Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Những vấn đề cần quan tâm đến Tăng Ni trẻ trong thời đại hội nhập

Nhìn vào tình hình hiện nay, khi mà thông tin mạng đã xâm nhập sâu rộng vào đời sống sinh hoạt của Phật giáo, điều này đã chi phối và ảnh hưởng không ít đến đạo đức phẩm hạnh của một bộ phận Tăng Ni trẻ.

1. Tóm tắt

Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027, được tiến hành trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, hân hoan trước những thành tựu vượt bật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII. Đặc biệt, Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước ngày càng khởi sắc, tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển, ngày càng vững bước trên tiến trình hội nhập. Cùng với những thuận lợi nhờ được kế thừa nền tảng vững chắc mà các bậc tiền bối để lại và luôn là một khối đoàn kết nhất quán xuyên suốt các thời kỳ, điều này đã giúp cho Phật giáo Việt Nam thật sự ổn định và phát triển đồng bộ trên hầu hết các lĩnh vực qua các nhiệm kỳ. Có thể nói đây là cơ hội, điều kiện để tạo nguồn cảm hứng cho các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội và thế hệ Tăng Ni trẻ thể hiện tốt vai trò đồng hành cùng dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp, tích cực đóng góp công sức phụng sự đạo pháp và dân tộc trong giai đoạn đất nước mở cửa hội nhập, hướng đến một tương lai tươi sáng trong sự nghiệp xương minh Phật pháp.

Như chúng ta đã biết, thuận lợi và khó khăn, ưu điểm và nhược điểm luôn là hai mặt song hành trong đời sống, do vậy công tâm nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu mà GHPGVN đã đạt được, thì Phật giáo nước nhà hiện nay vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Trên tinh thần xây dựng vì sự nghiệp xương minh Phật pháp, phát triển bền vững của tổ chức GHPGVN. Do đó, điều chúng ta cần nhận thức sâu sắc ở đây là để có được những giải pháp hữu hiệu, sát với yêu cầu thực tiễn của thời đại trong nhiệm kỳ tới, song song việc phát huy những mặt tích cực thuận lợi sẵn có, thì chúng ta cần nhận diện một cách tường tận những mặt khó khăn và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và tu hành của Tăng Ni, nhất là đối với một bộ phận Tăng Ni còn trẻ tuổi. Nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương xin đóng góp bài tham luận: “Những vấn đề cần quan tâm đến Tăng Ni trẻ trong thời đại hội nhập”.

Kính thưa Đại hội!

Bất kì một tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ, thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, để một tập thể, một xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt thì không thể thiếu những tài năng trẻ. Cũng vậy, đối với Phật giáo, để ngôi nhà chính pháp được trường tồn, thì trên phải có những bậc tôn túc làm rường cột, dưới phải có hàng ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa trí dũng, tinh anh. Với nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, trong những nhiệm kỳ vừa qua đã chứng minh rằng sự đóng góp của thế hệ Tăng Ni trẻ đã tạo dựng được những thành tựu thiết thực trong công tác Phật sự. Đây là điều đáng khích lệ vì Tăng Ni trẻ có năng động hội nhập vào xã hội. Song, chúng ta cũng cần kiên quyết nhìn nhận những hạn chế, những thiếu sót còn tồn đọng trong đời sống sinh hoạt của Tăng Ni trẻ, đây chính là những thách thức cho Phật giáo Việt nam hiện nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2. Một số vấn đề cần quan tâm

Như chúng ta đã biết, truyền thống và hiện đại là hai yếu tố song hành trong đời sống, nhất là đời sống sinh hoạt tu hành mang tính đặc thù của Phật giáo. Song song đó, đời sống với những tiện nghi thời đại cũng đã giúp chúng ta thuận lợi trong sinh hoạt tu hành hoằng pháp, nhưng đồng thời nó cũng dễ lôi cuốn chúng ta vào những mục đích không thật sự cần thiết đối với một người đã xuất gia học Phật, đặc biệt là thế hệ Tăng Ni trẻ. Do vậy để kết hợp và dung hòa một cách trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại, thì đòi hỏi chúng ta cần phải nghiêm trì giới luật, nỗ lực công phu tu hành làm nền tảng trong đời sống, tức là lấy yếu tố Phật chất mang tính truyền thống của Phật giáo làm nền tảng.

Trong vai trò trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, buộc Tăng Ni phải hòa nhập vào đời sống xã hội thời đại, mà ở đó, về mặt khách quan, những tiện ích văn minh thời đại như phương tiện di chuyển, thông tin truyền thông, sự phổ biến tiện lợi của hệ thống mạng xã hội chính là những phương tiện tạo thuận lợi cho những vị tu sĩ có căn bản giới hạnh và trình độ năng lực thêm cơ hội đóng góp trí huệ tâm huyết cho Giáo hội, nhưng ngược lại thế giới vật chất dồi dào, các phương tiện vật chất quá thoải mái dễ dãi cũng chính là vật cản trên con đường tu hành của các vị Tăng Ni trẻ tuổi, ở đó luôn tiềm ẩn những nguy cơ, nhất là đối với các vị tu sĩ trẻ tuổi chưa có nhiều trải nghiệm trên con đường tu hành, điều đó sẽ dẫn đến những hệ lụy cho bản thân người tu và cho cả Giáo hội.

Nhìn vào tình hình hiện nay, khi mà thông tin mạng đã xâm nhập sâu rộng vào đời sống sinh hoạt của Phật giáo, điều này đã chi phối và ảnh hưởng không ít đến đạo đức phẩm hạnh của một bộ phận Tăng Ni trẻ. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của mặt giới hạn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn ngay trong lòng Phật giáo, chính là yếu tố con người, điều này được thể hiện, dàn trải trong đời sống tu học và sinh hoạt của một bộ phận Tăng Ni nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Một trong những thách thức mang tính khách quan của thời hội nhập mà Phật giáo cả nước phải đối mặt, đó là hiện tượng bùng nổ thông tin đa chiều, xu hướng bài xích, tuyên truyền xuyên tạc lệch lạc, trái với tôn chỉ giáo lý Phật Đà, trái với những quy định của pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều đáng nói, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn mang tính chủ quan ngay trong lòng Phật giáo, đó là nhận thức yếu kém của một bộ phận Tăng Ni trẻ thời nay, điều này được thể hiện trong lối sống xem thường giới luật và kỷ cương quy định của Giáo hội, ngày càng xa rời chí nguyện cao quý ban đầu của người xuất gia học Phật. Theo đó, cùng với sự cám dỗ của thế giới vật chất và các tiện ích thời đại mang đến, đã khiến cho phẩm hạnh đạo đức của giới Tăng Ni trẻ ngày càng xuống cấp, những hệ lụy này quả thật là rào cản không nhỏ trên bước đường phát triển chất lượng và bền vững của Phật giáo thời đại, mà đây cũng là một thách thức rất lớn mà Phật giáo phải đối mặt. Những khó khăn cũng như thách thức nêu trên quả thật là trọng trách nặng nề, mà hơn ai hết, những thành viên trong tổ chức Giáo hội nhiệm kỳ mới, chính là những người phải có trách nhiệm trước niềm tin mà toàn thể Tăng Ni Phật tử giao phó.

Chúng ta chắc chắn một điều rằng rằng, với một người trẻ tuổi, mang đầy nhiệt huyết thanh niên mà tự nguyện chọn con đường xuất gia thì họ phải có cho mình một chí nguyện vững vàng. Song, theo thời gian những chí nguyện này dần bị mờ nhạt, thậm chí xa vời với lý tưởng người xuất gia. Bên cạnh yếu tố khách quan đã đề cập, thì ngay chính bản thân mỗi Tăng Ni cũng có những nguyên nhân chủ quan đưa đến sự xa rời chí nguyện xuất gia chân chính.

Như vậy, nguyên nhân chính khiến cho một bộ phận Tăng, Ni trẻ mất phương hướng khi sử dụng mạng xã hội và sa sút trên con đường tu học, đó là bản thân không thường xuyên tỉnh thức chính niệm, không chịu rèn luyện tu dưỡng, trau dồi giới hạnh, thiếu căn bản công phu tu tập, từ đó họ chưa thật sự làm chủ bản thân, chính vì vậy họ chưa nhận thức được việc mình làm, chưa nhận thức những nguy hại nghiêm trọng của việc sử dụng mạng xã hội sai mục đích. Mặt khác, tình trạng một bộ phận Tăng, Ni trẻ mất phương hướng khi sử dụng mạng xã hội, cũng xuất phát từ việc mất thăng bằng giữa tu và học. Quan ngại hơn, một bộ phận Tăng, Ni trẻ hiện nay lại xem nhẹ vai trò của giới luật và nghi thức Thiền môn, vì cho rằng giới luật đã lạc hậu, quy củ thiền đường đã lỗi thời, không còn phù hợp với giai đoạn tiến bộ hiện nay, và mong muốn thay đổi, thậm chí bãi bỏ. Cho rằng dấn thân vào các Phật sự, công tác xã hội mới gọi là làm Phật sự, là tu tập chân chính.

Thực chất, nghiêm trì giới luật, tuân thủ thời khóa, gìn giữ oai nghi, chăm lo phạm hạnh thì chính là thừa hành Phật sự. Một tu sĩ luôn tu tập nghiêm mật, tinh chuyên như thế thì mới có năng lực phát khởi tín tâm đối với Phật tử và phát sinh tuệ giác cho hậu bối, từ đó các hoạt động Phật sự mới mang ý nghĩa hoằng hóa lợi sanh, trang nghiêm Giáo hội.

3. Các Giải pháp:

Giáo hội mà thiết thực nhất là những vị trụ trì hay các vị bổn sư cần đề cao trách nhiệm hướng dẫn cho tất cả đệ tử, những tu sĩ trẻ phải có bổn phận phải nhiếp lòng vâng giữ mọi Giới điều ngăn cấm rất mực tinh chuyên. Được vậy, chính pháp mới còn ở ngàn đời muôn kiếp không sai chạy. Bằng ngược lại, áp dụng sai lầm tức làm đảo lộn đạo giải thoát, chẳng phải kẻ chốn Thiền lâm.

Với bản thân Tăng Ni, phải ý thức được trách nhiệm trau dồi trí tuệ, cả Phật học lẫn thế học, chúng ta cần phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu hệ thống giáo lý Kinh – Luật – Luận, các giá trị truyền thống cốt lõi từ chư vị tiền bối, để vận dụng vào sở tu sở học của bản thân; kết hợp với việc hoàn thiện và nâng cao các chương trình thế học, để làm phương tiện đưa Phật giáo nhập thế, chứng minh rằng Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một hệ thống giáo dục khoa học, văn minh.

Ngoài trọng trách “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, Tăng Ni trẻ chúng ta, còn có trách nhiệm chung đối với sự phát triển Giáo hội, đất nước, xã hội khẳng định tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nếu như việc Tăng, Ni trẻ đi học những trường thế học trong thời gian trước đây luôn gây cho người đời sự ngạc nhiên, các vị tôn túc, thầy Tổ lo lắng, thì ngày nay, hình ảnh Tăng Ni trẻ xuất hiện rất nhiều trong các trường Đại học, trong các buổi sinh hoạt xã hội, thậm chí họ còn là những sinh viên xuất sắc. Đây là điều đáng phát huy vì Tăng Ni trẻ đã biết năng động hội nhập vào xã hội. Các vấn đề xã hội được Tăng Ni trẻ quan tâm, chủ động phát huy, tạo nguồn sinh khí mới, một cách nhìn mới trong môi trường giáo dục Phật giáo.

Trước dòng chảy của thời đại, chúng ta không phủ nhận những lợi ích từ nền tảng thế học và các phương tiện thông tin, mạng xã hội mang lại cho hoạt động hoằng pháp, mang Phật giáo đến gần cộng đồng trên nhiều phương diện, cụ thể như việc học tập, trao đổi Phật pháp trở nên thuận lợi hơn. Song, để vận dụng những phương tiện này vào đời sống sinh hoạt, Tăng Ni cần nâng cao ý thức là một người xuất gia, cần tự giác khép mình trong nếp sống thiền gia quy củ, tôn kính và thực hành lời Phật dạy, tìm cho mình một vị thầy hướng dẫn và một pháp môn tu tập chuẩn mực, kiểm thúc oai nghi giới hạnh, không vọng tâm theo những tham đắm, dục vọng trần tục. Cần ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của những “Sứ giả Như Lai”, mang trong mình hoài bão “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, dành nhiều thời gian cho việc huân tập giới đức, trau dồi trí tuệ, hướng đến đời sống cao thượng, chuyển hoá thân tâm, lập hạnh độ sinh để báo ơn Thầy Tổ, Đàn na tín thí.

Trong bối cảnh xã hội khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nếu chúng ta quá lạm dụng phương tiện thời đại, nhất là đối với một bộ phận Tăng Ni trẻ, chắc chắn họ sẽ ngày càng xa rời chính pháp, dần dần bị thế tục hóa và đây chính là nguy cơ tiềm ẩn trong nội tại Phật giáo. Thật ra, sự nguy hại mang đến cho chúng ta không phải ở mạng xã hội, mà là ở nhận thức của người sử dụng mạng xã hội, như vậy giải pháp nào để mạng xã hội thực sự trở thành công cụ hữu ích cho việc tu học và hoằng pháp của Tăng, Ni trẻ?

Do vậy, để xây dựng một chiến lược phát triển Giáo hội tràn đầy Phật chất, kiên cố, bền vững, dồi dào nguồn sinh lực kế thừa, thì trước mắt chúng ta cần phải tập trung công tác đào tạo Tăng tài có chất lượng cả tu và học.

3.1. Về Trí tuệ

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, phẩm 30, Đức Phật dạy: “Là người tu hành phải coi mình giống như kẻ mang cỏ khô, thấy lửa đến phải tránh, người học đạo thấy các đối tượng dục lạc phải tránh xa”, có thể nói đây là giải pháp phát huy trí tuệ hữu hiệu nhất, nhưng chỉ có thể thực hiện được khi mỗi vị Tăng, Ni trẻ nhận thức trung thực về những tồn tại nơi bản thân để sớm thức tĩnh, qua đó tự mình điều phục bản thân, khép mình trong quy củ thiền môn, giữ gìn giới luật, tinh tấn tu hành.

Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đề ra phương châm hành động “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, cho thấy tầm nhìn chiến lược trước yêu cầu phát triển bền vững và chất lượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Liên hệ thực trạng một bộ phận Tăng, Ni trẻ đánh mất mình khi đến với mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy tầm nhìn chiến lược này không chỉ ưu việt trong chiến lược vĩ mô của Giáo hội, mà còn rất tinh tế sâu sắc trong chiến lược vi mô, nhằm phát triển từng con người Phật giáo trên mọi khía cạnh sinh hoạt. Như vậy, để Tăng Ni trẻ nhận thức về những tác hại khi sử dụng mạng xã hội sai mục đích, thì yếu tố trí tuệ cần phải đặt hàng đầu, bởi đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp, trí tuệ chính là nguồn tuệ giác soi sáng con đường giác ngộ, giải thoát mà tất cả hành giả Phật môn đều phải nương theo.

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trí tuệ là yếu tố hàng đầu và căn bản cho mọi hành dụng của tu sĩ Phật giáo, không có trí tuệ mọi việc làm sẽ lệch lạc và nguy cơ dẫn đến sự phá sản đối với sự nghiệp tu hành giải thoát; khi có trí tuệ, chúng ta sẽ linh động chắc lọc và tùy duyên sử dụng các phương tiện của xã hội văn minh, mượn đó làm phương tiện tu hành và hoằng pháp để hướng đến chân trời giác ngộ, giải thoát, qua đó cho thấy, trong sự hòa nhập, Phật giáo luôn thích nghi với văn minh thời đại, không chỉ để phục vụ cho sự nghiệp tu hành giác ngộ, giải thoát mà còn hướng đến sứ mạng độ sanh cao cả.

3.2. Về Kỷ cương

Trước khi là tu sĩ chúng ta là một công dân, do vậy điều đầu tiên chúng ta phải là những công dân tốt gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật mà Nhà nước đã quy định, nhận thức được điều này Tăng, Ni trẻ sẽ tự giác chấp hành kỷ cương phép nước, cụ thể là sẽ nói “không” với những trang mạng độc hại, không sử dụng mạng xã hội khi không có nhu cầu chính đáng, điều này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội.

Tiếp đến, chúng ta là một tu sĩ, dầu ở vị trí nào trong Giáo hội thì điều đầu tiên chúng ta cũng phải tuân thủ theo Hiến chương của Giáo hội, vì đây là khuôn phép, là mực thước nói lên thái độ và tư cách của một tu sĩ, có như vậy thì kỷ cương Giáo hội mới được thực hiện. Riêng với bộ phận Tăng, Ni trẻ, trong sinh hoạt thiền môn, chúng ta phải luôn tuân thủ theo những quy định riêng của từng trú xứ, nhằm duy trì giềng mối sinh hoạt đạo pháp tại các cơ sở tự viện, đây là trách nhiệm của mỗi vị tu sĩ, sẽ giúp cho đại chúng trong tự viện luôn được hòa hợp, đoàn kết, Phật sự được hanh thông, đây là cơ sở quan trọng để nền móng Giáo hội ngày càng được củng cố, có như vậy thì kỷ cương thiền môn mới được thừa hành. Trong đời sống sinh hoạt tu học của từng thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, nhất là đối với những vị Tăng, Ni trẻ, càng đòi hỏi ở mỗi vị ý thức trách nhiệm và bổn phận của một người xuất gia đang hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát, do vậy cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện, vì đây sứ mạng cao cả của một sứ giả Như Lai, có như vậy thì kỷ cương giới luật của nhà Phật mới được duy trì và thực thi triệt để.

Thế hệ Tăng, Ni trẻ là rường cột của Phật giáo nước nhà, một khi chúng ta tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật, nghiêm túc chấp hành kỷ cương và tuân thủ giới luật, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thức về việc bổn phận phải thừa hành của một người xuất gia tu theo hạnh Phật, đồng thời cũng sẽ nhận thức về sự nguy hại khi tiếp cận, sử dụng mạng xã hội khi không có nhu cầu chánh đáng. Nếu chúng ta vận dụng trí tuệ, luôn sáng suốt trước mọi hành vi trong đời sống, đồng thời chấp hành kỷ cương Giáo hội và tuân thủ giới luật với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tức là chúng ta không những thăng hoa trên con đường đạo pháp, mà còn chung tay góp sức một cách đắc lực nhất trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, cũng như sự nghiệp phát triển ngôi nhà Giáo hội một cách bền vững.

3.3. Về Giáo dục tự viện học

Từ bao đời nay, ngôi chùa luôn có chức năng giáo dục đạo đức và hướng dẫn tu tập hướng về đời sống tâm linh cho quần chúng Phật tử và nó trở thành truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, lịch sử dã chứng minh, bất luận thời nào, dù chùa nhỏ hay lớn cũng đều có chung một mục đích là chuyển tải những thông điệp giác ngộ giải thoát và những điều chân thiện mỹ đến với mọi người, thực tế cho thấy có những ngôi chùa đã biến thành một ngôi trường, những lớp gia giáo mọc lên không chỉ để dạy cho người xuất gia mà còn khuyến khích con em trong làng đến lớp, chính truyền thống giáo dục tại tự viện đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh bao thế hệ con người, góp phần to lớn trong việc giáo dục cộng đồng, xây dựng nếp sống đạo đức chân thiện cho con người trong mọi hoàn cảnh xã hội.

Ngoài phương cách giáo dục truyền đạt kiến thức Phật học và thế học thông qua các lớp gia giáo, thì truyền thống giáo dục tại tự viện cũng đã được thể hiện một cách sâu sắc qua việc thể hiện Thân giáo – Khẩu giáo – Ý giáo của vị thầy bổn sư tại các tự viện đối với chúng điệu trong chùa, trong cách giáo dục này, người xuất gia trẻ tuổi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vị thầy bổn sư của mình. Do quan niệm “Giáo bất nghiêm, sư chi noạ” nên các bậc sư phụ rất có trách nhiệm với hàng đệ tử của mình, chính vì vậy mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của các ngài đều luôn chuẩn mực, đúng là như vậy, thân giáo của thầy, từng cử chỉ đi đứng ngồi nằm của thầy đều là bài học sống động về giới luật cho hàng đệ tử chúng tôi noi theo, cho nên phải nói là giáo dục truyền thống tự viện của Phật giáo rất căn cơ và hiệu quả, tạo nền móng căn bản rất vững chắc cho hàng hậu học trên con đường giác ngộ giải thoát, qua đây chúng ta phải ý thức rằng, trong môi trường giáo dục Phật giáo, thì việc vị thầy bổn sư tận tâm dạy dỗ, nuôi dưỡng hạt giống giác ngộ giải thoát ngay từ khi còn là chú điệu ở chùa là rất quan trọng, từ nhận thức này, chúng ta nên có quan niệm truyền thống giáo dục Phật giáo là giáo dục tu hành, không chỉ bao hàm mà còn vượt lên trên cả giáo dục nhân cách đạo đức và truyền đạt kiến thức.

Trong quy củ thiên môn, mọi sinh hoạt của tu sĩ Phật giáo, từ thời khóa công phu tu tập hằng ngày, chấp tác, nghỉ ngơi, cho đến ăn mặc, đi đứng, nói năng… đều được thực hiện theo Giới và Luật một cách nghiêm túc, đó là nề nếp căn bản trong sinh hoạt mang tính truyền thống của tu sĩ mọi thời đại; Giới là những điều được quy định cụ thể trong từng phần giới dành cho những vị tu sĩ đã thọ giới, và Luật được cụ thể hóa trong “Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu” tức là những điều thiết yếu của Giới và Luật được ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, qua đó chúng ta sẽ nhận thấy nơi mỗi hành vi, việc làm của người xuất gia, mỗi mỗi đều không lìa tâm tỉnh giác, nhất cử nhất động của người xuất gia đều ở trong tỉnh thức chính niệm, đặc biệt sau mỗi bài kệ đều gắn liền với câu chú nhằm chú nguyện cho tất cả chúng sanh được thoát khổ, hướng về nẽo giác.

4. Hiệu quả và bền vững của truyền thống giáo dục tại tự viện

Trong công tác giáo dục Phật giáo thì truyền thống giáo dục căn bản tại cơ sở tự viện rất quan trọng đối với tất cả những người xuất gia ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào chùa cho đến khi trưởng thành trên con đường tu hành và hoằng pháp lợi sinh.

Truyền thống giáo dục tại tự viện chính là nền tảng căn bản cho mọi chương trình giáo dục từ các lớp Sơ cấp, Trung cấp cho đến cấp Đại học trong hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay, vì thực tế cho thấy đối với các Tăng Ni sinh nếu được hấp thụ tốt nền giáo dục căn bản từ sự giáo huấn của thầy Tổ thì đều có phẩm hạnh và tinh thần học tập rất tốt, ngược lại đối với một bộ phận Tăng Ni trẻ thiếu căn bản giáo dục theo truyền thống tại tự viện thì gần như có phần yếu hơn về các mặt, ngoại trừ một số vị có phẩm chất đặc biệt.

Chúng ta có thể nói rằng, giáo dục truyền thống ở tự viện là giáo dục về giới đức, giáo dục về sự chính niệm và tỉnh thức, đó là nền tảng của giáo dục tâm linh với mục đích hướng người xuất gia đến sự tu hành giải thoát, nói gọn hơn thì giáo dục truyền thống ở tự viện là nền giáo dục hướng nội, nó đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục đào tạo Tăng tài. Trong nền giáo dục hướng nội này, vị thầy bổn sư đóng một vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ hàng đệ tử xuất gia thọ trì giới luật ngay từ khi họ mới bước vào chùa, các thầy là người trực tiếp dìu dắt các đệ tử trên con đường tu học từ thuở thiếu thời cho đến khi các ngài viên tịch mới thôi. Có thể nói rằng dây là nền tảng giáo dục cốt yếu của Phật giáo, đa phần những bậc Tăng tài xuất chúng của Giáo hội hiện nay đều thọ giáo từ một nền giáo dục truyền thống rất căn bản tại các tự viện do quý ngài bổn sư chỉ giáo.

Nền giáo dục truyền thống tại tự viện lấy giới – định – huệ làm căn bản và luôn đặt mục tiêu giác ngộ giải thoát lên hàng đầu, lại được sự tận tình giáo dưỡng uốn nắn của Thầy Tổ từng chi tiết nhỏ nhặt, qua đó cũng thể hiện trách nhiệm của vị Thầy đối với đệ tử, nhờ đó mà môi trường giáo dục tại tự viện, tuy không quy mô, khuếch trương, nhưng sự thật lại là cái nôi tôi luyện, đào tạo người xuất gia thành những bậc pháp khí cho Phật giáo để cống hiến cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Giáo hội trong từng giai đoạn lịch sử.\

5. Tạm kết

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay thời đại nào, Giới Luật vẫn luôn là khuôn mẫu để đảm bảo một đời sống phạm hạnh thanh cao, duy trì nền tảng đạo đức. Con người dù sống trong gia đình hay ngoài xã hội, dù sinh hoạt trong một đoàn thể hay tổ chức, dù quốc gia này hay quốc gia khác, bất kể thể chế chính trị nào cũng đều phải có những quy tắc, những luật lệ mang tính quy phạm nhằm ổn định trật tự an ninh, xây dựng đời sống bình đẳng, lành mạnh, hạnh phúc cho con người. Tuân thủ những quy tắc, luật lệ chung chính là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với toàn thể cộng đồng, xã hội đây là sự cộng hưởng đem lại quyền và lợi ích thiết thực cho cả con người, tổ chức và xã hội.

Nhờ vào sự hành trì giới luật tinh nghiêm mà Tăng đoàn của Đức Phật đã tồn tại xuyên suốt hơn 25 thế kỷ qua, hình thành một nếp sống phạm hạnh, thánh thiện và tỉnh giác; nhờ đó giúp Tăng Đoàn trở thành một tổ chức hòa hợp, thanh tịnh và bình đẳng hơn bất kỳ một tổ chức nào, tạo điều kiện thúc đẩy lộ trình tu tập của mỗi tu sĩ đạt đến kết quả tối ưu nhất, trở thành tấm gương mô phạm cho mọi đoàn thể và tổ chức trong xã hội. Chính Phật giáo đã làm đẹp cuộc đời và hiển bày cho nhân loại con đường hạnh phúc đưa đến giác ngộ giải thoát. Mặt khác, tinh thần Phật giáo là: “Bình đẳng”, “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tính” cho nên giữa Phật pháp và thế gian tuy hai mà một, không hề có ranh giới cách biệt. Nó được thể hiện rõ nét ở mỗi Tăng Ni – những tấm gương sáng truyền tải giáo lý Phật Đà tới tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Chính vì thế, trong thế giới hiện đại, những người con Phật khi mang trên mình vai trò và sứ mệnh nhập thế, dấn thân vì lợi ích tha nhân, đóng góp cho xã hội thêm ổn định, văn minh, tiến bộ thì càng phải nghiêm túc hành trì giới luật và tuân thủ đời sống phạm hạnh, luôn làm tròn trách nhiệm của một hành giả xuất gia, mang ánh sáng Phật pháp cùng chia sẻ yêu thương đến với nhân loại và hòa mình vào sự tiến bộ của thế giới, nhưng vẫn đảm bảo được sự chính niệm tỉnh giác không tha hoá nhờ vào sự hành trì chuẩn mực giới luật một cách tinh nghiêm.

Từ những nhận định trên, Đại Hội kỳ IX của GHPGVN đề ra chủ đề “Kỷ cương, Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” đây là định hướng mang tầm chiến lược phát triển, đồng thời khẳng định, nêu cao giá trị căn bản của nền tảng giới luật, kỷ cương, trách nhiệm, nhằm hướng đến sự ổn định và phát triển GHPGVN đầy Phật chất và ngày một xương minh, thạnh mậu. Do vì, xã hội không ngừng vận động và phát triển, trình độ dân trí ngày cao hơn, bên cạnh đó, đạo đức lại đang bị các giá trị vật chất làm cho mai một, lấn át các giá trị nguyên bản, truyền thống. Do vậy, điều xã hội rất cần là những con người có đạo hạnh và trình độ thực sự, biết thức tỉnh lòng người, biết cảm thông và chia sẻ, biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của cộng đồng… Đây chính là vai trò và trách nhiệm của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể Tăng Ni Phật tử. Trên cơ sở này, chúng ta được quyền tin tưởng Đại hội Đại biểu GHPGVN khoá IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027, sẽ là một Đại hội của nền tảng trí tuệ để hoàn thành bốn yếu tố mà Đại hội đã đề ra “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Gốc rễ của chiến tranh

Giáo hội 18:24 30/10/2024

Thật là vinh hạnh lớn lao cho tôi khi được tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc luôn hướng tới mục tiêu cao quý vì nhân loại.

Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Giáo hội 17:41 24/10/2024

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký quyết định chính thức bổ nhiệm Bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cứu trợ bão lũ: Đức Pháp chủ kêu gọi người có ít đóng ít, người có nhiều đóng nhiều

Giáo hội 18:17 16/09/2024

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sáng 16/9 đã phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phía Bắc.

Ban TT-TT Tiền Giang sản xuất gần 1.000 tin bài, hơn 500 video mỗi năm

Giáo hội 17:22 24/07/2024

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin Truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi Phật sự và truyền bá Chánh pháp.

Xem thêm