Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nghĩ về nhu cầu cầu nguyện nơi công cộng

Phật tử có thể vào công viên chùa cầu nguyện 24/24h. Đề xuất này không có gì lạ, vì chùa đã vốn là nơi công cộng. Có khác là chùa đóng cửa vào ban đêm, còn công viên Phật giáo là nơi mọi người lui tới tín ngưỡng, cầu nguyện 24/24h.

Nhân dịp các tượng Phật có kích thước khổng lồ ở núi Sam, tượng Phật ở núi Tà Cú, Bình Thuận, tượng Phật cao 49m ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là những pho tượng lớn được thiết lập kỷ lục, điều đó thật đáng mừng. Song để có những pho tượng Phật được để ở những điểm công cộng, các khu đông dân cư thì gần như chưa có.

Mới đây, một người bạn tôi do có người thân đang trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu nửa đêm trong bệnh viện, đã nhờ tôi đưa đến chùa Xá Lợi để cầu nguyện. Nhưng chùa Xá Lợi đã khóa cửa.

Trên đường về, do khủng hoảng tinh thần, dù theo đạo Phật anh bạn tôi ghé xe vào… tượng đài đức Mẹ ở sân nhà thờ Chúa Cứu Thế, cũng trong Quận 3, lúc đó còn mở cửa và có đông người cầu nguyện dưới đài. Người bạn tôi lấy nhang đốt xá vái đức Mẹ như Bồ tát Quan Âm, trong khi không theo đạo Chúa.

Khoảng gần 10h, số người đến đài đức Mẹ cầu nguyện khoảng 40 lượt. Mỗi đợt cầu nguyện chừng 5-10 phút, trước đài đức Mẹ có khoảng 10 người/lượt cầu nguyện. Ngoài ra, có vài người vào cầu nguyện ở tượng đức Mẹ ở tu viện bên cạnh. Khi chúng tôi đi ra, số người đến cầu nguyện vẫn tiếp tục tăng lên.

Tôi thấy ở đây quả có vấn đề!
 Tượng Phật Di Lặc tại Núi Cấm, An Giang

Người theo đạo Phật ở Tp.HCM chẳng hạn trong đêm có nhu cầu tâm linh cần nơi cầu nguyện thì đến đâu? Có lần, 1 giờ sáng, tôi thấy có người thắp nến cầu nguyện trước tượng đức Mẹ trên quảng trường Công Xã Pari, Quận 1.

Một địa điểm như vậy không có trong Phật giáo. Nếu kể công viên Bồ tát Quảng Đức thì có phần không thích hợp. Vì khi mong được cứu khổ cứu nạn, người ta tìm đến Quan Thế Âm Bồ tát.

Ở Tp.HCM, một tượng Bồ tát Quan Thế Âm nơi công cộng hiện nay không có. Trước đây, nghe nói trên đường Phổ Quang, Quận Tân Bình có một tượng Bồ tát Quan Âm mà người cầu nguyện có thể đứng ngoài đường 24/24. Tuy nhiên, nay tượng này đã dời đi.

Đi trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10 về khuya, có khi cũng thấy có người cầu nguyện ở tượng Bồ tát Quan Thế Âm trước chùa Giác Ngộ. Tượng này dựng sát hàng rào sắt chấn song, nhìn ra đường, nên dù cách hàng rào, người cầu nguyện vẫn có thể tiến sát bên tượng và nhìn thấy rõ tượng qua hàng rào (nên trước đây đã có ý kiến trên mạng nên dỡ đi một đoạn hàng rào ngắn).

Nay thì do chùa xây dựng mới, tượng cũng đã không còn.

Các chùa thường đóng cửa sớm lúc 21h. Từ đó tới sáng, phật tử có nhu cầu nguyện không biết đến đâu. Như thế, trong khi dựng nhiều tượng Phật ở nơi rừng cao núi thẳm, thì người dân ở các thành phố lớn vẫn thiếu tượng Phật trong nhu cầu sinh hoạt tâm linh như thế. So sánh với tôn giáo khác qua trường hợp cụ thể ở trên, thì rõ ràng đây là điều còn thiếu của Phật giáo chúng ta.

Dựng tượng Phật nơi công cộng là điều khó khăn, vì lý do tôn giáo tế nhị. Được nghe nói lại, ngày trước, Đức Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã hướng đến mục tiêu này mà thành công tiêu biểu là tượng Bồ tát Quan Âm trên đường Hậu Giang, Phú Lâm (nay tượng này không còn do mở đường). Tuy nhiên, vì không tìm được địa điểm, nên chương trình không được tiếp tục.

Nay, trước bối cảnh đổi mới trong sinh hoạt tôn giáo, liệu có thể nghĩ đến khả năng tiếp tục chương trình của Hòa thượng Thích Thiện Hòa?
Câu hỏi này tất sẽ có ý kiến cho rằng không tưởng, không thực tế. Thời Hòa thượng Thích Thiện Hòa còn làm không có kết quả, nữa là đến bây giờ tính chuyện dựng tượng Phật nơi công cộng khu dân cư.

Thực ra vấn đề không hoàn toàn bế tắc. Dưới đây, xin đề xuất những cách có thể hướng đến:

1. Gắn việc dựng tượng Phật với dựng tượng đài truyền thống dân tộc. Cụ thể là tượng Phật xin dựng nơi công cộng sẽ không chỉ là tượng Phật đơn thuần, mà phải là phiên bản của những tác phẩm nghệ thuật là cổ vật lưu giữ trong viện bảo tàng. Công việc dựng tượng Phật nơi công cộng là công việc sao chép và phóng đại những bảo vật quốc gia để trưng bày nơi công cộng. Đó sẽ không phải là công việc tôn giáo, mà là việc làm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Hiện nay các viện bảo tàng lớn ở nước ta có rất nhiều mẫu tượng Phật bảo vật có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên Nhãn. Việc xin dựng những bức tượng sao chép những bảo vật quốc gia nơi công cộng là điều có thể nghĩ đến. Nó giống như việc xây dựng bản sao chép tháp Chàm ở công viên Tao Đàn chẳng hạn, mà không ai nghĩ đó là một việc làm tôn giáo, dù tháp chàm thực chất là một đền thờ và nguyên mẫu vẫn là một cơ sở tín ngưỡng. 

Nay nếu xét riêng về tôn giáo, thì chỉ có tượng Phật là bảo vật quốc gia có thể sao chép và dựng nơi công cộng tương tự tháp Chàm. Điều này không làm khó cho cơ quan cấp phép, và cũng dễ cho Phật giáo khi đặt vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

2. Phá dỡ một số đoạn tường rào ở những ngôi chùa nơi đường phố lớn, đưa một phần diện tích trước đây là trong chùa gắn vào với diện tích công cộng (dĩ nhiên phần diện tích đó vẫn thuộc về nhà chùa, chỉ dỡ hàng rào). Trên phần diện tích liên thông với không gian công cộng, nhà chùa dựng tượng Phật làm điểm cầu nguyện công cộng 24/24h. Bệ tượng chỉ cần diện tích vài mét vuông là đủ.

3. Mỗi một thành phố lớn chọn một ngôi chùa có thể mở cửa cho người vào cầu nguyện trước tượng Phật ngoài sân chùa trong đêm. Như vậy, chỉ cần một người công quả trực mở cửa chùa. Đây là dạng theo hoạt động của nhà thờ Chúa Cứu thế Tp.HCM, một điểm cầu nguyện 24/24h đã được nói đến. Đây không phải là chúng ta bắt chước tôn giáo khác, mà nhu cầu cầu nguyện suốt mọi thời gian trong ngày là nhu cầu chung của tất cả tín đồ tôn giáo, được các cơ sở tôn giáo đáp ứng tùy hoàn cảnh cụ thể.

4. Hướng đến xây dựng công viên Phật giáo ở các thành phố lớn, tương tự công viên Bồ tát Quảng Đức, nhưng thờ Phật. Đây là dạng chùa Phật giáo có chánh điện lộ thiên, không có hàng rào (như dạng các công viên hiện nay) phật tử có thể vào công viên chùa cầu nguyện 24/24h. Đề xuất này không có gì lạ, vì chùa đã vốn là nơi công cộng. Có khác là chùa đóng cửa vào ban đêm, còn công viên Phật giáo là nơi mọi người lui tới tín ngưỡng, cầu nguyện 24/24h.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:11 14/11/2024

Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.

Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất

Phật pháp và cuộc sống 13:50 14/11/2024

Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.

Mẹ là chính một kỳ quan

Phật pháp và cuộc sống 16:30 13/11/2024

Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...

Học trò tỉnh thức, người giáo hạnh phúc

Phật pháp và cuộc sống 15:00 13/11/2024

Mỗi khi tháng 11 sang trang và các trang mạng xã hội tràn ngập những sắc màu tươi vui đón chào ngày Nhà giáo, trong tâm trí của tôi lại hiện lên dòng chữ thanh thoát nét thư pháp của Thầy Thích Nhất Hạnh: “Happy teachers will change the world” (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới).

Xem thêm