Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 11/06/2023, 10:58 AM

Những chuyện kể về được Phước do làm việc lành

Những chuyện kể dưới đây được Ban biên tập trích đăng từ cuốn sách THỌ KHANG BẢO GIÁM, do Thường Tàm Quý Tăng Thích Ấn Quang biên soạn năm 1927.

Audio

CHUYÊN MỤC MỚI: TỊNH ĐỘ TÔNG

* Trong niên hiệu Tuyên Đức [60] đời Minh, Văn Trung Công Tào Nãi thi đậu khoa thi Hương, được bổ làm Học Chánh [61]. Do ông không nhậm chức, nên được đổi sang làm chức Điển Sứ [62] huyện Thái Hòa. Do bắt cướp, bắt được một cô gái, giữ tại công quán. Cô ta rất đẹp, muốn theo ông. Ông nghiêm khắc quở: “Há có thể xâm phạm gái chưa chồng ư?”. Bèn lấy giấy viết bốn chữ “Tào Nãi bất khả” (Tào Nãi chẳng thể) đem đốt. Sáng ra, gọi mẹ cô ta đến lãnh về. Về sau, khi đang làm văn sách trong kỳ thi Đình, chợt có một tờ giấy bay tới rớt trước ghế, có bốn chữ “Tào Nãi bất khả”, thế là ý văn dồi dào, đậu Trạng Nguyên.

* Thầy thuốc họ Trần ở Dư Hàng, có người nghèo mắc bệnh nguy ngập được ông Trần chữa lành, mà cũng chẳng đòi phải đền đáp. Về sau, do đụt mưa, ông Trần vào nhà ấy. Mẹ chồng bảo vợ người ấy hãy ngủ với ông để báo ân. Người vợ vâng lời, đến khuya bèn mò đến chỗ ông, thưa: “Ngài đã cứu chồng thiếp. Đây là ý mẹ chồng”. Ông Trần thấy cô ta trẻ tuổi, xinh đẹp, cũng động tâm, tận lực kiềm chế [dục niệm], tự nhủ: “Không thể được”. Cô ta nài ép, ông Trần liên tiếp bảo: “Không được!”, ngồi đợi trời sáng. Cuối cùng, gần như chẳng thể kềm mình được, lại hô to hai chữ: “Hai chữ ‘không thể’ quá khó!” Trời vừa rạng sáng bèn bỏ đi. Ông Trần có đứa con đi thi. Quan giám khảo loại bỏ bài văn của nó, chợt nghe có tiếng hô: “Không thể”. Khêu đèn đọc lại, lại gạt bỏ. Lại nghe có tiếng hô liên tiếp: “Không thể”. Cuối cùng quyết ý loại bỏ, chợt nghe có tiếng hô to “hai chữ ‘không thể’ khó quá” liên tục không dứt. Do vậy bèn cho đậu. Sau khi yết bảng [công bố kết quả], [quan chủ khảo] bèn gọi nó đến hỏi nguyên do. Đứa con ấy cũng chẳng hiểu. Trở về, kể với cha, cha bảo: “Đấy là chuyện lúc ta còn trẻ, không ngờ trời báo đáp ta như thế”.

* Phùng Thương tuổi đã trung niên chẳng có con. Vợ thường khuyên chồng cưới thiếp để sanh con trai. Về sau, trên đường lên kinh đô, ông mua một người thiếp. Đã ký xong bằng khoán, giao tiền, hỏi tên tuổi cô ta; cô ta nức nở, không đáp được. Cố gạn hỏi, cô đáp: “Do cha thiếp nhận chuyển giao hàng hóa cho quan phủ, [bị thất thoát] mà mắc nợ, phải đem thiếp bán đi để lấy tiền trả nợ”. Ông Phùng thương xót, lập tức trả cô ta về với cha, chẳng đòi tiền lại. Khi trở về, vợ hỏi: “Người thiếp đâu rồi?” Ông kể cặn kẽ nguyên do. Vợ bảo: “Ông dụng tâm như thế, lo gì không con”. Mấy tháng sau, vợ hoài thai. Buổi tối hôm vợ ông sắp sanh, người trong làng đều thấy tiếng trống, tiếng kèn rộn rã, tuyên bố: “Đưa Trạng Nguyên tới nhà họ Phùng”. Sanh con trong ngày hôm ấy, tức là Phùng Kinh. Về sau, [Phùng Kinh] đỗ Tam Nguyên, làm quan tới chức Thái Tử Thiếu Sư[63], rồi làm Tể Tướng, quan chức rất vinh hiển.

* Đời Minh, ông Tôn Kế Cao ở Vô Tích, dạy học tại một nhà nọ. Bà chủ sai cô hầu gái biếu thầy một chén trà, trong chén có bỏ một chiếc nhẫn vàng. Ông Tôn giả vờ không biết, bảo cô hầu gái dọn đi. Đêm đến, cô hầu đến gõ cửa, bảo: “Bà chủ đến đấy!” Ông vội lấy một tấm ván lớn, chặn cửa không cho vào. Ngày hôm sau xin về, người khác hỏi nguyên do, ông đáp: “Học trò không thể dạy được!” Trọn chẳng lộ chuyện ấy. Về sau, ông Tôn đỗ Trạng Nguyên, con cháu quý hiển.

* Cha ông Châu Toàn ở Ôn Châu, đông con, nhà nghèo. Hàng xóm giàu có, không con, sai người thiếp xin giống. Đêm đến, mời cha ông Châu Toàn uống rượu, người chồng giả vờ say lui ra, người thiếp ra bồi tiếp, nói rõ nguyên nhân. Cha ông Toàn kinh ngạc, vùng đứng dậy, nhưng cửa đã đóng, bèn vung tay viết lên không trung rằng: “Muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”, xoay mặt vào vách, không ngó ngàng tới [người thiếp ấy]. Năm Ất Mão niên hiệu Chánh Thống[64], ông Châu Toàn thi Hương trúng tuyển. Thái Thú[65] nằm mộng thấy đón tiếp vị Tân Trạng Nguyên, tức là ông Châu Toàn, trên cờ hiệu đề chữ lớn “muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”. Quan Thái Thú chẳng đoán được nguyên do. Quả nhiên, ông Toàn đỗ Trạng Nguyên vào năm Bính Thìn. Thái Thú chúc mừng, nhân đấy, kể lại chuyện đã thấy trong mộng. Cha ông Toàn thưa: “Đấy là câu nói do lão phu đã viết lên không trung vào hai mươi năm trước”, còn tên họ của người trong chuyện trọn chẳng nói ra.

* Đời Minh, ông Lục Công Dung ở Thái Thương, dáng dấp rất đẹp đẽ. Vào năm Thiên Thuận thứ ba (1459)[66], đi thi ở Nam Kinh. Trong quán trọ, có nữ nhân nửa đêm đến chỗ ông ngủ, toan tằng tịu. Thoạt đầu, ông viện cớ mắc bệnh, hẹn đêm sau. Cô ta lui ra. Ông bèn làm thơ rằng: “Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư, hữu nữ lai khuy tiếu độc thư, dục bả cầm tâm thông nhất ngữ. Thập niên tiền dĩ bạc Tương Như” (Song thưa gió mát trăng thanh, cô gái ngấp nghé trêu anh học trò, mượn đàn toan những hẹn hò, mười năm trước đã phụ phàng Tương Như). Đợi đến sáng, ông mượn cớ rời khỏi. Mùa Thu năm ấy đi thi. Trước đó, cha ông ta nằm mộng thấy quan Quận Thủ tặng cờ, tấm, [kèm thêm một đội] trống, kèn. Trên tấm biển ấy, đề bốn chữ “nguyệt bạch phong thanh”. Người cha nghĩ là điềm báo con thi đậu, viết thư gởi cho ông. Ông càng thêm dè dặt. Về sau, đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Tham Chánh[67].

* Ở Tỳ Lăng, có một ông họ là Tiền, làm việc thiện, nhưng không có con nối dõi. Trong làng có cụ Dụ bị kẻ có thế lực xiết nợ, bị gông xiềng giam cầm, vợ con đói rét, xin vay tiền ông. Ông trao tiền đúng số, chẳng giữ bằng khoán mượn nợ. Chuyện được giải quyết, cụ Dụ dẫn vợ con đến cảm tạ. Bà vợ ông Tiền thấy con gái của họ xinh đẹp, muốn mua về làm thiếp. Vợ chồng ông Dụ hoan hỷ. Ông Tiền bảo: “Thừa dịp người ta gặp khó khăn tức là bất nhân. Ý ta vốn làm lành, kết cục trở thành chuyện để thỏa dục, tức là bất nghĩa. Ta thà không có con, quyết chẳng dám phạm!” Vợ chồng ông Dụ khóc lóc bái tạ, lui về. Tối hôm ấy, vợ ông Tiền nằm mộng thấy có vị thần bảo: “Chồng bà âm đức rất trọng, sẽ ban cho bà đứa con quý”. Năm sau, quả nhiên sanh một trai, đặt tên là Thiên Tứ. Vào năm mười tám tuổi, [Thiên Tứ] liên tiếp đỗ đạt, làm quan đến chức Ngự Sử.

* Trầm Đồng ở Quy An, có tên tự là Quán Di, nhà nghèo. Người anh trong họ là Tốn Châu giới thiệu ông đến nhà sui gia dạy trẻ vỡ lòng. [Nhà ấy] mẹ góa, con thơ. Một đêm, bà góa đến dụ dỗ ông làm chuyện chim chuột, Trầm Đồng nghiêm khắc cự tuyệt. Ngày hôm sau liền từ tạ trở về. Bà góa sợ lộ chuyện, sắm sửa lễ vật van nài [Trầm Đồng trở lại dạy học]. Lại thúc giục Tốn Châu mời giùm mấy lượt, ông đều chẳng nhận lời. [Tốn Châu] vặn hỏi nhiều lần, ông Đồng trọn chẳng hé môi, chỉ nói “bất tiện” mà thôi! Năm sau, [Trầm Đồng] đỗ đạt, làm quan tới chức Tuần Phủ.

* Vương Chí Nhân là thương gia ở tỉnh An Huy, đã ba mươi tuổi không có con. Có thầy bói nói: “Vào tháng Mười này, ông sẽ gặp đại nạn”. Ông Vương vốn hết sức tin tưởng tài bói toán của người ấy; do vậy, vội vàng sang Tô Châu kiểm điểm sổ sách để [mau chóng] quay về quê nhà. Buổi chiều, ngẫu nhiên tản bộ, thấy một phụ nữ gieo mình xuống nước. Ông Vương vội lấy mười lạng bạc, gọi thuyền chài cứu lên. Hỏi nguồn cơn, cô ta đáp: “Chồng tôi làm công sống qua ngày, tôi nuôi lợn bán lấy lời. Hôm qua đem bán, không ngờ bị trả toàn là bạc giả, sợ chồng trở về trách mắng, không muốn sống nữa, cho nên toan tìm cái chết”. Ông Vương thương xót, bù tiền đầy đủ. Cô ta trở về kể với chồng, chồng không tin, bèn cùng với vợ tới chỗ ông Vương hỏi han. Ông Vương đã ngủ. Bà vợ gõ cửa, gọi to: “Người đàn bà gieo mình xuống nước đến cảm tạ”. Ông Vương sẵng giọng quát: “Ngươi là thiếu phụ, ta là người khách lẻ loi. Đêm khuya làm sao gặp gỡ cho được?” Người chồng run sợ, thưa: “Vợ chồng tôi cùng có mặt”. Ông Vương bèn khoác áo ra tiếp. Cửa vừa mới mở, bỗng tường đổ sụp, chiếc giường ông đã nằm bị đè nát vụn. Vợ chồng người ấy cảm thán từ biệt. Sau đó, ông trở về nhà. Thầy bói gặp mặt, hết sức kinh hãi, bảo: “Khắp mặt ông hiện toàn nét âm chất. Ắt là ông đã từng cứu mạng người khác. Sau này, phước sẽ chẳng thể lường được!” Về sau, ông sanh liên tiếp mười một đứa con, thọ đến chín mươi sáu tuổi, vẫn khoẻ mạnh.

* Dương Hy Trọng đời Tống là người huyện Tân Tân. Lúc còn hàn vi, ngồi dạy học tại một nhà giàu ở Thành Đô. [Tay nhà giàu ấy] có một người thiếp xinh đẹp, tự phụ tài sắc, tới chỗ ông ở để lả lơi chòng ghẹo. Hy Trọng nghiêm mặt cự tuyệt. Vợ ông Hy Trọng nằm mộng thấy thần bảo: “Chồng bà ở một mình nơi đất khách, trong chốn phòng kín chẳng dám khinh nhờn, sẽ đỗ đạt đứng đầu nhiều người, hòng tỏ rõ thiện báo”. Năm sau, quả nhiên ông Dương đỗ đầu tỉnh Tứ Xuyên.

* Hiếu liêm họ Trình ở Huy Châu, nhà ở bên một con suối nhỏ. Cây cầu gỗ bắc qua suối rất hẹp. Có một cô gái đến thăm người thân đi qua đó, trượt chân, rơi xuống nước. Hiếu liêm sai người cứu lên, sai vợ hong khô quần áo. Trời đã tối, [cô ta] không thể trở về, lại bảo vợ ngủ chung với cô ta. Hôm sau, đưa cô ta về nhà mẹ. Bố mẹ chồng [sắp cưới của] cô ta nghe tin, không vui, bảo: “Con dâu chưa qua khỏi cửa, đã ngủ đêm tại nhà người ta, chẳng phải là hạng gái tốt đẹp”, sai bà mối từ hôn. Hiếu liêm nghe tin, đích thân đến đó, tận lực khuyên nhủ, khiến cho cô ta được thành hôn. Chưa đầy một năm, chồng chết, để lại một đứa con trong bụng vợ. Từ đấy, bà góa dạy con, đọc sách dưới đèn, thường ứa nước mắt nói: “Nếu con thành danh, đừng quên ơn của ông hiếu liêm họ Trình”. Đứa con ấy còn bé đã đỗ đạt, năm Bính Thìn đi thi Hội, mỗi khi viết xong một bài, ắt đều đọc to lên, vỗ bàn đắc ý. Sau đấy bỗng òa khóc ầm ĩ. Khéo sao, hiếu liêm ở trong lều thi gần đó, vội hỏi nguyên cớ. Thiếu niên đáp: “Bảy bài văn đều tột bậc đắc ý, chẳng ngờ muội đèn rơi xuống, đều đốt thủng quyển chép bài thi, ắt sẽ bị loại bỏ. Cháu khóc là do lẽ ấy”. Ông Trình nói: “Tiếc cho bài văn hay, trở thành vô dụng. Nếu chịu cho tôi chép lại, thi đậu, tôi sẽ hậu tạ”. Thiếu niên bèn trao quyển thi cho ông Trình chép. Quả nhiên, ông đỗ Tiến Sĩ. Sau khi yết bảng, thiếu niên đến chỗ ông Trình đòi báo đáp. Ông Trình rót rượu mời uống; do đó, thiếu niên hỏi: “Ngài có âm đức gì chăng, do văn chương của tôi mà thành danh?” Ông Trình tự xét lại đời mình, chẳng có âm đức chi khác. Thiếu niên cố gạn hỏi không ngừng, thật lâu sau, ông Trình kể chuyện trước kia đã từng cứu một người nữ. Thiếu niên quỳ mọp xuống đất, lạy thưa: “Tiên sinh là đại ân nhân của mẹ cháu, dám đòi báo đáp ư?” Nhân đó, kể lại lời mẹ thường khóc kể trước đèn, và coi ông Trình như là thầy mình. Hai nhà bèn kết sui gia.

* Từ Ngang là người xứ Dương Châu, đi thi Hội vào mùa Xuân. Trong kinh thành có thầy bói họ Vương đoán quẻ phần nhiều rất đúng. Ông Từ đến xem bói, ông Vương bảo: “Tướng ông không có con, biết làm sao được?” Về sau, ông Từ thi đậu, làm quận thủ Tây An. Trên đường, mua được một cô gái rất xinh đẹp làm thiếp. Ông Từ hỏi han dòng dõi. Cô ta đáp: “Cha tôi là ông X… làm quan xứ nọ, mất vào năm nọ. Vào năm đói kém, tôi bị kẻ cường bạo bắt đem bán tới đây”. Ông Từ hết sức thương xót, liền đốt bằng khoán, chẳng lấy cô ta làm thiếp. Đến chỗ trấn nhậm, sắm sửa đầy đủ của hồi môn, chọn người đàng hoàng để gả. Mãn nhiệm, trở về kinh, ông Vương trông thấy, kinh hãi nói: “Tướng ông khác hẳn, khắp mặt toàn là tướng có con cái. Lẽ nào chẳng phải là do âm đức gây nên ư?” Chẳng lâu sau, người tiểu thiếp của ông sanh liên tiếp năm đứa con!

* Diêu Tam Cửu vốn họ Biện, học rộng, giỏi thơ văn, ngồi dạy học tại nhà họ Hoài. Có cô gái thường lén nhòm ngó, ông Biện tỉnh bơ, chẳng ngó ngàng tới. Một hôm, ông phơi giày ngoài sân, cô gái viết thư bỏ vào đó. Nhận được thư, ông Biện mượn cớ, từ tạ quay về. Viên Di Hạnh [viết thư thăm dò, trong thư] có kèm một bài thơ, có những câu [ngụ ý châm chọc] như sau: “Nhất điểm trinh tâm kiên phi thạch, xuân phong đào lý mạc tương sai” (Một tấm lòng trinh bền tựa đá, gió xuân đào mận chẳng thèm ngờ). Ông Biện viết thư trả lời, cực lực biện định hoàn toàn chẳng có chuyện [trăng hoa] ấy. Viên Di Hạnh trịnh trọng viết lên phong bì của bức thư ấy như sau: “Đức hết sức sâu dầy, con cháu ắt hưng thịnh”. Về sau, con ông Biện là Kham, chắt là Tích, đều đỗ Tiến Sĩ.

* Lâm Tăng Chí là người Ôn Châu, thờ Phật, giữ giới. Một hôm, mộng thấy bảng trời, thấy đề tên mình đỗ thứ mười. Dưới đó, viết sáu chữ: “Bất sát, bất dâm chi báo” (Quả báo do chẳng giết, chẳng dâm). Năm Mậu Thìn, quả nhiên ông đỗ hạng mười.

* Hà Trừng do làm nghề y mà nổi tiếng. Có người họ Tôn ở cùng quận mắc bệnh đã lâu chẳng lành, mời ông Trừng đến chữa trị. Vợ người ấy ngầm nói với ông Trừng: “Chồng tôi bị bệnh đã lâu, của cải đã bán sạch hết rồi. Xin đem thân tôi để đền đáp tiền thuốc”. Ông Trừng nghiêm mặt, từ chối: “Sao bà lại hồ đồ nói như vậy? Nhưng hãy yên tâm, đừng lo, ta sẽ chữa trị cho chồng bà, đừng dùng chuyện ấy làm xấu ta, cũng như ô nhục chính mình”. Vợ người ấy hổ thẹn, cảm kích, lui ra. Đêm ấy, ông mộng thấy có một vị thần, dẫn đến một tòa công thự. Vị chủ tòa công thự ấy bảo: “Ngươi làm nghề y có công, lại chẳng do người ta gặp cảnh ngặt nghèo mà dâm loạn phụ nữ của kẻ khác. Ta tuân theo sắc chỉ của Thượng Đế, thưởng cho ngươi một chức quan, tiền năm vạn đồng”. Chẳng lâu sau, Thái Tử bị bệnh, [hoàng đế] hạ chiếu vời Hà Trừng đến chữa trị, [Thái Tử] lành bệnh. Vua ban thưởng chức quan và tiền bạc đúng như giấc mộng.

* Cha của Cao Thượng Thư ở Dương Châu buôn bán khắp một giải Nam Kinh và Hán Khẩu. Ở nơi quán trọ, thường ngửi thấy mùi hương An Tức ngát mũi. Một hôm, bỗng thấy một vệt kẽ hở nơi vách tường, ông dòm qua khe hở, thấy cô gái đang ngồi một mình. Hôm sau, ông hỏi thăm chủ nhân, hóa ra cô ấy là con gái ông ta. Hỏi sao không gả đi, ông ta đáp: “Chọn rể khó lắm!” Vài hôm sau, ông tìm kiếm được một chàng rể, bảo chủ nhân: “Tôi thấy chàng X… ở hàng xóm rất được, muốn đứng ra làm mai. Ông thấy thế nào?” Chủ quán trọ đáp: “Ý tôi cũng nghĩ thế, nhưng nhà đó nghèo nàn!” Ông bảo: “Không sao đâu! Tôi sẽ cho họ mượn tiền chi phí hôn lễ”. Bàn xong chuyện cưới gả, còn tặng nhà ấy mấy chục lạng bạc để lo liệu tốt đẹp hôn sự. Ông trở về, mộng thấy thần nói: “Ông vốn không có con, nay ban cho ông một đứa, có thể đặt tên là Thuyên”. Năm sau, quả nhiên sanh một trai. Về sau, Thuyên đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Thượng Thư.

* Chư sanh[68] Trầm Loan ở Tùng Giang, tuổi đã trung niên vẫn chưa có con nối dõi. Nhà nghèo, phải đi làm gia sư. Một đêm, trở về nhà gặp mưa, cửa đã đóng. Nghe trong nhà có tiếng gái tơ. Hỏi vợ [vọng qua cửa] thì ra là con gái nhà hàng xóm do thấy vợ ông ta quạnh quẽ nên đến bầu bạn. Ông Trầm dặn vợ đừng mở cửa, đội mưa lánh đi, ngủ tại đạo quán. Trong đêm ấy, mộng thấy Thượng Đế trao cho sợi tơ hai màu. Tỉnh giấc thì mới là giờ Tý. Thấy trong điện thờ bốn phía sáng rực, năm sắc chói mắt. Chính là vì mây tan, trăng chiếu vào điện thờ khiến mọi vật rực rỡ. Từ đấy, ông sanh liên tiếp hai đứa con, trưởng là Văn Hệ, thứ là Khả Thiệu, nối tiếp nhau đỗ đạt.

* Đời Thanh, Thái Khải Truyền ở huyện Đức Thanh thoạt đầu đi thi Hương, khi ấy, không có con. Vợ dành riêng ba mươi lạng để mua một người thiếp. Đón người thiếp về, [cô ta] cứ khóc mãi không thôi. Ông hỏi nguồn cơn, [cô ta] thưa: “Chồng tôi do mắc nợ trong quân doanh cho nên đến nỗi này”. Ông bèn đi suốt đêm đi đến nhà chồng cô ta, bảo [người nhà của anh ta]: “Tôi sẽ vì mấy người giải quyết chuyện này. Nay tôi không thể về; hễ về thì tâm tư lẫn hành vi đều không minh bạch”. Đợi đến khi người lính từ quân doanh trở về, ông Thái nói cặn kẽ nguyên do cùng người đó, bảo: “Ông lấy giấy nợ ra đây, tôi sẽ trả tiền”. Ông bèn sai người đem kiệu rước người vợ trả lại cho chồng, tặng họ ba mươi lạng bạc. Về sau, phu nhân liền sanh con. Năm Canh Tuất (1670) đời Khang Hy, ông thi đậu.

* Đời Minh, Văn Chánh Công Tạ Thiên, thuở trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ ở Tỳ Lăng. Có cô gái thừa dịp cha mẹ đi vắng, đến dụ dỗ ông tằng tịu. Ông khuyên can: “Phụ nữ chưa lấy chồng mà đã thất thân với người khác, sẽ bị điếm nhục suốt đời, sẽ khiến cho cha mẹ, chồng, họ hàng đều bị mất mặt”. Ông nghiêm mặt, cự tuyệt. Cô gái ấy hổ thẹn, rút lui. Ngày hôm sau, ông lập tức từ tạ, xin nghỉ dạy. Về sau, vào năm Ất Mùi (1475) trong niên hiệu Thành Hóa[69], ông đỗ Trạng Nguyên, làm quan tới chức Thừa Tướng, con là Phi làm quan đến chức Thị Lang[70].

* Phí Xu là người đất Thục (Tứ Xuyên) lên kinh đô thi Hội. Vào lúc chạng vạng, một người đàn bà tới bảo: “Tôi là con nhà buôn vải vóc. Sau khi xuất giá, chồng chết, nghèo hèn, không trở về nhà được, xin theo nương cậy ông”. Ông Phí nói: “Ta chẳng muốn phạm tội phi lễ, sẽ mời cha ngươi đến đón”. Cho người hỏi dò cha người ấy khắp nơi, cho biết tình trạng của nữ nhân ấy. Cha cô ta khóc lóc, cảm tạ, đem con gái về. Ngay trong năm ấy, ông Phí thi đậu, làm quan đến chức Thái Thú.

* Ông Cận ở Trấn Giang đã năm mươi tuổi mà không con. Dạy trẻ vỡ lòng tại huyện Kim Đàn. Thấy con gái nhà hàng xóm khá xinh xắn, vợ ông liền bán thoa, xuyến, mua về làm thiếp. Ông trở về nhà, bà vợ bày rượu trong phòng, bảo ông: “Tôi đã già chẳng thể sanh nở. Nàng này khá hiền lành, chắc có thể sanh con nối dòng cho nhà họ Cận”. Ông cúi đầu, đỏ mặt tía tai. Bà vợ cho rằng mình có mặt thì chồng sẽ ngần ngại, bèn đi ra, đóng chặt cửa lại. Ông bèn leo qua cửa sổ thoát ra, bảo vợ: “Ý bà tốt lành, nhưng tôi thường bồng bế cô ta thuở bé, luôn mong cô ta sẽ được gả vào chỗ đàng hoàng. Tôi đã già rồi, lại còn lắm bệnh, chẳng thể làm nhục cô ta được”, bèn trả cô ấy về. Năm sau, bà vợ sanh ra Văn Hy Công, mười bảy tuổi đã đậu Giải Nguyên[71], năm sau đỗ nghè. Về sau, [Văn Hy Công] là một vị Tể Tướng hiền đức.

* Thư sinh họ Tào ở Tùng Giang đi thi. Ở quán trọ, có người đàn bà tìm đến [dụ dỗ]. Ông Tào kinh hãi, vội chạy sang chỗ khác tá túc. Đi nửa đường, thấy có ánh đèn dẫn đường, dẫn vào một tòa cổ miếu. Nghe đánh trống thăng đường, ông Tào phủ phục trước miếu. Nghe trong điện thờ xướng danh những người được ghi tên trong bảng tân khoa. Tới người thứ sáu, lại [có nha lại] bẩm rằng: “Ông X… gần đây làm chuyện sai trái, Thượng Đế gạch tên, hãy nên bù người nào vào?” Thần nói: “Ông Tào ở Tùng Giang chẳng hành dâm với người đàn bà ở quán trọ, là bậc chánh khí, đáng thêm tên vào”. [Nha lại] bèn thêm tên ông Tào vào. Ông Tào [nghe phán bảo như vậy] vừa sợ hãi, vừa vui mừng. Quả nhiên [về sau] đỗ thứ sáu.

* Đời Minh, tại Chiết Giang có viên Chỉ Huy Sứ[72], mời thầy đến dạy con. Thầy bị bệnh, con đem mền đắp cho thầy đổ mồ hôi, vô ý cuộn theo cả chiếc hài của mẹ làm rớt dưới giường của thầy. Thầy lẫn trò đều không biết. Chỉ Huy Sứ trông thấy, bèn nghi ngờ, vào hỏi vợ, vợ chẳng nhận, bèn sai đứa tớ gái giả vờ vâng lệnh vợ đến mời thầy, cầm đao chờ sẵn sau đó. Hễ thầy mở cửa sẽ giết ngay. Thầy nghe tiếng gõ cửa, hỏi chuyện gì. Đứa tớ gái thưa: “Bà chủ cho mời thầy”. Thầy nổi giận, quát mắng đứa tớ gái, không chịu mở cửa. Chỉ Huy Sứ lại ép vợ mình đích thân đến mời. Thầy vẫn kiên quyết cự tuyệt, bảo: “Tôi được ông Đông mời về, há lén lút làm chuyện xấu xa ư? Xin hãy mau quay về”, trọn chẳng mở cửa. Viên Chỉ Huy Sứ mau chóng nguôi giận. Hôm sau, thầy xin thôi dạy. Viên Chỉ Huy Sứ cảm tạ, thưa: “Tiên sinh đúng là bậc quân tử” rồi mới kể lại chuyện ấy để tạ tội. Ngay trong năm ấy, thầy thi đỗ, làm quan to.

* Ông Lâm Mậu Tiên ở Tín Châu, tài học hơn người, đã được chọn đi thi Hương. Nhà hết sức nghèo, đóng cửa, đọc sách. Vợ một tay hàng xóm rất giàu, chán ghét chồng thất học, riêng hâm mộ tài danh của Mậu Tiên, ban đêm tìm đến toan chung chạ. Mậu Tiên quở trách: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp chẳng dung. Trời, đất, quỷ thần la liệt đông kín, há có thể ô nhục ta ư?” Bà ta hổ thẹn lui về. Năm sau, Mậu Tiên thi đậu, ba đứa con trai đều đậu Tiến Sĩ.

* Đời Thanh, ông Viên ở Thiểm Tây. Do giặc Sấm (Lý Tự Thành)[73] dấy loạn, cha con thất lạc, trôi nổi, ngụ tại Giang Nam, muốn cưới thiếp sanh con. Vừa mua được vợ, rước về nhà ông Viên, cô ta xoay lưng về ánh đèn, khóc lóc. Ông Viên gạn hỏi, cô ta đáp: “Chẳng có gì khác. Chỉ vì trong nhà đói nghèo, chồng muốn tìm cái chết, cho nên thiếp bán thân để chồng được sống. Thiếp nghĩ tới vợ chồng tình sâu nghĩa nặng trước nay; vì thế, khôn ngăn đau thương vậy”. Ông thương xót,xoay lưng ngồi đợi sáng. Ngoài số tiền bán thân ra, còn tặng thêm một trăm lạng, trả người vợ cho chồng, bảo họ hãy buôn bán. Vợ chồng họ khóc lóc ra đi. Về sau, họ muốn tìm một cô gái chưa chồng, tặng cho ông Viên để sanh con, nhưng tìm đã lâu chẳng được. Ngẫu nhiên tới Dương Châu, gặp một người đem một đứa bé khôi ngô muốn bán; do vậy, họ bàn riêng với nhau: “Ta chưa tìm được cô gái nào. Trước hết, hãy mua đứa trẻ này về hầu hạ ông Viên, có gì là không được?” Bèn mua lấy, vượt sông, tặng nó cho ông Viên. Ông Viên nhìn kỹ, thì ra là đứa con đã bị thất lạc. Báo ứng thần kỳ như thế đó!

* Đời Minh, Văn Định Công Lục Thụ Thanh là người xứ Vân Gian. Năm Tân Sửu, ông lên miền Bắc. Khi ấy, quận thủ là Vương Công Hoa nằm mộng thấy trong sân của miếu Thành Hoàng có nhiều cây to đều vang ra tiếng tán thán ông ta là bậc thiện sĩ. Do vậy, gọi bố vợ của ông ta là ông Lý đến hỏi: “Thường ngày, Thụ Thanh đã làm những việc thiện nào?” Ông ta thưa không biết rõ, [chỉ biết Thụ Thanh] đối với chuyện tà sắc chẳng cẩu thả mà thôi! Về sau, [Thụ Thanh] đỗ đầu kỳ thi Hội, con là Ngạn Chương đậu Tiến Sĩ vào năm Kỷ Sửu.

* Đường Cao thuở trẻ đọc sách dưới đèn, có cô gái lả lơi chòng ghẹo, xé giấy dán cửa sổ. Ông dán lại xong xuôi, đề thơ rằng: “Đào chỉ song dung dị bổ, tổn nhân âm chất tối nan tu” (Giấy dán song, xé rồi dễ vá; tổn đức người, há dễ đền bù?) Về sau, một vị Tăng đi qua cửa nhà ấy, thấy có một tấm biển đề chữ Trạng Nguyên, hai bên treo hai ngọn đèn, trên đèn viết hai câu ấy, lấy làm lạ, hỏi han. Sau này, quả nhiên Đường Cao đỗ Trạng Nguyên.

* Đời Minh, Trương Úy Nham ở Giang Âm nằm mộng thấy mình tới một tòa nhà cao, tìm được một danh sách ghi tên người đỗ đạt, trong ấy có nhiều dòng bị bỏ trống. Hỏi người bên cạnh, họ bảo: “Đấy là danh sách người dự thi năm nay”. Hỏi vì sao nhiều tên bị bỏ trống. Đáp: “Thi cử thì cứ ba năm khảo hạch [đức hạnh] một lần, phải là kẻ tích đức, không lầm lỗi thì mới có tên. Những chỗ bị khuyết là tên của những kẻ được ghi tên từ trước, do gần đây mới phạm lỗi nên bị xóa tên”. [Người ấy] chỉ vào một hàng sau đó, bảo: “Ông bình sinh chẳng có dâm nghiệp, có lẽ sẽ được ghi bổ sung vào đây, hãy nên biết tự thương xót mình”. Khoa thi năm ấy, quả nhiên đỗ hạng một trăm lẻ năm.

* Đời Minh, thư sinh họ Tôn ở Ninh Ba, nhà nghèo, đi dạy vỡ lòng cho trẻ. Suốt năm, chẳng qua là được trả mấy lạng bạc. Về sau, mất chỗ dạy học, bèn ở nhờ nhà họ Trương ở Đường Tây, sao chép [sách vở để lấy tiền công sống qua ngày]. Đứa tớ gái nhà ấy chờ đêm thâu tìm đến rủ rê chim chuột. Ông nghiêm khắc cự tuyệt. Đứa tớ gái bèn dan díu với một thầy giáo khác cùng sống trong nhà ấy. Đến tiết Đoan Ngọ, ông giáo ấy xin thôi dạy học vì bị sanh ghẻ lở, trị mãi không lành. Ông được cử làm gia sư để thay thế. Về sau, gặp người chú tại cửa sông, người chú bảo: “Do con ta bị bệnh, ta cầu đảo Thành Hoàng. Đên nằm mộng thấy Thành Hoàng ngồi trên điện, gọi nha lại đem sổ ghi tên kẻ đói rét ra sửa. Người hầu đọc tên để thần xem xét. Đọc hơn mười mấy tên, tới tên của cháu, ta ngầm hỏi nha lại: “Họ Tôn do duyên cớ gì mà được sửa chữa?” Nha lại đáp: “Người này năm bốn mươi sáu tuổi, lẽ ra phải bị chết đói trong khi lưu lạc bên ngoài. Do đêm Mười Tám tháng Tư năm nay, cự tuyệt ả nọ dụ dỗ làm chuyện dâm bôn. Vì vậy được tăng thêm tuổi thọ hai kỷ (hai mươi bốn năm), sửa thành được ghi tên trong sổ hưởng lộc. Ta rất mừng cho cháu vậy”. Về sau, ông được người theo học càng đông. Mỗi năm thu được hơn trăm lượng bạc. Đến năm ông bốn mươi sáu tuổi, nhằm đúng năm Vạn Lịch 36 (1608), giá gạo vọt lên rất cao, người chết khá đông, nhưng ông vẫn dư dả. Đến khi con ông đã trưởng thành, nhà đã giàu to. Đến tuổi cổ hy (bảy mươi), ông không bệnh tật mà mất.

* Văn Hy Công Đào Đại Lâm lúc mười bảy tuổi, dung mạo đẹp đẽ, đi thi Hương. Ở chỗ trọ, có cô gái hàng xóm đến [dụ dỗ] ăn nằm; ba lần tìm đến, ông đều ba lượt từ khước, rồi tìm chỗ trọ khác. Chủ chỗ trọ ban đêm nằm mộng thấy thần bảo: “Ngày mai có bậc tú sĩ đến, chính là người sẽ đỗ đầu. Do người ấy lập chí đoan chánh, có thể không loạn dâm cùng đứa con gái dâm bôn, Thượng Đế đặc biệt cho đỗ đầu”. Chủ chỗ trọ kể chuyện nằm mộng với ông Đào, ông Đào càng thêm gắng sức. Sau đó, ông Đào đỗ Bảng Nhãn, làm quan tới chức Đại Tông Bá[74].

* Cha ông Thời Bang Mỹ là nha tướng tại Trịnh Châu. Tuổi đã sáu mươi mà không có con. Một lần, áp tải quân lương tới Thành Đô, vợ bảo hãy mua thiếp đem về. Ông tìm được một cô gái rất đẹp, ngó thấy cô ta dùng vải trắng buộc tóc. Hỏi han, cô ta khóc đáp: “Cha thiếp vốn là người xứ Đô Hạ, làm lính hầu cho phó quan của châu này, [bị chết], đưa quan tài đến đây thì không [đủ tiền để] trở về, [mẹ phải] đem bán thiếp để lo tang ma”. Cha ông Bang Mỹ thương xót, đem tiền giúp đỡ bà mẹ, trả lại con gái. Lại còn lo liệu thỏa đáng cho họ trở về. Khi trở về nhà, ông kể chuyện này với vợ. Bà vợ bảo: “Giúp người ta trong cơn nguy cấp, đức hạnh rất lớn; chuyện nạp thiếp tôi sẽ lo liệu cho ông”. Không lâu sau, bà vợ hoài thai. Một đêm, mộng thấy một người sắc vàng tía ngồi đoan nghiêm giữa nhà. Sáng ra bèn sanh Bang Mỹ. Bang Mỹ đỗ đầu kỳ thi Hội, làm quan tới chức Lại Bộ Thượng Thư.

* Đời Minh, cha của Triệu Bỉnh Trung, [Bỉnh Trung] là Trạng Nguyên năm Mậu Tuất (1598) trong niên hiệu Vạn Lịch, làm ấp duyện[75]. Có người do thừa kế chức tước của cha mà làm Chỉ Huy Sứ bị tù oan. Ông Triệu dốc sức giúp đỡ mới được thả. Chỉ Huy Sứ cảm kích, hổ thẹn vì không thể đền ơn, bèn dâng con gái làm hầu non cho ông. Ông Triệu xua tay bảo: “Đó là con gái nhà đàng hoàng, không thể được”. Người ấy cứ nài ép, lại xua tay: “Không được”. Rốt cuộc chẳng thuận theo. Về sau, con ông (Triệu Bỉnh Trung) ngồi xe công, trên đường có người bám vào kiệu của ông nói: “Đây là vị Trạng Nguyên nhà ông Không Được Phép”, nói mấy lượt như thế. Khi thi đậu, Bỉnh Trung quay về, kể chuyện cùng cha. Ông bố thở dài nói: “Đó là chuyện hai mươi năm trước, ta chưa hề kể với ai. Thế mà thần minh lại nói với con”.

* Ông Lữ Cung làm gia sư tại nhà nọ, ban đêm thường đọc sách. Có góa phụ trẻ tuổi ở gần nhà bỗng nương theo ánh trăng tìm tới [gạ gẫm]. Ông nghiêm khắc cự tuyệt. Hôm sau, cô ta lại sai thị tỳ cầm sang biếu hai con cá bằng ngọc. Ông đập nát ngọc. Đứa tớ gái hổ thẹn lui về. Về sau, ông làm tới chức Cung Bảo, chưa hề kể với ai chuyện này. Ngẫu nhiên, trong khi dạy học có nhắc tới, trọn chẳng tiết lộ danh tánh của người ấy!

* Đời Tống, ông Hoàng Tĩnh Quốc làm phán quan ở Nghi Châu. Một đêm, bị dẫn vào cõi âm. Viên quan trong cõi âm hỏi: “Ở Nghi Châu có một chuyện tốt đẹp, ông có biết hay không?” Sai nha lại đem sổ cho xem. Thì ra có thầy thuốc tên là Niếp Tùng Chí, vào ngày tháng năm đó, đến chữa bệnh tại một nhà nọ ở Hoa Đình. Vợ người bệnh ấy muốn dan díu với ông, Tùng Chí tận lực cự tuyệt. Thượng Đế sắc truyền Tùng Chí được tăng thọ hai kỷ, con cháu hai đời đều đỗ đạt. Tĩnh Quốc quay về, kể với Tùng Chí. Tùng Chí đáp: “Tôi chưa hề kể chuyện này với vợ con, không ngờ đã được ghi chép trong sổ sách cõi âm”. Về sau, quả nhiên Tùng Chí sống thọ, con lẫn cháu đều đỗ đạt.

* Đời Minh, Mao Lộc Môn vào độ tuổi nhược quan (hai mươi tuổi) sang Dư Diêu học, ở trọ nhà họ Tiền ngay trước cửa miếu thờ Thành Hoàng. Có đứa tớ gái xinh đẹp, hâm mộ phong thái của chàng Mao. Một đêm, mò tới thư phòng, [giả vờ] gọi kiếm mèo. Lộc Môn bảo: “Vì sao cô một mình tới đây gọi kiếm mèo?” Đứa tớ gái cười đáp: “Tôi chẳng phải là gọi tiểu miêu (mèo con), mà là thích Đại Mao”. Lộc Môn nghiêm mặt, đáp: “Cha sai ta đi xa cầu học. Nếu vô lễ xâm phạm cô, ngày sau, làm sao nhìn cha được? Lại còn có mặt mũi nào nhìn gặp chủ nhân của cô?” Đứa tớ gái hổ thẹn lui ra. Về sau, Lộc Môn thi đỗ vào khoa Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phó Sứ, thọ chín mươi tuổi.

* Viên nha lại họ Cố ở Bắc Tân Quan, Hàng Châu, vâng lệnh quan sang Giang Nam lo việc. Ban đêm, ông dừng thuyền bên bờ sông tại Tô Châu, thấy một thiếu phụ toan trầm mình, bèn ngăn lại, hỏi han. Cô ta đáp: “Chồng thiếp do thiếu quan lương[76] mà bị bắt giam, tánh mạng sẽ mất trong sớm tối, không nỡ lòng thấy chồng chết trước, cho nên tự tận”. Ông Cố mở túi tiền, biếu cô năm mươi lạng bạc. Cô ta cảm tạ, rời đi. Khi trở về, thuyền lại đi qua chỗ ấy, ông đến quán rượu ngồi, khéo sao đối diện cửa quán chính là nhà của thiếu phụ ấy. Vợ kể chuyện ấy với chồng, mời ông về nhà, bày rượu tiếp đãi. Chồng bảo vợ: “Cái ân cứu mạng do nghèo nàn chẳng báo đáp được. Nàng hãy ngủ với ông ta để đền đáp”. Do vậy, họ giữ ông Cố ngủ lại. Nửa đêm, người vợ đến chỗ ông Cố ngủ [toan ân ái]. Ông Cố dứt khoát cự tuyệt, khoác áo trốn về thuyền. Khi ấy, trong thành Hàng Châu bị hỏa hoạn, cháy rụi mấy chục nhà. Mọi người thấy trong ánh lửa có vị thần mặc giáp vàng, tay vung vẩy lá cờ đỏ vòng quanh một ngôi nhà. Lửa cháy tới đó, bèn dồn ngược lại. Khi lửa tắt nhìn xem thì ra là nhà ông Cố, mọi người đều cho là vì âm đức mà ra!

* Đời Minh, Văn Nghị Công La Luân đi thi Hội. Thuyền đi qua Tô Châu. Đêm nằm mộng, [La Luân] thấy Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đến thăm, bảo: “Trạng Nguyên năm sau thuộc về tay ngươi”. Ông Luân khiêm tốn từ tạ, chẳng dám nhận. Ông Phạm bảo: “Chuyện ở lầu nọ vào năm nọ, quả thật đã gây tiếng vang rất lớn. Dùng chuyện này để báo đền ngươi vậy!” Do đó, La Luân nhớ năm xưa đã từng cự tuyệt kẻ nữ dâm bôn ở lầu ấy. Giấc mộng đúng là chẳng hư vọng, đến khi thi Đình, quả nhiên đậu hạng nhất.

* Đời Minh, Mạc Văn Thông ở Vân Gian chuộng làm lành, sống cách quận thành hai dặm. Nhà ông ta nhiều đời theo nghề nông. Một hôm, cầm hai mươi lạng bạc vào hương trấn mua thóc giống, đậu thuyền ở Hoàng Phố. Thấy có hai người trói một cô gái, muốn dìm xuống bến sông. Ông Mạc hỏi thăm, họ đáp: “Đây là con gái của chủ nhân tôi. Chủ nhân tôi xét thấy cô này tư tình với kẻ khác, nên sai đem dìm xuống dòng nước chảy xiết!” Ông Mạc nói: “Cô gái nhỏ này thì biết gì chớ? Lại chẳng chính mắt thấy chuyện đó, không chừng là chuyện chẳng thật, mong hãy thả đi, xin đền hai mươi lạng”. Cô gái được cứu thoát, dập đầu trước ông Mạc, xin theo hầu hạ chiếu chăn. Ông Mạc bảo: “Há có phải vì ta yêu mến dung mạo của cô! Mà là đặc biệt thương xót cô trẻ tuổi bị chết mờ ám đó thôi! Nay trời đã tối mịt, mà thuyền ta nhỏ hẹp khó dung. Cô hãy mau lên bờ, đi đến chỗ có ánh đèn là được rồi”. Đêm ấy, trở về nhà, mộng thấy thần bảo: “Ông cứu mạng người khác, âm đức sâu nặng. Trời báo đáp cho ông có con cháu hiền hòa”. Về sau, con ông là Thắng do đậu khoa thi Minh Kinh[77], được làm quan. Cháu là Hạo, đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương. Con Hạo tên là Ngu cũng đậu Cử Nhân. Con của Ngu là Như Trung cũng đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương, đậu Tiến Sĩ vào năm Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phương Bá[78]. Cô gái ấy bỏ trốn, được một văn sĩ thâu nhận, sanh sáu đứa con trai, một đứa trong số ấy bằng tuổi với Ngu. Hà Tam Úy viết bộ Thiện Nhân Truyện đã chép chuyện này!

* Tường sanh họ Liễu nhập học tại đất Hàng, do sang thăm người thân, mắc mưa, tìm chỗ ngủ tạm tại một vườn hoang. Trước đó, đã có một thiếu phụ đụt mưa tại đấy. Liễu sinh suốt đêm không có ý lạ gì khác, ngồi ngay ngắn dưới mái thềm bên ngoài. Đến sáng bèn bỏ đi. Người đàn bà ấy chính là vợ của tường sanh họ Vương. Cô ta cảm phục đức hạnh của Liễu sinh bèn kể chuyện với chồng. Ông chồng đâm ra nghi ngờ. Về sau, Liễu sinh đi thi Hương, bài văn của chàng đã bị loại. Trong khoảnh khắc, bỗng lại thấy đặt trên bàn. Quan giám khảo kinh dị, đọc kỹ bài văn ấy, chẳng thấy có ý hay nào, lại loại bỏ. Về sau, sắp đem các quyển bài thi đạt điểm trình lên chủ khảo, lại thấy quyển bài thi của Liễu sinh ở trong số ấy. Do vậy nghĩ tên học trò này ắt có âm đức, bèn cùng trình lên. Rốt cuộc Liễu sinh đậu hạng bảy mươi mốt. Khéo sao, [bài thi của] Vương sinh được xếp cùng phòng với Liễu sinh[79]. Khi tấn yết (thí sinh đến triều bái quan giám khảo sau khi thi đậu), Vương sinh có mặt. Vị chủ khảo của phòng ấy kể rõ nguyên do chọn lựa Liễu sinh; nhân đấy, cật vấn. Liễu sinh nghĩ không còn chuyện nào khác, bèn thưa lại chuyện đụt mưa. Vương sinh cảm thán, đón vợ về sum họp, lại đem em gái gả cho Liễu sinh tục huyền.

* Đời Minh, Cố Tá làm châu lại[80] tại Thái Thương, biết nỗi oan của người bán bánh họ Giang bèn bẩm lên quan. Được thả ra, ông Giang dẫn con gái tới nhà ông Tá, thưa: “Không có gì để đền đáp, xin hãy nhận đứa con gái này làm thiếp”. Ông Tá nhất quyết từ chối. Về sau, nhiệm kỳ nha lại đã hết, ông Tá làm việc tại nha môn Thị Lang. Một hôm, ông tới nhà riêng của quan Thị Lang. Phu nhân của quan Thị Lang trông thấy ông Tá, bèn nói: “Ông chẳng phải là Cố đề khống[81] ở Thái Thương ư? Có biết tôi hay không?” Ông Tá ngạc nhiên. Phu nhân nói: “Tôi là con gái người bán bánh. Về sau, được bán cho một thương nhân. Thương nhân nuôi tôi như con gái. Tôi được gả làm vợ lẽ cho tướng công, sau đấy, trở thành chánh thất (vợ cả). Thường hận không có cách nào để báo đền ân đức. Tôi sẽ nói với tướng công chuyện này”. Quan Thị Lang sau khi đã biết rõ chuyện này, [tâu lên hoàng đế]. Vua Hiếu Tông [nhà Minh] hết sức khen ngợi, thăng cấp cho Cố Tá làm chức Lại Bộ Chủ Sự[82].

* Vào năm Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Thuận Trị nhà Thanh, Từ Lập Trai ở Côn Sơn là người đỗ đầu khoa thi Đình. Vừa mới thi đỗ không lâu, có người đến van vái tại miếu Thành Hoàng; do đó, bèn ngủ lại miếu. Nửa đêm, thấy thần oai nghiêm thăng tòa, gọi người ấy bảo: “Ngươi có biết duyên do khiến cho ông Từ đỗ Trạng Nguyên hay không? Họ Từ nhiều đời chẳng dâm, tích lũy đức hạnh đã lâu, cảm động lòng trời. Nay đỗ Trạng Nguyên mới chỉ là khởi đầu [cho những sự báo ứng tốt lành về sau]. Công danh tuy kín nhiệm, quả báo sáng vằng vặc. Ta nói cho ngươi biết tường tận, hòng khiến cho những kẻ mê mờ đối với chuyện đứng đầu trong muôn điều ác (tức tà dâm) đều giác ngộ”. [Thành Hoàng] nói xong, [thuộc hạ] thét dẹp đường, rời đi. Người ấy kính cẩn ghi lại để truyền bá rộng rãi. Về sau, [em trai ông Từ] là Kiện Am thi đậu trong khoa thi năm Canh Tuất, [người em kế là] Ngạn Hòa thi đỗ trong khoa thi năm Quý Sửu. Ba anh em ruột đều đỗ Trạng Nguyên, con cháu nối tiếp nhau đỗ đạt.

* Đời Minh, ở huyện Tiền Đường, ông Lục Tả Thắc là người hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, học rộng, nghe nhiều, những hạnh tốt đẹp không thể kể xiết, nhưng âm đức của ông ta người khác càng khó biết tới. Ông đã từng trọ tại một căn nhà riêng của người bạn. Tối đến, có một phụ nữ xinh đẹp lén lút tìm tới [giở trò quyến rũ]. Ông Thắc nghiêm khắc cự tuyệt, chẳng chấp thuận. Cô ta xấu hổ, lui ra. Hôm sau, ông bèn mượn cớ rời đi, không ai biết chuyện. Đức hạnh, phẩm đức của ông Thắc tuy chưa tỏ lộ rõ rệt, nhưng con cháu ông ta đều do được tuyển làm Hiếu Liêm hay đỗ các kỳ thi Minh Kinh mà vang danh khắp làng nước. Chắt là Tông Giai đậu Giải Nguyên trong khoa thi Hương, kế đó đỗ khoa thi Hội[83]. Con cháu đều rạng rỡ, thi đậu hạng cao, chưa hề gián đoạn. Quan Thị Ngự Ngô Thanh Đàn ở Thạch Môn là học trò của ông Thắc, từng nghe kể chuyện này bèn chép lại. Hiện thời, [chuyện này] được chép trong bộ Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết, Vương Cú ở Kim Đàn đã soạn bài ký.

* Đời Minh, Mạo Khởi Tông từ bé đã kiền thành tụng niệm Cảm Ứng Thiên. Năm Mậu Ngọ đi thi Hương, hôn mê như đang nằm mộng, cảm thấy thần giúp sức viết xong văn sách, đỗ đạt trong kỳ thi Hương, nhưng rớt kỳ thi Hội, phải quay về. Ông phát nguyện viết chú giải thêm cho sách Cảm Ứng Thiên. Do vậy, nghĩ tới chuyện hiếu sắc là chuyện hết sức tổn đức. Vì thế, đối với điều “kiến tha mỹ sắc” (thấy sắc đẹp của kẻ khác) đã chép đầy đủ các chuyện báo ứng.

Người giúp chép lại là La Hiến Nhạc ở Nam Xương. Năm Tân Dậu, ông La được chọn vào học trường huyện. Đến tháng Giêng năm Mậu Thìn, ông La mộng thấy ba vị tiên, một là cụ già đầu bạc áo vàng [đứng giữa], hai thiếu niên mặc áo tía đứng hầu hai bên. Ông cụ lấy ra một quyển sách, nhìn thiếu niên bên trái, bảo: “Ngươi đọc đi”. Người đứng bên trái đọc rõ ràng rất lâu, ông La trộm nghe, thì ra là toàn bộ lời chú giải của ông Mạo đối với hai câu “kiến tha mỹ sắc…”. Đọc xong, ông cụ bảo: “Đáng thi đậu!” Cụ xoay qua nhìn người đứng bên phải, bảo: “Ngươi hãy làm một bài thơ vịnh”. Người ấy liền vịnh rằng: “Tham tương chiết quế Quảng Hàn cung, tu tín tam thiên sắc thị không. Khán phá thế gian mê nhãn tướng. Bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng” (Cành quế cung trăng toan muốn bẻ, phải tin trần thế, sắc là không. Nhìn thấu tướng mê trong thế giới, bảng hoa nức tiếp khắp toàn thành). Ông La tỉnh giấc, gởi thư cho Mạo Khởi Tông, thuật cặn kẽ chuyện trong mộng, bảo: “Ngài sẽ thi đậu, nhưng hai chữ Bảng Hoa khó hiểu”. Khi niêm yết kết quả khoa thi, quả nhiên ông Mạo đỗ cao. Về sau, ở thư phòng của Trần Tông Cửu, ông Mạo thấy trong sách Loại Thư có chú giải về hai chữ Bảng Hoa như sau: “Vào thời Đường, khi bộ Lễ yết bảng, sẽ gọi những họ hiếm thấy là Bảng Hoa”. Họ Mạo (冒) [do hiếm thấy] quả thật tương ứng [với chữ Bảng Hoa].

Chú thích:

[60] Tuyên Đức là niên hiệu của Minh Tuyên Tông (Châu Chiêm Cơ) từ năm 1425 đến năm 1435.

[61] Học Chánh (學正) là chức quan quản nhiệm quy củ, khảo thí trong trường Quốc Tử Giám.

[62] Điển sứ (典史) là chức quan thuộc cấp huyện, châu, thấp hơn Tri Huyện một bậc, có trách nhiệm bắt phạm nhân, điều tra các vụ án, canh tù, lưu giữ hồ sơ vụ án.

[63] Thái Tử Thiếu Sư chính là thầy dạy học cho Thái Tử. Thái Tử thường có ba vị quan kèm cặp, gọi là Thái Tử Thái Sư, Thái Tử Thái Phó và Thái Tử Thái Bảo. Lại đặt ra ba chức quan phụ tá gọi là Đông Cung Tam Thiếu, tức Thái Tử Thiếu Sư, Thái Tử Thiếu Phó và Thái Tử Thiếu Bảo.

[64] Chánh Thống là niên hiệu từ năm 1436 đến năm 1449 của Minh Anh Tông (Châu Kỳ Trấn). Ở đây, có lẽ năm Âm Lịch đã bị chép lầm, vì không có năm nào là năm Ất Mão (乙卯) trong niên hiệu Chánh Thống. Có lẽ là năm Đinh Mão (丁卯, 1447), tức năm Chánh Thống thứ mười hai.

[65] Thái Thủ (太守, ta thường đọc thành Thái Thú), còn gọi là Quận Thủ là người đứng đầu một quận. Chức vụ này đã có từ thời Chiến Quốc, vì các nước chư hầu đều chia thành nhiều quận, viên quan đứng đầu một quận sẽ gọi là Quận Thủ. Đến khi nhà Tần xóa bỏ chế độ chư hầu, chia toàn thể Trung Hoa thành ba mươi sáu quận thì Quận Thủ có oai quyền rất lớn. Mãi đến đời Tây Hán mới đổi Quận Thủ thành Thái Thủ. Sau khi nhà Đông Hán thiết lập chức châu mục thì Thái Thủ mới thấp hơn Châu Mục hoặc Thứ Sử một cấp. Từ đời Tùy trở đi, chức quan Thái Thủ bị phế trừ. Từ đời Tống trở đi, Tri Phủ hoặc Tri Châu thường được gọi thông tục là Thái Thủ.

[66] Thiên Thuận là niên hiệu của Minh Anh Tông (Châu Kỳ Trấn) từ năm 1457 đến năm 1464 sau khi giành lại ngôi vua từ tay em trai là Minh Cảnh Đế (Châu Kỳ Ngọc)

[67] Tham Chánh (參政) là một chức quan khá cao cấp trong nền hành pháp thuở trước. Cùng với Đồng Bình Chương Sự (同評章事, Tể Tướng) và Xu Mật Sứ (樞密使) gọi chung là Chấp Chánh. Các vị như Phạm Trọng Yêm, Vương An Thạch… đã đều từng đảm nhiệm chức vụ này.

[68] Chư sanh (諸生) là danh hiệu gọi chung những thư sinh đã được vào học trường công. Nói chi tiết, những người đã đỗ Tú Tài (còn gọi là Cống Sanh), đã đủ tư cách dự vào tầng lớp sĩ đại phu, được vào học các trường quốc lập tại châu, huyện, phủ thì gọi chung là Tường Sanh. Nói cụ thể, người đã đậu kỳ thi Hương với điểm ưu có thể được chọn vào học trường Quốc Tử Giám thì gọi là Cống Sanh. Học trò xuất thân là con quan, do thành tích ưu tú được vào học Quốc Tử Giám thì gọi là Giám Sanh. Học trò trường phủ huyện, được cấp gạo hàng tháng thì gọi là Tăng Sanh. Những người được lấy thêm ngoài con số quy định của Tăng Sanh thì gọi là Phụ Sanh. Những người học giỏi, hoàn cảnh khó khăn, chưa đỗ đạt, sẽ được châu huyện trợ cấp, nhưng mỗi năm phải thi cử để xét xem có đủ tư cách giữ địa vị ấy hay không, được cấp gạo hàng tháng thì gọi là Lẫm Sanh (hay Lẫm Thiện Sanh).

[69] Thành Hóa là niên hiệu của Minh Hiến Tông (Châu Kiến Thâm) từ năm 1464 cho đến năm 1487. Ất Mùi là năm Thành Hóa thứ mười một.

[70] Thị Lang (侍郎) là chức quan đã có từ đời Hán, là thuộc hạ của Thượng Thư. Đời Đông Hán quy định, năm đầu nhậm chức sẽ gọi là Lang Trung, năm thứ hai gọi là Thượng Thư Lang, năm thứ ba trở đi mới gọi là Thị Lang. Từ đời Tùy trở đi, quyền hành của Thượng Thư Đài lớn dần, quyền lực và trách nhiệm của Thị Lang cũng tăng theo. Đời Thanh, đối với mỗi bộ lại còn lập ra Hữu Thị Lang và Tả Thị Lang. Như vậy, Thị Lang tương đương với chức Thứ Trưởng hiện thời.

[71] Kể từ đời Minh, người đỗ đầu trong kỳ thi Hương gọi là Giải Nguyên.

[72] Đời Minh, nhằm phân tán quyền lực quan lại đứng đầu các tỉnh (tức quan Tuần Phủ), triều đình đã lập ra ba chức quan khác biệt dưới Tuần Phủ, gồm Đô Chỉ Huy Sứ (gọi tắt là Chỉ Huy Sứ, trông nom việc quân sự), Bố Chánh Sứ (coi hành việc hành chánh và tài chánh), và Án Sát Sứ (coi việc kiện tụng, tư pháp).

[73] Lý Tự Thành (1606-1645) vốn có tên là Hồng Cơ, người huyện Mễ Chỉ tỉnh Thiểm Tây, giỏi võ nghệ, xuất thân là phu dịch trạm chuyên chạy công văn cho triều đình. Do làm ăn tắc trách, Tự Thành bị đuổi việc, lại mắc nợ khắp nơi. Từng bị thưa kiện, phải đeo gông cùm, may được bạn bè chạy chọt mới thoát. Cuối năm đó, ông ta giết chủ nợ. Khi biết vợ ngoại tình, ông giết luôn vợ, trốn đi đăng lính, làm đến chức Bả Tổng dưới trướng Tổng Binh Cam Châu là Dương Khải Cơ. Do thất thoát quân lương, để trốn tội, Lý Tự Thành bèn giết cấp trên là tham tướng Vương Quốc và huyện lệnh, dựng cờ khởi loạn. Do nhà Minh đã suy yếu, đồng thời bị quân Hậu Kim tấn công liên tiếp càng suy yếu hơn, Lý Tự Thành thừa thế xưng vương, chiếm được kinh thành, lật đổ nhà Minh, xưng đế, lấy hiệu là Đại Thuận. Về sau, Ngô Tam Quế liên minh cùng quân Thanh đánh bại Lý Tự Thành, quân Thanh chiếm trọn Trung Hoa. Lý Tự Thành chạy trốn, đến chùa Giáp Sơn ở huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam bèn xuống tóc đi tu, xưng hiệu là hòa thượng Phụng Thiên Ngọc. Có thuyết khác nói ông ta bị giết tại núi Cửu Cung, nhưng thuyết thứ nhất khả tín hơn vì được chép trong nhiều sách huyện chí của tỉnh Hồ Nam.

[74] Đại Tông Bá (大宗伯) chính là một chức quan coi về lễ nghi thuộc Lục Khanh vào đời Tây Châu. Do vậy, sau này, người ta quen gọi Lễ Bộ Thượng Thư là Đại Tông Bá.

[75] Ấp Duyện (邑掾): Duyện (掾) có nghĩa là “giúp đỡ”. Do vậy, chức phó quan thường gọi là Duyện. Ấp Duyện là quan phó ấp. Chữ Ấp không có nghĩa hẹp như xóm ấp trong tiếng Việt. Thời Chiến Quốc, lãnh thổ một nước chư hầu gọi là Ấp (từ đó diễn thành ý nghĩa “đất phong của các quan to cũng được gọi là Ấp hay Thái Ấp”). Về sau, chữ Ấp chỉ kinh đô của một nước, dần dần biến chuyển thành ý nghĩa đô thành lớn, một thị trấn đông dân cư. Ấp ở đây phải hiểu theo nghĩa “huyện”, vì quan huyện thường được gọi là Ấp Úy hoặc Ấp Tể.

[76] Quan lương (官糧) ở đây là lương thực chu cấp cho một cơ quan hành chánh như huyện, phủ vào thời đấy. Chồng cô ta đảm trách chuyển vận lương thực hay coi kho mà để thất thoát nên mới bị tội.

[77] Minh Kinh là một khoa thi được đặt ra từ đời Hán dưới thời Hán Vũ Đế, đến đời Tống Thần Tông thì bị phế trừ. Do khoa thi này chú trọng khảo hạch mức độ tinh thông nghĩa lý của kinh điển Nho gia nhất là Tứ Thư và Ngũ Kinh, nên gọi là Minh Kinh. Tuy vậy, Minh Kinh yêu cầu không cao lắm, có nhiều cấp bậc, tối thiểu là thông thạo một bộ đại kinh (chẳng hạn như Lễ Ký, Xuân Thu Tả Truyện), một bộ trung kinh (như Châu Lễ, Lễ Nghi) và một bộ tiểu kinh như Xuân Thu Cốc Dương Truyện là được rồi. Do đó mới có thành ngữ: “Tam thập lão Minh Kinh, ngũ thập thiếu Tiến Sĩ” (ba mươi tuổi mà đậu Minh Kinh là đã quá già, năm mươi tuổi mới đỗ Tiến Sĩ vẫn còn trẻ lắm). Từ đời nhà Minh trở đi, những người đã đỗ Cống Sanh (Tú Tài) đều gọi chung là đậu Minh Kinh. Thậm chí, do đỗ đạt làm quan đều gọi là “đã đậu Minh Kinh”.

[78] Phương Bá là cách gọi thông tục chức Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty Bố Chánh Sứ, còn gọi là Phiên Đài hoặc Phiên Ty. Như tên gọi đã chỉ ra, chức vụ này chính là vị Bố Chánh Sứ đứng đầu cơ quan Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty. Một Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty cai quản một khu vực rất lớn, tương đương với một tỉnh hiện thời. Đến đời Thanh, chức vụ Bố Chánh Sứ chỉ là phụ tá của Tuần Phủ, đặc trách sự vụ hành chánh.

[79] Do số lượng quyển thi nhiều, nên phải chia thành nhiều phòng để chấm thi. Mỗi phòng do một vị khảo quan (thường là một vị khoa bảng văn tài lỗi lạc) đứng đầu, dưới vị ấy có các vị quan cấp thấp hơn phụ tá.

[80] Châu lại: Tiếng gọi chung người giúp việc hoặc thuộc cấp của quan đứng đầu một châu (tức tri phủ hoặc tri châu).

[81] Đề Khống (提控) có hai nghĩa: Một là chức quan trông coi về binh quyền; hai là tiếng tôn xưng các nha lại làm việc dưới quyền tri phủ hoặc tri huyện, vì Đề Khống có nghĩa gốc là khống chế hoặc chưởng quản. Chữ Đề Khống ở đây hiểu theo nghĩa thứ hai.

[82] Chủ Sự là cấp quan văn thuộc hàm Chánh Lục Phẩm, trực thuộc các ty thuộc Lục Bộ, Lý Phiên Viện, Thái Bộc Tự, và Tông Nhân Phủ. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý văn kiện cũng như ghi chép các sự kiện. Theo quy chế đời Minh, trong Lại Bộ gồm nhiều ty, đứng đầu mỗi ty là Lang Trung, viên phó quan sẽ gọi là Viên Ngoại Lang, kế đó là Chủ Sự.

[83] Nguyên văn “tiệp nam cung” (nhận được tin mừng từ nam cung). Theo quy chế đời Hán, Thượng Thư Sảnh được coi là nằm ở phía Nam của cung vua, cho nên Thượng Thư Sảnh thường gọi là Nam Cung. Từ đời Tống trở đi, do Lễ Bộ thuộc quyền quản trị Thượng Thư Sảnh, nên Lễ Bộ cũng gọi là Nam Cung. Vì các kỳ thi Hội đều do Lễ Bộ tổ chức nên hễ thi đậu trong kỳ thi Hội, đều gọi là “tiệp Nam Cung”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tịnh độ giải nghi

Tịnh Độ tông 10:07 03/04/2024

Một hạng người tăng thượng mạn tự cao tự phụ, theo kiến thức hẹp hòi của mình, vin theo tiếng vang văng vẳng ấy, đường hoàng đứng ra công kích môn Tịnh độ cùng khinh hủy người tu tịnh nghiệp, để rồi chuốc lấy tội báng Phật, hủy Pháp, khinh Tăng.

Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Pháp môn Tịnh độ

Tịnh Độ tông 14:10 02/04/2024

Khi thầy học tới pháp môn Tịnh Độ, đức Phật dạy là “đới nghiệp vãng sanh”, nghĩa là mang cái nghiệp của mình về cõi Cực Lạc rồi nhờ tha lực, nguyện lực của đức Phật A-Mi-Đà gia hộ mà tu tiếp. Thầy thấy pháp môn này phù hợp với căn cơ của mình, có thể tu được, nên Thầy chọn.

Hành trang về cõi Phật

Tịnh Độ tông 09:26 21/03/2024

Cách nay hơn hai nghìn sáu trăm năm lịch sử, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ thể nhập chân lý tuyệt đối, chấm dứt vòng sanh diệt, tham ái, vô minh, thành tựu viên mãn con đường an vui giải thoát, đã xuất hiện nơi thế gian.

Đường về cõi Tịnh

Tịnh Độ tông 23:02 20/03/2024

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo, nhưng phải thừa nhận một điều, không có bất kì một tôn giáo nào có hệ thống học thuyết đa dạng, hoàn bị như Phật giáo.

Xem thêm