Những nàng tiên có thật giữa đời
Mỗi khi nghĩ đến những cô gái trẻ chừng tuổi con gái đầu lòng của tôi đang sống trong Trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ ấy, trong tôi lại rưng rưng xúc động, nửa vì thương, vì ngạc nhiên quá đỗi, nửa mừng vì nét đẹp của tình thương yêu thực sự hiện hữu, cảm xúc thật khó tả.
Nhưng tôi biết rõ một điều rằng, tôi khâm phục và kính trọng các cô gái, mà tôi có thể gọi họ là những nàng tiên có thật giữa đời. Bởi lòng nhân hậu của các cô, khó người thường nào sánh kịp.
Trong một lần, tôi một mình lang thang lặng lẽ quan sát khắp các góc trong Trung tâm Tâm Việt, nơi đang nuôi dưỡng, huấn luyện và giáo dục đặc biệt cho hơn 50 em tự kỷ, tôi đã chụp được một bức ảnh, một khoảnh khắc thiên thần của một cô giáo trẻ tên Nguyễn Thị Hân, khi cô đang ôm trong tay một em gái nhỏ tự kỷ, nụ cười tươi nở trên môi cô, nhưng điều khiến bức ảnh lay động lòng người, chính là ánh mắt hạnh phúc của cô giáo trẻ khi ngắm học trò đặc biệt, cũng là “đứa con” mà cô trực tiếp chăm sóc đêm ngày. Tôi cảm nhận những cái ôm nồng ấm, tình thương của cô giáo đã vượt lên trên mọi tật nguyền, trắc trở, vượt lên mọi suy tính, vượt qua cả không gian và thời gian, để trở nên bất tử.
Bức ảnh cô giáo Hân, cô giáo chăm sóc và huấn luyện đặc biệt cho trẻ tự kỷ, được tôi đưa lên mạng xã hội thu hút nhiều lượt like và bình luận. Quả là trong thời buổi khi con người quá vội vã cạnh tranh, quá mất lòng tin trong thế giới ảo, thì tình thương từ trái tim của một cô giáo trẻ với một học trò đặc biệt đã trở thành biểu tượng cứu rỗi linh hồn, trái tim chúng ta, đưa chúng ta trở lại với cuộc sống đích thực.
Ở Tâm Việt, không chỉ có cô giáo Nguyễn Thị Hân, còn có cô Lê Thị Kim Dung, cô Quỳnh, cô Hạnh,… Họ đều là những cô gái trẻ, tuổi đôi mươi, mới tốt nghiệp đại học, có cô chưa kịp tốt nghiệp cũng tình nguyện đến trung tâm vào ngày nghỉ cuối tuần để được vừa chăm sóc các em, vừa rèn luyện bản thân. Các cô ở lại trung tâm 24h/24h, bởi việc chăm sóc trẻ tự kỷ không hề đơn giản.
Một đứa trẻ bình thường ở trường được thầy cô dạy dỗ, ở nhà có bố, mẹ, ông bà chăm sóc, nhiều người xoay quanh đứa bé như vậy mà lắm khi còn khó khăn trong nuôi dạy, thì với một trẻ tự kỷ, việc đó còn khó gấp trăm lần. Chính cha mẹ, ông bà của những trẻ tự kỷ còn phải "bó tay" trong việc kiểm soát các em, thì khi đưa các em đến trung tâm, việc khó như “đi lên trời” đó lại được giao tất cả cho các thầy cô, nhất là các cô giáo trẻ. Chỉ có một tình thương lớn lao, sự kiên nhẫn phi thường, tính chịu thương chịu khó vô biên có nơi các cô giáo, cộng với một giải pháp giáo dục đặc biệt hiệu quả, thì mới giúp được trẻ tự kỷ tiến bộ từng ngày.
Ở lứa tuổi đôi mươi, trong khi các cô gái trẻ khác dành thời gian cho thời trang, son phấn, tìm kiếm bạn trai và thưởng thức vị ngọt tình yêu, thì những cô gái trẻ - những Nàng tiên giữa đời này lại tình nguyện ăn ở ngày đêm cùng các bé tự kỷ, chăm sóc từ giấc ngủ, bữa ăn cho các con, kiên tâm dạy các con từng chữ, từng lời, nhẫn nại nắn ngón tay thơ dại của con cầm được đôi đũa, ngày này qua ngày khác, đũa vẫn rơi thì cô vẫn tiếp tục nhặt lên, dịu dàng đặt lại tay con. Dạy được con cách đánh răng thôi cũng là một kỳ công quá sức tưởng tượng. Nửa đêm, có con tỉnh dậy lên cơn gào thét, đập phá điên cuồng, lúc ấy cô giáo vào vai mẹ hiền, vừa yêu thương dỗ dành con, lại vừa vào vai cô giáo nghiêm khắc, để kiểm soát hành vi bất thường của con, đưa con trở lại giấc ngủ. Không đủ để diễn tả những đêm trắng căng thẳng mà những cô giáo, mẹ hiền này phải vượt qua để giúp con cân bằng trở lại. Lúc con lên cơn động kinh, cô phải vừa bình tĩnh kiểm soát, vừa đủ kiến thức y tế, đủ linh cảm tinh tế của một người mẹ - bác sĩ để tránh con bị tai nạn và tự gây thương tích…
Không những vậy, các cô còn cần luyện giỏi những kỹ năng khó của một diễn viên xiếc, như tập đứng thăng bằng trên 3 con lăn, đi xe đạp 1 bánh, trong lúc đội chai nước cân bằng trên đầu, tung hứng 3-5-7 quả bóng. Khó đến mấy cũng phải tập để thành thục kỹ năng đó, rồi mới có thể huấn luyện cho các em tự kỷ. Nhiều em, để tập được việc cầm đũa ăn cơm đã mất cả tháng trời liên tục, thì ta có thể hiểu rằng việc các cô luyện cho các em đi được xe đạp 1 bánh, hoặc đứng cân bằng trên con lăn, là những việc “khó không tưởng”. Vậy nhưng, các cô gái tại Trung tâm Tâm Việt đang dành thời vàng son của cuộc đời mình để làm việc “khó không tưởng” ấy một cách bình thường hàng ngày.
Tại sao những cô giáo trẻ này lại có thể làm được việc phi thường đó? Họ là những cô gái lạ trong hàng triệu hàng triệu các cô gái, dám chọn cho mình một sứ mệnh lớn lao, dành thời gian quý giá của cuộc đời để chăm sóc, huấn luyện cho những trẻ tự kỷ, với kỳ vọng lạ lùng, biến các em từ những em bé đáng thương thành những tài năng phi thường. Qua tay các cô giáo trẻ này, những tài năng nhí đã tỏa sáng như những ngôi sao, đó là những cái tên Khôi Nguyên, Khánh Hưng, Triệu Khánh Su, Tony Nguyễn… đã được truyền thông tôn vinh.
Thật chạnh lòng khi những hot girl được chú ý, được truyền thông chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng, khiến họ nổi tiếng và có thu nhập khủng, trong khi những cô giáo trẻ huấn luyện trẻ tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt, hàng ngày làm những việc phi thường, đẹp đẽ, lại chẳng mấy ai quan tâm, nhưng họ vẫn lặng lẽ cống hiến như vậy, chẳng cần ghi danh, chẳng cần lương khủng, bởi chính sự tiến bộ của các bé tự kỷ, những vòng tay ôm thiết tha, nụ hôn nồng nhiệt vô tư của các bé, là những tấm huy chương vô hình, từng khắc, từng ngày trao tặng cho các cô, là niềm hạnh phúc lạ kỳ nhất, mà chỉ có những Nàng tiên giữa đời này xứng đáng có được.
Nguồn: petrotimes.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm