Nếp sống các vị đại đệ tử khi đức Phật còn tại thế
Một nếp sống như vậy là một nếp sống tương thân, tương ái, tôn kính nhau, tôn trọng nhau, sống quên cái tâm riêng tư nhỏ bé của mình, hòa đồng với tâm các vị đồng phạm hạnh. Như vậy mới thật sự là sống hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Một thời, Thế Tôn trú ở Nadika, tại Ginajaka-vasatha. Thế Tôn đi tới thăm ba Tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila đang tu tại rừng Gosinga. Ban đầu. Thế Tôn bị người gác vườn ngăn cản không cho vào, vì sợ làm trở ngại ba vị Tôn giả tu hành. Sau khi được giải thích, ba vị ra tiếp đón Thế tôn; một vị cầm lấy y bát; một vị sửa soạn chỗ ngồi; một vị đặt sẵn nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, sau khi ngồi. Thế Tôn rửa chân, các Tôn giả đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Nghi lễ đón tiếp bậc Đạo Sư rất nhẹ nhàng, thoái mái, đơn giản. Rất có thể Thế Tôn đi chân không đến viếng thăm ba vị Đại đệ tử, cho đến người giữ vườn cũng không biết là Thế Tôn. Một Thế Tôn có cử chỉ rất là Người với hàng đệ tử, cử chỉ một bậc Đạo Sư đến thăm các đệ tử của mình.
Sau khi các đệ tử ngồi xuống. Thế Tôn hỏi ba câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất liên hệ đến nếp sống, như sự yên vui an lành, sự dễ dàng trong việc đi khất thực. Tôn giả Anruddha thay mặt hai người bạn trả lời: “Chúng con sống an vui, yên lành, đi khất thực không khó khăn”. Câu hỏi thứ hai liên hệ đến nếp sống lục hòa: “Các thầy sống có hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?” Cả ba vị đều xác nhận đã sống hòa hợp với nhau rồi trình bày nếp sống ấy lên Thế Tôn rõ. Trước hết, các vị ấy ý thức rằng được sống tu học với hai vị đồng phạm hạnh như vậy là một lợi ích lớn, một phước đức lớn. Do vậy các vị khởi lên từ thân nghiệp, khẩu nghiệp, từ ý nghiệp trước mặt và sau lưng đối với hai bạn đồng tu, sống từ bỏ tâm riêng tư của mình, vị này sống theo tâm của hai vị kia.
Như vậy các vị ấy tuy khác thân nhưng đồng một tâm. Một nếp sống như vậy là một nếp sống tương thân, tương ái, tôn kính nhau, tôn trọng nhau, sống quên cái tâm riêng tư nhỏ bé của mình, hòa đồng với tâm các vị đồng phạm hạnh. Như vậy mới thật sự là sống hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.
Câu hỏi kế tiếp của Đức Phật là: “Các thầy có sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần?” Ba vị tôn giả xác nhận là các vị ấy đã không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, khi được hỏi là sống như thế nào, ba vị diễn tả giống nhau, trong nếp sống hàng ngày của mình, sống hằng ngày đối với nhau bằng cách mỗi vị làm tròn trách nhiệm của mình, không ai bảo ai, tự mình ý thức trách nhiệm của mình và yên lặng làm việc, không gây ồn ào trong chúng. Ai đi khất thực về trước thời sắp đặt chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn một bát để đồ ăn dư. Ai đi khất thực về sau, người ấy muốn ăn đồ dư thời ăn, còn không muốn ăn thời bỏ vào chỗ không có cò xanh, hay đổ vào chỗ nước không có côn trùng. Rồi vị ấy xếp dọn lại chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi các bát để đồ ăn dư, rồi quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, nước rửa chân hay nước trong nhà cầu không còn, thời người ấy phải lo liệu. Nếu sức làm nổi thời tự làm. Nếu liệu sức không làm nổi thời dùng tay ra hiệu cho người bạn mình giúp sức, làm việc như thế nhưng không gây ra tiếng động. Cứ đến ngày thứ năm, ba vị họp lại để đàm luận về Chánh pháp suốt cả đêm. Đó là nếp sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần của ba vị Đại đệ tử.
Với nếp sống an tịnh, tinh cần, tinh tấn như vậy. Thế Tôn không lấy làm lạ khi Ngài hỏi tiếp; do sống không phóng dật, các vị có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái an lạc không? Ngài Anuruddha thay mặt cho hai người bạn của mình trả lời rằng: “Các vị ấy có chứng được pháp thượng nhân, tri trí thù thắng, xứng đáng bậc thánh, sống thoải mái an lạc”. Rồi ngài Anuruddha trình bày các vị ấy có thể chứng được sơ thiền; từ bỏ sơ thiền chứng được thiền thứ hai, từ bỏ thiền thứ hai, chứng được thiền thứ ba, từ bỏ thiền thứ ba, chứng được thiền thứ tư; từ bỏ thiền thứ tứ, chứng được Không vô biên xứ; từ bỏ Không vô biên xứ, chứng được Thức vô biên xứ; từ bỏ Thức vô biên xứ, chứng được Vô sở hữu xứ; từ bỏ Vô sở hữu xứ, chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ bỏ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng được Diệt thọ tưởng định. Và sau khi nhờ trí tuệ, đoạn trừ được các lậu hoặc, các vị Đại đệ tử vượt qua Diệt thọ tưởng định, các vị chứng được pháp thượng nhân này, một tri kiến xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái an lạc. Thay mặt các vị đồng phạm hạnh, Tôn giả Anuruddha xác chứng rằng không có một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự lạc trú này. Lời thưa của Tôn giả Anuruddha được Phật tán thán: “Lành thay, lành thay này các Anuruddha, ngoài lạc trú này, không có một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hớn”.
Sau khi nghe ba vị Tôn giả trình bày. Thế Tôn thuyết pháp cho ba vị ấy, khích lệ làm cho hoan hỷ, làm cho phấn khởi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra về. Sau khi Thế Tôn ra về, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila hỏi Tôn giả Anuruddha rằng hai vị không có nói với Tôn giả Anuruddha là hai vị đã chứng Thánh quả, đã được giải thoát giác ngộ; nhưng vì sao Tôn giả lại biết mà thưa lên Thế Tôn như vậy. Tôn giả Anuruddha đáp: “Tuy hai vị Tôn giả không có nói với Tôn giả Anuruddha như vậy, nhưng Tôn giả Anuruddha với thiên nhãn thanh tịnh của mình đã biết như vậy; và chư Thiên cũng đã nói với Tôn giả: “Hai vị Tôn giả này đã chứng và đã an trú Thánh quả”.
Sau buổi thuyết pháp, có Dạ-xoa tên là Dìgha Parayana bạch Thế Tôn: “Thật lợi ích cho dân chúng Vajji, được Thế Tôn và ba vị thiện nam tử Anuruddha, Nandiya và Kimbila đều trú tại Vajji”. Lời tán thán này của các Địa thần vang dội lên Tứ thiên vương, cõi trời Ba mươi ba, Da-ma thiên, Đâu suất đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm chúng thiên. Kết thúc bài thuyết giảng này, Thế Tôn xác định sự việc là như vậy, tiếng đồn tốt đẹp như vậy vang lên cho đến cõi Phạm thiên. Thế Tôn lại xác định thêm gia đình nào, bà con quyến thuộc gia đình nào có ba vị thiện nam tử này xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ đến ba vị thiện nam tử này với tâm niệm hoan hỷ, thời gia đình ấy, bà con quyến thuộc ấy sẽ được hạnh phúc lâu dài. Không những vậy, nếu làng nào, xã ấp nào, thành phố nào, quốc độ nào; nếu tất cả Sát-đế-lợi, tất cả Bà-la-môn, tất cả Phệ-xá, tất cả Thủ-đà; nếu thế giới với chư Thiên, chư ma, Phạm thiên, nếu chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người nghĩ đến ba vị thiện nam tử này với tâm niệm hoan hỷ thời các vị ấy sẽ được an ổn hạnh phúc lâu dài. Cuối cùng Thế Tôn tán thán nếp sống của ba vị thiện nam tử rằng sống như thế, được gọi là sống hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Qua đó, chúng ta tuần tự đã chứng kiến một nếp sống thật an lành, thật giản dị, thật trầm lặng, không mâu thuẫn, chống trái nhau. Điều này nêu lên đậm nét tinh thần lục hòa cộng trú; một nếp sống đưa đến Thánh quả cho cả ba vị Thánh đệ tử; một nếp sống mà Đức Phật khuyên chúng ta nên bắt chước hành trì, với hy vọng trước mắt là được hạnh phúc an lạc lâu dài, sau nữa, chúng ta có khả năng chứng Thánh quả; hưởng sự giải thoát hoàn toàn. Đây cũng là nếp sống khiến chư Tăng, Ni trong mùa an cư kiết hạ cần nên hành trì và thực hiện trọn vẹn, thời tự mình sẽ cảm nhận an lạc cho chính mình đồng thời có khả năng giúp các vị đồng phạm hạnh hưởng mùa an cư tốt đẹp và cùng nhau hướng đến giác ngộ giải thoát.
Bài viết trích từ cuốn sách "Chiến thắng ác ma" - Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm