Ni sư Diệu Nhân: Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam
Ni sư Diệu Nhân là đệ tử của Thiền sư Chân Không nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi; là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội triều dã, công đức sánh ngang với hàng Tăng chúng; xứng danh là vị Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Chân dung từ bi
Ni sư Diệu Nhân là ai?
Ni sư Diệu Nhân thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương - Lý Nhật Trung (con trai vua Lý Thái Tông). Bà thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nhận làm con nuôi, nuôi dạy trong cung từ nhỏ.
Đến tuổi trưởng thành, vua đem gả cho người họ Lê làm châu mục châu Chân Đăng. Chồng chết, bà không chịu tái giá, bèn xuất gia tu Phật. Được Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) ở hương Phù Đổng nhận làm đệ tử, đặt pháp danh, thụ Bồ tát giới, trao truyền tâm ấn, trở thành người nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Sau khi xuất gia bà dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, chuyên chú học hỏi những điều tâm yếu của Phật pháp. Được Thiền sư Chân Không đưa đến trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới đương thời.
Ngày 01 tháng 06 năm Quý Tỵ, niên hiệu Hội Tướng Đại Thánh thứ tư (tức ngày 15 tháng 7 năm 1113), thị tịch, thọ 72 tuổi để lại một bài kệ 7 câu 28 chữ có ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng Phật học sâu sắc.
Ni sư Diệu Nhân và Nguyên Phi Ỷ Lan là hai vị Ni - Nữ Phật tử nổi tiếng thời Lý, góp phần tích cực cho Phật giáo thời Lý phát triển rực rỡ và làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam.
Ni sư Diệu Nhân cùng bài kệ Thị tịch
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, vị thiền sư ni đầu tiên, người trưởng lão ni tuyệt vời, còn lưu lại bài kệ thị tịch, những lời nói sau cùng, những lời nhắn bảo cuối cùng, những lời nói thật, gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, thức tỉnh chúng ta trên dòng sinh tử, để lại dấu ấn đậm sâu, thắm đượm mãi trong lòng người đến tận hôm nay và mai sau. Ni Sư Diệu Nhân, và cũng là vị nữ sĩ ban đầu trong nền Văn Học Việt Nam. Dù chỉ một bài thi kệ, nhưng với một bài thôi, một lời thôi, những lời nói như nhiên, tự nhiên, những xác quyết rõ ràng về nguyên lý chân thật của kiếp người. Chừng đó, chỉ chừng đó, với chừng đó, cũng đủ bặt ngôn trọn ý, phủ trùm lên cõi tử sinh vô tận, đong đầy kín lối nẽo nhân gian, đưa đường dẫn lối chúng ta, từ sông mê bể khổ, tìm về bờ giác.
Ngôn hạnh đoan trang, thuần hậu, bà được vua gả cho người họ Lê, không rõ tên, làm quan Châu Mục ở Chân Đăng, chồng mất bà thủ tiết không chịu tái giá. Một hôm bà nói: “Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?”
Từ đó bà đi xuất gia, thọ giới với thiền sư Chân Không ở làng Phù Đổng, được thiền sư ban cho pháp danh Diệu Nhân, một bậc mẫu mực đức độ trong Ni chúng thời ấy. Vào ngày mồng một tháng sáu năm Hội Trường Đại Khánh thứ 4 (1113) đời vua Lý Nhân Tông, một hôm sư lâm bệnh gọi Tăng chúng đến đọc bài kệ thị tịch, sau đó sư tắm gội sạch sẽ, rồi ngồi kiết già viên tịch, thọ bảy mươi hai tuổi.
Dưới đây là bài kệ:
“Sinh, lão, bệnh, tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phọc thiêm triền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền, Phật bất câu
Uổng khẩu vô ngôn.”
Dịch:
Sinh, lão, bệnh, tử
Lẽ thường tự nhiên
Muốn cầu thoát ly
Càng thêm trói buộc
Mê, mới cầu Phật
Hoặc, mới cầu Thiền
Chẳng cầu Thiền, Phật
Mím miệng ngồi yên.
Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch, Thiền Uyển Tập Anh, trang 235. Trong sách Thiền Sư Việt Nam, Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch bài kệ thị tịch, trang 163 như sau:
Sanh già bệnh chết
Xưa nay lẽ thường
Muốn cầu thoát ra
Mở trói thêm ràng
Mê đó tìm Phật
Lầm đó cầu thiền
Phật, thiền chẳng cầu
Uổng miệng không lời.
Từ cô công chúa đến Thiền sư, từ nữ nhi cao sang quyền quý đến bậc xuất trần, một bước nhảy tâm linh cao tột, như đường tơ kẽ tóc, như nhát kiếm chém phăng vào dòng nước không để lại dấu, cánh nhạn vượt trời không, lặng thinh phổ cập, một sự đến đi trong vô cùng không tận, không nghĩ chẳng bàn. Đọc bài thơ trên, chiêm nghiệm từng lời từng chữ, mỗi câu mỗi chữ là cả một sự đánh động vào tâm thức, thấm sâu lắng đọng, một sự đập thẳng dội mạnh vào tâm ý, sự khẳng định xác quyết về chân lý như thật, sự có mặt của tướng trạng, sự biến đổi của vô thường, chặng đường sanh lão bệnh tử của kiếp nhân sinh, là sự hẳn nhiên, điều tự nhiên, là lẽ thường.
Nhìn từ bình diện tỷ giảo, thước đo tâm thức, so sánh đối thoại, thì thấy như vậy, có cảnh có người, có sinh có tử, có khổ có đau, và cũng vậy có sanh nên mới có tử, có thân ắt có bệnh, có già đương nhiên phải có chết, không gì khác hơn. Ở khía cạnh tâm linh giác ngộ, nhận biết bản thể như thật của các pháp, thì không có tướng trạng, năng sở, đến đi, sanh diệt, còn mất, già chết, một sự thường hằng phổ cập, bất sinh trong sự sinh diệt, chân thường trong cõi vô thường, an bình trong sự biến động.
Sinh, lão, bệnh, tử, là danh từ trong nhà Phật, không phải sản phẩm của Đạo Phật. Đó là nguyên lý tự nhiên, lẽ thường, vốn như thế, sẵn như vậy, có như vậy, và như vậy, không gì có thể làm thay đổi, không ai có thể mặc cả trả giá, vì là như vậy, chỉ có vậy, nên phải như vậy, chỉ vậy mà thôi. Bài thơ ấy, lời thơ ấy, thi kệ ấy, khiến ta nhìn thẳng, trực nhận thẳng vào thực tại, sáng tỏ trên dòng nhân sinh, hòa nhập với quy luật tự nhiên, hẳn nhiên của kiếp người, đất trời thi nhau phổ nhịp, thuận theo duyên theo, những nổi trôi đẩy đưa, vươn lên thoát khỏi thân phận mong manh, thong dong về miền xa thẳm, cuốn hút ở trời không, phổ giai điệu lên từng cung bậc, mở ra phương trời lắng đọng, một cõi thênh thang rộng mở.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm