Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 26/09/2022, 14:44 PM

Ngã chấp và ngã mạn là chất độc nguy hiểm

Ngã chấp và ngã mạn là những thứ làm người tu hành như chúng ta “mất mạng”, là chất độc nguy hiểm nhất…

Ðến lúc giảng kinh buổi tối, pháp sư ở Niệm Phật Ðường phải khuyên mọi người nghe giảng kinh, không thể nói: “Niệm Phật là đủ rồi, nghe giảng có ích gì?” Câu này tuy chẳng sai nhưng là dùng để nói với người như thế nào? Là để nói với những người thượng căn, trí óc lanh lợi, vì họ đều đã thông đạt hết rồi. Ngoài ra còn dùng để nói với những người đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, vì họ chẳng có hoài nghi, công phu chẳng xen tạp, như vậy thì được! Chỉ có hai loại người này được, nhưng hai hạng người này rất hiếm có, nhiều lắm là chỉ có một, hai người trong số một vạn người.

Người thường đều có căn tánh bậc trung, người căn tánh bậc trung chẳng đủ tín tâm, nguyện tâm. Làm thế nào tăng thêm tín tâm và nguyện tâm của họ? Bằng cách nghe pháp. Thế nên nghe giảng kinh rất quan trọng. Bạn hãy coi lúc đức Phật Thích Ca còn tại thế, mỗi ngày trong suốt bốn mươi chín năm đều giảng kinh, thuyết pháp, đức Phật Thích Ca chẳng hề đả Phật thất, Thiền thất. Quý vị tra hết Ðại tạng kinh cũng chẳng tìm ra!

Tâm ngã mạn là chướng ngại trên đường tu. Ảnh minh họa.

Tâm ngã mạn là chướng ngại trên đường tu. Ảnh minh họa.

Tại sao đức Phật Thích Ca chẳng đề cập đến sự việc trong “Hành Môn”? Vì chỉ cần bạn có đầy đủ tín, đầy đủ nguyện, thì tự mình sẽ hành, đâu cần người ta dạy? Thế nên sự cống hiến của cả đời đức Phật là “Khuyến tín, khuyến nguyện”, nếu bạn có tín, có nguyện thì tự nhiên sẽ làm theo. Cho nên nhất định phải khuyên người nghe pháp thì mới chẳng phụ lòng đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm.

Pháp sư trong giảng đường nhất định phải khuyên thính chúng đến Niệm Phật Ðường niệm Phật. Tại sao vậy? Chỉ nghe giảng kinh, nghe xong chẳng làm, chẳng niệm Phật thì không có ích lợi, chẳng thể vãng sanh. Ðây là phải khen ngợi lẫn nhau, cổ đức nói: “Nếu muốn Phật pháp hưng vượng thì chỉ có cách Tăng khen ngợi Tăng”. Người xuất gia khen ngợi, tán thán lẫn nhau thì Phật pháp sẽ hưng thịnh. Không những chúng ta khen ngợi người của tông phái mình, chúng ta cũng phải tán thán người thuộc tông phái khác, tôi đã nói đạo lý này rất nhiều lần rồi. Chúng ta phải có tâm lượng xinh đẹp này, phải có sự nhận thức này, vô lượng pháp môn đều là do Phật dạy, nếu bạn nói: “Pháp môn của tôi mới tốt, pháp môn kia chẳng tốt” thì tôi hỏi có phải bạn đã phỉ báng Phật chăng? Báng Phật là tội gì? Là tội đọa địa ngục A Tỳ đấy! Nếu bạn nói: tôi niệm Phật rất tốt [thì tại sao lại đọa được?] Bạn niệm được rất tốt là chuyện khác, tội báng Phật này bạn phải gánh chịu; huống chi bạn đã phạm một giới nặng, phạm Bồ Tát giới — tự tán hủy tha — tự tán thán mình và hủy báng người khác.

Trong Du Già Bồ Tát Giới Bổn, giới tự tán hủy tha (khen mình chê người) là giới nặng nhất, là sẽ đọa địa ngục A Tỳ đấy. Bao nhiêu người tạo tội nghiệp này mà chẳng biết! Tương lai đọa lạc thì quá oan uổng! Phạm Võng kinh Giới Bổn chẳng liệt kê tội này vào những tội nặng mà liệt vào hạng thứ nhì [tức thuộc bốn mươi tám giới khinh].

Trong Du Già Sư Ðịa Luận Bồ Tát Giới Bổn, tội này là tội thứ nhất — chẳng được tự tán hủy tha. Thế nên chúng ta phải tôn trọng, phải tán thán các pháp môn khác!

Năm 1977 tôi giảng kinh ở Hương Cảng. Pháp sư Thánh Nhất đến nghe tôi giảng suốt ba ngày. Lúc đó tôi vốn chẳng quen biết thầy, sau khi ra về, thầy khuyến khích tín đồ của thầy đến nghe tôi giảng kinh; việc này rất hiếm có! Thầy là người học Thiền, tôi là người niệm Phật, [thầy] chẳng có sự phân biệt môn hộ, rất đáng được tán thán! Thầy còn mời tôi đến Thiền đường của thầy để giảng khai thị. Tôi đến chùa Bảo Liên trên núi Đại Dự, lúc đó thầy còn trẻ tuổi, trong Thiền đường có hơn bốn mươi mấy người tham Thiền, mỗi ngày đều tọa hương, thầy mời tôi đến giảng khai thị. Tôi không thể nói: “Học Thiền không tốt, niệm Phật mới tốt”. Thế nên tôi đến đó tán thán Thiền, hên là tôi cũng có chút đỉnh “khẩu đầu thiền”, vẫn có thể ứng phó được. Hồi trước tôi đã giảng “Lục Tổ Ðàn Kinh”, “Vĩnh Gia Thiền Tông Tập”, “Chứng Ðạo Ca”, Tín Tâm Minh của Tam Tổ, giáo nghĩa của Thiền Tông tôi đã giảng chẳng ít cho nên cũng có chút đỉnh “khẩu đầu thiền” nói ra khuyến khích, tán thán họ. Tán thán Thánh Nhất pháp sư, tán thán đạo tràng, tán thán đại chúng; Tăng tán thán Tăng làm cho họ có thêm lòng tin đối với pháp môn này, càng tôn kính pháp sư của họ, chúng ta phải giúp họ.

Tôi học phương pháp này ở đâu? Là do Chương Gia đại sư dạy cho tôi; sau này tôi cũng thấy sự tán thán lẫn nhau trong kinh Hoa Nghiêm. Thế nên từ đó tôi và Thánh Nhất pháp sư trở thành bạn thân. Tôi cũng là bạn cũ của pháp sư Diễn Bồi ở Tân Gia Ba, thầy tu theo Di Lặc Tịnh Ðộ, tôi tu Di Ðà Tịnh Ðộ, chẳng giống nhau! Tôi đến Tây phương Cực Lạc thế giới, thầy đến Ðâu Suất Nội Viện. Lúc thầy mời tôi thuyết giảng tôi chẳng thể nói: “Di Lặc Tịnh Ðộ tuy gần nhưng chẳng dễ đến!”, không thể nói như vậy. Tôi không thể nào tán thán mình, không thể hủy báng thầy. Thầy ở tại đó đã dạy học hơn hai mươi mấy năm, rất nhiều người đều theo thầy học Di Lặc Tịnh Ðộ, chúng ta chẳng thể phá hoại người khác. Cổ đức có nói: “Thà chịu khuấy động nước trong ngàn sông nhưng chẳng nên động tâm của người tu đạo” (Ninh động thiên giang thuỷ, bất động đạo nhân tâm). Thế nên tôi đến đó tán thán Di Lặc Bồ Tát, tán thán Di Lặc Tịnh Ðộ, một chữ về Di Ðà Tịnh Ðộ cũng chẳng nhắc đến, đây là lễ phép, là việc chúng ta phải làm.

Khi đến một đạo tràng nào đó lại phê bình đạo tràng, tự tán dương pháp môn mà mình tu học, thì đó là ngu si! Vừa nghe bạn liền biết người này ngay cả thường thức, lễ tiết thông thường cũng chẳng hiểu. Nhưng hiện nay người như vậy rất nhiều, ngược lại người thông suốt, hiểu rõ thì quá ít. [Nghe tôi] tán thán Thiền Tông, trên đường từ núi Ðại Dự ra về có đồng tu hỏi:

“Thưa Pháp sư, Thiền hay như vậy tại sao thầy chẳng tu Thiền? Tại sao thầy lại niệm Phật?”.

Tôi trả lời: “Căn cơ của tôi rất thấp! Thiền là dành cho người thượng thượng căn, tôi là người hạ hạ căn, chỉ niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tịnh Ðộ”.

Tôi nói như vậy là lời nói chân thật. Chúng ta phải học chư Phật, Bồ Tát “phải thường nâng cao người khác, khiêm nhường hạ mình xuống, tuyệt đối sẽ có lợi ích – [lợi ích] là phá trừ ngã chấp, phá trừ ngã mạn”.

“Ngã chấp và ngã mạn” là những thứ làm người tu hành như chúng ta mất mạng, là chất độc nguy hiểm nhất”, Phật dạy chúng ta dùng phương pháp này để phá trừ — bất luận ở đâu chúng ta cũng phải hạ thấp mình xuống, luôn luôn nghĩ mình chẳng bằng ai hết, người nào cũng giỏi hơn mình nhiều. Ðây là sự thật! Người nào cũng có sở trường của họ, tôi chẳng sánh bằng. Nếu làm được như vậy thì tâm mình sẽ yên ổn, tự nhiên sẽ hàng phục được thói quen cống cao, ngã mạn, sẽ giúp rất nhiều cho “giải, hành” của mình.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thế nào gọi là pháp sư?

Kiến thức 09:37 25/11/2024

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng: - Như Thế Tôn nói pháp sư. Vậy thế nào gọi là pháp sư?

Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?

Kiến thức 17:08 24/11/2024

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.

Giải thích các cõi trong lục đạo

Kiến thức 16:00 24/11/2024

Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?

Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?

Kiến thức 15:37 24/11/2024

Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.

Xem thêm