Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 15/10/2013, 14:30 PM

Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần cuối)

Đạo Phật cho rằng khổ đau của con người có nguồn gốc sâu xa từ trong tâm thức. Các bản kinh của Phật giáo khi đề cập đến nguyên nhân khổ đau của con người đều nói đó chính là lòng tham

III. NGŨ UẨN TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

1. Căn nghiệp của con người.

Ta thường biết rằng trong cuộc sống hằng ngày có những kẻ sống khốn khổ cùng cực, đời sống bất hạnh. Trái lại, có người sinh sống trong giầu có, vinh hoa phú quý, hạnh phúc tràn trề. Có những người khi sinh ra và lớn lên đã thông minh xuất chúng, khả năng tinh thần trí thức cao siêu. Lại có nhiều người khác thì ngu si dốt nát, phải trải qua suốt cuộc đời trong mê mờ, ngu muội và  tăm tối. Có  những người khỏe mạnh, to lớn, đẹp đẽ và hầu như không có bệnh tật, nhưng lại có những kẻ sinh ra đã ốm đau bệnh tật, gầy còm, xấu xí và đơn độc một cách đáng thương. Có người sống đến tuổi già, tuy đầu bạc răng long nhưng vẫn còn minh mẫn, lại có những kẻ phải lìa bỏ cuộc đời giữa thời niên thiếu, thậm chí chưa kịp chào đời đã phải xa lìa trần thế. Tại sao có những người sinh ra lớn lên trở thành bác sĩ, kỹ sư, những nhà nghiên cứu khoa học, những nhà bác học lừng danh trên thế giới với những cống hiến cho xã hội để lại tiếng thơm cho đời sau, trong khi đó có những kẻ có cuộc đời vô vị không có gì đáng kể để đóng góp cho xã hội và hình như họ sống trong lãng quên, trong đêm tối, không ai màng biết đến? Tất cả những điều ấy đều là những vấn đề mà hầu như ai cũng biết, nhưng hầu như không có một lời giải đáp một cách đúng đắn.

Nếu mọi người chúng ta hiểu được những giáo lý cơ bản của Đức Phật, thấu hiểu được giáo lý Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên,  Ngũ uẩn, luật nhân quả và nghiệp báo, hiểu được những hành động thiện hay bất thiện do mình tạo tác trong cuộc đời mình sẽ gây ra những kết quả lành hay ác cho chính bản thân mình ngay đời này hay trong những kiếp sau, thì sẽ tránh được những nỗi khổ niềm đau cho chính cuộc đời mình. Nếu hiểu được như thế, thì sẽ giải thích được các hiện tượng kể trên. Đó là do Căn nghiệp của con người đã tạo tác gây nên từ trong những đời quá khứ và ngay trong đời hiện tại.  Nhưng căn nghiệp của con người do đâu mà ra, đó là do tưởng uẩn đã qua thức uẩn mà sai khiến hành uẩn tạo nghiệp. Hay nói khác đi là do ý thức, tư tưởng của con người chi phối. Mà có ý thức, tư tưởng  con người tức là do ngũ uẩn. Vậy nói một cách sâu xa hơn là do thủ uẩn, do chấp thủ vào ngũ uẩn, tức là sự bám víu vào cái Ta và cái của Ta mà ra, mà tạo ra nhiều đau khổ.

Chính vì bám víu vào cái Ta và cái của Ta, do chấp thủ ngũ uẩn nên sinh lòng tham, vì dục vọng luôn theo sát bên ta. Lòng tham do tham sắc, tham do thọ uẩn, tham do tưởng uẩn thúc đẩy nên mới có ý tưởng thực hành nghiệp. Và cũng từ đó gây ra bao nhiêu đau khổ cho con người.

 Đức Phật thuyết bài pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như

2. Nguyên nhân đau khổ của con người.

Trong buổi đầu thuyết giảng tại Vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã thuyết về Tứ Diệu đế như sau: “…Này các tỷ kheo, đây chính là Khổ thánh đế: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ và chấp thủ năm uẩn là khổ…” .

Trong tám cái khổ đó, cái khổ cuối cùng là Ngũ ấm xí thạnh khổ tức là cái khổ do hiện hữu năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), do sự phát huy mạnh mẽ của năm uẩn, chính là cái khổ do chấp thủ vào ngũ uẩn gây ra.

Đạo Phật cho rằng khổ đau của con người có nguồn gốc sâu xa từ trong tâm thức. Các bản kinh của Phật giáo khi đề cập đến nguyên nhân khổ đau của con người đều nói đó chính là lòng tham. Do tham ái mà con người ta cố bám víu vào các đối tượng của tham ái, sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến nỗi khổ niềm đau kéo dài liên miên vì lòng khao khát tham ái không bao giờ dừng, không bao giờ thỏa mãn. Phật giáo cũng chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa hơn và là nguyên nhân căn bản đó là vô minh, là si mê, vì không thấy rõ bản chất của sự vật và hiện tượng đều do duyên sinh, đều vô ngã và vô thường. Vì thế cho nên con người ta chỉ thấy "cái tôi" và "cái của tôi" là quan trọng nhất. Rõ ràng nếu không chấp ngã và dục vọng, không bị vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm con người thì cuộc đời đầy an lạc và hạnh phúc. Vì vậy muốn nhổ cái gốc Vô minh gây đau khổ cho chúng sinh thì phải nhổ tận gốc cái chấp ngã với việc áp dụng giáo lý  Mười hai nhân duyên Ngũ uẩn.

Chính vì Ngũ uẩn thường ngăn che tâm trí của con người như bóng mây thường che ánh nắng mặt trời, nên những dục vọng, những ham muốn và lòng tham của con người luôn luôn phát triển làm cho con người mê muội không nhận thấy cái Ta thật tính, tức cái tính Phật sẵn có trong mỗi con người. Và khi càng mê muội, càng theo đuổi dục vọng nên con người càng bị lấn sâu vào khổ đau và tội lỗi. Con người cứ cho rằng cái thân ngũ uẩn này là Ta, là của Ta; tình cảm, lý trí, hiểu biết tư duy là Ta là của Ta cho nên luôn luôn tìm cách  nuôi dưỡng và phát triển chúng cho đẹp đẽ hơn, cho hạnh phúc hơn trong cuộc sống tương lai. Và cũng vì vậy con người ngày càng đối đầu với bao nỗi khổ niềm đau không bao giờ dứt. Vì sao? Vì thân thể ta, sức khỏe ta, tình cảm, tri thức và ý chí ta luôn luôn biến đổi trong từng phút từng giây theo lẽ vô thường. Tất cả những biến đổi này ở ngoài sự kiểm soát của mình, do đó chúng gây ra các khổ đau, sầu muộn. Con người càng yêu cái Ta và cái của Ta bao nhiêu thì càng chịu đau khổ bấy nhiêu. Mặt khác, khi con người nhận ra mình có mặt ở đời thì theo giáo lý đạo Phật, cũng là lúc nhận ra thân ngũ uẩn này có được chính là nghiệp quả của nghiệp nhân những đời trước. Nó nằm ngoài ý muốn của bản thân từng người, do đó có thể không đáp ứng cái mong muốn của người ta về cái thân mình của họ. Cũng vì do nghiệp lực của quá khứ để lại và do lẽ vô thường, nên con người có thể phải hứng chịu mọi đau khổ theo quy luật sinh lão bệnh tử. Cho nên còn bám víu vào cái Ta và cái của Ta tức là còn chấp thủ uẩn thì còn khổ. Vì vậy  mới nói Ngũ uẩn là gánh nặng.

Một số người do nhận thức cho rằng thân ngũ uẩn là gánh nặng làm cho đau khổ, họ có tư tưởng thoát ly thân ngũ uẩn để tìm đến Niết bàn an vui. Đây là nhận thức sai lầm lớn bởi vì cần thấy rằng thân tứ đại tuy mong manh, vô thường và do ngũ uẩn tác động làm cho đau khổ, nhưng đoạn diệt thân ngũ uẩn là cả một vấn đề vô cùng nguy hiểm, khi con người ta chưa đi đến đắc đạo.

Cần phải thấy rằng giáo lý của Đức Phật dạy chúng sinh diệt khổ để thân tâm an lạc, đi đến hạnh phúc ngay trong cuộc đời vô thường, có sinh có diệt, có đau khổ này, nghĩa là chúng sinh phải biết tu tập để có an lạc mà tự mình hóa giải hết những nỗi khổ niềm đau ngay trong thế giới Ta bà này, chứ Đức Phật không bao giờ dạy con người trốn khổ, cầu nguyện sang một thế giới khác để có an lạc thân tâm.

Vì vậy, nếu ngay trong thế giới Ta bà này, con người làm chủ được cái khổ tức là đã diệt khổ. Còn nếu con người không có khả năng diệt khổ thì nỗi khổ niềm đau sẽ luôn luôn theo như bóng theo hình dù cho họ có ở một thế giới nào mà không biết cách diệt khổ, họ vẫn phải sống trong cảnh khổ đau.

Do đó tôn chỉ của đạo Phật là diệt khổ chứ không trốn đời.

3.Sự thực hành Ngũ uẩn trong thực tế

Như trên đã nói một trong tám nỗi khổ mà Đức Phật đã tuyên giảng trong Tứ Diệu đế là Ngũ uẩn xí thạnh khổ. Hay nói khác đi để cho các uẩn hưng thịnh là khổ, cố níu vào thủ uẩn là khổ tức là chấp thủ ngũ uẩn là khổ. Thế thì thực hành Ngũ uẩn trong thực tế là gì ? Đó là từ sự hiểu biết được Ngũ uẩn là gánh nặng, mà cái gánh nặng đó chính là sự bám giữ các thủ uẩn : cái Ta, cái của Ta,  là sự chấp thủ uẩn mà gây ra đau khổ cho con người nên phải tìm diệt cái nguyên nhân gây ra nỗi khổ đó.

Ta biết nguyên nhân gây ra tất cả những nỗi khổ đau của cuộc sống là do vô minh, là đều do ý thức, tư tưởng mà ra. Vì thế đức Phật dạy chúng sinh phải biết tu tập để chuyển  đổi tất cả ý thức tư tưởng trở thành trí tuệ, mà có trí tuệ thì mới có thể chấm dứt khổ đau đạt đến thân tâm an lạc, đến giải thoát, Niết bàn. Vì thế tất cả mọi phiền não đau khổ trên thế gian này đều phát nguồn từ ý thức, tư tưởng mà ra. Mà khi đã tu tập để tư tưởng trở thành trí tuệ, đã quán chiếu được để thấy cuộc đời là vô thường, vô ngã, tịch tịnh thì đâu đâu cũng thanh tịnh, lúc nào cũng an vui tự tại. Một khi tư tưởng không bám víu vào những vướng mắc gây ra đau khổ thì sẽ đem lại sự an vui tự tại.

Trong kinh có kể câu chuyện có một lần Đức Phật đang trên đường đi khất thực, bị một vị Bà la môn chặn đường nói những lời thóa mạ nặng nề và thô lỗ, nhưng Đức Phật vẫn đứng im, nét mặt an nhiên tự tại không nói lại điều gì. Người Bà la môn hỏi Đức Phật : “Này ông Sa môn ! Cái lỗ tai ông có điếc không vậy ? ”. Đức Phật trả lời : “Không điếc !”. Vị Bà la môn lại hỏi : “Vậy cái miệng ông có câm không ?”. Đức Phật lại trả lời : “Không câm”. Ông Bà la môn lại hỏi :“Ông không câm, không điếc, thế sao nghe những lời tôi nói, ông không có biểu hiện gì trên nét mặt mà cũng không nói một câu”. Lúc bấy giờ Đức Phật mới hỏi ông Bà la môn : “Này ông Bà la môn, ông là người của giai cấp quý tộc, vậy khi có khách đến chơi nhà ông, ông đối đãi như thế nào ?” Vị Bà la môn trả lời : “Khách đến nhà, tôi sẽ thết đãi vật thực ngon và tặng quà khách”. Đức Phật lại hỏi : “Nếu khách người ta không ăn, không nhận thì sao ?” Vị Ba la môn trả lời : “Thì vợ chồng tôi thọ hưởng chứ sao !” Lúc bấy giờ Đức Phật mới nói : “Cũng như vậy đó, từ hồi nãy đến giờ ông dùng cái gì để thết đãi ta như là người khách, thì bây giờ hãy nhận lại”.

Xưa có một vị thiền sư bị ngã què chân, vì thế mà đi đứng nằm ngồi đều bị vướng víu, khổ sở vô cùng, nhất là khi phải di chuyển tụng kinh, hành thiền. Làm việc gì cũng bị lệ thuộc vào cái chân què, và thường phải đi sau và làm sau mọi người. Nhưng đến khi phải chuẩn bị cho ngày thị tịch, Ngài muốn ngồi kiết già nhập thiền mà nhập diệt. Nhưng cái chân què không chịu nghe Ngài, nó làm trở ngại không cho Ngài ngồi kiết già. Một hôm, đến ngày đến tháng, Ngài quyết định ngồi kiết già để nhập diệt, nhưng vừa đưa chân lên thì đau quá, Ngài quyết tâm lấy nắm cái chân què lên và nhủ thầm: “Bấy lâu nay ta theo mi, chiều mi đủ thứ, nay mi phải dứt khoát theo ta”. Khi ấy Ngài không kể đau đớn, cố bắt chân ngồi kiết già, thế là ngồi yên được. Như vậy nếu ta có một sự tự tại đối với Sắc, đối với Thọ, đối với Tưởng, đối với Hành, đối với Thức nghĩa là không chấp thủ ngũ uẩn như vị thiền sư thì chúng ta mới giải thoát được.

Ta còn thấy trong Kinh Kim Cương,  Phật dạy tôn giả Tu Bồ Đề rằng : “Này Tu Bồ Đề ! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời, bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng : ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả”.

Ta biết Lục Tổ Huệ Năng đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thuyết trọn kinh Kim Cương, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Đừng để tâm vướng víu nơi nào), thì Lục Tổ thoát nhiên đại ngộ. Bởi vì vấn đề trọng tâm của bản kinh Kim Cương mà Đức Phật dạy là “Không trụ chấp vào bất cứ nơi nào”. Bản kinh đó bắt đầu bằng câu của tôn giả Tu Bồ Đề hỏi Phật :

                   “Làm sao hàng phục vọng tâm ?
                     Làm sao an trụ chân tâm?”

Đức Phật đã trả lời: “Này Tu Bồ Ðề ! Bồ tát phát tâm Bồ đề, phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ Tát không nên sinh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v...

Nói tóm lại, Bồ Tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm”.

Như vậy, đức Phật dạy không được chấp vào bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; không được chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tức là không chấp thủ uẩn, nghĩa là không trụ chấp vào một nơi nào cả, thì thân tâm mới an lạc, mới sinh tâm thanh tịnh. Mà tâm thanh tịnh ở đây là tâm Phật, là Chân tâm, là Phật tính.

Như trên đã nói tất cả mọi phiền não đau khổ trên thế gian này đều phát nguồn từ ý thức, tư tưởng mà ra. Nhưng làm sao chấm dứt tư tưởng?

Giáo lý của Đức Phật đề cập đến sự tu tập của hàng phật tử cũng như các hành giả có rất nhiều, sâu sắc và rất rộng, chung quy cũng để cho chúng sinh nhận thức được cái vô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh, luân hồi, nghiệp lực và nhân quả.  Đức Phật đã đề ra tám mươi tư nghìn pháp môn để phù hợp với từng căn cơ khác nhau của mọi chúng sinh. Nếu thấu hiểu dần từ bài giảng về Tứ Diệu đế, đến giáo lý về Mười hai nhân duyên, về Ngũ uẩn, thì mọi con người có thể áp dụng dần vào trong đời sống tu tập hàng ngày. Người ta có thể vận dụng những bài học về Tứ niệm xứ, về Bát chính đạo, về Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), về Tứ nhiếp pháp v.v…Đặc biệt là phương pháp quán chiếu trong thiền học, Đức Phật đã nói nhiều trong các bản kinh, nhất là trong kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật đã nói về các phương pháp quán chiếu để hiểu được ngũ uẩn là vô ngã, ngũ uẩn là vô thường, khổ và chịu sự biến hoại để nhận rõ về mỗi uẩn chẳng phải là của Ta, chẳng phải là Ta và chẳng phải là Tự ngã của ta. Phương pháp quán chiếu đó là phải quán niệm như thật về mười một phương diện của năm thủ uẩn.

Phương pháp quán chiếu đó gồm:

- Phương pháp tu Chỉ tức dùng thiền định hay niệm Phật để áp chế mọi vọng tưởng có thể sảy ra trong tư tưởng để có sự an lạc. Con người ta ai ai cũng ham mê về bản ngã (tức là chấp ngã) ngoại trừ các hành giả đã chứng đạo.

Bản ngã là nguồn gốc của vô minh, từ đó sinh ra ba thứ vô mình căn bản tức ba độc tham, sân, si. Do ba độc mà nảy sinh ra tham đắm về tài, sắc, danh, thực, thùy còn được gọi là đam mê theo ngũ dục lạc. Ngày nào con người còn lặn hụp trong tài sắc danh lợi an ngon ngủ kỹ này thì cuộc đời thường bị mê mờ, không bao giờ có được an vui, tự tại. Do đó tu theo sơ thiền sẽ làm cho tâm ta dần dần xa lìa cái bản ngã, khiến cho những căn bản phiền não tham sân si cũng dần dần tan biến làm cho thân tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh và tự tại.

Trong phương pháp tu thiền, sau khi tu nhằm viễn ly, xa lìa bản ngã thì tiến tới tu định tức là thiền để định tâm mà sinh hỷ lạc.

- Phương pháp tu Quán tức là tu trí tuệ. Khi tâm đã định thì giai đoạn kế tiếp là tu Quán nghĩa là tiếp tục thiền định đến khi nhận chân được chân lý tức là trí tuệ phát sinh. Chỉ có trí tuệ mới có sức mạnh và công năng tiêu diệt ý thức, vọng tưởng. Đến đây thì những vi tế tham sân si mới thật sự bị hủy diệt, tâm hằng tự tại thanh tịnh Niết bàn.

Tu tuệ là phương tiện cứu cánh để chứng đắc. Một khi trí tuệ đã thấu suốt thì biết đời là vô thường, là khổ nhưng không trốn tránh cái khổ mà dùng trí tuệ để tận diệt chúng để có an vui tự tại. Nếu hành giả quán được vạn pháp giai không thì tâm không còn dính mắc, không còn lưu luyến hay bị nhận chìm đọa lạc.Vì vậy Đức Phật đã dạy rằng nếu xả bỏ tất cả thì sẽ được tất cả.

Tôn chỉ của đạo Phật là diệt khổ ngay trên cõi đời này chứ không trốn đời bởi vì khi ta quán chiếu để thấy rằng cuộc đời là vô thường, là vô ngã, là khổ não, là tịch tịnh thì ở đâu cũng thanh tịnh, làm việc gì cũng an vui tự tại. Vì vậy ta không còn bám vào ngũ uẩn và thủ uẩn để đi đến diệt hết nỗi khổ trên đời. Nắm vững giáo lý Ngũ uẩn chính là bài học diệt khổ để sống an vui tự tại ngay trên cõi đời này. Đó chính là con đường giải thoát mà đạo Phật hướng cho mọi chúng sinh đi tới.

V. KẾT LUẬN

Để kết luận, cần phải quán chiếu ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã để đi đến quyết tâm tu tập. Xin giới thiệu câu chuyện sau đây trong Kinh Pháp Cú : Chuyện công chúa Gia Nhã Ba được Ðức Phật giảng cho nghe bài pháp về Vô thường, Khổ và Vô ngã:

... Vào một thời khi Ðức Phật ngụ tại chùa Kỳ viên, nước Xá vệ. thuở ấy có một vị công chúa tên là Gia Nhã Ba nhan sắc rất đẹp đẽ, vốn là con người dì của Ðức Phật Thích ca. Công chúa sắp kết hôn với hoàng tử Nan Đà, nhưng vào ngày làm lễ cưới, hoàng tử lại theo Ðức Phật vào chùa đi tu. Sau này, chính bà mẹ của công chúa cũng quy y với Ðức Phật và trở thành một tỳ kheo ni. Trong cảnh cô đơn, công chúa nghĩ: "Mẹ ta, chồng ta đều đi tu cả. Thôi, ta cũng đi tu theo luôn!"... Tỳ kheo ni Gia Nhã Ba được nghe các bạn đồng tu bảo Ðức Phật thường giảng dạy rằng thân tâm ngũ uẩn này là vô thường, khổ và vô ngã. Vì còn chưa hiểu thấu nghĩa lý của đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã, tỳ kheo ni Gia Nhã Ba tưởng lầm rằng, Ðức Phật chẳng khen ngợi chi đến sắc đẹp lộng lẫy của mình, nên thường tránh các dịp đến gặp Ðức Phật.

Nhưng các vị đồng tu thường tán thán Ðức Phật, cho nên bà mới quyết định theo họ đến chùa Kỳ viên để đảnh lễ đấng Thế tôn.

Khi Ðức Phật trông thấy công chúa Gia Nhã Ba đến chùa, Ngài nghĩ rằng: "Ðạp gai thì phải lấy gai mà nhể, tỳ kheo ni Gia Nhã Ba quá hãnh diện và quá trìu mến đến thân sắc của mình, phải làm sao cho bà thấy rõ sắc đẹp chóng tàn phai để dẹp bỏ sự hãnh diện và lòng tríu mến đó". Khi các vị Tỳ kheo ni đảnh lễ, Ðức Phật dùng sức thần thông của Ngài, tạo hình ảnh một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, rất đẹp đẽ, mỹ miều, đang cầm quạt, phe phẩy quạt sau lưng Ðức Phật, mà chỉ riêng có Gia Nhã Ba mới nhìn thấy được mà thôi. Gia Nhã Ba ngẩng đầu lên nhìn, thấy cô thiếu nữ nhan sắc đẹp tuyệt trần, so với nhan sắc của nàng còn hơn gấp bội. Gia Nhã Ba tiếp tục nhìn mãi, bỗng cô thiếu nữ từ từ trở thành một người thiếu phụ ba mươi tuổi, vẻ đẹp có phần sút giảm đi. Nhìn hồi lâu, bóng người thiếu phụ hóa thành một người đàn bà trung niên, tóc đã hoa râm, trên làn da mặt đã bắt đầu có vết nhăn. Bấy giờ, trong lòng Gia Nhã Ba mới nghĩ ra được sự chóng tàn phai của sắc đẹp, cùng sự suy yếu, già lão từ từ đến với tấm thân vật chất. Vào lúc ấy, bóng người đàn bà ngồi sau lưng Ðức Phật đã biến thành một cụ già, run rẩy, mệt nhọc cầm cây quạt, tay quạt một cách mệt mỏi. Sau cùng, cụ già đó lại lăn đùng ra chết. Mắt Gia Nhã Ba lại trông thấy thân thể cụ già sình lên, dòi bọ nhung nhúc. Lòng nàng nghĩ, thân thể của ta rồi đây cũng sẽ lại như thế, chẳng có cách nào tránh khỏi sự chết chóc được.

Ðức Phật đoán biết sự thay đổi tâm trạng của Gia Nhã Ba, liền thâu phép thần thông lại, và Ngài bắt đầu giảng bài pháp Ngũ uẩn, về Vô thường, Khổ và Vô ngã đối với thân tâm ngũ uẩn. Tỳ kheo ni Gia Nhã Ba lắng nghe, hiểu rõ và nhờ đó mà chứng đắc được quả vị Tu Đà Hòan.

Rồi Ðức Phật mới nói lên bài kệ sau đây:

Thân này là một cái thành
Xây bằng xương cốt và quanh bốn bề
Quét tô máu thịt bao che
Để mà chứa chất não nề bên trong
Sự già nua, sự tử vong
Chứa chan kiêu ngạo, chất chồng dối gian.
                          (Kinh Pháp Cú, Kệ số 150)

Giáo lý Ngũ uẩn chính là bài học diệt khổ để sống an vui tự tại ngay trên cõi đời này. Đó chính là con đường giải thoát mà đạo Phật hướng cho mọi chúng sinh đi tới.

 Viết xong tại Ngọc Hà, Hà Nội
Ngày 21 tháng 7 năm Quý Tỵ (27.08.2013 – Phật lịch 2557)

PHẠM ĐÌNH NHÂN
Pháp danh Chánh Tuệ Định

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm