Nội là ông Phật hiền…

Ba má, các chị các em, tiếp đến nữa là cô dì chú bác, lẫn bạn bè gần xa đều bất ngờ trước cái tin tôi vào chùa đi tu. Nhiều người cắc cớ hỏi, làm sao? Thì đáp: “Tui muốn cầu đạo, tìm Phật”. Rồi họ lại cắc cớ hỏi tiếp: “Phật ở nhà, cha mẹ cũng là Phật vậy, tu ở đâu cũng là tu…”. Tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười.

Nếu như bà nội tôi còn sống ở đây, nội tôi sẽ không hỏi miếng nào về lý do cái sự tu của tôi hết. Tôi đoan chắc, nội chỉ im lặng, rồi mỉm cười. Bởi vì nội đã thấu hiểu, cái hiểu - đồng cảm của người tu. Thâm trầm, sâu sắc.

Cái thuở tôi còn bé xíu lân la qua nhà nội chơi, tay xách cả đống báo, tay múc miếng vôi thiệt to cho con bọ ngựa đi xin vôi trước nhà, thì hình ảnh quen thuộc của nội là nằm trên võng đu đưa, tay lần xâu chuỗi, nội mở băng cát-sét nghe thuyết pháp ở phía trong buồng. Nội nghe một lần chưa đủ, cứ tua đi tua lại để nghe, sau nữa là hết cuộn băng, lại trở lại để nghe tiếp.

Rồi nội tôi dắt tôi đi chùa Cát, nhớ lại thiệt là mắc cười. Cứ đến tối đi học về là chờ nội dắt đi tụng kinh Pháp hoa ở chùa. Nội đi trước, tôi đi sau, hai bà cháu đi bộ đến chùa, từ nhà đến chùa thì quãng đường ngắn thôi, đến chùa lại là tôi đi trước, nội đi sau…

Ảnh minh hoạ.

Lúc tụng kinh, tôi thấy thầy dẫn chúng tụng một câu: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà-ra-ni…”, thiệt là hay, sau đó là nguyên cả một bài dài mà lúc đó tôi không biết là tiếng gì, (lớn lên mới biết đó không phải là kinh mà chú Ðại bi). Nhớ nhất là sự bất ngờ ấy, vì thấy trên kệ chỉ có cuốn Diệu pháp liên hoa, mà ngó qua ai cũng tụng theo rầm rầm, kể cả mấy bà già cũng nhắm mắt đọc theo rành rẽ. Mãi đến khúc vô kinh Pháp hoa rồi, tôi mới đọc theo được. Còn nội tôi không biết chữ, nên chỉ ngồi xếp bằng niệm Phật, nghe người ta tụng kinh. Tụng xong rồi, cuối buổi, tôi đi cất kệ rồi nội dắt tôi ra lễ tượng Phật trong chùa rồi về.

Nội tu ở nhà, nhưng ba giờ sáng nội cũng dậy niệm Phật như ở chùa người ta dậy công phu khuya. Rồi ban ngày nội cũng niệm nữa. Có hôm nội lấy ở đâu ra cuốn sách mỏng viết về Vu lan và tình mẹ, kêu tôi đọc cho nội nghe. Tôi đọc đi đọc lại, vừa đọc vừa bóp dầu vô chân nội cho đỡ đau khớp. Hôm nào tôi cũng đọc cuốn đó cho nội nghe, đến nỗi có lúc đọc câu trước đã biết câu sau như thế nào.

Lúc đó tôi còn nhỏ, mới lớp 3, lớp 4; lúc biết khuyên nội: “Nội ơi, khi mất nội nhớ niệm Phật A Di Ðà để về Cực lạc nhen” là lớp 7. Nhưng lúc đó tôi dốt lắm, tuy đọc truyện cổ Phật giáo biết Phật A Di Ðà, nhưng ba má đi tịnh xá Ngọc Trang, tôi thấy bên đó toàn chào nhau: “Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, tôi cứ nghĩ là Phật A Di Ðà nhỏ hơn Phật Thích Ca, nên người ta mới niệm Phật Thích Ca nhiều. Lúc đó, nội tôi gật đầu.

Lớn lên nữa, vào đại học, nghe tin nội mất ở nhà, lúc về đến nhà thì người ta tẩn liệm thi thể hết rồi, quàn quan tài xong rồi. Tôi không biết nội có niệm Phật A Di Ðà trước khi mất hay không...

Một thời gian trước khi vô chùa, tui mơ thấy nội bảo tôi phải nhổ hết cội gốc rễ của nghiệp chướng sâu dày nhưng nhổ hoài mà không hết được. Ðến lúc tôi đọc cuốn Chân dung người bạn sen của Sư Quang, thấy có nói về chú Vãng sanh, là nhổ bỏ được cội gốc sâu dày của nghiệp chướng, tôi nhớ tới nội vô cùng.

Nam-mô A di đa bà dạ,

Ða tha già đa dạ

Ða điệt dạ tha

A di rị đô bà tỳ,

A di rị đa tất đam bà tỳ,

A di ri đa tỳ ca lan đế,

A di rị đa tỳ ca lan đa,

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ, ta bà ha…

Ngày mất của nội, đám xá xong rồi, sư Giác Ðăng ở tịnh xá Ngọc Pháp (hiện nay đã viên tịch), ghé qua nhà nội, đối trước bàn thờ nội tôi tụng một thời kinh rồi ngài lặng lẽ rời đi. Nếu nội tôi còn, chắc người mừng lắm khi thấy tôi đi tu. Như thuở bé, tôi chưa hiểu Phật là gì, đạo là gì, nhưng khi tôi nhìn nội, tôi thấy ông Phật. 

Người ta hay nghĩ Phật là cao xa, hay chê người này là ma, khen người kia là Phật, bài xích lẫn nhau, thì đột nhiên tôi hay nhớ tới nội tôi, im im tĩnh lặng trong khuôn nhà nhỏ, tỉ mẩn với những thứ việc không tên, nhưng không quên chánh niệm. Thì đó, đó không phải là một ông Phật sao? 

***

Sáng sáng, tôi làm nhang đăng trên chánh điện ở chùa. Thời gian đầu làm dở lắm, nên bị chê hoài. Nhưng ráng cố gắng sửa, tự dưng lại thấy hình ảnh bà nội tôi hiện ra, ông Phật đó lặng lẽ ở trong lòng…

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sống tỉnh thức giữa “giếng sâu” của cuộc đời

Phật pháp và cuộc sống 19:00 10/12/2024

Câu chuyện “Mật ngọt trong giếng độc” được lấy cảm hứng từ ví dụ kinh điển mà Đức Phật dùng để mô tả tình cảnh của con người trong thế gian, chuyện không chỉ là một ngụ ngôn, mà còn là lời cảnh tỉnh về cách chúng ta sống và đối mặt với những cám dỗ của thế gian...

Truyện ngắn: Chồi non

Phật pháp và cuộc sống 14:35 10/12/2024

Thy chuyển đến xóm trọ này đã gần hai năm. Hôm đầu đến đây chỉ thấy đàn bà ra đón hớn hở hỏi han đủ chuyện. Người đỡ lấy thằng nhỏ từ tay Thy cưng nựng hôn hít nó.

Chong chóng và gió

Phật pháp và cuộc sống 13:58 10/12/2024

Bạn hãy ngắm nhìn những dây chong chóng đủ sắc màu được giăng rợp giữa sân một ngôi chùa. Ngắm nhìn. Chiêm nghiệm.

Khi nào ta biết mình tiến tu và đi sâu vào tâm linh?

Phật pháp và cuộc sống 13:36 10/12/2024

Cái khó của việc tu học là áp dụng được những điều ta nghe, học, ngộ - từng bước nhỏ nhất nhưng đầy thực tế - vào công việc và cuộc sống thường ngày của mình. Khi ta biến tu học thành chất liệu cuộc sống của chính mình, ta mới thực sự bước những bước đi của một hành giả.

Xem thêm