam. Phật giáo Việt Nam với tinh thần thương người, cứu người, đặc biệt cứu con người là trên hết. Chả thế mà người Việt Nam có câu: “Dù xây chín cấp phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Cứu một con người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ.

Bởi vậy, việc cứu cả  một dân tộc, đất nước, cứu dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật. Năm 1925 – 1926, thực dân Pháp bắt một số nhà sư đi biểu tình và chất vấn: “Ai xui thầy chùa đi biểu tình?” Sư Thiện Chiếu đã trả lời trên báo: “Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ xui Phật tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chứ không ai xui cả”. Chính  khai mở tâm đi dần đến giác ngộ bằng con đường tham gia tích cực vào việc cứu đời kể cả sát sinh mà Phật giáo Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước.

Hồ Chủ Tịch, trong thư gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến  cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ta khỏi khổ nạn, để  giữ vững thống nhất và độc lậpTổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca kháng chiến để đưa giống nòi khỏi cái khổ ải nô lệ” - (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 1995, tập 5, tr.197). Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đi theo truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật giáo đã giác ngộ cách mạng, nhiều nhà tu hành giúp đỡ và đi theo kháng chiến. 

Với tinh thần Phật giáo nếu khi chúng ta hiểu một cách không máy móc, chấp vào câu chữ thì có lẽ quan điểm của nhà Phật sẽ rất gần với những tư tưởng tiến bộ, với hệ giá trị mà ngày nay chúng ta đang theo đuổi. Tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” rất gần với tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn  toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ở đây Người đã thực sự lấy nguyện vọng, ham muốn của dân làm nguyện vọng, ham muốn cao nhất của mình, lấy cái tâm của dân làm cái tâm  của mình. Đó phải chăng là mục tiêu mà mỗi người Việt Nam chúng ta hằng vươn tới.

Thạc sĩ Lưu Quang Bá - Ban Tôn giáo Chính Phủ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm