Niềm tin
Tôi đọc “Thả một bè lau” vào một buổi chiều đầy tâm trạng. “Thả một bè lau” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cuốn tôi vào thế giới của đạo Phật tự lúc nào không hay, đã mở ra cho tôi góc nhìn mới không phải dưới cái nhìn văn học mà là sự quán chiếu của Phật pháp.
Và “Thả một bè lau” đã cho tôi được trở về, được bắt đầu tìm hiểu Phật pháp. Kể từ đó, tôi say mê đọc và nghe những cuốn sách...liên quan đến đạo Phật. Tôi trở thành Phật tử với pháp danh “Chúc Nguyên”.
“Tôi là một người không tôn giáo, nhưng nếu có tôn giáo thì tôi phải là một Phật tử. Vì những gì tôi hiểu biết bây giờ, thì mấy ngàn năm qua kinh Phật cũng đã nói hết rồi”. Tôi đặc biệt thích câu nói này của nhà Bác học Vật lý Albert Einstein được treo trang trọng ở rất nhiều ngôi chùa của Kon Tum. Mà đúng vậy, càng ngẫm, càng suy thì càng thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta quá sức uyên bác. Tôi có cảm nhận rằng dường như đạo Phật ngày càng hưng thịnh, người ta tin vào luật nhân quả, tin vào điều thiện lành, tin vào nghiệp báo, tin về cõi Niết bàn, thế giới vãng sanh, cực lạc...Hay nói ngắn gọn, là tin vào lời Phật dạy.
Tạm thời bỏ qua những giáo lý thật dài, những bài kinh tiếng Phạn khó hiểu, những phân tích sâu xa về “từ -bi-hỷ-xả”, về luật nhân quả hay kiếp luân hồi…, với tôi, cốt lõi của đạo Phật là một chữ thiện. Chữ thiện sẽ bao trùm tất cả, chữ thiện sẽ xuyên suốt cuộc đời của mỗi con người, từ lời nói, hành động, cử chỉ, ánh mắt, cho đến ăn, uống, ngủ, nghỉ….Gìn giữ được chữ thiện mới làm nên một con người tử tế-một Phật tử chân chính.
Với tôi, bản chất của đạo Phật không truyền bá mê tín. Ví như vòng luân hồi, thực ra vòng luân hồi theo triết lý Phật giáo đâu có gì quá huyễn hoặc. Hiểu một cách đơn giản nhất, thì luân hồi là sự tiếp nối, luân chuyển. Điều này ta cũng dễ dàng bắt gặp ngay trong đời sống hằng ngày, như vật lý học giải thích hiện tượng hơi nước bốc lên cao, gặp lạnh ngưng tụ thành những hạt nước rất nhỏ, tạo thành mây; hay triết học chỉ ra: vật chất không mất đi, nó chỉ chuyển thể từ dạng này sang dạng khác…
Với tôi, đạo Phật thấm nhuần triết lý, nhân sinh quan về cách ăn uống, nghỉ ngơi. Đức Phật dạy rằng, có năm thứ tham dục, trong đó có tham ăn và tham ngủ. Mình không phải là Phật, cũng chẳng phải là một bậc chân tu nên khó có thể nghiêm ngặt làm theo cách ăn chỉ mỗi ngày một bữa đúng Ngọ, hay 3 giờ sáng phải thức dậy tụng kinh, ngồi thiền. Bước đầu học Phật, hiểu được nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa của tham ăn và tham ngủ nên tôi luôn chọn cho mình cách ăn uống đơn giản, truyền thống và gần gũi với thiên nhiên. Chỉ ăn vừa đủ, ăn đúng bữa, không cố, không ăn theo kiểu: vui cũng ăn, buồn cũng ăn, tức giận cũng ăn, chán đời cũng ăn. Dẫu vóc dáng tôi có vẻ mảnh mai, gầy guộc nhưng tôi luôn cảm thấy khỏe mạnh, thư thái và tràn đầy năng lượng khi mỗi sớm mai thức dậy là lời tạ ơn với đất trời, với chư Phật: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Cho ta thêm ngày mới để yêu thương”.
Có ai suy nghĩ giống tôi không nhỉ? Nếu như C.Mác chỉ ra rằng chủ nghĩa cộng sản được xem là hình thái kinh tế xã hội, là giai đoạn cuối cùng của lịch sử. Đó là thời kỳ phát triển sau thời kỳ chủ nghĩa xã hội, là thời kỳ mà nhân loại sẽ sống trong tự do, bình đẳng, không có đàn áp bất công, không có tranh giành của cải, không có tình trạng người bóc lột người, nhưng để đạt tới thời kỳ đó thì chưa biết đến bao giờ! Có điểm gì ở đây tương đồng với Phật giáo chăng? Bởi đạo Phật cũng hướng con người ta đến một thế giới đại đồng, cõi dương gian chỉ là cõi tạm, khuyên con người hãy sống thiện để sau này được trở về vãng sanh miền cực lạc, ở nơi đó, chỉ có tiên, có phật, chỉ có những người tử tế, chỉ có tình yêu thương, tự do, an lạc…
Với tôi, có hay không có nhân quả, có hay không có cõi Niết bàn, có hay không có kiếp luân hồi. Điều đó không quan trọng. Quan trọng nhất là đạo Phật đã giúp cho con người ta sống thiện. Vì tin nhân quả nên con người ta không lừa gạt nhau. Vì tin nhân quả nên con người ta không tàn ác, thủ đoạn. Vì tin nhân quả nên con người ta luôn làm, luôn nói, luôn hướng đến những điều tử tế, thiện lương trong cuộc đời. Nhiều khi tôi trộm nghĩ, nếu như tất cả các quan chức, doanh nhân mà kính đạo Phật, tin nhân quả, kiếp luân hồi...thì cõi trần này chỉ có quan liêm, sạch bóng quan tham, sẽ không có những kẻ làm giàu bất lương trên sự đau khổ của muôn người, muôn loài.
Thật đáng tiếc, ngày nay nhiều kẻ lợi dụng tôn giáo để làm điều phi tôn giáo, lợi dụng niềm tin vào Phật pháp mà làm điều xằng bậy. Đâu đó còn lời ra tiếng vào ở một số ngôi chùa có thái độ trọng thị, phân biệt chuyện cúng dường, kẻ cúng nhiều người cúng ít. Và không ít người đã từ bỏ đi chùa, từ bỏ niềm tin vào đạo Phật vì những điều đó. Còn với tôi, tôi lại có lối suy nghĩ, tư duy khác. Tất cả mặt trái chốn chùa chiền không làm mất đi niềm tin Phật pháp trong tôi.
Tôi vẫn tranh thủ đi chùa vào những lúc có thể, tôi đi chùa trong tâm thế của một Phật tử. Tôi đến chùa để lạy Phật vì niềm tin sâu sắc, kính trọng Phật, chứ không phải đi chùa để khoe khoang với mọi người xung quanh mình cúng dường nhiều, mình chăm làm công quả, mình hiểu biết đạo….Tôi đi chùa để lắng nghe lời kinh kệ Phật dạy từ hàng nghìn năm trước, để quỳ gối lạy Phật chứ không lạy một vị thầy nào đó bị ô nhiễm thói hư tật xấu chốn trần tục. Nếu ta đi chùa mà cái tôi còn chấp, còn muốn, còn tham thì chính ta đã quên mất lời Phật dạy. Và cứ thế, đôi khi, tôi lặng lẽ đến và đi, lặng lẽ chắp tay trước Phật, lặng lẽ cúng dường vào hòm công đức để cảm thấy lòng lắng dịu như được đứng trước cõi Phật cao siêu mà gần gũi, trong mùi nhang trầm thoang thoảng, trong cái tĩnh mịch, linh thiêng chốn thiền, đủ để lòng thanh thản, an yên.
Mà suy cho cùng, nếu cứ chăm chỉ đi chùa lạy Phật nhưng chẳng bao giờ bỏ một đồng cúng dường thì có phải đạo không nhỉ? Nên nghĩ đến công sức của các thầy đã bỏ công, bỏ sức ra xây dựng chùa, ai xây chùa, ai chăm sóc chùa, ai gìn giữ chùa…để cho ta đến lạy Phật thắp nhang nguyện cầu! Hãy nghĩ đến điều đó trước khi phán xét!
Xin cảm ơn Phật pháp đã thắp lên trong tôi ngọn lửa niềm tin đối với đạo Phật và khát vọng được lan tỏa ngọn lửa ấy đến tất cả mọi người: Hãy sống thiện và luôn có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp. Mỗi người lương thiện sẽ góp phần có một xã hội lương thiện. Dù bạn là ai, nếu sống thiện, nếu tin vào Phật pháp, chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Nguyễn Thị Liễu Hạnh; địa chỉ: Sở Xây dựng, Tầng 8, Tòa nhà B, Khu Trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm