Nguồn gốc và ý nghĩa tính biểu tượng trong kinh A Di Đà
Có thể nói, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm hiểu về ý nghĩa giá trị nội dung được trình bày trong bản kinh A Di Đà, một bản kinh Đại thừa phổ biến nhất hiện nay và được trì tụng thường xuyên trong cộng đồng tu tập Tịnh độ của Phật giáo.
Đặc biệt, việc tìm hiểu và nhận thức bản kinh A Di Đà thông qua phương diện nguồn gốc, ý nghĩa về tính biểu tượng được xây dựng và diễn đạt qua nội dung bản kinh này chính là cách khẳng định tầm quan trọng về mặt triết lý của bản kinh văn này đối với các chủ trương tư tưởng tu tập được thiết lập trong giáo nghĩa Tịnh độ vốn đã được thực thi khơi nguồn và diễn ra từ thời đức Phật và tiếp biến sang đến giai đoạn sơ kỳ của Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ, Tịnh độ tông tại Trung Quốc và cho đến tận ngày nay không ngừng phát triển.
Vị trí bản kinh A Di Đà trong Phật giáo Đại thừa
Kinh A Di Đà là bản kinh văn thuộc hệ thống kinh tạng của Phật giáo Đại thừa với phần nội dung được đức Phật Thích Ca giới thiệu về cảnh giới viên mãn thù thắng nơi cõi Cực lạc Tây phương của đức Phật A Di Đà với sự trang nghiêm của y báo và chính báo kiến lập cho chúng sinh hướng về tu tập cùng sự tán thán của các đức Phật ở các thế giới khác. Hiện nay, nguyên bản tiếng Phạn của bản kinh A Di Đà (Sukhavativyuhah- 小無 量壽經)vẫn còn tại Nhật Bản và trong phần Kinh bộ của Đại tạng kinh Tây Tạng(1). Riêng phần bản Hán trong tạng Đại Chính Tân Tu, hiện vẫn còn hai bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập Kinh A Di Đà dịch năm 401TL_ đời Diêu Tần, bản dịch này hiện nay rất phổ biến, và bản của ngài Huyền Trang Kinh Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ dịch năm 650 TL_ đời Đường cùng với đó là một số bản sớ giải về bản kinh A Di Đà này(2). Đặc biệt, trong tư tưởng triết lý của Phật giáo Đại thừa, kinh A Di Đà lại có tầm ảnh hưởng rất phổ quát và đặc biệt quan trọng. Nội dung tư tưởng của bản kinh đã được ngài Long Thọ trích dẫn trong tác phẩm “Dị Hành Phẩm” thuộc“Luận Thập Trụ Tì Bà Sa”, ngài Thế Thân trình bày trong “Thập Địa Luận Kinh” cho đến việc về sau này phát triển thành một tông phái Tịnh độ chính thống của Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa(3), vốn được các vị Tổ của Phật giáo Đại thừa chủ trương thiết lập và hướng đến xây dựng nội dung giáo nghĩa tu tập.
Nghi thức tụng kinh A Di Đà Việt nghĩa chuẩn nhất
Cơ sở xây dựng biểu tượng trong kinh A Di Đà
Một pháp môn tu tập cơ bản trong Phật giáo, nếu chỉ xuất hiện một cách đơn thuần và mất đi giá trị thích ứng trước sự tác động nhất định từ nhiều yếu tố xã hội, con người, văn hóa,… thì khó thể tồn tại, thích nghi với nhu cầu thực tế. Chính vì thế, vai trò thiện xảo vận dụng tinh thần giáo hoá của đức Thích Tôn được dẫn dụ trong kinh “pháp của Ta thiết thực hiện tại, đến để mà thấy không phải để tin”(4) được xem như biện pháp tối ưu để xuất hiện những phương pháp giáo hoá mới ngoài phương cách truyền thống có từ thời đức Phật. Thực tế, việc niệm Phật vốn được xem là một phương pháp truyền thống đã được đức Phật hướng dẫn đến các tầng lớp cư sĩ tại gia ở xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Niệm Phật nguyên chữ tiếng Phạn là (Bhudhanusati) nghĩa là “cột cái tâm giác ngộ” của mình vào mọi cử chỉ, hành động, suy nghĩ của thân, khẩu và ý nghiệp. Đây là ý nghĩa căn bản, cốt yếu của việc niệm Phật được đức Phật truyền dạy cho giới cư sĩ tại gia thực thi qua các hình thức tu trì: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên(5) được diễn đạt trong kinh tạng để tăng trưởng thêm phước đức tu tập. Tuy nhiên, sau thời kỳ nội bộ Phật giáo có sự dị biêt, khủng hoảng về tư tưởng và sự ảnh hưởng của truyền thống tín ngưỡng đa thần Bà La Môn giáo tại Ấn Độ thế kỷ I TCN, vai trò lãnh đạo tinh thần của Phật giáo trong giai đoạn này đang có sự ngờ vực; sự xuất hiện khi ấy của Phật giáo Đại thừa với sứ mạng cần thiết lập nên một ý thức hệ tư tưởng được biến đổi qua hình thức tu tập mới để giải quyết sự khủng hoảng trên. Tinh thần tích cực này được các vị Tổ của Phật giáo Đại thừa chủ trương và hướng đến xây dựng tôn chỉ tu tập mới từ phương thức niệm Phật truyền thống, đơn thuần chuyển thành xưng niệm hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”(6).
Cùng với đó, thiết lập một cõi Tịnh độ toàn mỹ, đầy đủ giá trị viên mãn hạnh phúc, an lạc cho hành giả tu tập nguyện hướng về từ nội dung triết lý được kiện toàn trong bản kinh A Di Đà vốn được phương tiện, quyền xảo y cứ từ nội dung kinh “Đại Thiện Kiến Vương” thuộc kinh Trung A Hàm và kinh Trường Bộ.Nguyên văn:
Này A Nan! Thành Câu-thi Vương dài mười hai do-tuần, rộng bảy do-tuần. A Nan, ở đây dựng tháp cạnh cao bằng một người, hoặc hai, ba, bốn…, cho đến bảy người.
A Nan, ở chung quanh bên ngoài thành Câu-thi vương có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thuỷ tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại là vang, bạc, lưu ly và thuỷ tinh.
Này A Nan, thành Câu –thi vương có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây dựng bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thuỷ tinh.
Này A Nan, thành Câu –thi vương có bảy lớp hàng cây đa-la bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thuỷ tinh. Cây đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thuỷ tinh. Cây đa-la bằng thuỷ tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly.Này A Nan, ở giữa những cây đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng.
Này A Nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh(7)
Đoạn kinh trong Trường Bộ kinh:
Này Ananda, kinh đô Kusàvati có bảy bức thành bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thuỷ tinh, một loại san hô, một loại bằng xa cừ, một loại bằng mọi thứ báu ….,(8)
Đối chiếu đoạn kinh văn trong kinh A Di Đà:
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy châu báu, trong ao đầy dẫn nước đủ tám công đức, đáy thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bố bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc,lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não.Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch(9).
Rõ ràng, trong hai truyền thống tư tưởng Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền đều có sự tương đồng, thống nhất xoay quanh đoạn vấn đáp giữa đức Phật và ngài A Nan về nơi đức Phật muốn chọn địa điểm để nhập Niết Bàn được ghi lại trong kinh. Như vậy giá trị biểu đạt có thể rút ra và kết luận từ đoạn trích dẫn trên; tính biểu tượng được trình bày trong bản kinh muốn hướng đến khẳng định giá trị tu tập gì?
Ý nghĩa tu tập qua tính biểu tượng trong kinh A Di Đà
Đức Phật trong sự quán chiếu tuệ giác, ý niệm chứng ngộ thực tại tối hậu, Ngài quán xét thấy nguyên nhân chúng sinh bị trầm luân trong các cõi cũng bởi do sự trói buộc của tập khí tham sân và si(10) trải dài trong vô lượng kiếp. Hạnh nguyện giáo hoá chúng sinh, lợi lạc nhơn thiên từ khi thành tựu giác ngộ cho đến lúc nhập Niết Bàn, đức Phật chỉ thuyết giảng duy nhất một lộ trình(11) bằng nhiều phương cách hoá độ khác nhau. Cốt yếu chính cũng chỉ để chúng sinh có sự giác ngộ tự thân mà thành tựu ý niệm giải thoát ngang qua lộ trình tu tập “đoạn trừ tham, sân và si”(12).
Sự thiết lập các giá trị an lạc, hạnh phúc bằng “vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bố bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não…”, trong cảnh giới Tịnh Độ, là việc làm thiết thực tuỳ thuận với tập khí của chúng sinh vốn “ưa ái nhiễm trong các dục”(13), đang chịu sự bi lụy trong nỗi khổ cực miên man của đời sống hằng ngày mà chẳng biết nương tựa vào đâu. Niềm tin của người Phật tử lúc này xem như gửi trọn vào vai trò cứu độ của chư Phật, Bồ Tát mong cầu thoả mãn các giá trị vật chất mà bản thân họ đã tìm gặp được qua cảnh giới an lạc được xây dựng trong kinh A Di Đà. Một cảnh giới an lạc tuyệt đối được nhận thức xác chứng từ những con người trí thức cho đến thành phần, địa vị thấp nhất trong xã hội cũng có thể đón nhận với những giá trị lợi lạc được hiển bày, mà không phải là sự hứa hẹn, quyền bí nơi ngôn ngữ diễn đạt, trình bày như những bản kinh văn khác. Và như thế, việc thẩm thấu rốt ráo ý nghĩa biểu tượng được thiết lập và dẫn dụ trong kinh cốt yếu chỉ để vị hành giả thành tựu chí nguyện tu tập, bằng việc vị đó cần phải tự mình nỗ lực hoàn thiện tự thân qua lộ trình tu tập 37 phẩm trợ đạo, với vai trò sung mãn của chính kiến và chính tư duy(14) trong con đường tám chi phần hướng đến giác ngộ. Y cứ vào giới, định và tuệ làm nền tảng tiên quyết, soi sáng cho niềm tin của vị hành giả ngày càng vững chắc, kiên định để mục đích cuối cùng vẫn phải loại trừ tập khí tham, sân và si(15), thiết lập giá trị an lạc ngay tại kiếp sống hiện tại bằng chính sự hiểu biết, thấu đạt chân giá trị hạnh phúc(16) mà chẳng phải là sự truy cầu giá trị nào khác hơn ở một đời sống, kiếp sống khác.
Hướng dẫn cách tụng và tải Kinh A Di Đà
Ý nghĩa thực tiễn từ tính hình tượng trong kinh A Di Đà
Có nhiều ý kiến, quan điểm kết luận có vẻ vội vàng khi tìm hiểu và đặt sự nghi vấn, hoài nghi về tính thiết thực xây dựng qua nội dung, tôn chỉ tu tập được diễn đạt trong bản kinh A Di Đà. Thật chất, bản kinh này được xếp vào thể loại “Vô vấn tự thuyết”(17), với ý nghĩa không cần có người hỏi đối với đức Phật mà chính Ngài tự mình diễn thuyết chân lý giải thoát đến đối tượng được giáo hoá. Trong quan điểm tu tập của Phật giáo, mọi khía cạnh truyền đạt triết lý tu chứng giác ngộ của Đức Phật đến chúng sinh, yếu tố “tuỳ thuận đương cơ nhi lập thuyết”(18) luôn được Ngài chú trọng vì mục đích tối hậu thành tựu tuệ giác, và chứng ngộ giải thoát cho chúng sinh. Vai trò tinh thần giáo hoá “khế cơ và khế lý”, phù hợp với căn cơ người nghe, khế hợp với chân lý giác ngộ giải thoát trong Phật pháp; hai phương diện này luôn được chú trọng.
Ngang qua hình thức khái niệm hoá những đặc tính giác ngộ của đức Phật thành “lý tưởng Bồ Tát”(19) xem như là một nhu cầu thiết yếu được Phật giáo Đại thừa tiếp nối, thực thi bằng một hình thức giáo hoá mới, phù hợp với đời sống con người, xã hội. Đáp ứng sự mong mỏi tìm về nương tựa tu tập của giới cư sĩ khi mà hình ảnh vị Phật, A La Hán không còn hấp dẫn đối với họ trong đời sống tinh thần tại Ấn Độ thời bấy giờ. Từ đây, có thể thấy đối tượng được nhắc đến trong bản kinh A Di Đà ngoài những bậc thượng thừa, thượng căn, thượng trí, Phật, Bồ Tát, chúng Thanh Văn còn có trời, người…., và cuối cùng bao hàm những hạng căn cơ thấp kém nhất đều được hướng đến giáo hoá.
Ý thức vận dụng tinh thần quyền xảo này được biểu hiện rõ nét nhất, khi giáo nghĩa của Tịnh độ tông được các Tổ của tư tưởng Phật giáo Đại thừa thiết lập tại Trung Quốc. Từ một hình thức niệm Phật đơn thuần, truyền thống như là phương cách thể hiện vai trò tôn kính đức Phật trong ý nghĩa kính lễ bậc A La Hán toàn trí, toàn giác, bậc nhất nhiết trí, bậc tri đạo, bậc khai đạo(20) của giới cư sĩ tại gia. Cho đến việc xây dựng một mô hình giải thoát giác ngộ được kiến tạo từ kinh A Di Đà qua ý nghĩa biểu tượng trong cảnh giới Tịnh Độ với đầy đủ những chất liệu quý báu nhất được trình bày. Giai đoạn xã hội khi ấy đang có sự pha tạp đang xen giữa một tín ngưỡng văn hoá của đạo Lão, Nho đã tồn tại lâu đời trong nền ý thức hệ của xã hội, không còn đủ sức thuyết phục đối với giới tri thức và thường dân trong nhu cầu xây dựng giá trị tinh thần(21). Sự hoà nhập diệu dụng của triết lý giải thoát Phật giáo, khẳng định vai trò nương tựa cho giới cư sĩ tu tập giữa một xã hội đang có chiều hướng suy đồi đạo đức, tập khí chúng sinh đang tồn tại trong xã hội thời bấy giờ là vô cùng nặng nề(22), cần được dẫn dắt bởi đạo lý giác ngộ, giải thoát của Phật giáo. Hướng con người xây dựng các giá trị từ trong cuộc sống hiện tại bằng chính nỗ lực của tự thân dù được kiến tạo từ bất cứ nhu cầu nào, đời sống vật chất hay giá trị tinh thần.
Sự thức tỉnh này là cần thiết và cần được khơi dậy trong tâm thức của hành giả đang thực tập việc chấp trì danh hiệu đức Phật A Di Đà được xem như là một phương pháp để dứt trừ khổ đau và kiến lập hạnh phúc an lạc, giá trị hiệu năng tích cực này, làm sống lại cả một triết lý Đại thừa Phật giáo đang tồn tại song hành với các tín ngưỡng bản địa của Lão, Nho ở Trung Quốc vốn chỉ hướng con người tìm đến những ảo mộng hão huyền thiếu tính hiện thực được mang tính phổ cập đến các giới cư sĩ tại gia.
Ý nghĩa và cách tụng kinh A Di Đà
Thay lời kết
Có thể nói, khi nhu cầu xây dựng giá trị an lạc, hạnh phúc của con người hiện hữu chỉ dừng lại ở việc thoả mãn các điều kiện vật chất thì nghiễm nhiên một phương tiện hoá độ được thiết lập như trong cảnh giới Tịnh độ Tây Phương được thực thi xây dựng thông qua bản kinh A Di Đà xem như là giải pháp tích cực nhất để khai mở, dẫn dắt con người quay về với nguồn hạnh phúc chân chính ngang qua sự hiểu biết với vai trò soi sáng của trí tuệ mà không phải chỉ là niềm tin mơ hồ, thiếu sự hiểu biết. Đó chính là giá trị chân thật nhất mà nội dung biểu tượng trong bản kinh A Di Đà muốn đề cao, chú trọng với mục đích ý nghĩa muốn tạo dựng sự trang nghiêm giải thoát cho hết thảy mỗi giới đều có thể tìm về nương tựa nơi cảnh giới chứng nghiệm miên viễn dù là đời sống xuất gia hay lẫn tại gia trong ý niệm tu tập pháp môn Tịnh độ.
CHÚ THÍCH:
(1) Thích Phước Nguyên, “Giới Thiệu Nguồn Gốc Kinh A Di Đà”, tr. 8, Nxb. Hồng Đức, 2016.
(2) Thích Đồng Thành,( Tài liệu giảng dạy, 2018), Tịnh độ tông lịch sử và tư tưởng, HVPGVN tại HCM, tr. 13
(3) Tuệ Sỹ (dịch), “Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo”, Nxb. Phương Đông, 2011.
(4) Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A Hàm”, tập 1, tr. 153, “Kinh Điển Tôn”, Nxb. Phương Đông, 2018
(5) Thích Đức Thắng (dịch), “Kinh Tạp A Hàm”, Kinh số 1124, Nxb. Phương Đông, 2018.
(6) Xem, Thích Thiền Tâm, “Liên Tông Thập Tam Tổ”, Nxb. Tôn Giáo, 2001.
(7) HT. Tuệ Sỹ, (dịch), “Kinh Trung A Hàm”, tập 1, tr. 471, Nxb. Phương Đông, 2008.
(8) HT. Minh Châu, (dịch), “Kinh Trường Bộ”, tập 2, tr. 9-52, Viện NCPHVN ấn hành, 2000.
(9) HT. Trí Tịnh, (dịch), “Kinh A Di Đà nghĩa”, tr. 5, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
(10) Thích Đức Thắng (dịch), “Kinh Tạp A Hàm” , Kinh số 250, tr.839- 840, Nxb. Phương Đông, 2018.
(11) HT. Minh Châu, (dịch), “Kinh Trung Bộ”, tập 1, “Kinh Ví Dụ Con Rắn”, Viện NCPHVN ấn hành, 1992.
(12) Thích Đức Thắng , (dịch), Kinh Tạp A Hàm , số 254, Nxb. Phương Đông, 2018.
(13) Đoàn Trung Còn, (dịch), Kinh “Tứ Thập Nhị Chương”, Nxb. Tôn Giáo, tr. 351
(14) Thích Đức Thắng (dịch), “Kinh Tạp A Hàm”, Kinh số 716, tr. 415, Nxb. Phương Đông, 2018.
(15) Thích Đức Thắng, (dịch), Kinh Tạp A Hàm , số 254, Đức Phật dạy: “Nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục giải thoát, thì điều này không đúng. Đoạ tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là thật ly dục giải thoát….,”
(16) HT. Minh Châu, (dịch), “Kinh Trung Bộ”, tập 1, “Kinh Đoạn Tận Ái”, Viện NCPHVN ấn hành, 1992.
(17) Đây là 1 trong 12 thể loại mô tả lời Đức Phật dạy, bao gồm: 1. Kinh, 2. Trùng Tụng, 3. Thọ Ký, 4. Ký Chú, 5. Tự Thuyết, 6. Nhân Duyên, 7. Thí Dụ, 8. Bổn Sanh, 9. Bổn Sự, 10. Phương Quảng, 11. Hy Pháp, 12. Nghị Luận.
(18) Thích Đức Thắng (dịch), “Kinh Tạp A Hàm” , Kinh số 212, Nxb. Phương Đông, 2018
(19) Thích Viên Trí, “ Khái Niệm về Bồ Tát Quán Thế Âm”, tr. 142, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.(20) HT. Thích Trí Tịnh,(dịch), kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, Nxb. Tôn Giáo,
(21) Thích Tâm Trí, “Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc”, Nxb. Phương Đông, 2014.
(22) Thích Hạnh Bình, (dịch), “Phật Giáo và Cuộc Sống”, tr.36-37, Nxb. Phương Đông, 2014.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khái quát đầy đủ nhất về Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
Kinh Phật 15:00 25/12/2024Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện) là một trong những bộ kinh căn bản của Phật giáo Đại thừa nói về hạnh nguyện rộng lớn của Đức Địa Tạng Bồ Tát.
Kinh Angulimàla (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 16:30 24/12/2024Phật nói Kinh Angulimàla (Angulimàla sutta), trích từ Kinh Trung Bộ tập 2, Kinh Angulimàla, số 86, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Khất thực thanh tịnh
Kinh Phật 07:30 24/12/2024Phật nói Kinh Khất thực thanh tịnh (Pindapàtapàrisuddhi sutta), trích từ Kinh Trung Bộ tập 3, Kinh Khất thực thanh tịnh, số 151, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm