Nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức cúng đại bàng
Cúng đại bàng là một nghi thức trong lễ Quá đường mỗi buổi trưa ở các tự viện theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Nghi thức có ý nghĩa trước hết là lòng từ bi có thể cảm hóa được các thế lực xấu ác.
Nguồn gốc của nghi thức
Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều kích rất lớn, mỗi lần há miệng, một hơi hút của nó chiếm một phạm vi nhiều cây số, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa. Ngài dạy rằng “ tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”. Chim Đại Bàng tự nghĩ: “thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”.
Phật dạy: “từ đây về sau ngươi về chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho ăn” có nghĩa là chư Tăng Ni trước khi thọ trai phải trích một phần nhỏ thức ăn sẻ chia cho chúng. Mục đích là để giúp cho các loài này sau khi đã từ bỏ tà pháp khỏi bị đói khát bức bách mà phải trở lại đường ác. Đó là duyên khởi của nghi thức Xuất sanh.
Bài kệ cúng Đại bàng là:
Đại bàng kim sí điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La-sát, quỷ tử mẫu
Cam lồ tất sung mãn
Án mục đế tóa ha.
Nghĩa:
Chim đại bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần hoang dã
La-sát, quỷ tử mẫu
Cam lồ đều no đủ.
Ý nghĩa của nghi thức cúng chim đại bàng
Ý nghĩa trước hết là lòng từ bi có thể cảm hóa được các thế lực xấu ác. Qua bài kệ Xuất sanh, chúng ta thấy rõ được tinh thần cơ bản của đạo Phật: Chỉ có lòng từ bi mới giải tỏa được oán thù để chuyển hóa người ác thành thiện. Đức Phật không vì thương rồng, bảo vệ rồng mà tiêu diệt loài kim sí điểu. Không vì yêu quý trẻ thơ mà tàn hại quỷ tử mẫu. Bởi vì với tuệ giác, Đức Phật thấy rằng bạo lực không thể nào giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo ra oán thù, oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Ngài dạy rằng “Tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”.
Trong kinh Pháp cú có ghi: “Oán thù diệt oán thù, đời này không thể có, từ bi diệt oán thù, là định luật ngàn thu”. Muốn diệt trừ tận gốc rễ oán thù không thể đứng về một phía. Chỉ có lòng từ bi vô lượng, vô biên mới làm cho các oan gia trái chủ thức tỉnh, sám hối lỗi lầm của mình mà quay về chánh đạo. Khi lấy bảy hạt cơm bỏ vào trong chén nước nhỏ, chư Tăng Ni đem tâm từ bi kiết ấn cam lồ, thành tâm chú nguyện bài kệ:
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất lạp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới.
Nghĩa:
Pháp lực không nghĩ bàn
Từ bi chẳng chướng ngại
Bảy hạt biến mười phương
Cho khắp vô lượng cõi.
Ở đây không chỉ là “do nguyện lực thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài đại bàng ăn no đủ” mà còn là sự lan tỏa của tâm từ. Lòng từ bi có sức mạnh rất phi thường, có thể làm ấm lại những tâm hồn giá lạnh cũng như làm mềm những trái tim sắt đá nhất. Lịch sử tôn giáo đã ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp cái xấu ác bị khuất phục bởi tình thương. Trường hợp Đức Phật cảm hóa Vô Não là một điển hình.
Tương tự như nghi thức cúng cháo Mông Sơn Thí Thực buổi chiều, Nghi thức cúng Đại Bàng buổi trưa được phát xuất từ đó, và hơn hai ngàn năm nay truyền thống này vẫn tiếp tục gìn giữ và duy trì. Có người thắc mắc rằng, sao chỉ cúng bảy (7) hạt cơm, có thể làm no đủ loài đại bàng, và 7 hạt cơm có thể thay thể được thịt sống? Theo như trong bài kệ ghi rằng “ Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại, thất liệp biến thập phương, phổ thí châu sa giới” Nghĩa là: “Pháp lực khó nghĩ bàn, từ bi vô giới hạn, bảy hạt biến mười phương, biến khắp cõi vô biên”. Các Hòa Thượng cũng dạy rằng do nguyện lực của thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài Đại Bàng ăn no đủ, nhờ lực gia trì của thiện niệm.
Việc cúng Đại bàng còn có ý nghĩa nữa là muốn cho người ta không phạm tội thì trước hết phải đảm bảo được cho họ điều kiện sống cơ bản. Để giúp cho các loài kim sí điểu, la-sát, quỷ tử mẫu… sau khi đã từ bỏ tà pháp mà không quay trở lại con đường cũ bất chính, Đức Phật đã dùng biện pháp thay thế, tức là phải cho chúng thức ăn khác. Điều này có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn đối với mọi thời đại.
Qua bài kệ cúng thí nhỏ trong hành trì của Tăng Ni, ta thấy được bao nhiêu là tâm tình, ước vọng được thể hiện trong đó, về một xã hội an lành, hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm