Nguồn gốc loài người từ góc nhìn tôn giáo và khoa học
Cho đến nay, những minh chứng về nguồn gốc loài người vẫn luôn hấp dẫn giới nghiên cứu. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu.
Cho đến nay, những minh chứng về nguồn gốc xuất hiện con người vẫn luôn hấp dẫn giới nghiên cứu. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu. Thomas Henry Huxley từng nói: “Những gì mà chúng ta biết thì hữu hạn, những gì mà chúng ta không biết thì vô hạn” [1] (The known is finite, the unknown is infinite). Trang Tử cũng từng nhấn mạnh: “Cái biết của thiên hạ thì vô hạn, cái biết của cá nhân thì hữu hạn, mang cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn, nguy vậy thay” [2]!
Đạo Phật từ khi xuất hiện trên 2.600 năm đến nay, những lời dạy của Đức Phật còn lưu trong kinh điển luôn đặt con người làm căn bản, chú trọng vào đời sống hiện thực “bây giờ và ở đây” (now and here). Tuy vậy, trong hàng ngàn bài kinh được Đức Phật tuyên thuyết, đã nói về nguồn gốc con người phù hợp với những gì các khoa học gia hàng ngàn năm sau nghiên cứu. “Điểm kỳ lạ là những khám phá của khoa học gần đây đã rất phù hợp với quan niệm về nguồn gốc con người và vũ trụ của Phật giáo. Điều này chứng tỏ rằng, nhiều tư tưởng của Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa” [3].
Nguồn gốc con người từ góc nhìn của Khoa học
Bằng những bằng chứng trong quá trình khảo cổ học, các chuyên gia đã đưa đến kết luận rằng con người có nguồn gốc từ loài vượn cổ và tiến hóa theo 3 giai đoạn bao gồm Homo sapiens, Homo erectus và Homo sapiens.
1.1. Nguồn gốc con người: Về mặt sinh học
Năm 1859, Charles Darwin (1809-1882) đưa ra thuyết tiến hóa – thuyết sinh học được trình bày trong cuốn “Về nguồn gốc các chủng loại do chọn lọc tự nhiên” (On the Origin of Species by Means of Natural Selection). Đến năm 1871, ông tiếp tục cho ra đời cuốn “Nguồn gốc con người” (The Descent of Man). Ông viết trong tác phẩm “Nguồn gốc con người” rằng: “Kết luận chính đạt tới trong tác phẩm này, rằng con người có nguồn gốc từ một dạng sống nào đó thấp hơn, sẽ làm cho nhiều người rất khó chịu, tôi rất tiếc phải nghỉ như vậy. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa là chúng ta đã là hậu duệ của những kẻ mọi rợ” [4]. Kết luận này cho thấy quan điểm của Darwin về nguồn gốc con người rằng con người do tiến hóa từ những sinh thể bị định kiến xã hội đương thời xem là “mọi rợ” mà nên.
Trong sinh hoạt, gen chính là tế bào di truyền có trong người và vật. Ngoài việc nhân giống, gen còn làm nhiệm vụ định hình giới tính cho cả nam và nữ, giống cái và giống đực ở các loài. Để nhấn mạnh đến quan điểm này, nhà khoa học John Joe McFadden trong tác phẩm “Quantum Evolution” cho rằng: “Để đi sâu vào lịch sử của sự sống, chúng ta cần đào sâu vào DNA thay vì vào các hòn đá (những sinh vật hóa thạch)” [5]. ADN có sẵn trong mỗi tế bào cơ thể, công việc chính của chúng là duy trì nòi giống, nói gọn hơn là nhân giống để tạo ra tầng lớp sinh vật kế thừa. Cứ như vậy trải qua hàng triệu năm, việc di truyền nòi giống được liên tục tiến hành, để con người và các loài động vật tiến hóa, phát triển cho đến ngày nay. Những nhà sinh vật học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về bộ gen di truyền của con người và loài khỉ không đuôi như: Đười ươi (orangutan), vượn (chimpanzee), khỉ đột (gorilla),… Kết quả cho thấy, 99% bộ gen của người và các loài trên giống nhau. Lấy kết quả này, ngược thời gian, so sánh với việc tiến hóa của loài người, “các khoa học gia đã biết được là khoảng 05 triệu năm trước, nhánh loài người đã tách ra khỏi nhánh những con khỉ không đuôi trên cái cây tiến hóa. Sau khi tách ra thành một nhánh riêng, loài người nguyên thủy tiến hóa dần dần thành sinh vật đi hai chân và phát triển thành da đen [bắt đầu ở Phi Châu], mất đi lông trên người, bộ óc lớn dần cho đến kích thước ngày nay. Rồi cách đây khoảng 50.000 năm, ngôn ngữ bắt đầu phát triển, giúp cho loài người sống thành những bộ lạc, cộng đồng,… và bắt đầu di dân ra ngoài Phi Châu. Đó là đại khái về nguồn gốc loài người” [6]. Tác phẩm “Sapiens – Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari do Nguyễn Thủy Chung dịch cũng có cùng quan điểm như sau: “Họ hàng gần nhất của chúng ta bao gồm: Tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Tinh tinh là loài gần nhất. Sáu triệu năm trước đây, một con vượn cái có hai con gái. Một trở thành Tổ tiên của loài tinh tinh, một là bà ngoại của chúng ta” [7]. Qua các nghiên cứu trên cho thấy, người tinh khôn ngày nay có nguồn gốc tiến hóa hàng triệu năm từ người vượn. Những nghiên cứu của Charles Darwin và các nhà khoa học tiếp nối ông trong suốt thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã củng cố học thuyết tiến hóa.
1.2. Nguồn gốc con người: Về mặt xã hội
Đối với con người xã hội, Friedrich Engels (1770-1831) nhấn mạnh đến quá trình lao động. Theo ông, điều kiện cơ bản của lao động sẽ quyết định sự tiến hóa theo thời gian trong quá trình chuyển biến cơ thể của con người, biến con người vượn đi bằng bốn chân thành con người thẳng đứng hai chân. Như vậy, để tồn tại và tiến hóa trong môi trường xã hội, con người nhất định không ngừng vận động để phát triển một cách toàn diện. Đối với vấn đề này, “Ông (G.W.F.Hegel) là người đầu tiên trình bày toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần dưới dạng một quá trình không ngừng vận động, biến đổi, phát triển và cố gắng vạch ra mối liên hệ bên trong của sự vận động phát triển ấy” [8]. Đó chính là lý do để con người xã hội được tồn tại và phát triển vượt bậc.
Bên cạnh đó, các hoạt dụng về đời sống tinh thần, đó là bao gồm: Tình cảm, tư tưởng, khát vọng, ước muốn của con người. “Các quan niệm duy tâm về bản chất của con người tìm thấy sự hoàn thiện của mình trong hệ thống triết học duy tâm của Hegel. Công lao của Hegel trong lĩnh vực nghiên cứu con người là ở chỗ, ông là người đầu tiên đặt vấn đề xem xét cơ chế hoạt động của đời sống tinh thần” [9]. Theo đó có thể thấy, Hegel đã đặt nền móng tìm ra nguyên lý cho sự tiến hóa, hội nhập trong đời sống tinh thần của con người. Karl Marx dựa vào những tư tưởng hợp lý của Hegel, của Ludwig FeuerBach và nhiều triết gia tiền bối để đưa ra quan niệm của mình. Ông dựa vào thế giới quan và chủ nghĩa duy vật biện chứng để khẳng định: “Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội trên nền tảng sinh học của nó. Con người không phải là cái gì đó đồng nhất tuyệt đối về chất, mà đó là sự đồng nhất bao hàm trong mình sự khác biệt giữa hai yếu tố đối lập nhau: Con người với tư cách là sản phẩm của giới tự nhiên, là sự phát triển tiếp tục của giới tự nhiên; mặt khác, con người là một thực thể xã hội được tách ra như một lực lượng đối lập với giới tự nhiên” [10]. Với nhận định này, Karl Marx đã hoàn thiện khái niệm về con người mà theo ông đó là đầy đủ và thuyết phục về mặt xã hội.
Như vậy, “lao động đã đóng vai trò quyết định trong nguồn gốc con người. Có thể rất ngạc nhiên về sự sáng suốt thiên tài của Friedrich Engels – người phát hiện ra quy luật ấy hơn một trăm năm trước đây, khi vẫn chưa biết gì về tổ tiên của chúng ta – dòng ôstralôpitec, chưa biết gì về tuổi tác của loài người, chưa biết những định luật di truyền. Hơn nữa, luận điểm ấy đã được những phát hiện mới nhất khẳng định một cách tuyệt vời” [11]. Do vậy, qua nghiên cứu của Marx, Hegel hay các nhà triết học phương Tây đều cho rằng, con người chính là một vũ trụ thu nhỏ. Con người hiện hữu, tồn tại đều nhờ vào các yếu tố như: Thể xác, tinh thần, lao động và các điều kiện sống của xã hội.
1.3. Nguồn gốc con người: Về mặt khảo cổ học
Lịch sử khảo cổ học, đã có một phát minh mới, phủ nhận hầu hết những gì đã tồn tại lâu nay. Đó là những chứng minh khoa học của Liki được phát hiện ở châu Phi vào thế kỷ XX đã mang đến tiếng vang lớn. “Nhưng vào đầu những năm thứ 60 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã bị chấn động bởi những phát hiện của Louis Leakey ở châu Phi. Chính những phát hiện ấy đã bác bỏ phần lớn điều mà chúng ta đã quen cho là bất di bất dịch. Những phát hiện ấy đã chỉ ra rằng lần đầu tiên, nguồn gốc con người không phải xuất hiện ở châu Á mà xuất hiện tại châu Phi, không phải là 800 nghìn năm trước đây, mà là hơn 02 triệu năm về trước” [12]. Phát hiện này cho thấy, hơn hai triệu năm trước, con người xuất hiện đầu tiên tại châu Phi, không phải ở châu Á như nhiều nghiên cứu trước đây đã đề cập. Nhiều nhà khoa học, nhân chủng học, khảo cổ học chưa tin điều này và đã đến châu Phi tìm hiểu, khai quật nhiều dữ liệu quá khứ. Qua đó, họ đã tìm ra nhiều bằng chứng để xác minh Liki đã đúng khi có cuộc khảo cứu vô cùng giá trị về nguồn gốc con người tại đây.
Trong một cuộc khảo cứu vào năm 1972, nhà cổ sinh vật học và khảo cổ học Louis Leakey (1903-1972) đã nỗ lực tìm kiếm và khai quật được nhiều chứng tích, trong đó có hộp sọ người còn nguyên và những dụng cụ bằng đá thô sơ có niên đại khoảng 2,6 triệu [13] năm. Không dừng lại ở đó, “nhiều nhà khoa học, khảo cổ học tiếp tục đến châu Phi để tìm hiểu về nguồn gốc con người. Trong quá trình khảo cứu, họ đã phát hiện một bộ xương người toàn vẹn có niên đại 3,5 triệu năm tuổi ở Sada” [14]. Và “phát hiện dấu chân có dạng người đi thẳng ở Lê-ôn-lôn có niên đại 03 triệu năm tuổi” [15]. Ngoài ra, còn nhiều khảo cứu khác như ở Ethiopia thì phát hiện được công cụ bằng đá có khoảng ba, bốn triệu năm, hoặc năm 1924, nhà nhân chủng học Raymond Dart phát hiện ở châu Phi di cốt người 09 triệu năm (dòng Australopithecine) hoặc lâu hơn nữa. Những phát hiện khảo cổ trên cho thấy, con người sinh học xuất hiện trước, hay nói đúng hơn con người sinh học xuất hiện sớm hơn so với con người xã hội học khoảng từ 1,5 đến 02 triệu năm.
2. Nguồn gốc con người từ góc nhìn của tôn giáo
2.1. Quan điểm về nguồn gốc con người trong Hindu giáo (Áo Nghĩa Thư)
Huyền thoại theo Áo Nghĩa Thư (Upanishad) về nguồn gốc con người được Kinh thư ghi chép từ rất sớm. Lúc đó, toàn thể vũ trụ chỉ là cái Ngã (Self). Cái Ngã “không lấy gì làm vui (sống cô độc thường không vui) nên muốn có bạn đời. Cái Ngã này bèn tự phân ra làm hai phần, từ đó cặp tình quân và tình nương được sinh ra và nhân loại sinh ra bắt đầu từ đó” [16]. Như vậy, đối với Áo Nghĩa Thư, nguồn gốc con người xuất hiện tại Ấn Độ được bắt nguồn từ Ngã. Cái Ngã này vì sự cô độc của bản thân mà tự phân thân để phát triển giống nòi.
Tuy vậy, ở một số văn bản thuộc Áo Nghĩa Thư lại cho rằng Atman đồng nhất với mọi sự: “Hẳn thật, cái tự ngã này là Brahman – cái tự ngã này được cấu thành bởi nhận thức, bởi trí tuệ, bởi thấy, bởi thở, bởi nghe, bởi đất, bởi nước, bởi gió, bởi không gian, bởi ánh sáng và không ánh sáng, bởi ham muốn và không ham muốn, cái tự ngã này được cấu thành bởi tất cả mọi sự vật. Do đó, có lời dạy rằng: Nó được cấu thành bởi cái này. Nó được cấu thành bởi cái nọ” [17]. Các khái niệm tuy có khác nhau, nhưng vẫn sử dụng để hỗ trợ cho các khái niệm về tự ngã và thế giới. Bởi tự ngã đích thực chính là ngọn nguồn của mọi sự sống, là nền tảng căn bản của mọi hiện hữu, từ con người, Thần linh đến vạn sự vạn vật đều phát sinh từ cái Ngã này.
2.2. Nguồn gốc con người theo Kitô giáo và Do Thái giáo
Trong sách Sáng Thế ký của kinh Cựu Ước có nêu quan điểm về nguồn gốc con người. Trong “chương Sáng Thế 1 thì con người và vũ trụ được thần Kitô tạo ra trong sáu ngày. Ngày thứ nhất tạo ra ánh sáng. Ngày thứ hai dựng lên vòm trời. Ngày thứ ba tạo ra Trái Đất và cây cỏ trên đất. Ngày thứ tư tạo nên mặt trời, mặt trăng và sao. Ngày thứ năm tạo nên những loài vật dưới nước và trên không. Ngày thứ sáu tạo nên thú dữ, gia súc, sâu bọ và người nam, người nữ, theo đúng hình ảnh của Thần” [18].
Trong chương Sáng Thế 2, nguồn gốc xuất hiện của con người và vũ trụ được mô tả: “Thoạt kỳ thủy khi Chúa dựng lên trời đất, thì Trái Đất còn hoang vu. Chúa bèn lấy bụi đất mà dựng nên ông Adam rồi thổi sinh khí vào hai lỗ mũi ông cho ông thành người sống động. Sau đó dựng nên một cái vườn cho ông ở và lúc ấy mới dựng nên cây cối. Sau đó, muốn cho ông có một bạn (đời) xứng đáng nên đã dựng nên các loài vật, các chim trời và đem chúng lại cho ông đặt tên. Adam chê chẳng tìm được bạn (đời) nào thích hợp. Chúa bèn cho ông ngủ đi và lấy một khúc xương sườn của ông để tạo dựng nên bà Eva” [19]. Nguồn gốc xuất hiện con người trong các tôn giáo Kitô và Do Thái đều có mối tương quan mật thiết với Chúa, với Thượng đế – Đấng toàn năng tạo ra con người giữa cõi đời theo đúng như những gì Ngài mong muốn. Trong Sáng Thế 1 Ngài nói: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ… mọi giống vật…” [20]. Xem đó có thể thấy, Kitô giáo và Do Thái giáo đều cho rằng, khởi thủy của con người và vũ trụ đều do một tay Thượng đế (Thiên chúa) tạo ra.
2.3. Quan điểm về nguồn gốc con người trong kinh điển Phật giáo
Phật giáo cho rằng, con người và vũ trụ vận hành theo triết lý Vô thường và Duyên sinh, thế giới hình thành rồi hoại diệt, hoại diệt rồi hình thành theo quy luật “thành, trụ, hoại, không”, chưa từng có khởi điểm ban đầu, cũng không có cột mốc sau cùng của điểm kết thúc, vô thỉ vô chung. Trong Kinh tạng A-hàm, Đức Phật thuyết kinh Tiểu Duyên để nói đến nguồn gốc xuất hiện con người. Tuy nhiên, dữ kiện này cũng chỉ nói đến sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn của con người và thế giới lúc “hoại” và “thành” ở một tiến trình nào đó, trong một thế giới nào đó, giữa vô số thế giới với nhiều dạng sống khác nhau, trong dòng chảy sinh diệt, diệt sinh của vũ trụ và loài người. “Trong kinh Hoa Nghiêm, quan niệm về vũ trụ của Phật giáo là trong đó có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau. Hơn nghìn năm sau, tức vào cuối thế kỷ XVI, Giordano Bruno cũng đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận trong đó, ngoài thế giới của chúng ta, có thể còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số dạng sống (life-forms) khác nhau”. Do đó, sự kiện hình thành con người và thế giới trong kinh Tiểu Duyên cũng chỉ là mô tả đến một giai đoạn chuyển tiếp trong vô lượng vô biên giai đoạn sinh, trụ, dị, diệt của con người và thế giới, chứ không phải là nguồn gốc đầu tiên của một thế giới.
Trong kinh Tiểu Duyên, Đức Phật mô tả về nguồn gốc con người và vũ trụ; khi thế giới này băng hoại, chúng sinh tùy theo nghiệp lực sanh vào các cảnh giới khác, khi thế giới này thành xong lại sanh trở về thế giới này. Có lẽ, vào thời đại của Đức Phật vấn đề bình đẳng và đạo đức làm người được Đức Phật chú trọng nên Ngài chỉ nhấn mạnh đến nghiệp thiện và bất thiện của con người nhằm giáo hóa chúng sanh, đưa con người trở về đời sống an cư lạc nghiệp. Khác với các nhà khoa học, trách nhiệm của họ là đưa ra những dữ liệu cụ thể, những bằng chứng thuyết phục để chứng minh về nguồn gốc xuất hiện của con người nên họ chỉ tập trung vào các vấn đề họ cần tìm kiếm. Trong khi đó, Đạo Phật quan niệm nguồn gốc xuất hiện con người và thế giới liên hệ đến một số giáo lý căn bản như: Vô ngã, Vô thường, Duyên khởi,…
Dựa vào triết lý Vô thường của Đạo Phật, chúng ta có cái nhìn thông thái hơn về nguồn gốc khởi thủy của con người. Nhờ Vô thường mà loài người thụ thai từ cha mẹ, từ một tế bào nhỏ nhoi, trải qua bao nhiêu lần sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, tiến hóa dần dần,… cuối cùng là hình dáng con người tinh khôn đi bằng hai chân của chúng ta ngày nay. Suy xét tường tận, vạn pháp trong thế gian tất thảy đều chịu sự vận hành của Duyên khởi, của Vô thường. Nhờ đó, hành trình “sinh, trụ, dị, diệt – thành, trụ, hoại, không” của con người và mọi vật mỗi ngày càng tiến hóa tích cực và phát triển vượt bậc như hôm nay.
Thuyết Duyên sinh (Duyên khởi)
“Nhân duyên là gì? Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt. Khi cái này không có mặt thì cái kia không có mặt. Cái này được gọi là nhân của cái kia. Nói khác đi, nhân của một pháp là nhân tố chính quyết định sự có mặt của pháp ấy” [21]. Quay lại vấn đề nguồn gốc con người, chắc chắn các đơn bào của yếu tố gen từ sơ khai phải hội đủ rất nhiều nhân duyên thuận lợi, tác động cả trong lẫn ngoài mới tạo nên những sinh vật ban đầu của Trái Đất. Những sinh vật ban đầu ấy chịu sự tác động, vận hành của Vô thường, của Duyên khởi, lại tiếp tục bị hành trình sinh, trụ, dị, diệt chi phối mà có sự sanh diệt – diệt sanh. Mọi sinh vật đều mang trong mình bộ gen di truyền để khi đủ duyên sẽ nhân rộng nòi giống. Trong quá trình di truyền, chắc chắn sẽ có những trường hợp bị đột biến gen. Đó là thành quả của quá trình tiến hóa và cho ra đời những khác biệt để các loài sinh vật theo thời gian được xuất hiện hoàn thiện, có muôn hình vạn trạng như ngày nay.
III. Kết luận
Nghiên cứu về nguồn gốc con người theo tôn giáo, khoa học và Phật giáo là sự tìm hiểu cần thiết để có cái nhìn bao quát hơn về con người và vũ trụ trải qua hàng triệu năm. Từ những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm chung về con người, để chúng ta có sự nhận thức bao quát và hiểu hơn về nhân loại. Ngoài ra, bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió tạo nên sắc chất – vật chất (cơ thể vật lý) của Đạo Phật góp phần giải thích các yếu tố cấu tạo nên con người từ bình diện triết học giải thoát. Bên cạnh đó, sự chú trọng về đời sống tinh thần, tâm thức của con người cũng được Phật giáo và các nhà khoa học lưu tâm.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Phúc Lâm, Phật giáo & Khoa học, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.13.
[2] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.13.
[3] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.18.
[4] Phúc Lâm, Sđd, 2009,, tr.54.
[5] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.57.
[6] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.60.
[7] Nguyễn Thủy Chung (dịch), Võ Minh Tuấn hiệu đính, Sapiens – Lược sử loài người (of Yuval Noah Harari), Nxb. Tri thức, 2018, tr.14.
[8] Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Vụ Chính trị, Triết học Mác – Lênin, Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng, Nxb. Tuyên huấn, 1991, tr.53.
[9] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Triết học Mác – Lênin, Nxb. Giáo dục, 1999, tr.118
[10] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sđd, 1999, tr.120.
[11] G.N. Machusin, Nguồn gốc loài người, Phạm Thái Xuyên (dịch), Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986. tr.25.
[12] G.N. Machusin, Sđd, 1986, tr.20.
[13] Hồ Bá Thâm, Một số vấn đề về nguồn gốc loài người dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguon-goc-loai-nguoi-duoi-anh-sang-khoa-hoc-hien-dai-5.html, truy cập ngày 20/4/2021.
[14] Hồ Bá Thâm, Sđd, truy cập ngày 20/4/2021.
[15] Hồ Bá Thâm, Sđd, truy cập ngày 20/4/2021.
[16] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.11.
[17] Leslie Stevenson và các tác giả khác, Sđd, 2008, tr.85.
[18] Xem thêm: Phúc Lâm, Phật giáo & Khoa học, Sđd, 2009, tr.15-20.
[19] Phúc Lâm, Sđd, 2009, tr.20.
[20] Leslie Stevenson và tg khác, Sđd, 2018, tr.219.
[21] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pāli, (The Concept of personality revealed through The pancanikaya – Luận án Tiến sĩ Phật học Đại học Delhi – Ấn Độ 1996), Tâm Ngộ Việt dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr.57.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Xem thêm