Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 14/12/2018, 09:35 AM

Ngôi chùa được kết thành từ hàng triệu mảnh ve chai

Đặt chân đến Đà Lạt, quý Phật tử cũng như du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi ghé thăm ngôi chùa có kiến trúc độc và lạ mang tên “chùa ve chai”.  

>Mời quý Phật tử cùng khám phá những ngôi chùa Việt

Chùa Linh Phước tọa lạc tại số 120 Tự Phước, thuộc địa bàn Trại Mát, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8 km, trên quốc lộ 20.

Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1952 do một số tăng ni, phật tử từ Thừa Thiên – Huế đến xây dựng, nhưng chỉ bắt đầu được nhiều người biết đến kể từ năm 1990 khi đại đức Thích Tâm Vị cho trùng tu lại toàn bộ kiến trúc và xây dựng thêm nhiều công trình mới.

Chùa Linh Phước – Ngôi chùa độc đáo nhất TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Chùa Linh Phước – Ngôi chùa độc đáo nhất TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Ngôi chùa đang nắm giữ 11 kỷ lục

Trước sân chùa là tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37m, được coi là tháp chuông chùa cao nhất Việt Nam. Trong lòng tháp treo Đại Hồng Chung cao 4,3m, miệng chuông rộng 2,33m, nặng 8.500kg, được đúc vào năm 1999, trước đây được xem là chuông nặng nhất Việt Nam.

Bài liên quan

Từ ngoài bước vào, du khách bị thu hút bởi một công trình đồ sộ khác. Đó là con rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai lọ, miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc. Chánh điện của chùa là một công trình kiến trúc độc đáo dài 33m, rộng 12m.

Dọc hai bên chánh điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn.

Tượng Phật bà Quan Thế âm Bồ Tát kết bằng hoa bất tử

Tượng Phật bà Quan Thế âm Bồ Tát kết bằng hoa bất tử

Ngoài ra, chùa Linh Phước có gian thờ 108 tượng “Thiên thủ thiên nhãn”. Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía ngoài là bức phù điêu cảnh Bồ đề Thọ rất sống động. Phía sau Tổ đường thờ Bồ đề Đạt Ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.

Chùa Linh Phước còn có tấm mộc bản kích thước khá lớn được khắc đầy chữ Hán và là một hiện vật quý giá của chùa. Đây không chỉ là một bản khắc gỗ, mà là một bản khắc gỗ kinh Phật độc đáo trên địa bàn TP.Đà Lạt. Hiện tấm mộc bản được treo trang trọng trong phòng trưng bày cùng với các bộ hiện vật bằng đồng quý giá của chùa.

Ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo. Đây cũng là điểm đến ưa thích của các phật tử, thu hút cả du khách trong và ngoài nước

Ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo. Đây cũng là điểm đến ưa thích của các phật tử, thu hút cả du khách trong và ngoài nước

Với các công trình độc đáo của mình, chùa Linh Phước hiện có 11 công trình xác lập kỷ lục Việt Nam, châu Á và thế giới, gồm: Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36m); Tượng Phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam; Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử; Ngôi chùa tạo tác bằng khảm miểng nhiều nhất.

“Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam; Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m); Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam; Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15m); Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam.

Sư thầy đi xin ve chai xây chùa

Theo Đại đức Thích Hạnh Định - Trị sự chùa Linh Phước, người gắn bó với chùa từ nhỏ, tập thể làm nên ngôi chùa ve chai độc đáo này là những nghệ nhân gạo cội đến từ cố đô Huế. Các công trình trong chùa hoàn toàn không có bản vẽ cố định xuyên suốt, mà các nghệ nhân triển khai trên ý tưởng, chủ đề do các sư thầy nói ra.

Để có đủ miếng, ve chai, sành sứ cho công trình này, các sư thầy đã phải đi xin ve chai từ nhà máy bia rượu, chén bát và đi gom mua từ người dân sống ở tỉnh Lâm Đồng. Chai nước ngọt, vỏ chai xì dầu, chai bia, chén bát vỡ... đều được tận dụng để xây chùa.

Cận cảnh từng chi tiết khảm tỉ mỉ

Cận cảnh từng chi tiết khảm tỉ mỉ

Sau khi thu gom, các sư thầy phải xúc rửa từng món rồi cắt ra từng mảnh để khảm một cách dày công. Một trong những việc khó khăn nhất là cắt chai bằng thủy tinh. Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều thực hiện thủ công, rất tỉ mỉ và nhọc nhằn.

Bài liên quan

Theo đó, các thầy phải nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, các nghệ nhân mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miếng với hình thù khác nhau.

“Thời thầy còn là một chú tiểu, thầy phụ các nghệ nhân ở những công đoạn thủ công nhất. Công việc của thầy là đi nhặt và cắt chai. Mảnh chén rất bén, đụng đến là chảy máu. Chuyện đứt tay đứt chân là rất bình thường. Nhưng khi làm quen rồi thì không bị nữa. Sau một thời gian, các thầy trở nên điêu luyện với công việc đó”, Đại đức Thích Hạnh Định kể.

Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng

Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng

Ý tưởng làm chùa bằng ve chai không phải là ý tưởng mới mà trước đó, rất nhiều công trình đặc sắc ở Huế cũng mang lối kiến trúc này. Chùa Linh Phước cũng được làm nên từ những nghệ nhân lành nghề đến từ Huế. Công trình đầu tiên bằng ve chai là cột rồng uốn lượn được làm nên từ những vị trưởng lão lành nghề nhất. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã không còn nữa.

Đến bây giờ, nhà chùa vẫn không ước lượng được đã dùng bao nhiêu chai lọ để làm nên ngôi chùa này. “Cách đây 10 năm, diện tích khảm miểng là 6.666,84m2. Cho đến nay, diện tích tăng rất nhiều, có thể gấp đôi hoặc hơn thế. Nói chung là không thể thống kê được”, Đại đức Thích Hạnh Định cho biết.

Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15 m)

Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15 m)

Để chiêm ngưỡng những hình ảnh, những thước phim đẹp ghi lại những khoảnh khắc của những ngôi chùa, quý Phật tử đọc thêm tại mục MEDIA của phatgiao.org.vn.

Ngoài việc được xem là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam với lối kiến trúc hết sức độc đáo. Chùa Linh Phước còn gắn với câu chuyện kỳ lạ của một vị trụ trì. Đó là cố Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Ngày 11/1/2011, trước sự chứng giám của 10 phương chư phật, chư tôn, tăng ni, phật tử gần xa… lễ khai quật mộ phần Hòa thượng Thích Minh Đức trong ngôi tháp cũ bắt đầu, để sau đó cải táng đưa vào tháp mới.

Mọi người thật sửng sốt khi chứng kiến quan tài của Hòa thượng Thích Minh Đức đã bị mục nát nhưng chiếc áo cà sa và những dải băng vải bó thân xác ông vẫn còn nguyên vẹn. Xương sọ của ông có màu vàng.

Hai xương bàn chân còn nguyên vẹn, các đốt xương bàn và cổ chân dính chặt vào nhau và dựng đứng lên theo như tư thế chôn ban đầu. Tất cả những hình ảnh tại buổi khai quật di hài của Hòa thượng Thích Minh Đức đều đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Linh Phước.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường từng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay có 4 nhục thân mà ông đặt tên cho táng thức này là thiền táng. Đó là các thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu - Hà Nội), Như Trí, Chuyết Chuyết (tỉnh Bắc Ninh). 

Nhưng cả 4 vị này đều dùng kỹ thuật sơn ta trộn với phụ gia: đất mối đùn, giấy dó, mạt cưa, vải màn rồi dát vàng, bạc, quang dầu… để phủ bọc lên cơ thể. Còn ở nhục thân của Hòa thượng Thích Minh Đức hoàn toàn chôn ngay trong đất, không hề có sơn ta. Vậy tại sao hài cốt và vải bọc bên ngoài còn nguyên vẹn? Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn. Điều đó thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng mà chỉ có những vị cao tăng mới đạt được.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Xem thêm