Đỉnh thiêng Yên Tử: Sự hình thành “đất Tổ Phật giáo Việt Nam” (1)

Được mệnh danh là “đệ nhất linh sơn” của Việt Nam, Yên Tử nổi tiếng là ngọn núi với nhiều sự tích, trong đó ly kỳ nhất chính là sự tích về “Phật hoàng” Trần Nhân Tông cùng sự sáng lập Phật sơn Yên Tử với hệ thống các chùa và trường phái thiền Trúc Lâm.

Núi Yên Tử

Núi Yên tử (Yên Tử Sơn - Hán tự  安子山 ) là ngọn núi nổi tiếng của Việt Nam. Núi cao 1068m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Đông Triều tại miền bắc Việt Nam. Nằm giữa ranh giới tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh. Hẳn ai nghe về Yên Tử cũng biết đây là ngọn núi mang tinh anh, hồn cốt của  lịch sử của con dân đất Việt. Yên Tử không chỉ là nơi hội tụ văn hóa, văn hiến lâu đời mà cũng được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống động thực vật phong phú.

Núi Yên Tử hiện nay lưu dữ một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, đền chùa, tư liệu vô cùng đồ sộ gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Đỉnh núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên trước kia còn được gọi là Bạch Vân Sơn.

Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh núi (chùa Đồng) là khoảng 6000m, tức khoảng gần 6 giờ đi bộ liên tục. Bao quanh cung đường, thác suối là các di tích, địa danh, thắng cảnh vô cùng nổi tiếng.

Đường lên Yên Tử quá gập ghềnh

Núi non hiểm trở đá chênh vênh

Sương mù vờn cây mây vờn núi

Niết bàn một cõi rộng thênh thênh

Hoa Yên tựa núi, núi lênh khênh

Chùa Đồng hương khói quyện bồng bềnh

Phật Hoàng thuở trước đi khai sáng

Về đây cõi Phật lòng nhẹ tênh

(Nguyễn Khắc Thiện)

Đất tổ Phật giáo Việt Nam và Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Yên Tử vốn từ lâu được xem như là thánh địa của Phật giáo Việt Nam, bởi lịch sử lâu đời và những giá trị văn hóa xứng tầm quốc tế mà Yên Tử sở hữu.

Yên Tử cũng được dân gian ví von là Phật sơn, được tất thảy người dân kính ngưỡng và sùng bái. Non thiêng Yên Tử nổi tiếng nhất chính bởi văn hóa tâm linh cùng các sự tích về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, An Nam Tứ Đại thần khí...

Bài liên quan

Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo Việt Nam kể từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông kế vị. Ngài cởi hoàng bào khoác áo Cà sa, một lòng hướng về non cao tầm đạo.

Tháng 10 âm lịch năm 1299, Trần Nhân Tông đến Yên Tử với pháp danh Hương Vân đại đầu đà và tu hành theo Thập nhị đầu đà (12 điều khổ hạnh). Tại Yên Tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hệ thống các chùa chiền, mỗi chùa lại có những sự tích riêng (xin đề cập ở phần sau), nổi tiếng có thể nói đến chùa Giải Oan. Khi Phật Hoàng quyết tâm xuất gia, đến đỉnh Yên Tử các cung nữ theo hầu vua trong cung có đến gần 100 người quỹ lễ thiết tha, mong vua hồi chuyển tâm ý. Nhưng dạ vua chỉ để về cõi Phật, tâm vua chuyên chính tu hành, cung nga thấy vậy đồng loạt nhảy xuống suối tự vẫn. Thương sót cho sự trung thành của họ, vua cùng người dân đã lập Giải Oan cốc - Chùa Giải Oan để giúp siêu độ cho họ.

Phật Hoàng trở thành vị Tổ với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng (調御覺皇陳仁宗, 1258-1308). Ông cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử, chùa chiền, am, chuông, tháp,... để truyền kinh, giảng đạo. Khi ngài viên tịch, người kế tục sự nghiệp thiền phái Trúc Lâm là sư Pháp Loa  (法螺同堅剛, 1284-1330), vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm, tiếp đó là sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba.

Phật Hoàng trong 19 năm tu hành đã để lại không biết bao nhiêu những bài giảng, những tác phẩm nổi tiếng, trong đó có bộ sách Thạch thất mỵ  ngữ (石室寐語) , Thiền lâm thiết chủy ngữ lục , Tăng già toái sự, và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều; Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)...

Tượng thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Thiền phái Trúc Lâm

Sau khi đến Yên Tử 1299, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà. Phật hoàng nhận thấy đạo Phật lúc này (từ thế kỷ 11 đến 13) tồn tại chủ yếu dựa trên 3 dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Ông đã hợp nhất lại thành dòng thiền mới mang tên Trúc Lâm. Từ đây Thiền phái Trúc Lâm được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Á và thiền Đông Độ, đồng thời kết hợp các giá trị văn hóa Việt Nam, ông khuyến khích các Phật tử cống hiến cho xã hội dựa trên nền tảng từ bi - trí tuệ của Phật pháp.

Bản thân Phật Hoàng ngoài việc tu hành còn thường xuyên thuyết pháp, giảng kinh cho tăng chúng các chùa như Phổ Minh (Nam Định), Sùng Nghiêm, Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang), Báo Ân - Siêu Hoại (Gia Lâm - Hà Nội),..Ông cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trên cả nước, dù là thôn quê hay thành thị. Trên cương vị là thượng hoàng - thiền sư ông đã dạy dân bài trừ các tập tục mê tín dị đoan, tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp thập thiện, ông cũng khuyên bảo vua Anh Tông từ bỏ rượu chè, đồng thời đóng góp cho các quyết sách của nhà vua.

Yên Tử thắng cảnh đệ nhất danh sơn

Yên Tử là một ngọn núi đẹp nổi tiếng ở nước ta với những con suối trong vắt, lững lờ như vải lụa uốn quanh những rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn, thấp thoáng ẩn hiện là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính

Đứng ở độ cao 1068m, trên đỉnh núi, ta có thể bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Ha Long như một bức tranh, xa xa là dòng sông Bạch Đằng cuộn sóng. Dọc con đường hành hương, đến chân núi là suối Giải Oan ngoằn ngoèo lượn khúc, nước trong vắt chảy róc rách qua những viên đá bóng nhẵn.

Khu bảo tôn thiên nhiên Tây Yên Tử với nhiều hoạt động nằm ở hành chính thị trấn Thanh Sơn và các xã Thanh Luận, Tuấn Mậu, An Lạc thuộc huyện Sơn Động, xã Lục Sơn thuộc huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.Ranh giới của Khu bảo tồn tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. KBTTN Tây Yên Tử hiện có 13.022,7 ha rừng và đất rừng đặc dụng bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (6.022,5 ha), phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ (7.000,2 ha).

Ở đây xác nhận có 5 kiểu thảm thực vật chính: ở độ cao dưới 100 m: trảng cỏ và cây bụi; ở độ cao 100–200 m: trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa; ở độ cao 200–900 m: kiểu rừng kín thường xanh, cây lá rộng thường xen cây lá kim, mưa ẩm nhiệt đới; trên 900 m: kiểu rừng cây gỗ lá rộng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (2003, 2009), bước đầu đã thống kê được sự đa dạng về thành phần phân loại học của các lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái gồm: 27 bộ, 91 họ, 285 loài.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10 m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi.

Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.

Tiếp đó tới chùa Hoa Yên (các tên gọi khác: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự (天竺寺). Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3 m, rộng 12 m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử.

Đứng ở độ cao 1068 m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.

Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.

Hội xuân Yên Tử

Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, chiêm bái. Là đệ nhất linh sơn, Phật sơn Việt Nam. Lễ hội Yên Tử là nét đẹp văn hóa tâm linh tiêu biểu của cả dân tộc.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ một số bài viết khác)

Duy Anh 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ban TT-TT Phật giáo TP.HCM điều chỉnh nhân sự

Tin tức 20:25 21/12/2024

Quyết định điều chỉnh được công bố và trao đến các nhân sự liên quan chiều nay, 21/12, nhân hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024 và đề ra phương hướng năm 2025 của Ban, tại Báo Giác Ngộ.

Bên trong Phật Quang Sơn - bảo tàng có bức tượng đồng lớn nhất châu Á

Tin tức 15:15 20/12/2024

Cả quần thể công trình kiến trúc đồ sộ của kinh đô Phật giáo nổi tiếng Đài Loan gồm Đại Hùng Bảo Điện, bảo tàng Phật giáo và ngôi tượng Phật A Di Đà bằng đồng, cao 108m tính từ đế đến đỉnh.

Lễ tảo tháp và tưởng niệm Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Huế

Tin tức 13:30 19/12/2024

Sáng 19/12/2024 (19.11 Giáp Thìn) tại khuôn viên Bảo tháp Tổ Liễu Quán (phường An Tây, thành phố Huế); Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ Tảo tháp và Tưởng niệm Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742).

Thái Bình: Hoà thượng Thích Thanh Định viên tịch

Tin tức 10:00 19/12/2024

Sau một thời gian bệnh duyên, Hoà thượng đã thu thần viên tịch vào hồi 21 giờ 30 phút ngày 18/12 (nhằm ngày 18/11/Giáp Thìn) tại chùa Từ Xuyên (TP.Thái Bình).

Xem thêm