Ngôi chùa trên núi
Đó là ngôi chùa nhỏ nằm ở lưng chừng núi, cách nhà tôi không xa. Chùa tuy nhỏ, nhưng tọa lạc ở không gian ấy như thể chốn bồng lai tiên cảnh, mà có lẽ không nơi nào đẹp hơn thế.
Hoa thơm cỏ lạ, cây trái quanh năm, rau củ tốt tươi và cả một vườn thuốc Nam xanh rì... Đó là nhờ sự chăm sóc chu đáo, khéo léo, tỉ mẩn của các sư cô và ni sư mỗi ngày.
Nhớ ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần đi học về là chúng tôi thường đạp xe đến chân núi, để xe đạp bên vệ đường và đi bộ lên núi. Cốt là để vui đùa cùng cảnh vật xung quanh và viếng chùa, được các ni cho trái cây ăn. Ngày đó kinh tế nhà nào cũng khó khăn, trẻ con không có được quà bánh ê hề như bây giờ, nên được cho bánh, kẹo, trái cây là niềm vui không thể tả.
Dù tinh nghịch, lí lắc, nhưng bao giờ cũng vậy, lên tới chùa là chúng tôi nhớ lời ba mẹ dặn, thắp nén hương thành kính trước Phật rồi mới chơi đùa. Vị ni sư ngoài 70 tuổi, tuy đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng trông còn minh mẫn lắm, tay chân nhanh nhẹn, mạnh khỏe, đôi mắt tinh anh. Đó là kết quả của một quá trình dài mà ni sư đã chăm tập thể dục, ăn uống xanh, sống khỏe, và chịu khó lao động vất vả: trồng cây, cưa củi, hái thuốc... thậm chí là vác củi cùng các tiểu ni, sư cô một đoạn đường xa.
Vị ni sư ân cần mang cho chúng tôi những miếng bánh, trái cây mà Phật tử cúng dường. Không câu nệ, ni sư ngồi cùng chúng tôi, nghe chúng tôi kể chuyện nhà, chuyện lớp và cả những chuyện ngô nghê của tuổi học trò. Đôi lúc ni sư còn là một chuyên gia tâm lý giải quyết những vấn đề gút mắc của trẻ con, chẳng hạn: hai đứa bạn giận nhau, chửi xúc phạm đến người lớn, đánh nhau đau,... Có bạn còn tin tưởng tâm sự với ni sư rằng mình đã từng ăn cắp tiền ba mẹ và cảm thấy áy náy lương tâm, nhưng không dám nói, sợ ba mẹ đánh đòn. Ni sư tôn trọng quyền cá nhân, giữ bí mật, nhưng đưa ra những lời khuyên bảo, dạy dỗ từ giáo lý nhà Phật để chúng tôi thấm thía, cảm thụ. Biết trẻ con khó hiểu những ngôn từ nhà Phật, nên ni sư cố nói chuyện hơi "đời" một tí để chúng tôi thông suốt. Nhờ vậy mà chúng tôi trở nên ngoan hơn, biết lễ phép, sống tốt và thậm chí còn mạnh dạn khoanh tay xin lỗi ba mẹ vì làm những việc không tốt. Ngay cả đứa bạn thân của tôi thấm nhuần những lời nói, câu chuyện giáo dục của ni sư mà chạy về nhà tiết lộ sự thật về việc ăn cắp vặt của mình. Cứ tưởng bạn ấy sẽ bị ba mẹ đánh đòn, nào ngờ lại được tha thứ nhưng cấm không được tái diễn lần nữa: “Đó là thói xấu, con tuyệt đối không được lặp lại bất cứ nơi nào và bất kỳ người nào”.
Khi chúng tôi ăn xong, ni sư dẫn đi tham quan khu vườn quanh chùa. Chao ôi, phải nói dù đã ngắm nghía nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn mê đến quên lối về. Nào là ao sen hồng, hoa cúc, hoa sao nhái, hướng dương, hoa dại đan xen nhau tạo nên một bức tranh sắc màu sinh động. Bướm ong cũng bị bỏ bùa mê hoặc nên cứ bay đến chơi đùa cả ngày. Những cây ăn quả cao to như: mận, xoài, bưởi, nhãn... đong đưa những trái chín mọng, thơm bát ngát bên hông chùa khiêu khích trẻ con. Kế đến là cả khu vườn rau, củ xanh um tùm. Dù trẻ con ít thích ăn rau, nhưng mà một màu xanh tươi nhìn rất đã mắt. Có đôi lần sư mang vài chiếc rổ tre để chúng tôi tập thu hoạch rau, củ như là cách làm quen với nông nghiệp, dạy chúng tôi cảm nhận về sự vất vả cơ cực của nhà nông là như thế nào. Vườn thuốc thì trồng tuốt phía sau chùa do sợ nhầm lẫn. Rất nhiều cây thuốc Nam rất lạ, được cắm biển ghi rõ ràng tên gì, trị bệnh gì. Bao giờ ra về, ni sư cũng dúi vào tay chúng tôi mỗi đứa một ít bánh kẹo, một gói thuốc Nam có ghi rõ công dụng, biếu gia đình ngừa những bệnh vặt...
Nhiều năm sau, tôi lên thị thành học, bỏ lại sau lưng làng quê thân yêu, mái nhà xiêu dột và cả ngôi chùa nhỏ thân thương trên núi. Những lần về quê, tôi chỉ kịp thăm nhà, thăm họ hàng chứ không có thời gian để lên chùa thắp nhang và thăm ni sư. Gia đình không mấy khá giả nên tôi phải tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, chia sẻ một phần gánh nặng việc học trên đôi vai cơ cực của cha mẹ. Mãi đến hôm tốt nghiệp, về quê, tôi mới có dịp cùng bạn bè lên núi viếng chùa. Vị sư già đã viên tịch. Cả nhóm khóc một hơi như mưa trút mái chùa. Từng đứa đến bên di ảnh người thắp nén hương thành kính, nhắm nghiền đôi mắt để nhớ về vị ni sư đáng kính đã yêu thương những đứa trẻ nghèo như con ruột. Lòng thầm cảm ơn sư truyền dạy những bài học sâu sắc, thực tế, đã giúp cho tôi và những người bạn trở thành những người sống có ích cho xã hội. Chùa vẫn đẹp uy nghiêm, cổ kính như ngày nào. Những vườn cây quanh chùa ngày một xanh hơn, phong phú thêm. Hít một hơi thật sâu cho lòng thanh thản, tôi hồi tưởng về ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Nơi đây, chúng tôi đã từng sống những giây phút tiên cảnh tuyệt vời với vị ni sư đáng kính.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm