Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 19/09/2018, 19:21 PM

Nhớ về chiếc lồng đèn Trung thu…

Buồn! Tiếc thay! Trẻ em bây giờ hiếm khi biết đến những câu chuyện huyền thoại đẹp, xưa thiệt là xưa về chú “ Cuội”, về chị “Hằng”, về những chiếc đèn “quê” dân dã. 

Tôi chợt giật mình khi bắt gặp những đứa trẻ người Khmer ở vùng quê nghèo đang lui cui làm những chiếc lồng đèn bằng vỏ lon bia, loại phế liệu mà người ta có thể vứt đi bất cứ lúc nào. Xa một chút, một nhóm trẻ đang tất bật với những chiếc lồng đèn giấy dân dã, chân quê đủ màu sắc, hình dạng. Chúng cười rất hồn nhiên, sung sướng để chuẩn bị đón nhận những chiếc lồng đèn do chính tay chúng làm nên khi Tết Trung thu đã cận kề. Mà muốn khác cũng chẳng được đâu. Nhà chúng nghèo lắm, cái ăn, cái mặc đã khó thì lấy đâu tiền để mua lồng đèn đẹp như chúng bạn...
 
Tôi chợt nhớ về những chiếc lồng đèn của tuổi thơ mình. Hồi đó không có những vỏ lon bia như bây giờ mà chỉ có những hộp lon sữa bò hiệu “pho-rơ-mốt”. Chúng tôi khá vất vả khi phải đục lỗ vào thành hộp để kéo thành những lằn dài, sau đó mới kéo bung ra để có những chiếc đèn hộp lon bên trong có đặt những cây nến đủ màu sắc. Chiếc đèn được gắn trên một chiếc lon khác làm “con lăn”, được nối với một chiếc cần đẩy bằng tre hay trúc. Khi đẩy chiếc đèn quay tròn phát ra những tia sáng xoay tròn rất đẹp mắt kèm theo tiếng kêu loong toong của con lăn rất inh ỏi nhưng thật vui tai.

Xóm tôi nhiều đứa có “hoa tay” nên thường làm đèn giấy. Gần tới Trung thu là kéo nhau đi chặt trúc để làm đèn. Đứa vót trúc, đứa khác quấn lò xo, đứa cắt giấy thủ công. Nghèo thì mua giấy màu “đục”, sang thì mua giấy bóng kính với các màu: đỏ, vàng, xanh lá cây… ở cái tiệm “chạp phô” đầu xóm. Cái chuyện vót trúc “đứt” tay máu chảy đầm đìa xảy ra như cơm bữa nhưng không đứa nào bỏ cuộc. Vậy là hàng chục thứ đèn ra đời. Nào là đèn bươm bướm, xe tăng, tàu thủy, máy bay, ngôi sao 5 cánh… được xuất xưởng.
 
Nhớ lắm khi chúng tôi được người lớn dẫn đi chợ. Tôi cứ thèm thuồng nhìn ngắm và ao ước khi bắt gặp những chiếc đèn kéo quân đắt tiền, đẹp lung linh cứ xoay tròn như mời mọc được treo bán trong các tiệm lớn kèm theo những hộp bánh trung thu hấp dẫn. Nhớ lắm những lần chơi đèn giấy bị gió lớn thổi tắt phải “mồi” lại nhiều lần. Có đứa bị đèn cầy làm cháy đèn ngồi khóc nức nở trong ánh trăng sáng quê nghèo. 

Sao quên được đêm 14 và đêm Rằm tháng Tám, chúng tôi quây quần chơi đèn trung thu rồi hát vang mấy câu hát quen thuộc mà đến giờ vẫn nhớ dù đã đi qua cuộc đời mấy mưoi năm qua “…Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một giấc mơ. Lặng yên ta nói cho Cuội nghe. Ở trên trăng mãi làm chi…”.  

Mấy đứa con gái thì thích hát mấy câu ê a “…Tết trung thu em xách đèn đi chơi. Em xách đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng Rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”. 

Nhà tôi nghèo nên chỉ đón Trung thu bằng mấy phong bánh in nhân đậu xanh rẻ tiền trong lời kể chuyện “Hằng Nga – Hậu Nghệ”, Chú Cuội ngồi gốc cây đa của nội tôi. Nghèo nhưng vui và hạnh phúc biết bao.
 
Trung thu bây giờ đơn giản và hiện đại lắm rồi. Trẻ em tha hồ lựa chọn những loại đèn điện tử từ cao cấp đến bình dân với giá từ hàng triệu đồng đến vài chục ngàn đồng. Muôn hình vạn trạng, đủ giá cả, đủ chủng loại, đủ màu sắc với những loại nhạc kèn phát ra từ những chiếc lồng đèn hiện đại. Có cả những chiếc lồng đèn “quái dị”, “bạo lực” với giá “trên trời” nhưng vẫn bán chạy.

Buồn! Tiếc thay! Trẻ em bây giờ hiếm khi biết đến những câu chuyện huyền thoại đẹp, xưa thiệt là xưa về chú “ Cuội”, về chị “Hằng”, về những chiếc đèn “quê” dân dã. 

Mỗi độ Trung thu, tôi cứ cảm thấy bùi ngùi nhớ về quê cũ, về tuổi thơ với những chiếc đèn vỏ hộp sữa bò, những chiếc đèn giấy lung linh đêm Rằm tháng Tám sáng lèm lẹm trên cánh đồng quê, trong lời kể ngọt ngào của Nội tôi với những câu chuyện cổ tích xa xưa…

Song Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm