Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con - Bài 7: Tăng là đoàn thể đẹp
Thành viên Tăng đoàn là những người có gốc rễ, có nền tảng - có bổn sư (cho phép xuất gia), có Phật giới (do giới sư truyền trao), có Thánh pháp (do giáo thọ sư giáo dưỡng).
Kính bạch Đức Thế Tôn!
Chúng con may mắn được mang dòng họ Thích tôn kính, được thừa hưởng gia tài Pháp bảo vô giá Thế Tôn truyền trao, được sống trong ngôi nhà Hoà - Tịnh do Thế Tôn gầy dựng. Ngôi nhà mà các bậc thầy tổ của chúng con tiếp nối từ chư Tổ sư, từ Tăng đoàn nguyên thủy thời Thế Tôn - một Tăng đoàn thuần hòa, thuần tịnh do tôn giả Đại Ca Diếp lãnh đạo sau khi Thế Tôn Niết-bàn.
Dẫu tu hạnh đầu đà, Tôn giả Thượng thủ vẫn luôn lân mẫn bên Thế Tôn và Tăng đoàn, lấy Thế Tôn và Tăng đoàn làm nơi nương tựa mà không sống độc lập, không đi quá xa, quá lâu. Cho nên ngay sau khi bậc Đạo sư viên tịch, Tôn giả Đại Ca Diếp là người tổng nhiếp Tăng đoàn; cũng chính tôn giả là người đầu tiên củng cố, chỉnh đốn Tăng đoàn khi có hiện tượng sút giảm phẩm chất tu tập.
Khi Đức Thế Tôn vừa nhập diệt, trong khi hầu hết Tăng Ni đau buồn, tiếc thương, thì Subhadda, một thợ cắt tóc, đi tu muộn vào cuối đời, đã hớn hở reo hò: “Từ nay chúng ta được thoát khỏi sự răn nhắc của vị Đại ẩn sĩ này (Đức Phật), muốn sống thế nào thì sống, muốn làm gì thì làm” (Cullavagga, Tiểu phẩm - Luật tạng). Nghe phát ngôn đau lòng đó, Tôn giả Thượng thủ đã nhìn thấy hiện tượng ô hợp manh nha trong đoàn thể hòa hợp, dấu hiệu bất tịnh tiềm tàng trong đoàn thể thanh tịnh, nên Ngài đã cho triệu tập đại hội kết tập kinh điển, đọc tụng lại kinh văn và giới luật nhằm củng cố nếp sống người tu, giúp thanh lọc những uế tâm trong đoàn thể thanh tịnh. Chính chất liệu “Hoà - Tịnh” đã nuôi dưỡng Tăng đoàn lớn mạnh và truyền - nối nhau suốt gần ba thiên kỷ qua.
May mắn thay, hơn bảy trăm năm trước, đạo Phật Việt có được Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài cũng là bậc thánh tu khổ hạnh với tôn hiệu là Hương Vân đại đầu đà. Ngài là bậc đại công đức đã thống nhất các thiền phái Phật giáo về một mối duy nhất, hình thành nên Phật giáo Trúc Lâm thời bấy giờ. Chính Phật hoàng đã giáo sắc cho thiền sư Pháp Loa thực hiện việc kiểm tăng, nhằm loại bỏ hàng nghìn “tặc trụ” là những thành phần ô hợp, ô nhiễm và bất tịnh ra khỏi Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm. Ngài cũng có thời gian du hành đó đây, không vì thử sức, luyện thân mà để thắp lên ngọn đèn giáo pháp, khuyến tấn người dân sống chánh tín Tam bảo, dẹp bỏ dâm từ và các hủ tục mê tín.
Gần đây, sự xuất hiện một hình ảnh về “hạnh đầu đà”, đã hấp dẫn một số người cũng quần tụ, nối gót, hình thành nên nhóm “hạnh đầu đà”. Phong thái và ứng xử của nhóm này không thể hiện được chí nguyện xuất trần, không có Bồ-đề tâm, không được lãnh thọ giới pháp, tự cạo đầu, mặc tấm vải chắp vá rồi tụ tập cùng nhau, lạm xưng “Tăng đoàn”. Với những người thiếu căn bản kiến thức Phật học sẽ dễ dàng bị cuốn theo kính mộ, đảnh lễ như đảnh lễ ngôi Chúng trung tôn; có người còn tôn sùng như “Hộ pháp”, “Kim cang”.
Chúng con được học rằng, Tăng đoàn là Sangha, là hòa hợp chúng, là thanh tịnh Tăng. Thành viên của Tăng đoàn phải là những vị Tỳ-kheo có thọ giới, lấy giới luật làm nơi y cứ. Giới luật là mạng mạch của đạo pháp, là chánh nhân thành tựu quả vị Bồ-đề mà ba đời chư Phật đều nương theo. Một đoàn thể không lấy giới luật làm thầy, không sống với sáu pháp hòa kính thì không thể là thanh tịnh Tăng, không thể là Tăng đoàn. Không thọ giới mà sống quần tụ với nhau chỉ có thể là ô hợp mà không thể hòa hợp, chỉ có thể là bất tịnh mà không thể thanh tịnh.
Thành viên Tăng đoàn là những người có gốc rễ, có nền tảng - có bổn sư (cho phép xuất gia), có Phật giới (do giới sư truyền trao), có Thánh pháp (do giáo thọ sư giáo dưỡng).
Kính bạch Đức Thế Tôn!
Thời đại hôm nay thật khó cho chúng con thực tập hạnh “Tăng vô nhất vật”. Dầu sống tối giản, sống thiếu dục tri túc, sống tam thường bất túc…, dầu kính ngưỡng thánh giới, dầu phòng hộ sáu căn… chúng con vẫn luôn bị rình rập, bị vây bủa, bị cám dỗ bởi những âm thanh, hình sắc của lối sống hưởng thụ. Không ai khác hơn chính mỗi chúng con phải tự tỉnh thức lấy mình trước sự vây bủa này.
Chúng con chỉ còn cách là nguyện thực tập viên mãn công phu thiền tọa, khép các cánh cửa mắt, tai… để chuyên tâm cho “Phật sự” đúng nghĩa. Chúng con nguyện sẽ làm những việc mà Đức Thế Tôn đã giao phó, đó chính là “Hãy nương tựa vào Chánh pháp, vào hải đảo tự thân mà không nương tựa vào bất cứ ai, bất cứ vật gì”.
Chúng con nguyện sau mùa an cư này, chúng con sẽ tiến bộ hơn trên bước đường chuyển hóa, để ánh sáng của Đức Phật bên trong mỗi chúng con có thể biểu hiện một cách chân thật, để ánh sáng đạo tâm của chúng con có thể trải dài khắp muôn nơi bằng tất cả tình thương và lòng khiêm hạ.
Tăng là đoàn thể đẹp. Cái đẹp của chung sống an hòa. Chúng con nguyện cùng nhau thực tập các hành lành (diệu hạnh), hạnh ngay thẳng (trực hạnh), hạnh trí tuệ (như lý hạnh) và hạnh trong sạch (chánh hạnh) là bốn hạnh của ngôi Tăng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm