Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Lời người dịch: Tôi vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ấn Độ Kishan Reddy trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về văn học (Vidya Varidhi) của Đại học Nalanda Mahavihara năm 2023 cùng với GSTS. Angaraj Chaudhary, lúc đó 88 tuổi và GSTS. Sanghasen Singh, 92 tuổi). Sau đây là bản dịch của tôi về lá thư của GS. Chaudhary cảm nhận về TLHT. Thích Minh Châu:
Tôi biết Ngài Thích Minh Châu từ tháng 2 năm 1959, khi tôi bắt đầu giảng dạy tại trường Nava Nalanda Mahavihara với vai trò giảng viên môn tiếng Anh. Là giảng viên tiếng Anh, tôi phải dạy tiếng Anh cho các sinh viên nước ngoài đến từ các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Nhật Bản, và đa phần họ là các tu sĩ. Trước đây, tôi chưa từng gặp nhiều tu sĩ Phật giáo mặc y phục màu vàng cam như vậy trong đời. Đó là thế giới hoàn toàn mới đối với tôi. Vào thời điểm đó, Nalanda tràn ngập các vị tu sĩ như thế.
Giáo sư Satkari Mookerjee – Viện trường đương nhiệm của Nava Nalanda Mahavihara, một ngày nọ đã giới thiệu tôi với một tăng sĩ khác đến từ Việt Nam. Ngài ấy là Thượng tọa Thích Minh Châu. Ngài được bổ nhiệm làm giảng viên Pali tại đó. Lần đầu tiên trong đời, tôi được giới thiệu với vị tăng sĩ Phật giáo, và thật sự, tôi không biết phải bày tỏ sự kính trọng như thế nào đối với vị tu sĩ này. Nhưng tôi cảm nhận một cách trực giác rằng người cư sĩ phải cúi chào một vị sannyasi (tu sĩ) hoặc bhiksu (Tỳ-kheo tăng). Vì vậy, tôi chắp tay chào ngài.
Thật sự đó là khoảnh khắc rất lúng túng đối với tôi. Nhưng tình huống này không kéo dài lâu. Ngài Minh Châu, với sự giản dị của mình, đã làm cho bầu không khí trở nên nhẹ nhàng và thân thiện hơn. Ngài cười hồn nhiên, ngây thơ và khiến tôi cảm thấy thoải mái đến mức tôi không thể ngờ tới. Ngài lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng sự tôn trọng và thân thiện của ngài đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi.
Giáo sư Mookerjee giới thiệu tôi với ngài với tư cách là giảng viên tiếng Anh. Ngài Minh Châu đã ở đó vài năm. Ngài đã lấy bằng Thạc sĩ ngành Pali và đang viết luận án Tiến sĩ của mình. Khi biết tôi được bổ nhiệm làm giảng viên tiếng Anh ở đó, ngài yêu cầu tôi xem và giúp ngài hiệu chỉnh tiếng Anh của mình. Nhưng ngài Minh Châu đã dạy tôi tiếng Pháp, ngôn ngữ mà tôi nghĩ ngài rất thông thạo.
Mặc dù tôi không thể đi xa hơn các câu “Parlez-vous l’anglais”, “Parlez-vous français”, “Oui” hoặc “Non”, nhưng tôi đã nhớ đến Ngài Minh Châu khi tôi ở Pháp vào năm 1964. Những câu nói tôi học từ ngài đã giúp ích rất nhiều cho tôi và làm cho việc lưu lại ở đó trong vài ngày trở nên dễ dàng hơn.
Ngài Minh Châu là học giả rất nghiêm túc. Ngài tin vào việc làm việc một cách chân thành và nghiêm túc. Điều này được chứng minh rõ ràng qua nghiên cứu so sánh mà ngài đã thực hiện So sánh Kinh Di-lan-đà vấn đạo và Kinh Na-tiên Tỳ-kheo (Milindapañha và Nāgasena Bhiksu Sūtra).
Luận Án của ngài được xuất bản vào năm 1964 bởi một nhà xuất bản nổi tiếng ở Calcutta (nay là Kolkata) tên là Firma K.L. Mukhopadhyay. Vào thời điểm đó, Ngài Minh Châu đang làm giảng viên Pali và đã trở thành đồng nghiệp của tôi. Như tôi đã nói, ngài viết tác phẩm này bằng tiếng Anh và tôi nhớ rằng tôi chỉ chỉnh sửa những lỗi nhỏ trong văn bản.
Vào thời điểm đó, tôi cũng đã hoàn thành Thạc sĩ ngành Pali và đã nghe nói về Kinh Di-lần-đà vấn đạo (Milindapañha) của Tỳ kheo Nāgasena. Nhưng tôi không biết rằng phiên bản Sanskrit của nó được gọi là Kinh Na-tiên Tỳ-kheo (Nāgasena Bhiksu Sūtra) và chỉ có trong tiếng Trung. Sau này tôi mới biết rằng Ngài Minh Châu rất giỏi tiếng Trung và thực sự là người có đủ năng lực để thực hiện nghiên cứu so sánh như vậy, điều này đã được khen ngợi nồng nhiệt bởi không ai khác ngoài Giáo sư Nalinaksha Dutt, Trưởng Khoa Pali của Đại học Calcutta.
Ông viết: “Tác giả, là tăng sĩ từ Việt Nam, đã thành thạo cả hai ngôn ngữ Pali và tiếng Trung, và hoàn thiện kiến thức về Pali tại Đại học Nalanda. Vì am hiểu sâu về cả hai ngôn ngữ, ngài có thể so sánh hai phiên bản nguyên gốc từng vấn đề một và chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của chúng. Phát hiện của ngài vì thế rất có giá trị. Cách trình bày của ngài rõ ràng và ấn tượng. Với công trình này, ông đã cung cấp công cụ quý báu cho việc nghiên cứu Phật học, lĩnh vực mà các học giả ngày nay ngày càng quan tâm nhiều hơn. Tôi hy vọng ngài sẽ tiếp tục thực hiện những nghiên cứu so sánh khác giữa các văn bản Pali và tiếng Trung, mở ra chân trời mới về lịch sử Phật giáo ở châu Á.”
Ngài Thích Minh Châu là học giả rất nghiêm túc. Ngài có sự giản dị và hồn nhiên của đứa trẻ nhưng lại có sự nghiêm túc và tận tâm của một học giả. Có thời điểm chúng tôi phải chia xa. Ngài trở về Việt Nam, nhưng tôi vẫn tiếp tục biết tin về ngài từ các học giả Việt Nam khác đến học tại Nalanda.
Sau này, tôi biết rằng ngài được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của Viện đại học Vạn Hạnh ở Việt Nam. Tôi rất vui khi biết rằng chính phủ Việt Nam đã công nhận sự cống hiến của ngài cho học thuật và đã dành cho ngài sự công nhận xứng đáng.
Sau khi tôi nghỉ hưu vào tháng 12 năm 1992, tôi gia nhập Viện Nghiên cứu Thiền Vipassana ở Dhammagiri, Igatpuri, do cư sĩ Satyanarain Goenka thành lập. Tại đây, tôi gặp Tỳ-kheo Bodhi, người mà tôi được giới thiệu bởi Anagarika Munindraji, người đã sống ở Miến Điện trong thời gian dài và đã học Pali cũng như thực hành thiền vipassana. Thầy ấy đã giới thiệu tôi với Tỳ-kheo Bodhi, người có sứ mệnh không chỉ nghiên cứu Phật giáo một cách nghiêm túc mà còn dịch các văn bản Phật giáo sang tiếng Anh.
Tôi tình cờ đọc bài viết của Thầy Bodhi về Ngài Thích Minh Châu, trong đó ông mô tả một cách tuyệt vời về tính cách của ngài Minh Châu. Thầy Bodhi viết: “Như vậy, tôi có thể nhận ra người tôi đang thấy là thầy tỳ kheo Việt Nam. Tôi kinh ngạc và ngỡ ngàng trước hình ảnh của người Thầy trầm tĩnh, tự chủ này, người tỏa ra sự nhẹ nhàng, hài lòng từ bên trong và phẩm giá mà tôi chưa từng thấy ở bất kỳ người phương Tây nào trước đây.”
Từ bài viết này, tôi mới biết rằng Ngài Thích Minh Châu đã dịch bốn bộ Nikāya đầu tiên sang tiếng mẹ đẻ của ngài, tiếng Việt, và làm phong phú thêm ngôn ngữ Việt Nam. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ vĩ đại cho bất kỳ ai khi dịch các văn bản Pali. Ngài Thích Minh Châu đã có công việc to lớn khi dịch năm bộ Kinh Pali đầu tiên sang tiếng mẹ đẻ và làm phong phú thêm ngôn ngữ này. Ngài Thích Minh Châu đã sống cuộc đời rất thọ nhưng ngài chưa bao giờ lãng phí khoảnh khắc nào. Tôi đã nhận thấy ngài rất tận tâm với công việc nghiên cứu của mình.
Mặc dù không bao giờ tỏ ra quá nghiêm trọng, với sự giản dị và hồn nhiên, ngài đã đào sâu vào các nghiên cứu, công trình và công việc dịch thuật của mình. Ngài thật sự là con của nữ thần Saraswati - nữ thần của vidya (tri thức), và con của bà không bao giờ chết. Ngài Thích Minh Châu sẽ sống mãi, và những công trình của ngài sẽ chỉ đường cho nhiều người khác, những người sẽ tận tâm nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật.
Có lẽ ngài đã 94 tuổi khi qua đời. Bây giờ tôi cũng đã 90 tuổi, và tôi đang theo bước chân của Ngài Thích Minh Châu. Khi ngài làm phong phú thêm văn học Việt Nam bằng cách dịch năm bộ kinh Pali đầu tiên, tôi đã dịch năm bộ Sớ giải kinh (Atthakathā) được viết cách đây 1600 năm, sang tiếng Hindi lần đầu tiên, và cố gắng làm phong phú thêm văn học Hindi.
Đây là lòng thành kính khiêm tốn của tôi dành cho Ngài Thích Minh Châu.
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm