Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Những điều căn bản về nghiệp vụ báo chí Phật giáo

Ở đây, phải truyền tải một “thông điệp” tới độc giả, thông điệp kết luận của người viết. Trước khi viết, người viết phải suy nghĩ làm thế nào để nổi bật lên thông điệp đó, bằng thông tin, bằng cái mới, cái hấp dẫn, và cái chính xác. Chỉ cần liếc qua là độc giả có thể đọc cái mình tìm kiếm.

I. Nhận định chung
 
Hoạt động báo chí Việt Nam trong TK21 giữa thời điểm bùng nổ thông tin toàn cầu tạo nên một động lực nhanh chóng với sự hỗ trợ tối ưu của các phương tiện công nghệ kỹ thuật. Trong điều kiện ấy, việc tham gia công tác hẳn nhiên không thể hoạt động theo phương pháp, cách thức cũ từ việc đưa tin, ảnh; mà chúng ta cần phải thay đổi cho phù hợp. Người làm báo - dù là báo Phật giáo - cũng phải đổi mới để tương thích với những chuyển biến lớn lao của xã hội hiện đại.
Chính những thay đổi nhanh chóng về công nghệ kỹ thuật buộc chúng ta phải thay đổi cách đưa tin trong hoạt động báo chí hiện đại. Nhằm thực hiện chức năng của mình trong việc truyền thông “đa phương tiện”, các công cụ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, blog… đang dần trở nên phổ biến trong đời sống của nhân loại.
Những người dân bình thường trước đây chỉ biết tiếp nhận thông tin, nay với những phương tiện công nghệ hiện đại như: điện thoại, máy ghi âm MP3, máy ảnh, quay phim cá nhân… đã trở nên nguồn thông tin khổng lồ, có thể nói đây là nhịp sống văn hoá đầy sinh động hiện nay.
Chính những chuyển biến trên buộc chúng ta phải có những điều chỉnh phù hợp trong hoạt động báo chí như sau:
- Phải chọn lọc thông tin, dưới hình thức ngắn gọn, thiết thực, kịp thời, nhanh chóng, mới, và “nóng” (hot).
- Trong xu hướng tiếp cận thông tin đa dạng như hiện nay, con người không chỉ tiếp nhận thụ động mà còn chủ động trong việc trao đổi thông tin hai chiều như một nhu cầu cần thiết của đời sống.
- Sự cạnh tranh khốc liệt trong việc cung cấp thông tin đến với độc giả ngày càng đòi hỏi người làm công tác truyền thông phải hết sức nhanh lẹ và kịp thời. Nếu không, đó chỉ là những tin “nguội” thiếu tính hấp dẫn.
Do yêu cầu trên, bắt buộc một cơ quan báo chí, ngoài lực lượng phóng viên cơ hữu của toà soạn, cần phải có sự hỗ trợ tích cực của công tác viên thường trú tại các địa phương. Nhằm giúp cho việc truyền tải thông tin kịp thời và nhanh chóng, cần phải xây dựng thường xuyên hình thái “làm công tác cộng tác viên”:
- Phải trình bày, trang bị cho người làm báo gián tiếp (cộng tác viên) một số kỹ năng phục vụ công tác truyền thông của tờ báo.
- Những vấn đề cơ bản giúp cho cộng tác viên tác nghiệp là điều kiện không thể thiếu và không được xem nhẹ. Bởi vì làm công tác truyền thông là một kỹ năng có tính chuyên môn đặc thù ở dạng thực hành, không phải chỉ là lý thuyết. Cho nên phải nắm qua một số quy trình cơ bản.
II. Những điều cần biết

1) Thông tin chính được tóm tắt trong sáu câu hỏi mà bạn cần nhớ:
- Who (Ai)? Vị nào hay người nào mà chúng ta muốn đưa tin phải đầy đủ tên, chức vụ.
- What (Cái gì)? Đây là thông tin chủ yếu: Ai làm gì? Việc gì sắp diễn ra? Có chuyện gì?
- Where (Ở đâu)? Luôn luôn chú ý thông tin đầy đủ. Chỉ nói một sự kiện đã diễn ra ở chỗ này chỗ kia thì chưa đủ. Chúng ta phải nói chính xác tối đa không gian xảy ra sự kiện: địa chỉ, hội trường diễn ra cuộc họp…
- When (Khi nào)? Ngày, giờ cần chính xác. Phải nói rõ. Ví dụ: Vào lúc 18g30.
- Why (Tại sao)? Chỉ ra những nguyên nhân sự kiện.
- How (Như thế nào)? Làm rõ thông tin “việc này đã diễn ra như thế nào?”.
2) Thông tin cốt lõi của bài viết
Ở đây, phải truyền tải một “thông điệp” tới độc giả, thông điệp kết luận của người viết. Trước khi viết, người viết phải suy nghĩ làm thế nào để nổi bật lên thông điệp đó, bằng thông tin, bằng cái mới, cái hấp dẫn, và cái chính xác. Chỉ cần liếc qua là độc giả có thể đọc cái mình tìm kiếm.
Đừng ngại liệt kê sáu câu hỏi và trả lời chúng trên giấy, nhất là khi viết một chủ đề phức tạp. Có thể thấy rõ tác dụng của kỹ thuật nêu bật trước thông tin chủ yếu. Người viết sẽ có được những yếu tố thông tin để viết titre, chapeau, mở đầu, kết bài, titre xem và chú thích ảnh. Khi đã được cụ thể hoá bằng dàn ý, thứ tự các thông tin phụ thuộc nhiều vào lựa chọn này. Chúng ta sẽ phát triển những thông tin mà thông điệp chính chứa đựng.

3) Làm thế nào để làm được điều đó?
- Cách thứ nhất: tưởng tượng bạn phải trao đổi với một người bạn, một đồng nghiệp trong vài phút, qua điện thoại chẳng hạn, cốt lõi của sự kiện mà người đó cần biết.
- Cách thứ hai: đánh dấu trên giấy các chi tiết quan trong nhất, sau đó sắp xếp lại.
 
III. Quy tắc cần nhớ

Viết thông điệp cốt lõi trước khi bắt đầu bài báo, thậm chí trước khi xây dựng dàn ý. Viết thông điệp đó thật súc tích, trong một hoặc hai câu. Khi viết, tìm cách diễn đạt thông điệp đó một cách chính xác, cụ thế nhất. Suy nghĩ chín trong đầu trước khi viết.
Cấu trúc cơ bản của bài viết
Nhiều phóng viên chỉ chăm chăm đưa được thông tin nổi bật về một sự kiện vào trong tin và họ nghĩ rằng họ đã hoàn thành công việc. Có những biên tập viên “điểm danh” đầy đủ 5W+1H và tin tưởng họ không sót yếu tố nào. Có những bài phóng sự tả tình tả cảnh rất kỹ, văn vẻ cũng trau chuốt, nhưng vẫn không được coi là đạt yêu cầu. Tại sao vậy?
Trong cuốn “Cẩm nang viết tin” do Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành, Peter Eng và Jeff Hodson phân tích kỹ cách thức viết bài - “dù là tin hay phóng sự - để đạt tiêu chuẩn là truyền đạt đầy đủ mọi thông tin đến độc giả, còn phải làm cho bài viết hay, hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối, nhất là với các bài phóng sự”.
a. Tin thời sự và phóng sự 

Có hai loại tin cơ bản: tin thời sự, đôi khi gọi là tin nóng (hot), tin đang diễn biến.
- Tin thời sự: Là về các sự kiện vừa xảy ra và cần đưa ngay đến độc giả. Có thể đây là một đại hội, hội nghị thường niên của Phật giáo tỉnh thành, một Đại giới đàn, một thông báo của Phật giáo địa phương, một quyết định của BTS tỉnh hội Phật giáo, một đợt uỷ lạo từ thiện thăm một trung tâm nhân đạo, bổ nhiệm trụ trì, một vị tôn túc vừa viên tịch v.v…
- Phóng sự: Không nhất thiết là nói về các về các diễn biến vừa xảy ra. Phóng sự không những nhằm mục đích thông tin cho độc giả biết, mà còn gợi cho độc giả phải suy nghĩ nhiều về một tình huống hay một vấn đề nào đó.
Tin thời sự tường thuật các diễn biến, sự kiện, còn phóng sự giải thích rõ thêm. Hầu hết các phóng sự là về những điều gợi sự chú ý tự nhiên của con người. Có thể đó là về một trào lưu xã hội, chẳng hạn như sự lây lan của bệnh HIV/AIDS tại Hà Nội, hoặc thân thế một vị tăng ni, phật tử nào đó đang thực hiện một chương trình nhân đạo vì cộng đồng, một vị tu sĩ Phật giáo dẫn đầu công cuộc phòng chống bệnh AIDS tại Tp.Hồ Chí Minh. Cũng có thể những người nào đó, hay cảm nghĩ về một nơi chốn chùa chiền, tu viện, thiền viện đang thể hiện sự tu tập và hướng dẫn phật tử…
Phóng sự đi sâu vào chi tiết hơn là các tin thời sự. Để viết một bài phóng sự, người viết có thể cần phải phỏng vấn nhiều người và nghiên cứu trong nhiều ngày để tìm tư liệu sống cho vấn đề mình đang muốn đề cập.

b. Mở đề và thân bài

Tất cả mọi bài viết đều có hai phần chính. Phần đầu là để  giới thiệu, đôi khi gọi là mở đề. Phần còn lại gọi là thân bài. Hầu hết các bài viết là về một chủ đề chính. Cả phần mở đề lẫn thân bài đều nên theo sát chủ đề đó.

Trong một bản tin thời sự, đoạn mở đề thông thường chỉ có một câu. Câu này cho chúng ta biết tin đó là về những gì, và chứa đựng những điểm quan trọng nhất. Mở đề hay cần hấp dẫn, gây được chú ý của độc giả và kích thích họ đọc tiếp phần còn lại.
Thân bài chứa đựng các yêu tố giải thích cho phần mở đề. Gồm có các chi tiết, trích dẫn, và bối cảnh đưa đến diễn biến được tường thuật. Tin tức quan trọng nhất đi đầu, tiếp đến là các nội dung kém quan trọng hơn. Trong báo chí gọi đây là “Tam giác đảo ngược”.
Toàn cảnh và bối cảnh

Đừng quên rằng độc giả của bạn thường quan tâm đến các dữ kiện khác nữa để hiểu về biến chuyển sự kiện mới mà bạn tường thuật. Trong bài viết, bạn nên tóm lược toàn cảnh và bối cảnh của câu chuyện. Toàn cảnh có nghĩa là tình hình chung hiện tại có liên quan đến diễn biến sự kiện mới này.
Bối cảnh có nghĩa là những gì xảy ra trong quá khứ có liên quan đến diễn biến sự kiện này. Lấy thí dụ, nếu bạn viết về chính sách kinh tế mới của chính phủ, bạn nên bao gồm cả một đoạn giải thích rằng chính phủ đang tìm cách đưa mức tăng trưởng kinh tế trong nước ngang hàng với các nước khác tại Đông Nam Á (đó là toàn cảnh) và một đoạn nữa giải thích về chính sách kinh tế cũ của chính phủ (bối cảnh).

Một bản tin trên tờ tiếng Anh Vietnam Investment Review của Việt nam bàn về việc những người Việt từng sinh sống tại Đông Âu hồi hương có thể làm cho giá nhà đất tăng lên tại Hà Nội. Người viết bao gồm bối cảnh sau đây: "Vào đầu thập niên 1990, một làn sóng công nhân người Việt từ Đông Đức cũ tràn về đã mua nhà đất tại Hà Nội và làm cho giá nhà tăng gấp đôi. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1990, do muốn nhanh chóng kiếm lời từ nhu cầu nhà cửa mới tăng của Hà Nội, một loạt nhà mới được xây tràn lan cho người Việt hồi hương, người nước ngoài và người Hà Nội mới giàu lên làm cho cung vượt quá cầu".
Hãy xem xét đến cách viết các đoạn đầu của bài viết sau đây, thuộc Hãng tin AP, kết hợp một cách thiện nghệ điểm ‘thì sao?’ (đoạn 1-2), bối cảnh (đoạn 1), toàn cảnh (đoạn 3-4). Trao đổi tiền tệ có nghĩa là một thỏa thuận vay ngoại tệ để chống đỡ cho đồng tiền trong nước.
"HONOLULU (AP) - Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia để cho các nước này nhanh chóng vay hàng tỷ USD nhằm chống đỡ cho đồng tiền của nước họ trong trường hợp các nước này gặp những sự cố như trong cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997-1998.

Các thỏa thuận này sẽ cho Thái Lan vay tổng cộng 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2 tỷ, và Malaysia 1 tỷ với lãi suất thấp, để chống đỡ cho đồng tiền của họ nếu các đồng tiền này bất ngờ bị sụt giá trên các thị trường quốc tế.

Các thỏa thuận trao đổi tiền tệ này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một mạng lưới bảo vệ an toàn tiền tệ trên khắp châu Á bắt đầu được thành lập. Mạng lưới này được đề xuất lần đầu tiên cách đây hơn một năm.

Các thỏa thuận được thông báo hôm thứ tư giữa lúc nhiều thị trường chứng khoán và tiền tệ trên khắp vùng đang bị sụt giá nghiệm trọng, một phần vì tình trạng kinh tế trì trệ chung trên toàn cầu, nhất là tại Nhật Bản và Hoa Kỳ".
IV. Lưu ý khi đưa tin hội nghị

Hội thảo, hội nghị, họp báo đang trở thành một phần tất yếu trong hoạt động của nhiều lĩnh vực. Có cuộc được nhiều người quan tâm, có cuộc ít ai biết đến, nhưng kết quả chung trên mặt báo đều giống nhau ở một điểm: sự buồn tẻ. Chính những người viết tin về các hội thảo, hội nghị này cũng kêu buồn, vậy độc giả làm sao vui cho được!
Có tin ngắn, có tin dài nhưng cách viết thì đều giống nhau: Mở đầu là nói ngày này tháng nọ, tại đâu, nhân dịp thế này thế kia đã diễn ra cuộc hội thảo với tên gọi ABC. Rồi tham dự hội thảo là bao nhiêu người, gồm những thành phần gì, đến từ những nơi nào, có đại biểu nước ngoài hay không. Có thể thứ tự các đoạn khác nhau tí chút, ý tứ khác nhau tí chút, nhưng thế nào cũng có vị Hòa thượng, Thượng tọa này khai mạc nêu lên ý nghĩa và lý do, mấy chục tham luận đã nêu bật vấn đề DEF và cuối cùng một vị Ban Tổ chức tổng kết khẳng định thành công của hiện tại và hy vọng vào tương lai.
Cứ cho là một biên tập viên cứng sẽ lộn lên lộn xuống những cái tin theo phong cách cũ rich kể trên để chắt lọc ra một cái tạm gọi là lead, với phần nội dung tiếp theo được cắt gọt cho gọn gàng, rồi các tít cũng được đánh bóng cho có nội dung hơn một chút chứ không thi nhau hội thảo X, hội thảo Y nữa, thì cái tin vẫn cứ chán như thường.
Thực ra hội thảo, hội nghị Phật giáo dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài thì nội dung bao giờ chẳng buồn tẻ. Vài chục, thậm chí vài trăm vị đáng kính tóc bạc, tóc đen hay tóc bạc, có kính hay không có kính, bàn luận về đủ những vấn đề mà đa số độc giả không hiểu hoặc không quan tâm lắm. Vậy thì hà cớ gì các nhà báo cứ phải làm một bài tường thuật! Có những hội thảo, hội nghị mà chỉ việc nó diễn ra đã có ý nghĩa - nhưng loại này hiếm lắm.
Để có bài viết hay, thủ thuật ở đây là hãy đến hội nghị nhưng đừng đưa tin về hội nghị, hãy chọn ra một vấn đề hoặc một trọng tâm tại hội nghị đó, như thế túm được một đầu dây rồi kéo ra và tiếp tục phát triển. Tất nhiên, trong câu chuyện cần phải đề cập đến hội nghị vừa xảy ra để tin có tính thời sự.
Xin có một số “khuyến nghị” như sau để có những câu chuyện thú vị hơn là một bài tường thuật:
1. Trước khi diễn ra hội nghị, hội thảo, nên xác định một trọng tâm cho bài viết của mình. Trọng tâm này có thể thay đổi trong trường hợp có diễn biến quan trọng đột xuất tại hội nghị - nhưng ít khi điều này xảy ra. Có thể trao đổi với tòa soạn, đồng nghiệp hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực đó xem bản thân mình nên chọn chủ đề gì.

Xin dẫn ví dụ: Tại hội nghị APEC ở Thượng Hải, khi tất cả các phóng viên lao vào nói chuyện thương mại to tát dù biết là hội nghị chẳng làm thay đổi được gì cho thương mại thế giới thì một đồng nghiệp là Peter Starr nói chuyện kinh doanh… ốc sên. Ngày hôm sau, câu chuyện của ông này được đăng trên tất cả các báo. Nếu phóng viên “cao thủ” hơn thì dự một hội nghị có thể viết vài bài khác nhau.
2. Tiến hành nghiên cứu về trọng tâm mà mình đã chọn thông qua các tài liệu liên quan trong thư viện, trên internet hoặc các bài báo trước đây. Việc này cũng sẽ giúp phóng viên hiểu trước về diễn biến của vấn đề, thậm chí các biệt ngữ, thuật ngữ, giúp cho việc theo dõi hội nghị sau đó dễ dàng hơn. Và tất nhiên là có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin lý thú, chứ người đang còn “I tờ” về một vấn đề thì chỉ nghe nói chuyện đã mệt.
3. Nếu đã tiến hành công tác nghiên cứu kỹ càng về một chủ đề thì có thể bắt đầu viết bài ngay tại hội nghị đó, chớ để về đến văn phòng mới viết. Làm ngay như vậy thì câu chuyện có cảm xúc hơn, hấp dẫn hơn, và quan trọng là nếu thấy cần thông tin thì có thể hỏi ngay.
4. Khi đã chuẩn bị kỹ càng cho một chủ đề và có thể viết ngay thì mục đích tới hội thảo, hội nghị chỉ là để có lời phát biểu của một vài nhân vật nào đó liên quan. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các trợ lý hoặc nhân viên phụ trách đối ngoại của các quan chức/nhà doanh nghiệp lớn/nhà kinh tế để tiếp cận họ.
5. Cần phải có những câu trích dẫn hay. Câu trả lời hay nhất là chứa đựng xúc cảm của con người hoặc liên quan đến con người. Các con số chỉ là dữ liệu, có thể đặt vào phần khác trong bài chứ không nên đưa vào lời nói. Và những câu phát biểu chung chung đầy tính ngoại giao thì đương nhiên chẳng có giá trị tin tức gì.
6. Nên đến sớm trước giờ khai mạc và nán lại một chút khi kết thúc để… thu thập danh thiếp của những nhân vật quan trọng hoặc tranh thủ phỏng vấn ngoài lề (tốt nhất là khi xung quanh không có phóng viên của các báo khác).
7. Một thủ thuật nhỏ: Nếu là cuộc tọa đàm hay một cuộc họp với một loạt quan chức/diễn giả ngồi trên bàn chủ tịch thì hãy vẽ hình và gán cho mỗi người một chữ viết tắt để khi họ nói có thể tốc ký nhanh.
V. Các tiêu chuẩn viết tin

Gần đây, một tờ báo trích lời của Tổng Thanh tra Nhà nước phát biểu về một vụ cũng khá ầm ĩ. Sau đó quan chức này tuyên bố ông không hề phát biểu như vậy. Rồi loại tin kiểu “Có tin đồn sẽ tăng giá gạo, tăng giá xăng…” cũng xuất hiện không ít trên báo chí Việt Nam. Chưa dám nói những tin kiểu này góp phần gây bối rối cho xã hội, nhưng chắc chắn nó đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của báo chí.
Thực ra những nguyên tắc cơ bản này luôn là những điều đầu tiên được nhắc nhở đối với bất kỳ nhà báo nào, vậy tại sao tình trạng đăng tin không kiểm chứng, đăng tin đồn, tin với quan điểm thiên vị, thậm chí tin sai, lại nhiều như vậy?
 
Sau khi đảm bảo nắm vững cấu trúc cơ bản của tin, hãy để ý đến một số yếu tố cần thiết để bài viết được hay. Những yếu tố này gồm có: tin tức chính xác, xác định nguồn gốc của tin, công bằng, cân bằng, không thiên vị và thấu đáo. Diễn đàn Báo chí Việt Nam xin giới thiệu quan điểm của Peter Eng và Jeff Hodson, nêu trong cuốn “Cẩm nang viết tin”.
1/ Chính xác

Điều quan trọng hơn cả là phóng viên cần phải đưa tin thật chính xác, nếu không, độc giả sẽ không tín nhiệm vào báo của bạn và mua báo khác. Các sai sót có thể làm hại đến các nguồn tin và độc giả.
Không bao giờ nên cho rằng một điều gì đó là đúng. Luôn luôn đặt câu hỏi. Luôn luôn kiểm chứng. Chính xác có nghĩa là luôn luôn lưu ý đến mọi chi tiết. Bắt đầu từ việc đơn giản nhất như: cách đánh vần tên, chức danh và địa điểm. Tiếp đến là việc xác nhận các thông tin chứa đựng trong các thông cáo báo chí, và trích lời một người nào đó thật đúng, hoặc mô tả đúng quan điểm của họ.
Có thể bạn nghĩ rằng viết tên sai ‘không quan trọng lắm’ nhưng nếu bạn mắc lỗi này, một độc giả biết cách đánh vần đúng sẽ nghĩ rằng, “nếu phóng viên viết tên cũng sai thì không hiểu còn sai thêm những gì nữa trong bài”. Các nguồn cung cấp tin có thể bực mình nếu bạn viết sai tên của họ. Họ có thể không tin cậy bạn nữa. Hãy hỏi nguồn tin này cách đánh vần, xin họ danh thiếp. Xem trong niên giám điện thoại. Viết là Chuan Leepai hay Chuan Leekpai? Jacky Chan hay Jackie Chan?
Một tờ báo có thể gây ra nhiều vấn đề nếu phạm sai lầm. Một tờ báo Campuchia làm cho người dân lo ngại khi đưa tin rằng một loại bao cao su tránh thai có thể đã bị nhiễm vi khuẩn HIV gây ra bệnh AIDS. Chính phủ đã phải mở một cuộc họp báo để bác bỏ tin này. Tờ báo đăng tải lời xin lỗi: “Chúng tôi sai lầm trong tư cách phóng viên chuyên nghiệp”.
Sai sót là quá tệ khi chúng ta phải vội vã và để kịp hạn ra báo. Nhưng lỗi lầm chỉ vì bất cẩn hay lười biếng không kiểm lại tin là điều không thể tha thứ được.
2/ Kiểm chứng

Không bao giờ nên đăng tải những tin dễ gây tranh cãi mà không kiểm chứng. Nếu được, hãy kiểm chứng bằng cách đến tận nơi. Nếu không thể đến được thì yêu cầu những ai chứng kiến tận mắt xác nhận sự việc. Đồng thời, cũng nên xem những tài liệu chứng tỏ sự việc có thật.
Trong cuộc chiến tại Campuchia năm 1997, một viên chức tỉnh Siem Reap đã nói với một phóng viên là không hề có vấn đề gì tại nơi đó, ông cho biết chỉ ở Phnom Penh mới có giao tranh. Tuy nhiên, người phóng viên này nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại. Anh đã không tin lời viên chức đó. Anh đến xem tình hình tại nhà thương. Tại đấy, anh gặp các bác sĩ đang chữa trị cho một bé trai bị thương vì đạn.
Thân nhân của em cho biết, hai nông dân lớn tuổi đã thiệt mạng. Nhưng người phóng viên này không thấy có binh lính nào bị thương. Anh đến bệnh viện quân đội bên ngoài thành phố để xem xét. Tại đó anh thấy có nhiều binh lính bị thương, họ cho anh biết có những người khác bị thiệt mạng nữa. Anh phóng viên liền đến một ngôi chùa để xem, chùa là nơi xác những người chết được hỏa táng.
Kiểm chứng cả giấy tờ nữa. Nếu bạn không kiểm chứng, bạn có thể trở thành nạn nhân bị lừa. Một đêm, tờ báo Căm Bốt, Campuchia, nhận được một bản fax của ai đó nói rằng ông ta là tân chủ tịch của đảng đang cầm quyền. Bản fax nói các đảng viên đã bỏ phiếu bầu tân chủ tịch đảng trong một buổi họp đặc biệt tại một nơi hẻo lánh trong nước. Tờ báo không kiểm chứng được tin này nhưng vẫn đăng. Đó là một sai sót lớn. Ngày hôm sau, các viên chức trong đảng nói không hề có một buổi họp như vậy.
Xử trí như thế nào với các tin đồn là một trong các thử thách khó nhất của người ký giả đang phải gấp rút viết bài cho kịp kỳ hạn. Các chính trị gia và những người khác muốn đề cao quyền lợi riêng của họ thường lợi dụng các phóng viên để nói xấu đối thủ. Không bao giờ nên đăng tải tin đồn. Hỏi thẳng nguồn gốc của tin đó, đòi phải có chứng cớ. Hỏi người bị đồn về thực hư. Nếu không thể kiểm chứng được tin đồn đó là thực, đừng đăng.
Các sai sót gây bối rối cho tờ báo và làm hại đến uy tín của tờ báo. Nhưng không phải chỉ có thế. Có thể còn làm cho báo bị tổn hao nữa. Một tờ báo Hồng Kông đăng một bài ngầm ý cho rằng một trong các hoàng tử của Quốc vương Norodom Sihanouk không phải là con chính thức của ngài. Quốc vương Sihanuok nói tin này sai và làm hại đến uy tín của ngài. Ngài dọa sẽ kiện tờ báo, đòi bồi thường hàng triệu USD. Nếu một tờ báo nhỏ phải bồi thường một số tiền như vậy, báo sẽ phải đóng cửa.
3/ Khách quan

Các phóng viên nên tìm cách tường thuật sự thật một cách trung lập và giữ không để ý kiến cũng như tình cảm của mình len lỏi vào bài. Nếu phóng viên pha trộn giữa sự thật và ý kiến riêng, độc giả sẽ không thể coi bài báo là tin chính xác được. Phóng viên nên dành cho độc giả của mình quyền tự có ý kiến, dựa trên sự thật mà phòng viên tường thuật trong tin.
Điều này không có nghĩa là báo của bạn không được có quan điểm về các vấn đề. Báo có quyền làm như vậy, và nên làm. Nhưng, tờ báo phải xác định rõ các ý kiến đó là bình luận, đăng trên một trang riêng, khác với các trang tin tức. Làm như vậy sẽ gia tăng uy tín của báo. 
Một bài gần đây trên tờ báo tiếng Campuchia đã gọi một viên chức hàng đầu trong chính phủ là: “Chỉ biết có tiền… cha đẻ của tham nhũng chẵng khác gì một con cá sấu già cõi, một nhà độc tài với các tư tưởng quan liêu”. Bài báo này nói, đây là “lời của các viên chức Bộ Phát triển Nông thôn” nhưng không nêu danh những viên chức đó cũng như không đưa ra bằng cớ nào để chứng minh cho những báo giác của họ.
Nhưng không phải chỉ riêng các tin chính trị gặp phải lỗi lầm này. Không may là nhiều phóng viên thường hay thêm ý của họ vào đủ mọi loại tin, kể cả tin xã hội, thể thao, tội phạm, hay ngay cả về tai nạn nữa. 
Không thể nào tỏ ra vô tư 100% được. Tất cả mọi chúng ta đểu có tình cảm và ý kiến gây ảnh hưởng đển cách chúng ta đưa tin và viết bài. Song phóng viên giỏi biết sử dụng tình cảm của mình. Một phóng viên nổi giận khi thấy các vấn đề của nông dân nghèo khổ có thể quyết định viết bài để chia sẻ tình cảm với những người khác và buộc chính phủ phải có hành động. Nhưng cho dù phóng viên có cảm nhận sâu sắc về một câu chuyện nào đi nữa, phóng viên đó cũng vẫn phải viết bài một cách chính xác và công bằng.
Cách đây vài năm, nhiều tờ báo Campuchia chỉ đăng tải ý kiến. Nhưng nay, họ đăng thêm nhiều tin tức. Không những chỉ các báo độc lập, mà cả các báo thân chính phủ và chống chính phủ nữa. Đó là vì người dân bây giờ muốn đọc “không những chỉ ý kiến, mà còn về những gì  xảy ra ở đâu đó”, ông Pen Samitthy, chủ biên của nhật báo bán chạy nhất Rasmei Kampuchia (Ánh sáng Campuchia), nói như vậy.
4/ Xác định xuất xứ

Nếu bạn có mặt tại một sự kiện có tính chất thời sự nào đó, bạn chỉ cần viết lại những gì mắt thấy tai nghe tại đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, tin của bạn do người khác cung cấp hay từ nơi khác đến. Đó cũng có thể là một lời tuyên bố, một cuộc phỏng vấn, một văn kiện. Vậy phải xem ai đã nói.
Cho độc giả biết tin của bạn từ đâu đến gọi là xác định nguồn tin. Nếu độc giả biết tin đó từ đâu đến, họ có thể nhận định xem có nên tin hay không, hoặc tin đó quan trọng như thế nào. Bạn phải ghi rõ xuất xứ những lời trích dẫn, cũng như những lời mô tả hay giải thích về sự kiện mà chính bạn không chứng kiến. Nếu bạn không xác định rõ ràng xuất xứ nguồn tin, người đọc sẽ cho rằng chính phóng viên hay tờ báo là nơi xuất phát ra những tin đó. Xác định nguồn tin thường được đặt ở đầu hay cuối câu. Chỗ đặt tùy theo cách viết và ý trong sáng của bài. Sau đây là vài ví dụ:
- Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan nói quốc gia ông sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài với ASEAN.
- Con số du khách nước ngoài đến thăm Malaysia đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, theo lời Văn phòng Du lịch Chính phủ.
Xác định xuất xứ nguồn tin không làm cho tin đó xác thực nhưng chỉ cho độc giả biết đó là lời của một người khác. Bạn không nên đăng tải bất cứ lời ai nói chỉ vì bạn có thể nêu xuất xứ của lời nói. Bạn không nên trích bất cứ lời nói nào của bất cứ một người nào đó. Trước tiên, nguồn tin phải có thẩm quyền về vấn đề mà họ nói tới. Tiếp đấy, bạn có trách nhiệm kiểm tra lại xem lời nói đó có đúng sự thật hay không. 
Nếu điều đó không đúng nhưng bạn vẫn trích dùng vì đó là lời của một viên chức cao cấp hay của một nhân vật có tiếng nào đó, bạn phải thêm vào trong bài một câu cho độc giả biết sự thật là như thế nào. Điều này có thể trở thành một vấn đề trong một tình huống dễ gây va chạm vì người này nói ngược lại với người kia. Bạn nên trình bày lời của cả hai phía và cho độc giả biết rõ ràng lời nào là của ai.
Phóng viên nên ghi xuất xứ các nguồn tin của họ bằng cách dùng tên, chức vụ, nghề nghiệp và các chi tiết khác, nếu có. Độc giả càng biết nhiều về nguồn tin, họ càng dễ quyết định xem tin đó có đúng hay không, hoặc họ nên phản ứng như thế nào trước tin đó. Lấy thí dụ, có người nói: “Nền kinh tế đang bắt đầu cải thiện”.
Người đọc sẽ phản ứng khác đi nếu đó là lời của giám đốc ngân hàng trung ương thay vì của một chủ tiệm bán hàng. Nhưng bạn không cần phải để tên hay toàn bộ chức vụ của nguồn tin ngay trên đầu. Nếu tên này không được nhiều người biết đến, hay chức vụ của họ dài dòng, đoạn mở đầu sẽ trở nên khó đọc. Bạn có thể để các chi tiết đó trong đoạn văn thứ nhì. Hãy tránh loại mở đề như sau, đó là tin của một cơ quan thông tin Lào: “Người đứng đầu cơ quan nông nghiệp và trồng rừng tỉnh Borikhamsay Bounckham Phommachuk tuyên bố các nông dân trong tỉnh đã bắt đầu gặt lúa vụ mùa mưa vào tháng 10”.
Đoạn mở đề sau đây của cựu học viên trường IMMF Parista Yuthamanop cho thấy cách đưa các chi tiết đó vào đoạn văn thứ nhì của bài viết: “Ngân hàng Thế giới ngợi khen Chính phủ Thái Lan đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo và giải quyết các vấn đề trong ngành ngân hàng. Ông Jemal-ud-din Kassum, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương, nói, ông thấy phấn khởi vì chính sách của Chính phủ Thái Lan chú trọng đến người nghèo và đến phương pháp quản lý trong thương nghiệp".
Không cần phải nêu xuất xứ của tất cả mọi thứ. Đừng ghi xuất xứ của những lời nói đã rõ ràng quá rồi, để kiểm chứng và không gây tranh cãi:
- Hàng đống rác chất đầy trên con đường chính tại Pattaya (rõ ràng quá, do chính mắt phóng viên trông thấy)
- Chỉ có năm công ty liệt kê trên danh sách thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam (dễ kiểm chứng)
- Nhiều người tại Đông Nam Á bị thiệt hại vì cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 1997 (không gây tranh cãi)
5/ Có được trích đăng lời nguồn tin hay không?

Đôi khi nguồn tin giới hạn cách thức bạn sử dụng tin của họ cung cấp. Một nguồn tin có thể cho phép bạn dùng tất cả mọi thông tin họ cung cấp và dùng tên của họ trong bài viết. Trong trường hợp đó, cuộc phỏng vấn của bạn được gọi theo tiếng Anh là “on the record”, nghĩa là được trích đăng. Nói chung, một khi bạn đã tự giới thiệu là phóng viên, bạn có thể cho rằng cuộc phỏng vấn đều được trích đăng. Không bao giờ đề nghị để nguồn tin nói “off the record”, nghĩa là không được dùng trong bài. 
Đôi khi một nguồn tin có thể nói bạn không được dùng bất cứ điều gì họ nói trong bài viết của bạn. Trong trường hợp đó, cuộc phỏng vấn của bạn bị gọi là “off-the record”, nghĩa là “không được đăng”.
Nguồn tin có thể có các dữ kiện giúp bạn hiểu một tình huống nào đó, nhưng có thể quá nhạy cảm, không loan báo cho công chúng được. Hoặc điều đó có thể làm cho nguồn tin bị mất mặt hoặc làm hại đến họ nếu bạn đem dùng vào bài viết. Nếu bạn đã đồng ý không dùng các dữ kiện đó trong bài viết, bạn phải giữ lời.
Lúc nào cũng phải chắc chắn rằng bạn và nguồn tin của bạn hiểu rõ các điều kiện của cuộc phỏng vấn.
6/ Các nguồn tin vô danh

Đôi khi một nguồn tin sẵn sàng cho bạn thông tin nhưng với điều kiện bạn không nêu tên họ và xuất xứ của tin đó trong bài. Có thể bạn sẽ viết như thế này: “Theo lời “Một viên chức Chính phủ yêu cầu không nêu danh”. Một nguồn tin như vậy thì gọi là tin vô danh.
Bạn luôn luôn nên tìm các tin để đăng rõ xuất xứ, nhưng có thể bạn cần phải dùng đến những nguồn tin vô danh khi tin đó quan trọng cho bài viết của bạn.
Bạn và nguồn tin của bạn nên thỏa thuận trước về cách giới thiệu hay xác định nguồn gốc xuất phát tin của họ. Càng nói rõ ràng càng hay nhưng không cần nêu tên tuổi của nguồn tin. Chẳng hạn “một viên chức cao cấp trong Bộ Tài chính” hay hơn là “ một viên chức chính phủ”. Càng nói rõ về nguồn tin, tin đó càng giá trị.
Đừng dùng quá nhiều nguồn tin vô danh. Nếu không nêu tên nguồn tin thì người đó có thể tỏ ra không có trách nhiệm về lời nói của mình. Họ chỉ có thể chỉ trích dẫn hoặc đưa ra những nhận xét không đúng về người khác hay về các biến cố nếu họ biết rằng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. Họ có thể muốn nói gì thì nói để giúp ích cho chính Đảng hay chủ trương mà họ muốn ủng hộ. Bạn càng nhiều nguồn tin vô danh trong bài, giá trị của bài càng giảm đi.
Hãng tin Associated Press cho biết họ dùng các nguồn tin vô danh khi các nguồn tin này nói về các dữ kiện có thật, không phải về ý kiến riêng. AP nói họ chỉ dùng những nguồn tin vô danh trong những tình huống: (1) AP biết rõ nguồn tin, (2) nguồn tin ở vào địa vị được biết nguồn tin đó, (3) tin đó tôi cần cho bài viết và (4) không thể nào tìm được ai khác cho biết về tin đó mà “cho phép được đăng”.
7/ Cân đối và công bằng

Phóng viên biết rằng trong mỗi câu chuyện đều có nhiều mặt khác nhau. Vỉ thế họ phỏng vấn nhiều nguồn tin cho bài viết của họ. Quan trọng nhất là khi họ viết về các vấn đề chính trị hay xã hội, các cuộc vận động bầu cử, hay các diển biến khác liên quan đến nhiều người có các ý kiến khác nhau.
Bài viết của bạn sẽ cân đối nếu bạn cho thấy quan điểm của cá hai phía trong một vấn đề. Bài viết của bạn là công bằng khi không thiên vị bất cứ bên nào. Điều này không có nghĩa là bạn phải dành chỗ ngang nhau cho mỗi quan điểm. Nhưng bạn phải bao gồm trong bài một điều gì đó cho thấy các quan điểm khác nhau. Một bài về vận động bầu cử không thể nào được coi là công bằng nếu không bao gồm các quan điểm của tất cả các chính Đảng lớn.
 
Khi có lời nào đó tố cáo nhắm vào một người, bạn phải để cho người đó có phản ứng. Bạn phải cho họ cơ hội tự biện minh. Các cơ quan thông tin do Chính phủ hay chính Đảng kiểm soát cũng nên tìm cách cân đối bài viết và tỏ ra công bằng. Bài viết sẽ uy tín hơn nếu bao gồm một lời đề cập nào đó đến các quan điểm khác nhau cho dù là ở cuối bài đi nữa.
8/ Trong sáng

Nên viết bài thật trong sáng để độc giả có thể dễ hiểu. Muốn viết rõ bạn phải suy nghĩ thật rõ ràng. Bạn phải hiểu về sự kiện đó trước khi viết về sự kiện đó. Để thực hiện được điều này, nên hỏi những câu hỏi khéo và đặt nhiều những câu hỏi khéo để tìm được các tin cần thiết. Tiếp đấy, ngẫm nghĩ về các thông tin bạn lượm lặt được trước khi viết. Một khi bạn hiểu rõ vấn đề bạn có thể chọn được khía cạnh chính cho đoạn mở đầu. Tiếp đấy, bạn có thể sắp xếp các chi tiết mạch lạc.
Trong sáng có nghĩa là dùng các từ đơn giản để người thường cũng có thể hiểu được. Tránh dùng thuật ngữ hay chữ lòng của các chuyên gia. Trong sáng cũng có nghĩa là gọn gàng. Không dùng nhiều chữ hơn cần thiết. Viết rõ rệt và tránh nói chung chung.
Đoạn mở đề sau đây là của một hãng tin châu Á viết bằng tiếng Anh xem ra có vẻ như các viên chức Bộ Thương mại viết: “Malaysia và Myanmar sắp sửa hoàn tất thỏa thuận để làm cho công cuộc buôn bán đổi chác giữa hai nước được dễ dàng hơn. Bộ Trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Rafidah Aziz tuyên bố hôm thứ năm”.
Những từ đó có nghĩa là gì? Hãy viết lại gọn gàng hơn: Malaysia và Myanmar sắp sửa hoàn tất một thỏa thuận để thúc đẩy mua bán và trao đổi hàng hóa. Bộ trưởng Thương mại Malaysia tuyên bố hôm thứ năm.
Trong sáng nghĩa là giải thích rõ các từ. Nếu bạn dùng từ “deflation” “thiếu phát” trong một bài viết về thương mại, hãy thêm câu giải thích này cho độc giả “thiểu phát là ngược lại với lạm phát, nghĩa là giá hàng hóa và dịch vụ bị tụt mạnh”.
Trong sáng nghĩa là dùng chữ ngắn và viết câu ngắn. Trong nhiều ngôn ngữ, cấu trúc chủ ngữ, động từ – tân ngữ là cách viết rõ ràng nhất cho một câu.
Thí dụ: Cảnh sát bắt ba người đàn ông hôm thứ 5
Chủ ngữ: Cảnh sát
Động từ: Bắt
Tân ngữ: Ba người đàn ông
Thí dụ : Thủ tướng sẽ đi thăm Trung Quốc.
Chủ ngữ: Thủ tướng
Động từ: Sẽ đi thăm
Tân ngữ: Trung Quốc
9/ Hoàn thiện

Bài viết của bạn không nên để thiếu bất kỳ một yếu tố quan trọng nào. Không chỉ bạn phải trả lời 5 chữ W và một chữ H, bạn còn cần phải nói chuyện với các nguồn tin chính, xem xét các văn kiện chính yếu, đi thăm những nơi then chốt.
Những yếu tố then chốt đó là gì thì tùy ở chỗ bài viết bạn nói về gì?.Thí dụ bạn viết một bài phóng sự về sự lây lan của bệnh AIDS tại Hà Nội. Nếu có một bác sĩ hàng đầu chuyên về đề tài này, bạn nên hỏi chuyện bác sĩ đó. Nếu có ai từng viết một bản nghiên cứu lớn về đề tài này, bạn nên đọc bản nghiên cứu đó. Nếu có bệnh viện điều trị phần đông cho các bệnh nhân AIDS trong thành phố, bạn nên đến thăm bệnh viện đó.
VI. 13 nguyên tắc khi viết tin

- Cố gắng đưa thông tin: ai, cái gì, ở đâu, tại sao, khi nào, như thế nào, bao nhiêu ngay trong 3 đoạn đầu tiên của tin.
- Dùng thuật ngữ chuẩn xác và không dùng từ thừa. Viết câu ngắn, từ ngắn thay vì câu dài, từ dài. Hãy rút thông tin quan trọng nhất lên câu đầu tiên của tin trong vòng 14 -20 chữ (không vượt quá 25 chữ). Hãy dùng thì chủ động thay vì bị động. 
- Nên dùng dấu chấm hết câu nhiều hơn các loại dấu khác. Dùng liên từ phù hơp ở các đầu đoạn.
- Đoạn đầu tiên của tin không vượt quá 40 từ. Ý nghĩa của mỗi đoạn là do nội dung bên trong đó, chứ không phải ở độ dài.
- Hãy sử dụng ngôn ngữ hằng ngày (dễ hiểu) không phải ngôn ngữ, thuật ngữ chuyên ngành của các chính trị gia, luật sư hay các nhà kinh tế học. Hãy giải thích một cách ngắn gọn và phù hợp những gì độc giả có thể không hiểu.
- Không được để ý kiến cá nhân chi phối nội dung tin. Không được nói độc giả nên nghĩ gì và làm gì.
- Cung cấp sớm thông tin về chức năng của (các) tổ chức mà bạn đang viết. Đây là việc của phóng viên chứ không phải của biên tập viên.
- Sử dụng càng ít từ mang tính trừu tượng càng tốt. Hãy sử dụng từ có ý nghĩa cụ thể, rõ ràng.
- Sử dụng các câu trích, dẫn (quote) một cách chính xác, đặc biệt là tít của tin.
- Hãy chú ý việc đang viết tin, bài cho trang báo nào. Các từ viết tắt có thể được chấp nhận đối với các trang bài của báo Phật giáo. Các trang tin hay bài (features) thì cần có những giải thích rõ ràng hơn.
- Đừng sử dụng từ mang tính chuyên môn trong tin, nó sẽ khiến độc giả mất tập trung và hầu hết những từ này là không cần thiết.
- Độc giả của báo Giác Ngộ là tăng, ni, phật tử nên việc đưa tin phải hết sức thận trọng để mọi người cảm nhận được những diễn biến phát triển của Phật giáo.
- Luôn để ý đến khả năng bị phản hồi, khó chịu của tăng, ni vì nội dung tin bài.

Đại đức Thích An Đạt

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp có nhân sự mới

Tin tức 15:49 22/11/2024

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp hôm 20/11 đã công bố quyết định bổ sung nhân sự Trường Trung cấp Phật học tỉnh này.

Tiền Giang: BTS H.Gò Công Tây trao quyết định thành lập Ban Quản trị đến 17 tự viện

Tin tức 07:00 22/11/2024

Ngày 21/11, tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN H.Gò Công Tây - chùa Linh Sơn (TT.Vĩnh Bình), Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức họp định kỳ, trao quyết định bổ nhiệm và thành lập Ban Quản trị 17 cơ sở tự viện trên địa bàn huyện.

Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM

Tin tức 22:17 21/11/2024

Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.

Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang

Tin tức 15:30 21/11/2024

Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.

Xem thêm