Người thầy thuốc của Đức Phật
Có thân ắt có bệnh; người có bệnh thì tự chữa hoặc có nhu cầu được chữa, do đó ngành y ra đời rất sớm, từ khi con người hợp quần thành xã hội. Thời Đức Phật tại thế, ngành y đã phát triển, có trường dạy y khoa và nhiều thầy thuốc giỏi, trong đó Jīvaka Komārabhacca là một vị danh y điển hình.
Tương truyền, hoàng tử Abhaya – con của vua Bimbisāra, nước Magadha – đang cưỡi ngựa trong thành phố thì nhìn thấy đàn quạ lượn vòng và kêu lớn quanh một đứa nhỏ. Dừng xe ngựa lại, hoàng tử thấy một bé trai sơ sinh bị bỏ lại giữa đống rác bên vệ đường. Qua tìm hiểu, ông biết rằng đó là con rơi của một người kỹ nữ tài sắc đã lầm lỡ trao thân. Hoàng tử Abhaya thương xót cho em bé sơ sinh vẫn còn bám víu sự sống, ông quyết định nhận nuôi đứa bé như con mình, mặc dầu nó xấu xí. Đứa bé được đặt tên là Jīvaka Komārabhacca, Jīvaka có nghĩa là “cuộc sống” và Komārabhacca là “được nhận nuôi bởi một hoàng tử”.
Sau này, khi biết thân phận bị bỏ rơi, Jīvaka nguyện sẽ trở thành người bảo vệ sự sống. Jivaka quyết định đến học tại học viện y khoa nổi tiếng Taxila của nước Gandhāra. Chương thứ tám trong Mahavagga (Đại Phẩm) của Vinaya Pitaka (Tạng Luật) kể nhiều chi tiết về cuộc đời của Jivaka. Ông là đệ tử giỏi nhất của thầy thuốc Atreya, người sở hữu một năng lực xem mạch bệnh nhân tuyệt vời và thực hiện các hoạt động chữa bệnh phức tạp. Atreya cũng là một bậc thầy xuất chúng trong khoa thảo dược của học viện Taxila cổ đại. Ngày nay, Taxila là một địa điểm khảo cổ quan trọng ở Punjab, nước Pakistan. Jivaka hoàn thành bảy năm học đầu tiên dưới thời Atreya. Một câu chuyện liên quan đến trí tuệ của ông trong thời gian ở trường y, đó là vị thầy đã yêu cầu ông tìm một loại cây nào không thể dùng làm thuốc. Jivaka đi bộ xuyên rừng nhưng trở về Taxila tay không. Ông đến thưa thầy Atreya rằng, mình không thể tìm thấy cây nào. Tưởng chừng thầy sẽ thất vọng, nhưng không, thầy rất vui và nói rằng việc học của Jivaka đã hoàn tất. Từ đó, Jivaka chữa bệnh cho rất nhiều người, bất kể giàu nghèo hay theo tín ngưỡng tâm linh nào.
Jivaka là thầy thuốc của Đức Phật. Tương truyền, Đức Phật không muốn ông trở thành tu sĩ mà muốn ông tiếp tục chữa bệnh với tư cách một đệ tử cư sĩ của Ngài. Jivaka là người đã gợi ý Đức Phật cho phép các nhà sư chấp nhận áo choàng may sẵn. Cho đến thời điểm đó, Đức Phật đã mặc áo choàng pamsukula (may từ vải vụn lấy trong nghĩa trang hoặc cơ sở hỏa táng), điều này đúng với tinh thần tu sĩ Phật giáo nhưng có hại cho sức khỏe. Jivaka chăm sóc những nhà sư này và hiểu rằng nguyên nhân thực sự của bệnh đến từ việc mặc vải không hợp vệ sinh lượm từ các nghĩa trang. Có lẽ vì lo ngại về sức khỏe mà Jivaka đưa ra đề nghị này, ông đã trở thành cư sĩ đầu tiên cung cấp áo choàng hoàn chỉnh cho các nhà sư.
Có lần được vua Pajjota tặng một tấm vải, Jivaka đã cúng dường Đức Phật tấm vải này và thỉnh nguyện Ngài cho phép các nhà sư mặc áo choàng do cư sĩ tặng. Khi nhận tấm vải, Đức Phật đã khích lệ Jivaka qua một bài pháp. Ngay sau khi thuyết pháp, Đức Phật tập hợp đệ tử lại và nói: “Các Tỳ-kheo! Ta cho phép mặc áo choàng do Phật tử cúng dường. Ai thích mặc áo choàng pamsukula thì cứ mặc; Ai thích mặc áo choàng cúng dường thì cứ mặc. Các thầy thích áo này hay áo kia, ta đều chấp nhận”.
Mahavagga cũng ghi lại Đức Phật gợi ý nhiều loại thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn, khi các đệ tử đang mắc bệnh trở trời về mùa thu, gây ra nôn mửa, Đức Phật khuyên họ nên chuyển sang chế độ ăn kiêng các thứ như: chất béo, bơ loãng, dầu, mật ong và mật đường. Ai đau đầu thì được khuyên bôi bột lá thuốc lên đầu hoặc qua mũi bằng cách hút tẩu thuốc. Ai bị viêm khớp thì nên được xoa bóp bằng dầu thơm. Những người đổ mồ hôi liên tục có thể thử bốn biện pháp: Ngủ trên lá của nhiều loại cây khác nhau để hấp thụ mồ hôi; đắp cát và đất; xoa dầu trên cơ thể; lau cơ thể với khăn ẩm thấm nước của nhiều loại lá nhiệt đới khác nhau để ra mồ hôi hoặc làm dịu cơ thể với nước nóng.
Ăn chay sao cho ít gặp thầy thuốc
Đức Phật cũng đề nghị nhiều nguyên liệu dùng để chế biến thuốc. Những thứ này bao gồm các sản phẩm động vật, rễ từ rau và trái cây như terminalia chebula, gừng, trái cây, rau, hạt tiêu, ớt, cũng như muối biển, muối đen, muối hạt và muối tinh. Ngài khuyên người bệnh dùng mật đường và uống nước sạch. Mặc dù, nhiều mặt hàng được đề nghị có thể không dùng làm thuốc thời nay, nhưng chúng vẫn sử dụng trong các hệ thống y học cổ truyền và đưa vào các môn học địa phương của Ayurveda.
Trong Mahavagga, các loại thuốc kể trên hầu hết được khuyên dùng cho các nhà sư. Vào thời cổ đại ở Ấn Độ, có nhiều chứng bệnh phổ biến, tất nhiên là cả ở trong những người xuất gia, như: bệnh phong, loét, chàm, bệnh về tiêu hóa và động kinh. Phần lớn các giải pháp y tế đề cập trong Mahavagga, được thiết kế chủ yếu cho các vấn đề về vệ sinh da hoặc dạ dày, máu và dịch cơ thể.
Ngày nay, có thể chúng ta chưa biết nhiều về danh y Jīvaka của Đức Phật, nếu không tiếp cận với nguồn kinh tạng Phật giáo nguyên thủy. Tuy thế, chúng ta quen thuộc với câu chuyện sau đây về thọ nhận thực phẩm của các nhà sư, chính thầy thuốc Jīvaka là người đặt vấn đề, từ đó Đức Phật có bài pháp. Đó là kinh Jīvaka, bài kinh số 55, trong Trường Bộ kinh (Hòa thượng Thích Chơn Thiện giới thiệu nội dung).
“Cư sĩ Jivaka nghe dư luận về Thế Tôn rằng: “Vì Sa-môn Gautama, họ giết các sinh vật. Và, Sa-môn Gautama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình”. Jivaka xin được nghe lời dạy của Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: ‘Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Vị Tỳ kheo thọ dụng các món ăn khất thực với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly’.
Lương y Jīvaka – Một vị thầy thuốc tài giỏi, giàu tâm đạo
Ai vì Như Lai hay đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, thì người ấy rơi vào 5 nguyên nhân làm phi công đức:
– Ra lệnh dắt con thú đến;
– Con thú bị lôi, kéo đau khổ;
– Ra lệnh giết con thú;
– Con thú đau đớn lúc bị giết;
– Cúng dường thịt như thế là phi công đức, phi pháp”.
Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã có lời bàn thêm: “Thời Đức Phật tại thế, các vị Tỳ kheo độ nhật bằng phương tiện khất thực; người đời có thức ăn nào thì cúng loại thức ăn ấy, bao gồm cả các loại thịt. Do đó mới có một số dư luận trên, như cư sĩ Jivaka báo lại, đặc biệt là trong các trường hợp các gia chủ cung thỉnh độ trai tại tư gia. Hẳn là trong các trường hợp biệt thỉnh, các vị Tỳ kheo cũng đã chỉ bày cho các gia chủ như thế nào là cúng dường đúng pháp, thế nào là phi pháp. Phần tự thân, các vị Tỳ kheo biết thọ trai vừa chế ngự lòng dục đối với các thức ăn thượng vị, biết thọ dụng đúng pháp”.
Ngày nay, tại nhiều nước châu Á theo Phật giáo, vị danh y Jīvaka được xem như là tổ sư của thầy thuốc cổ truyền. Chân dung của ông được tạc tượng, họa và thờ ở nhiều nơi tại Thái Lan.
Tài liệu tham khảo:
1. BD Dipen; The Story of Jivaka, the Buddha’s Personal Physician; Buddhistdoor Global, 1/11/2019.
2. Thích Chơn Thiện; Bài kinh số 55: Kinh Jīvaka; Tìm hiểu Trung Bộ Kinh, Tập 1, 2, 3.
3. Minh Đức Triều Tâm Ảnh; Thần y Jīvaka Komārabhacca; Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt, quyển 2.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm