Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 30/08/2021, 14:11 PM

Những điều cấm kỵ của người khi sắp lâm chung

Tôi sẽ nói những điều cấm kỵ của người khi sắp lâm chung. Những điều cấm kỵ là những điều không nên làm khi chúng ta biết đạo lý.

Kinh Phật thuyết A Di Đà dạy rằng: “Nếu người nào niệm Phật trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung có Phật và thánh chúng hiện ra trước mặt người ấy, tâm không còn điên đảo và liền được vãng sanh”.

Kinh Phật thuyết A Di Đà dạy rằng: “Nếu người nào niệm Phật trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung có Phật và thánh chúng hiện ra trước mặt người ấy, tâm không còn điên đảo và liền được vãng sanh”.

Lời sám hối của một thiền sư trước khi lâm chung

Một là lúc sắp lâm chung cấm kỵ không nên sân giận

Dù cho có điều gì trái ý cũng phải bỏ qua để lo cho cái chết của mình, không nên sân giận làm gì. Nếu sân giận thì chúng ta sẽ đọa vào cõi dữ làm những con vật hung dữ khó thể tránh khỏi. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là phải dứt tâm oán thù

Nếu ôm tâm oán thù thì khi nhắm mắt chúng ta sẽ theo nghiệp oán thù, đền đền trả trả không có ngày cùng. Nghĩa là mình thù người, sanh ra gặp lại nhau rồi hại nhau, đau khổ chồng chất không biết đến đâu cho hết. Vì vậy chúng ta phải dứt tâm oán thù.

Thứ ba là tâm yêu mến con cháu, tiếc của cải… Đó là mối hiểm họa, nghĩa là vì yêu tiếc mà đôi khi bị trầm luân hay là trở lại làm những con vật không tốt.

Trong sử ba mươi ba vị Tổ có kể về một vị tăng Ấn Độ tôi không nhớ rõ tên. Một hôm Ngài đi khất thực ngang qua nhà ông Trưởng giả. Nhưng ông Trưởng giả đi khỏi. Trong nhà có con chó chạy ra sủa rất to. Ngài nhìn nó và quở: "Ngươi vì bệnh tiếc của mà trở lại làm chó, đã không biết còn sủa om sòm!" Nghe nói như vậy con chó buồn bỏ ăn.

Ông Trưởng giả về, thấy con chó cưng của mình bỏ ăn. Ông liền hỏi lý do và được người nhà kể lại rằng hồi sớm mai có một vị Sa môn đi ngang, nó thấy liền sủa. Rồi không biết ông ấy nói gì với nó, từ đó nó buồn, bỏ ăn. Ông hỏi vị Sa môn ấy ở đâu và tìm gặp được Ngài. Với tâm rất sân hận, ông hỏi:

- Hồi sáng ông nói gì mà con chó của tôi nó buồn đến bỏ ăn?

Ngài bảo:

- Ông đừng nóng, để tôi nói cho ông nghe. Con chó đó là cha của ông.

Ông càng tức hơn, hỏi:

- Tại sao con chó đó lại là cha tôi?

Ngài nói:

- Nếu ông không tin ta, ông hãy về tìm ngay giữa giường nơi cha ông khi xưa ngủ mà bây giờ là chỗ con chó hay nằm đó, ông đào xuống sẽ thấy một ché vàng. Vì khi cha ông chết không kịp trối trăn lại với ông, nên bây giờ tiếc của mới sanh trở lại làm chó để giữ của. Nếu không tin ta, ông hãy về đào lên sẽ thấy!

Khi ấy vị Trưởng giả không còn lớn tiếng với Tổ nữa, mà trở về đào chỗ Tổ chỉ. Quả nhiên ông thấy có một ché vàng. Ông liền chạy tới xin Tổ cứu cha ông. Tổ khuyên Trưởng giả nên đem của đó bố thí để cha ông hết nghiệp. Trưởng giả nghe lời Tổ dạy liền đem ché vàng bố thí. Sau đó con chó chết.

Như vậy, vì yêu tiếc của nên trở lại làm chó để giữ của. Đó là điều đáng sợ.

Nên ở đây tôi nhắc ba điều cấm kỵ trước khi lâm chung, Phật tử phải nhớ đừng bao giờ để xảy ra. Tôi lặp lại, điều thứ nhất là tâm sân giận; điều thứ hai là tâm oán thù; và điều thứ ba là tâm yêu tiếc, tức yêu con tiếc của. Nhớ, đừng có ba tâm đó mới khỏi đọa vào con đường khổ. Có ba tâm đó là nguy hiểm.

Ba điều quan trọng nhất lúc lâm chung

Nếu khi sắp lâm chung mà khởi tâm thiện thì sẽ được điều lành, điều tốt. Tâm thiện là tâm gì?

Điều thứ nhất, khi sắp lâm chung phát tâm bố thí, giúp đỡ người nghèo kẻ bệnh. Mình có phương tiện tới đâu phát tâm tới đó.

Điều thứ hai đối với người quy y rồi thì phát tâm cúng dường Tam Bảo; còn chưa quy y thì phát tâm quy y Tam Bảo để tâm thiện tăng trưởng. Làm như vậy là đã hướng về điều thiện và sẽ đi theo con đường thiện.

Ba là phát tâm phóng sanh, nghĩa là cứu những con vật bị người ta bắt và sẽ bị giết. Mình cứu nó bằng cách mua lại đem thả, hoặc tìm cách nào cứu cho con vật không bị chết. Đó là phát tâm phóng sanh.

Bố thí, cúng dường, phát tâm phóng sanh là tâm lành. Nhờ phát tâm lành, tự nhiên lần lần chúng ta sẽ đi theo con đường lành. Đó là những điều tâm nên khởi khi sắp lâm chung.

Người Phật tử biết tu, khi sắp lâm chung, cần biết ứng dụng pháp Phật dạy, gìn giữ tâm mình luôn luôn đi đúng đường, không bị lệch lạc.

Đối với người tu Tịnh độ, lâu nay chuyên niệm Phật, khi bệnh nhiều phải ráng nhớ niệm Phật, không quên. Lúc nào tâm mình cũng hướng về Phật không lơi lỏng, không nghĩ tới con, không nghĩ tới cháu, cũng không nghĩ tới tài sản gì hết. Được như vậy thì nhất định sẽ đi theo Phật không nghi ngờ. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, đối với người không chuyên niệm Phật mà thường hay xem kinh sách thì phải nhớ một bài kệ. Chẳng hạn, nếu quý vị thường tụng kinh Kim Cang, thì phải nhớ một bài kệ, tức là nhớ tới Pháp giống như nhớ tới Phật, niệm Phật vậy. Chúng ta nghiên cứu kinh điển, học pháp của Phật thì phải nhớ pháp, như tụng bài kệ sau đây trong kinh Kim Cang:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, như sương mai, như điện chớp, phải luôn quán như thế. Chúng ta tụng mãi bài kệ này thì tâm chúng ta được trong sáng, không kinh hoàng khi sắp lâm chung. Đó là trường hợp thứ hai.

Trường hợp thứ ba, nếu người biết tu thiền, tâm được yên tĩnh phần nào thì nhớ lúc sắp lâm chung, mình hằng sống với tâm thanh tịnh, đừng chạy theo tâm vọng tưởng điên đảo. Nghĩa là nhớ ngay trong thân người bại hoại này có cái không bại hoại.

Nhờ vậy chúng ta không kinh hoàng, không sợ sệt mà hằng sống với tâm bất sinh bất diệt của mình. Thân này chẳng qua là tướng hư ảo, có đó rồi mất đó, chớ không bền. Chỉ cái thể chân thật của mình là thanh tịnh, không sanh, không diệt muôn đời. Đó là chúng ta biết tu.

Trong ba trường hợp tôi kể ở trên, người tu niệm Phật thì chuyên niệm Phật, không nhớ chuyện đời. Người chuyên nghiên cứu Pháp thì nhớ một bài kệ. Người tu Thiền thì nhớ ngay nơi mình có cái chẳng sanh diệt, hằng thanh tịnh, không có gì đáng sợ, không có gì đáng lo. Người biết tu nhớ được những điều này thì không bị mê muội, không có gì sợ hãi, ra đi êm ái nhẹ nhàng.

Đó là những điều tôi nhắc cho quý vị khi sắp lâm chung.

*Trích trong "Hoa vô ưu tập 3" - Sư ông Trúc Lâm giảng giải

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Kiến thức 10:50 18/04/2024

Từ bi và trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, là mối quan hệ tương tức. Từ bi là biểu hiện của trí tuệ; trí tuệ nguồn gốc của từ bi, soi sáng từ bi.

Thái độ của Đức Phật với phân biệt đẳng cấp xã hội

Kiến thức 09:50 18/04/2024

Kinh Veda là một trong những bộ kinh cổ và đồ sộ nhất của nhân loại. Với người Ấn Độ cổ đại, không có gì trong cuộc sống lại không được diễn tả trong kinh Veda.

Chuyện con rùa tự bảo vệ mình

Kiến thức 08:32 18/04/2024

Trong tu tập cũng vậy, việc thu thúc, bảo vệ và hộ trì sáu căn là một việc làm tối quan trọng để giữ gìn giới thân huệ mạng của người tu hành. Bởi sáu căn luôn tìm cầu, chạy theo sáu trần khả ái, khả lạc để rồi từ đó sáu thức tạo ra vô số ác nghiệp.

Những chìa khóa cần có trước khi tụng đọc kinh Pháp Hoa

Kiến thức 17:13 17/04/2024

Tôi xin trao cho quí vị hai cái chìa khóa để khi đi vào thăm viếng Pháp Hoa, quí vị có thể tự mình thấy được cái Diệu Pháp, để hành trì kinh một cách có lợi lạc.

Xem thêm