Người ngu và kẻ trí

Thuở xưa, tại kinh thành của một tiểu quốc xứ Ấn Ðộ có một nhà triệu phú. Y không tin Trời, Thần và số mệnh.

nguoi-ngu-va-ke-tri

 Y thường nói:

– Hễ có chí, có tài là làm nên sự nghiệp. Chẳng có số mệnh, nhân quả, thiện ác gì hết.

Nhà triệu phú có hai người con trai. Hôm kia, y cho mời một thầy Bà-la-môn lỗi lạc đến nói rằng:

– Ta không tiếc thù lao trăm vạn, miễn là con ta thành kẻ tài cao, có bản lãnh vang danh thiên hạ. Ðừng dạy những cái thứ vớ vẩn là triết lý, văn chương, kinh thư,… Thầy có làm được như thế không?

Thầy Bà-la-môn gật đầu, làm giấy tờ văn bản theo như lời thỏa thuận của hai bên, có triện son của Ðức Vua rồi dẫn hai người con trai của nhà triệu phú lên đường.

Ðúng ngày hẹn, mười năm sau họ trở lại.

Thầy Bà-la-môn nói:

– Những thanh niên quý tử con ngài giờ đã có tài cao và bản lãnh. Họ sẽ thành công ở mỗi địa hạt khác nhau. Bây giờ ngài hãy cho thù lao.

Nhà triệu phú mặt mày hớn hở:

– Tốt lắm! Vậy thầy đòi bao nhiêu?

Thầy Bà-la-môn cất giọng trịnh trọng:

– Các quý tử con ngài chỉ được cái mã bên ngoài, còn căn cốt thì chậm lụt, ngu đần. Chắc chúng là cốt tinh của ThầnVịt Ðực, Thần Lừa hai đầu hoặc Thần Bò Cái. Tôi đã gian lao vất vả mười năm…

Nhà triệu phú tối sầm mặt, quát khẽ:

– Thôi đi. Hãy kể nhanh lên!

Thầy Bà-la-môn mỉm cười:

– Trước tiên muốn cho các quý tử theo đuổi được sở học, tôi phải hối lộ với Thần Trí Khôn, nhờ ngài giải phẫu cho cái đầu óc mít đặc đầy những kiêu căng, ngu si, thịt mỡ và vật thực. Ðể chi phí cho khoảng cúng tế này, tôi đã phải mất hết mười vạn đồng tiền vàng.

Nhà triệu phú giật thót mình.

Thầy Bà-la-môn đều đều tính sổ:

– Thể chất các quý tử con ngài ẻo lả mềm yếu như lau cói; lại lười biếng, nhút nhát như cốt tinh của Thần Heo, Thần Thỏ Ðực. Tôi phải xõa tóc, đốt trầm, ăn chay nằm đất hai năm ròng rã để cầu khẩn Thần Sức Khỏe, Thần Ý Chí, Thần Sư Tử ba mắt uy mãnh. Khoản chi phí này vì phải hối lộ nhiều nơi, nên đã mất đi khoảng hai mươi vạn đồng tiền vàng.

Nhà triệu phú như bị kiến đốt, trán đã rươm rướm mồ hôi.

Thầy Bà-la-môn lẩm nhẩm tính một hồi nữa rồi than khẽ:

– Ôi! Hỡi Thần Nhật Nguyệt, Thần Núi Sông, Thần Ban Ngày, Thần Ban Ðêm, Thần Thời Gian, Thần Ðất Ðai, Thần Cây Cỏ, Thần Hư Không, Thần Gió và Thần Mây! Các khoản thù lao kia tôi chưa tính đến quý ngài, nhưng vốn tính tình nhân hậu, quý ngài cũng hỷ xả cho thôi!

Lại nói:

– Thêm công lao dạy dỗ mười năm, cơm áo, vật thực, sách đèn,… tính đổ đồng mỗi quý tử cũng mất hết mười lăm vạn, hai vị quý tử là chẵn ba mươi vạn! Như thế, cộng cả hai khoản chi phí trên nữa là đúng sáu mươi vạn đồng tiền vàng. Nhưng lạy Thần Thiện Tâm, Thần Bác Ái và Thần Hoan Hỷ có cái tai to và nụ cười đôn hậu, tôi xin hiến cúng lại gia chủ mười vạn, chỉ xin nhận năm mươi vạn đồng tiền vàng mà thôi. Ngài hãy thanh toán cho!

Thầy Bà-la-môn nói xong, lấy văn kiện có triện son của Ðức Vua, nói rằng:

– Ở khoản này có ghi: “Gia chủ chẳng tiếc thù lao trăm vạn, miễn là hai con có tài cao và bản lãnh”.

Thầy Bà-la-môn xá nhà triệu phú thật sâu rồi khép nép đứng một bên rất lễ độ, trên môi thoảng nụ cười khiêm tốn.

Nhà triệu phú đầu tóc rụng đã một nửa, ông ta bóp trán suy nghĩ một lát rồi chợt cười ha hả:

– Ðúng vậy! Ðúng vậy! Các khoản thù lao như vậy là xứng đáng. Nhưng cái tài của hai con ta thì lấy gì làm bằng? Các ngài Bà-la-môn vốn là giòng dõi học thức, đa ngôn, lớn lối,… Nhưng làm sao ta tin các ngài được?

Nhà triệu phú thấy mình thắng lý, thích chí nhìn thầy Bà-la-môn cười to lên.

Thầy Bà-la-môn cau mày tự nghĩ:

“- Ai bảo bậc minh triết có trí khôn vẹn toàn, ta bảo kẻ ấy là người ngu.”

Bèn nhường lui một bước:

– Vậy chúng tôi chờ đợi. Nếu trong vòng một năm trở lại, hai quý tử quả có tài cao riêng biệt theo như lời cam kết, tôi đến lấy tiền cũng không muộn gì.

Họ lại làm bản giao kèo lần thứ hai, có triện son của Ðức Vua.

Sau đó, nhà triệu phú chu cấp tiền bạc cho hai con lên đường, tự nghĩ:

“- Nếu một năm sau, con ta chứng tỏ không có tài thì ta chẳng tốn một xu. Và quả nó có tài và bản lãnh thật sự thì trăm vạn đồng tiền vàng nào có nghĩa gì? Trích từ phần lời này ta trả cho bên kia. Thế là cả hai đàng ta đều có lợi.”

Rồi nhà triệu phú lẩm bẩm một câu triết lý:

“- Ngoài đầu óc của tên triệu phú, thế gian không có trí khôn.”

Ðúng như dự đoán của thầy Bà-la-môn, một năm sau hai chàng quý tử trở về. Nhà triệu phú nhìn hai con, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược.

Ðứa thứ nhất lịch kịch với chiếc nạng gỗ, áo vá trăm mảnh. Rõ là một tên ăn xin tàn tật. Ðứa thứ hai da xanh như tàu lá, đôi mắt láo liêng thất thần. Rõ là một con quỷ thân tàn ma dại.

Thầy Bà-la-môn xuất hiện đòi trả tiền thù lao như lời cam kết.

Nhà triệu phú vỗ bàn, đấm ngực, bứt râu, hét:

– Ngươi không thấy sao mà dám vác mặt đến đây? Ta sẽ kiện Ðức Vua cho ngươi đi ở tù.

Thầy Bà-la-môn cứng cỏi đáp:

– Hãy đi ngay! Nếu ta không lấy được năm mươi vạn đồng tiền vàng, sao thế gian gọi ta là bậc thầy lỗi lạc?

Ðức Vua sau khi xem mấy bản văn, nhìn hai người thanh niên rồi quay sang nhìn thầy Bà-la-môn từ đầu cho đến chân, nghiêm giọng nói:

– Thầy hãy trả lời cho minh bạch trước công lý.

Thầy Bà-la-môn nghiêng mình tâu:

– Xin đấng Thượng hoàng anh minh! Trước bệ rồng xin cho hạ thần tự sự trình bày đầu đuôi gốc ngọn.

– Cứ nói!

– Tâu Ðại Vương! Hạ thần chỉ làm theo văn bản đã cam kết giữa hai bên mà thôi. Trong bản giao kèo ấy, ghi là đào tạo cho hai cậu quý tử con ngài triệu phú đây có “tài cao và bản lãnh”, mà không xác định là tài cao và bản lãnh gì! Và hạ thần đã làm đúng như thế. Suốt cả năm qua khắp cả kinh thành, chẳng ai là không nghe danh hai kẻ tài cao vô địch ấy!

Ðức Vua và triều thần nghi ngờ đưa mắt nhìn nhau. Chợt một tiếng nói:

– Muôn tâu bệ hạ! Năm qua ở đất Thần châu xuất hiện hai nhân vật tài cao và bản lãnh lạ lùng. Một người có tài “chim gái”. Ít nhất là có một ngàn công nương, tiểu thư, mệnh phụ đều mê mệt vì những lời đường mật dụ dỗ ngon ngọt của y. Người ấy có ngoại hiệu mà không ai không biết là “Thần Châu Ðệ Nhất Sở Khanh”. Ôi! Cái tài và cái danh đến độ như vậy là cùng rồi. Chẳng hay thầy Bà-la-môn muốn nói đến người này?

– Chính thị! Thầy Bà-la-môn gật đầu.

Tiếng kia lại đều đều tiếp:

– Bản lãnh người thứ hai dường như thâm diệu hơn. Tâu bệ hạ! Với hai bàn tay trắng đến kinh đô, y đi lượm những đồ phế thải hoặc mua với giá rẻ những vật người ta không dùng, đem về tự mình chế biến thành những vật dùng được. Ðối với y, cái gì cũng có thể biến thành tiền cả. Tiền và tiền! Mới nửa năm mà gia tài của y đã có đến vài chục vạn. Nhưng y tham lam quá độ, chỉ thấy lợi, nghĩ đến lợi của mình chứ không thấy ai khác. Y có ngoại danh “Kiến Lợi Bất Kiến Nhân”. Trong vài cuộc hùn hạp làm ăn bặm trợn, sinh tử, không kể đến tín, nghĩa, y vơ vét sạch tiền bạc của người ta rồi trở mặt, phản trắc. Do vậy, ở đất Thần châu, khi nhắc đến “Kiến Lợi Bất Kiến Nhân” hoặc “Thần Châu Ðệ Nhất Tham Tài” thì không ai khỏi lắc đầu lè lưỡi! Than ôi, cái tài và cái danh đến như thế là cùng độ rồi! Thưa thầy Bà-la-môn khả kính! Chẳng hay người ấy cũng là quý tử của nhà triệu phú cao trọng đây? Là cao đệ của ngài?

Thầy Bà-la-môn khi nghe đến hai chữ “cao đệ” chợt đỏ mặt lên nhưng cũng gật đầu.

Ðức Vua đưa mắt nhìn hai người thanh niên một hồi rồi nói:

– Tên thứ nhất, đệ nhất hào hoa phong nhã, mà bây giờ như con quỷ tanh nhờn, da xanh, nanh vàng thế? Ai biết tại sao?

Giọng nói kia tiếp tục:

– Tâu bệ hạ! Nghe đâu thần thoại bên cõi Tây Man có vị thần vì yêu thương hết mình, hết xương tủy mà ra thế! Lại nữa, các đấng mày râu bị mọc sừng, phục kích đánh đập y một trận trăm chết một sống rồi quăng y vào một đống rác ở ngoại ô!

Ðức Vua gật đầu:

– À, ra thế! Còn vị thứ hai này, tại sao lại trở thành tên khất cái tàn tật? Y giàu có lắm mà!

– Của thiên trả địa, tâu bệ hạ! Những kẻ bị lường gạt hùa nhau trả thù. Họ đeo mặt nạ, giả tướng cướp kéo đến phá tan gia sản của y, cướp hết ngọc ngà châu báu của y, bẻ gãy chân tay y rồi quăng y cũng cùng trên đống rác ấy! Thế rồi hai anh em y chợt tao ngộ tương phùng nơi cảnh giới dòi bọ, lằn xanh, chuột chết,… cùng băng bó vết thương cho nhau, rồi cùng “vinh quy bái tổ” về làng!

Ðức Vua cười híp mắt rồi gục gặc nói:

– Nếu bảo tài thì cũng là đại tài! Nếu bảo danh thì cũng là trứ danh! Nhưng nếu tài danh mà không có đạo đức và lương tri hướng dẫn thì đến lúc phải thân tàn ma dại, khuynh gia bại sản, bị mọi người khinh rẻ và chuốc hiểm họa vào thân mà thôi!

Chợt Ðức Vua ngẩng đầu lên:

– Này thầy Bà-la-môn! Ai cho phép thầy dạy người không theo khuôn phép của minh triết, thánh thư?

Thầy Bà-la-môn đáp rổn rảng:

– Muôn tâu! Lỗi không phải ở hạ thần! Ngài triệu phú đây vốn là kẻ ngoại đạo. Ngài ấy không tin trí khôn của thánh hiền. Ngài ấy bảo minh triết, văn chương, thánh thư là vớ vẩn. Ngài ấy chỉ tin vào đầu óc của mình thôi!

Ðức Vua mặt rồng cau lại, vỗ long ngai:

– Quốc độ này không có những loại thầy như ngươi! Ta tuyên phạt ngươi “hai trăm năm” lưu đày ngoài hoang đảo vì giáo dục phi đạo đức!

Ðức Vua lại hầm hầm quay qua nhà triệu phú:

– Còn tên trọc phú xấu xa đê hèn kia! Ngươi là kẻ thua cuộc! Hãy trả cho lão Bà-la-môn năm mươi vạn đồng tiền vàng rồi xéo đi khỏi nước này cùng với tài sản của ngươi! Lập tức đi ngay! Ta không muốn nhìn mặt ngươi nữa!

Tuyên án xong, Ðức Vua lẩm bẩm:

“- Kinh khiếp! Người ngu, kẻ trí, người trí, kẻ ngu!”

Rồi tất tả lui vào hậu cung như không còn dám nhìn mặt “người ngu, kẻ trí” trên đời này nữa!

Theo TVPS

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân người sầu khổ nhưng chưa đến nỗi cùng cực?

Phật giáo thường thức 20:15 23/12/2024

Hỏi: Đức Phật nói con người suốt ngày vùng vẫy, thoi thóp trong biển khổ sóng sầu, nhưng vì sao lại nói thân người khó được?

Thực tập Chánh niệm như thế nào?

Phật giáo thường thức 19:10 23/12/2024

Thói quen chính là số phận. Thói quen tự nó mang trong nó một sức mạnh lớn, có thể chi phối và dẫn dắt cuộc sống.

Bố thí độ

Phật giáo thường thức 19:02 23/12/2024

Khi giận một người nào ta liền đau khổ. Nếu ta thực tập hiến tặng (bố thí), thì niềm sân hận trong ta được chuyển hóa và ta vượt sang được bờ bên kia ngay tức khắc, đó là bờ của vô sân, của an lạc, hạnh phúc và từ bi.

Sự nghiệp của Bồ tát là gì?

Phật giáo thường thức 18:06 23/12/2024

Các vị phải nên hiểu, sự nghiệp Bồ Tát chính ở ngay trong đời sống hiện tại của chính mình, ở ngay trong nghề nghiệp trước mắt. Nếu như bạn là một người chủ gia đình, bạn gìn giữ gia đình này thì đó là sự nghiệp của bạn.

Xem thêm