Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 10/04/2022, 21:49 PM

Ngôi chùa xây từ "đồ đồng nát" sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam

Chùa Linh Phước là ngôi chùa trứ danh ở Đà Lạt với tên gọi chùa “Ve chai”, đây chính là ngôi chùa đặc biệt, sở hữu nhiều công trình kỷ lục nhất Việt Nam.

Những mảnh vỡ từ sành, sứ tạo nên vẻ đẹp độc nhất vô nhị cho cổ tự Linh Phước.

Những mảnh vỡ từ sành, sứ tạo nên vẻ đẹp độc nhất vô nhị cho cổ tự Linh Phước.

Xây chùa bằng ve chai nhằm bảo vệ môi trường

Được xây dựng từ năm 1949, đến nay chùa Linh Phước đã trải qua hơn 70 năm tuổi đời. Đây là công trình do Chư Tăng và Phật tử tại địa phương khởi công, nhưng lúc bấy giờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ.

Trải qua 4 đời Trụ trì, đến năm 1990, ngôi chùa bắt đầu được trùng tu xây dựng lại và bổ sung thêm nhiều hạng mục mới. Từ đây chùa bắt đầu được biết đến nhờ sở hữu những hạng mục công trình độc đáo.

Từ khi chùa bắt đầu được trùng tu, điều gây ấn tượng nhiều nhất với quan khách chính là việc sử dụng rất nhiều phế liệu như: sành, sứ, mảnh chai bia, chai thuốc trừ sâu,... Các sư thầy cùng với phật tử đã phải mất nhiều năm đi mót chén bể mà xưởng bia bỏ đi. Sau này, thấy các thầy vất vả, xưởng tự gom chén bể lại và mang tới chùa bán. Người dân cũng gom những chai lọ, chén bát bể giúp chùa.

h11-681

Đại Đức Thích Hạnh Định - Trị sự chùa Linh Phước chia sẻ: “Ý tưởng xây dựng công trình bằng vỏ chai phế liệu như mảnh sành, sứ, chai xì dầu, chai bia, vỏ chai thuốc trừ sâu,... xuất phát từ sự tình cờ, muốn tận dụng những phế liệu có khả năng sử dụng lại, đồng thời giúp bà con xử lý nguồn rác thải có thể gây ô nhiễm môi trường”.

Nhìn những khối kiến trúc độc đáo nằm trong khuôn viên chùa Linh Phước, thật khó để hình dung ra rằng, nó được làm từ những phế phẩm được vứt đi. Nhưng cũng chính nhờ thế ngôi chùa này lại càng thêm đặc biệt với du khách bốn phương. Toàn bộ công trình chính là sự góp nhặt, vận dụng sự sáng tạo để biến những vật bỏ đi trở nên có giá trị. Đó cũng chính là bài học mà thầy Hạnh Định thường nhắc đến trong các bài giảng của mình.

Chánh điện của chùa là một công trình đồ sộ, rộng 22m, dài 33m. Được xây dựng theo lối kiến trúc khảm sành, sứ công phu mang đậm nét đặc trưng Á Đông, với hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ công trình.

Đối với những ngôi chùa khác, việc khảm chỉ sử dụng cho những phần công trình chính, thì ở chùa Linh Phước, sành, sứ được khảm hoa văn, họa tiết ở hầu hết các hạng mục của công trình như: cột, tường, trần, hiên, mái vòm,...

Quá trình thi công, phần cốt bằng xi măng với các hoa văn hình rồng, phượng;...sẽ được xây dựng trước. Sau đó, các nghệ nhân sẽ phải tỉ mỉ lựa chọn mảnh sành, mảnh sứ theo hình dáng, màu sắc phù hợp, đắp vào các chi tiết của công trình.

Thầy Hạnh Định kể, tất cả các công đoạn cắt, xử lý mảnh chai, sành đều được làm hoàn toàn thủ công. Thời đó, thầy chuyên phụ các nghệ nhân việc đi nhặt và cắt chai lọ. Việc bị đứt tay, chảy máu là chuyện thường xuyên, nhưng làm quen việc thì mọi thứ cũng suôn sẻ hơn.

Để có đủ nguyên, vật liệu xây dựng, các Chư Tăng, Phật tử đã phải mua hàng trăm tấn sành, sứ từ Bát Tràng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,...

Bởi vì sự công phu khi chọn thi công theo lối kiến trúc khảm sành, mãi đến năm 2018 chùa mới cơ bản hoàn thành tất cả hạng mục. Và cũng vì xây dựng bằng sành, sứ và tận dụng cả phế liệu, chùa được người dân mệnh danh với tên gọi chùa “Ve Chai”.

Không gian 18 tầng địa ngục ở chùa Linh Phước là nơi giúp con người tự nhủ bản thân luôn sống tốt, tránh làm điều xấu.

Không gian 18 tầng địa ngục ở chùa Linh Phước là nơi giúp con người tự nhủ bản thân luôn sống tốt, tránh làm điều xấu.

Nhiều công trình độc đáo

Công trình nổi bật và được nhiều người biết đến nhất ở Chùa Linh Phước chính là tượng Phật Bà Quan Âm bằng hoa bất tử. Xuất phát từ ý tưởng của Sư Trụ trì - Hòa Thượng Thích Tâm Vị, với mong muốn cúng dường mẹ hiền Quan Âm, cầu nguyện cho thế giới được thái bình, chúng sanh an lạc; và cũng là hưởng ứng lễ hội Festival hoa Đà Lạt năm 2010, Sư đã kiến tạo tượng Mẹ Quán Âm bằng 650.000 bông hoa bất tử (1,63 tấn hoa).

Pho tượng cao 17m với thân tượng cao 15,5m, tòa sen và đế cao 1,5m, do 600 phật tử và 30 nghệ nhân thực hiện trong 36 ngày. Tượng bao gồm phần đế, thân tượng và hào quang. Cốt tượng làm bằng thép chịu lực, được thiết kế trong tư thế đứng trên tòa sen, tay phải Mẹ Quán Âm cầm bình cam lộ, tay trái cầm cành dương liễu với ý nghĩa ban phước cho chúng sinh.

Theo giải thích của Đại Đức Thích Hạnh Định, hoa bất được sử dụng vì nó là một loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Nhắc đến hoa bất tử người ta hình dung đến tình yêu và sức sống dẻo dai của nó. Đặc biệt hoa có đặc điểm dù có thân mềm, nhỏ nhưng cánh hoa lại rất “bền”, hoa giữ được độ tươi rất lâu, màu sắc rực rỡ, rất thích hợp để làm tượng hoa.

Bởi vì làm bằng hoa thật nên quá trình giữ gìn, trùng tu công trình tượng Phật Bà Quan Âm rất khó khăn. Mỗi 2 năm một lần các chư tăng, phật tử sẽ phải thay hoa một lần, mỗi lần đều tốn rất nhiều công sức, thời gian.

Quá trình sưu tầm đủ lượng hoa bất tử cũng là một công việc khó khăn. Hiện nay số lượng hoa bất tử ở Đà Lạt cũng rất ít. Do đó, mỗi lần tu sửa phải gom từ 1 đến 2 tháng mới đủ lượng hoa cần thiết. Số lượng hoa nhiều như thế cũng cần phải được phơi thật khô, sau đó dũ bụi mới có thể để được lâu, không bị hư mốc.

Có thể nói công trình tượng Phật hoa bất tử là thiết kế mang tính sáng tạo, kì công nhất ở chùa Linh Phước. Năm 2017, Liên minh kỷ lục thế giới (WRU) đã xác nhận kỷ lục thế giới cho công trình này.

Một kỷ lục mà ai cũng muốn một lần chiêm ngưỡng ở chùa Linh Phước là công trình Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam. Công trình tái hiện lại Kinh Vu Lan Bồn, mô tả cảnh ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ qua các tầng ngục, tận mắt chứng kiến vô vàn cảnh hình phạt tội nhân.

Công trình do sư hòa thượng Trụ tri Thích Tâm Vị khởi xướng, để chuẩn bị cho lễ Vu Lan Báo hiếu năm 2015. Với mục đích phổ biến văn hóa, giáo dục Phật giáo, giúp khuyến thiện trừng ác. Gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên, giáo dục con cái biết hiếu thảo với cha mẹ.

Mặc dù là công trình kỉ lục nhưng nó chỉ được xây dựng trong gần 4 tháng, từ sau ngày rằm tháng 4, đến rằm tháng 7 năm 2015 thì hoàn thành. Với phát tâm muốn hoàn thiện công trình trong mùa Vu Lan, hơn 10 nghệ nhân và nhiều Phật tử đã phải làm suốt ngày đêm. Thời gian ngắn, không gian thi công chật hẹp khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Công trình có chiều dài lên đến 300m, từ khi bước vào quan khách sẽ được chứng kiến từng tội trạng mà con người hay mắc phải, bắt đầu là: tội trộm cắp, sát sanh, dối trá, tham lam…được thuyết minh bằng chữ rõ ràng trước cửa ngục. Càng vào sâu bên trong địa ngục, càng xuất hiện những hình phạt thảm khốc hơn với những tội danh tăng nặng.

Để tăng thêm tính chân thật, công trình được xây dựng kết hợp với những khối hình mang sắc thái dữ tợn, âm thanh, màu sắc, ánh sáng,...tạo cảm giác hồi hộp, sợ hãi như bước vào 18 tầng địa ngục thật.

Cái khó nhất khi xây dựng công trình Mục Kiền Liên tìm mẹ là việc thiết kế hình ảnh, không gian phía trong. “Mọi thứ phải trở nên hài hòa, đặc biệt là phải làm sao để mọi người khi bước chân vào sẽ có thể cảm nhận được cảm xúc chân thật nhất, như là mình đang bước giữa 18 tầng địa ngục thật. Từ sự sợ hãi giúp mọi người hướng về sự lương thiện, tìm về cái tốt đẹp”- Sư Thích Hạnh Định cho hay.

Tượng phật Bà Quan Âm bằng hoa bất tử.

Tượng phật Bà Quan Âm bằng hoa bất tử.

Ngoài ra, chùa Linh Phước còn sở hữu công trình kỷ lục khác là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng dài tới 49m uốn lượn quanh tượng đài Phật Di Lặc. Vẩy rồng được làm từ mảnh vỡ của 12.000 vỏ chai bia; bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lặc ngự trên đỉnh.

Đối diện với Long Hoa Viên là Linh Tháp cao 36 mét, bao gồm 7 tầng được thiết kế kỳ công và trang trí bằng nhiều bức tượng bắt mắt. Vào năm 2008, Linh Tháp được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là tháp chuông cao nhất Việt Nam.

Ở tầng cao nhất của Linh Tháp là Đại Hồng Chung (chuông lớn) - cao 4.3m, nặng 8.500kg, miệng chuông rộng 2.33m. Được đúc nào năm 1999, đây hiện là chiếc chuông lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau chuông ở chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Phía trong điện thờ, quan khách sẽ bắt gặp khung cảnh tráng lệ với 324 tượng Quán Thế Âm cao 3,7m. Và “điểm nhấn” là một tượng ở trung tâm điện cao 17m, xác lập kỷ lục tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát trong nhà bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam.

Cổ tự ở Đà Lạt còn sở hữu gốc cây trâm vàng khắc Kinh Pháp Cú lớn nhất tại Việt Nam. Tác phẩm nặng trên 30 tấn, ước lượng trên 30m3 gỗ, được các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo.

“Xá lợi toàn thân” hiếm có

Tượng sáp giống thật của Hòa thượng Thích Minh Đức ở chánh điện.

Tượng sáp giống thật của Hòa thượng Thích Minh Đức ở chánh điện.

Không những được biết đến với những khối công trình “kỉ lục”. Chùa Linh Phước còn nổi tiếng bởi những câu chuyện tâm linh, rất khó lý giải. Câu chuyện nổi tiếng nhất phải kể đến “toàn thân xá lợi” của Hòa thượng Thích Minh Đức (sư tổ của chùa) sau 26 năm viên tịch.

Theo lịch sử của chùa, năm 1957, Hòa thượng Thích Minh Đức về làm trụ trì tại chùa Linh Phước. Đến năm 1984, Ngài rời chùa Linh Phước trở về tổ đình Long Bửu (nơi ngày đã tu hành trước đó) để an dưỡng và qua đời tại đây một năm sau.

Vào tháng 2/2010, nhà chùa tiến hành xây dựng lại bảo tháp mới 7 tầng cao 20 mét bằng đá. Trong lễ di dời hài cốt nhập tháp mới, khi khai quật, thi hài của vị hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay, tượng sáp của Hòa thượng Thích Minh Đức được đặt ở chánh điện của chùa Linh Phước. Pho tượng cũng gây được sự chú ý của nhiều người vì giống hệt như người thật từ nếp nhăn, chân tóc.

Chính nhờ sở hữu nhiều công trình độc đáo, nhiều kỷ lục nên chùa Linh Phước là địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, cầu bình an, may mắn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật

Chùa Việt 15:18 19/11/2024

Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.

Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai

Chùa Việt 09:00 19/11/2024

Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.

Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa

Chùa Việt 16:47 18/11/2024

Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.

Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang

Chùa Việt 08:50 18/11/2024

Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.

Xem thêm