Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tăng Ni trẻ với Phật giáo vùng cao

Công tác Hoằng pháp trong thời hiện đại cần phải chắt lọc chọn lựa phù hợp với tôn chỉ của Phật đà, góp phần đẩy bánh xe chính pháp làm thanh tịnh hóa cuộc đời.

tham-luan-63-copy

Hòa chung trong không khí hoan hỷ của người con Phật khắp cả nước đang tinh tiến lập nhiều thành tích trong công tác Phật sự để chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Trong niềm hoan hỷ đó con xin thay mặt cho Ban trị sự GHPG VN tỉnh Yên Bái, mạn phép chư tôn Đức có đôi lời kiến giải tham luận với chủ đề “Tăng Ni trẻ với Phật giáo vùng cao”.

Lời đầu tiên, con xin được kính chúc Chư tôn đức Giáo phẩm, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị Đại biểu khách quý, quý đạo hữu Phật tử thân khỏe tâm an, vạn sự cát tường. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể Đại hội!Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm trưởng thành và phát triển, luôn khẳng định vị thế của mình trong lòng xã hội với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Trong đó, Yên Bái là một tỉnh trực thuộc vùng Tây Bắc, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía chính quyền địa phương và Trung ương Giáo hội, năm 2007 đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, tính đến nay đã là nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo lần thứ III.

Ngay sau khi thành lập, GHPGVN tỉnh Yên Bái chủ trương trẻ hóa lực lượng Tăng Ni là trọng tâm hàng đầu. Bởi vì con người là yếu tố quyết định sự thịnh suy của tổ chức Giáo hội, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những xung đột, khủng bố, chiến tranh, khủng hoảng môi trường sinh thái, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống và cấu trúc truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau phát huy những giá trị cốt lõi của Đạo Phật nhằm góp phần giải quyết những thách thức, vấn nạn toàn cầu.

Hiện tại, Phật giáo tỉnh Yên Bái có bước phát triển mạnh mẽ trên những thành quả được kế thừa. Các di tích, cơ sở thờ tự đang trên đà khôi phục và phát triển do phần lớn lực lượng Tăng Ni trẻ xác định rõ vai trò của mình, dấn thân vào công tác Phật sự vùng cao. Việc xuất gia, thụ giới, tu học của Tăng Ni cũng được cải thiện, đặc biệt là sự giác ngộ của một số vị đồng bào dân tộc thiểu số đã phát tâm xuất gia nguyện hộ trì, hoằng dương chính pháp. Đây là dấu ấn về sự vươn xa và có chiều sâu của công tác truyền bá Phật pháp đi vào mọi giai tầng xã hội, thể hiện rõ tính bình đẳng của Phật giáo.

Phát triển cơ sở Phật giáo vùng sâu vùng xa luôn là trọng tâm mà chư Tôn đức tiền bối trăn trở. Mục tiêu đẩy mạnh kết nối, xóa nhòa khoảng cách về mặt địa lý, Giáo hội tập trung củng cố tổ chức Tăng sự, phổ biến quy chế hoạt động; các Nghị quyết, Thông tư, Thông bạch của Giáo hội được triển khai thường xuyên để mỗi Tăng Ni, tự viện nhận thức rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, việc sinh hoạt, tu học của Tăng Ni dần đi vào nền nếp, ổn định phát triển theo định hướng của GHPGVN, tạo ra bước tiến tích cực trong mọi hoạt động. Tăng Ni được Giáo hội đảm bảo về tư cách pháp nhân, được hướng dẫn sinh hoạt theo quy định, hưởng quyền lợi nơi trụ xứ: tự do sinh hoạt Phật giáo theo Hiến chương, an cư hàng năm trong mỗi mùa hạ, tu học theo chương trình cơ bản tại các trường Phật học. Ý thức, trách nhiệm của Tăng Ni cũng được nâng cao, tạo ra nguồn nhân lực với phương châm “chất lượng hơn số lượng”, trau dồi đầy đủ ba thế mạnh “tâm lực, trí lực, thể lực” vững chãi cho việc hành đạo, và luôn đặt mình vào khối đại đoàn kết phụng sự và xây dựng tổ chức Giáo hội.

Phật giáo Yên Bái cũng làm tốt việc thuyên chuyển, bổ nhiệm Tăng Ni trụ trì, tu học và hành đạo theo đúng quy định của pháp luật, Hiến chương và Nội quy của Giáo hội; sẵn sàng tiếp nhận tất cả các Tăng Ni có năng lực, phẩm hạnh, có ý chí mạnh mẽ tự nguyện dấn thân xây dựng đạo pháp tại Yên Bái và được đào tạo bài bản ở môi trường giáo dục phổ thông, đại học chuyên ngành và chương trình đào tạo trong môi trường Học viện Phật giáo; tăng cường chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với những thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta.

Việc cơ cấu nhân sự Tăng Ni trẻ vào các vị trí chủ chốt của Ban trị sự cũng như tham gia các ban ngành trong hệ thống chính quyền các cấp, không chỉ được đặt ra ở nhiệm kỳ này mà ở những nhiệm kỳ trước, chư Tôn túc đã từng lưu tâm, quyết liệt trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo để chuẩn bị những lớp kế thừa. Cơ cấu trẻ để bảo đảm độ tuổi làm việc năng động chiếm trên 50%, giúp hoạt động Phật sự mang tâm thế tích cực hơn trong thời đại mới.

Hơn nữa, nhận thức được rằng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa thì cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cho nên chúng con, những người mang trong mình lý tưởng dấn thân vào những vùng biên địa, luôn chú ý đến việc truyền bá đạo hiếu theo tinh thần Phật giáo vào những ngày đại lễ Vu Lan, Phật Đản, Tết cổ truyền… để giúp họ cảm nhận được “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Vì niềm tri ân và báo ân ấy đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt từ rất lâu đời.

Trong xu thế chung, tại các chùa, tự viện cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu dành cho Phật tử ở mọi lứa tuổi. Các khóa tu Một ngày an lạc, Bát quan trai… quy tụ rất nhiều tín đồ về tham dự. Con số luôn ổn định tùy theo cơ sở tự viện lớn nhỏ, thuận tiện cho việc hướng dẫn sinh hoạt đúng chính pháp, nâng cao đời sống tinh thần cũng như đời sống tâm linh của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển an sinh xã hội. Những nhóm tu học của các bạn trẻ cũng được chư Tôn đức quan tâm tạo điều kiện để phát triển, bồi dưỡng nhận thức và ý thức trách nhiệm cao cả của mình trên nhiều phương diện đời sống, nhằm tạo ra lực lượng kế thừa trong tương lai.

Cùng với tâm nguyện chia sẻ những khó khăn của bà con dân tộc thiểu số, sưởi ấm những mùa đông giá buốt, lúa trên các nương rẫy khô cằn sỏi đá được thu hoạch từ lâu, trong khi bồ thóc nhà nào cũng vét đến hạt cuối cùng, cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bởi vậy, các chương trình từ thiện liên tiếp diễn ra trên khắp địa bàn, dưới sự chỉ đạo từ các tự viện, kết hợp cùng các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp với nhiều phần quà phù hợp có giá trị lớn. Mặc dù giao thông phức tạp, địa hình hiểm trở, nhưng các đoàn từ thiện mang trong mình nhiệt huyết đem lại giá trị nghĩa tình và gắn kết tình đồng đạo, đồng bào mà không nề gian khổ.

Để ngưỡng nguyện anh linh các anh hùng liệt sĩ hãy tu tập giải thoát và cùng với hồn thiêng sông núi tiếp tục bảo vệ non sông gấm vóc cho các thế hệ con cháu, dựng xây phát triển thành một đất nước văn minh, sánh vai cùng bạn bè năm châu thế giới, Tăng Ni trẻ chúng con cũng luôn nhất tâm, định kỳ tổ chức các buổi cầu siêu, thắp nến tri ân với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo bà con nhân dân tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ.

Đó là dịp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, tôn vinh, cổ vũ, động viên tinh thần đối với sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Chiến công và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành bất tử, tạo nên bản hùng ca khắc ghi vào lịch sử. Hồn thiêng đó tiếp dẫn, chứng minh cho tấm lòng của hậu thế dâng lên các anh, các anh nằm xuống nhưng Tổ quốc đứng lên, xương máu các anh đổ xuống cho cuộc sống nở hoa thành sông, thành núi, thành những công trình, những đường đi và thành tình yêu thương hạnh phúc. Nối tiếp chí nguyện của các anh, đạo và đời luôn đồng hành để giữ gìn đất nước này, vì một xã hội bền vững, dựng xây đạo Pháp dân tộc ngày càng trường tồn và phát triển.

Tiếp đó, mạnh mẽ bài trừ mê tín dị đoan, gỡ bỏ những hủ tục, đậm tính bản địa đã bám chặt gốc rễ trong tiềm thức của không ít số người dân địa phương, hướng tới một đời sống tâm linh văn minh, nâng cao sức đề kháng, tránh hệ lụy xấu cho xã hội.

Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo, đặc biệt là lớp Tăng Ni trẻ được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Bên cạnh đó, Yên Bái là vùng đất nổi tiếng với những danh thắng tuyệt đẹp, lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân gian. Với lợi thế như vậy, để từng bước đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh gắn với hoạt động du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện quy hoạch xây dựng các khu quần thể văn hóa tâm linh xứng tầm, kích thích nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân, tạo ra luồng sinh khí mới cho mảnh đất này. Đây là nhiệm vụ, là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử có thêm nơi tu học, Phật giáo có thêm sự phát triển vững chắc trong lòng dân tộc, người dân Yên Bái hiểu biết thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước đang hiển hiện nơi quê hương mình.

Những cống hiến như đã nói trên đây đã tạo cho Phật giáo Yên Bái một cơ hội mới, nhưng đồng thời cũng gặp không ít khó khăn vì Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo đang trên đà phát triển. Tăng Ni, cơ sở thờ tự còn ít, thiếu quỹ đất dành cho tôn giáo, nhiều phế tích chưa được phục hưng. Mặt khác, còn có tình trạng số ít tu sĩ ngoại tỉnh đến gieo duyên Phật pháp, làm từ thiện mang tính chất cá nhân tự phát, không thông qua tổ chức Giáo hội, khiến cho các cấp lãnh đạo khó kiểm soát công tác Phật sự.

Với những thách thức đó, con đường trước mắt còn không ít chông gai. Tăng Ni trẻ còn non nớt về mặt kinh nghiệm ở mọi khía cạnh, chỉ có lòng nhiệt huyết hứa hẹn sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo. Việc truyền bá văn hóa Phật giáo không những thực hiện đúng theo tông chỉ và mục đích của chính pháp, mà còn được vận dụng một cách “khế lí, khế cơ, khế thời và khế xứ” vào hiện thực cuộc sống trên hai phương diện lý thuyết và thực hành. Cần kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ để mọi lĩnh vực trong đời sống đều có bước nhảy vọt, xu thế toàn cầu hoá thể hiện ngày càng rõ nét. Điều kiện đó đòi hỏi Tăng Ni phải hết sức năng động, nhanh nhẹn nắm bắt vấn đề trong cuộc sống hiện tại, cần rút kinh nghiệm thực tiễn để có hướng đi bền vững, thực tế trong tương lai.

Công tác Hoằng pháp trong thời hiện đại cần phải chắt lọc chọn lựa phù hợp với tôn chỉ của Phật đà, góp phần đẩy bánh xe chính pháp làm thanh tịnh hóa cuộc đời. Bản thân người viết tham luận đưa ra những kiến nghị như sau:

1. Trung ương GHPGVN nói chung, Phật giáo Yên Bái nói riêng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn Nhân lực – Tài lực và Vật lực. Đồng thời giao phó và động viên những Tăng, Ni trẻ sau khi tốt nghiệp các trường Phật học, trang bị cho họ đầy đủ những tư cách về pháp nhân, pháp lý. Đây sẽ là thành phần nòng cốt để hoằng pháp ở tỉnh nhà.

2. Vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số cho đến hiện nay đời sống kinh tế của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực trạng này, Tăng Ni trẻ cũng như các nhà hảo tâm cần kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân… đẩy mạnh việc công tác từ thiện xã hội, mở các lớp học tình thương, và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu về văn hoá tín ngưỡng, tạo thành thế vững song song với Hoằng pháp.

3. “Tre già thì măng mọc” là quy luật kế thừa, chú trọng vào lớp Tăng Ni và cư sĩ trẻ. Lớp “măng mọc” cũng cần có hàng lối, cần được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng đẹp và có ích cho đạo và đời. Nên tiến hành tổ chức các lớp học Phật pháp, tạo thêm sân chơi cho các em thanh thiếu niên đan xen và kết hợp bản sắc văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo để thu hút tuổi trẻ đến với đạo Phật.

4. Áp dụng triệt để khoa học công nghệ trong công tác hoằng pháp, theo kịp xu hướng của thời đại. Tôn giáo, tín ngưỡng không cạnh tranh với khoa học mà bổ sung cho khoa học ở một điểm mà khoa học chưa thể giải thích được, đó là niềm tin, yếu tố tinh thần.

Nhìn chung, phát triển các cơ sở vùng sâu vùng xa luôn có những khó khăn chủ quan và khách quan nhất định. Tuy nhiên, với quyết tâm lấp đầy những vùng trắng Phật giáo còn lại của tỉnh đã giúp chư Tôn đức lãnh đạo tiếp thêm sức mạnh cho lớp trẻ. Tăng Ni trẻ ngoài việc trang bị tư lương cho mình, rất cần sự trợ duyên, giúp đỡ của Giáo hội các cấp, các Ban ngành trực thuộc. Mục tiêu không những đáp ứng nhu cầu tu học, tín ngưỡng của Phật tử, người dân mà đó còn là trách nhiệm kế thừa mong muốn ấp ủ thực hiện của các vị lãnh đạo Giáo hội tiền bối. Quý Ngài có những biện pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để Tăng Ni trẻ chúng con có thêm nghị lực, niềm tin, để dấn thân về vùng sâu vùng xa, hoằng dương chính pháp, lợi lạc hữu tình, để tiếp nối phát huy các bậc tiền nhân và khắc ghi lời dạy cao quý của Đức Thế Tôn: “Này các Thầy Tỷ khiêu, hãy ra đi mỗi người mỗi ngã, để truyền bá chính pháp, vì lợi ích cho quần sinh, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.

Tỉnh Yên Bái vẫn còn rất nhiều xã vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, đời sống vật chất còn thiếu thốn, nên trong đại hội này tôi xin thành tâm kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn nữa tới tỉnh Yên Bái, cũng như tha thiết kính thỉnh chư Tôn Đức Tăng Ni trẻ phát Bồ Đề tâm về vùng Tây Bắc để hoằng dương chính pháp.

Trong giới hạn của bài tham luận này, thời gian không cho phép con xin được dừng tham luận tại đây. Với kiến thức còn nông can, hạn hẹp, kính mong sự thương tưởng chỉ giáo của chư Tôn Đức Tăng Ni, cũng như các bậc thiện tri thức để bài tham luận của chúng con được hoàn chỉnh hơn.Một lần nữa, con thành tâm đỉnh lễ kính chúc chư Tôn Đức Hòa Thượng , chư Thượng Tọa, Ni Trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni thân tâm an lạc, đạo thọ miên trường. chúc quý vị đại biểu khách quý, cùng Phật tử thân khỏe tâm an. Chúc đại hội thành công viên mãn./.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Yên Bái

Tham luận báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX (2022-2027)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Gốc rễ của chiến tranh

Giáo hội 18:24 30/10/2024

Thật là vinh hạnh lớn lao cho tôi khi được tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc luôn hướng tới mục tiêu cao quý vì nhân loại.

Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Giáo hội 17:41 24/10/2024

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký quyết định chính thức bổ nhiệm Bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cứu trợ bão lũ: Đức Pháp chủ kêu gọi người có ít đóng ít, người có nhiều đóng nhiều

Giáo hội 18:17 16/09/2024

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sáng 16/9 đã phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phía Bắc.

Ban TT-TT Tiền Giang sản xuất gần 1.000 tin bài, hơn 500 video mỗi năm

Giáo hội 17:22 24/07/2024

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin Truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi Phật sự và truyền bá Chánh pháp.

Xem thêm