Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 20/06/2023, 10:10 AM

Nữ đế Võ Tắc Thiên, người đề bút bài “Khai Kinh kệ” tuyệt diệu

Khi chúng ta giở kinh điển Phật giáo ra đều sẽ nhìn thấy một bài “Khai Kinh kệ”. Bài kệ này chính là năm xưa sau khi phiên dịch xong 80 quyển “kinh Hoa Nghiêm” dâng lên cho hoàng đế Võ Tắc Thiên xem. Võ Tắc Thiên đề bút viết ra 4 câu “Khai Kinh kệ” này.

Mãi cho đến hôm nay cũng không có người nào có thể làm được bài “Khai Kinh kệ” nào tuyệt diệu hơn bài này nữa.

Võ Tắc Thiên một vị hoàng đế sùng kính Phật Pháp.

Võ Tắc Thiên một vị hoàng đế sùng kính Phật Pháp.

Khi bộ kinh Hoa Nghiêm phiên dịch xong, Võ Tắc Thiên bởi lĩnh hội được nội hàm huyền diệu thâm sâu hiếm có, lấy làm vui mừng, cảm hứng dâng trào mà viết ra “Khai Kinh kệ” này:

Hán Việt:

Khai Kinh kệ

Võ Tắc Thiên (Đường)

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.

Tạm dịch là:

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Con nay nghe được chuyên trì tụng

Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu

Khi làm hoàng đế, Võ Tắc Thiên là tín đồ Phật giáo thành tín và đặc biệt yêu thích bộ kinh Hoa Nghiêm. Bà luôn cảm thấy bộ kinh Hoa Nghiêm được phiên dịch vào đời nhà Tấn vẫn còn tồn đọng quá nhiều thiếu sót, không hoàn chỉnh, trong tâm luôn rất lấy làm đáng tiếc.

Vậy nên, Võ Tắc Thiên đã cử đặc sứ sang Ấn Độ xem thử có bản hoàn chỉnh hay không. Chính ngay lúc này, pháp sư Tam Tạng ở Điền quốc đã có được phiên bản của bộ kinh này, bà liền cho mời cả Pháp sư cùng đến Trung Quốc. Vị Pháp sư này là Thực Xoa Nan Đà, đã được Võ Tắc Thiên giao cho việc chủ trì phiên dịch kinh Hoa Nghiêm.

Thực Xoa Nan Đà là một vị pháp sư rất có uy tín ở Tây Vực, hiểu biết rất sâu rộng. Những bậc hiền nhân đại đức của Trung Hoa thời đó, thậm chí cho đến cả hoàng đế đều vô cùng kính ngưỡng ông. Khi pháp sư Thực Xoa Nan Đà đến, đã mang theo bộ kinh Hoa Nghiêm nhưng cũng không được hoàn chỉnh. Tuy thế nó đã nhiều hơn 9000 câu tụng so với bộ kinh được phiên dịch vào đời nhà Tấn.

Vậy nên bộ kinh này tổng cộng có 45000 câu tụng, ý nghĩa của bộ kinh này đã có thể nhìn ra được. Quy mô phiên dịch cũng vô cùng hoành tráng, bản thân hoàng đế Võ Tắc Thiên cũng thường đến tham gia. Sau khi phiên dịch xong, Võ Tắc Thiên là người đầu tiên xem “kinh Hoa Nghiêm” này. Bởi thể hội được ý nghĩa thâm sâu huyền diệu hiếm có trong Phật Pháp, bà rất lấy làm hoan hỷ, cảm hứng dâng trào, đã đề một bài kệ cho bộ kinh điển này. Đây chính là bài “Khai Kinh kệ” mà ngày nay chúng ta biết đến.

1. “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp”: Đây là ca ngợi giáo lý thâm sâu vô thượng của Phật Pháp. Vô thượng ở đây là chỉ không có bất kỳ một loại học vấn nào của thế gian có thế siêu xuất khỏi giáo nghĩa được giảng trong kinh Phật. Không gì có thể sánh với hoặc vượt trên Phật Pháp thâm sâu khôn lường và vi diệu không thể ngờ được này.

2. “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”: Thường nói “nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn”, tạm hiểu là: thân người khó có được, Phật Pháp khó được nghe, kiếp này ta may mắn có được thân người, không biết liệu kiếp sau còn có thể được làm người nữa hay không, điều này rất khó đảm bảo. Hết thảy đều xem nghiệp mà chúng ta tạo hiện nay là nghiệp gì, vạn nhất tạo phải ác nghiệp, thế thì rất đễ bị đọa vào cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu vậy căn bản không có cơ hội để nghe được Phật Pháp, đắc được giải thoát.

“Kiếp” trong Phật giáo đại biểu cho khoảng thời gian rất lâu dài, chia thành: tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp. Một tiểu kiếp ước chừng khoảng 16,8 triệu năm, một trung kiếp thì bằng 20 tiểu kiếp, còn một đại kiếp thì là 4 trung kiếp của thành, trụ, hoại, không. Thế thì trăm nghìn vạn kiếp, chính là không nghĩ cũng biết là phải trải qua khoảng thời gian dài đằng đẵng. Tại sao trăm nghìn vạn kiếp mới gặp được đây?

Bởi vì chúng sinh trong Tam giới luân chuyển trong lục đạo luân hồi, không biết đến khi nào mới có thể được chuyển sinh vào cõi người. Trong kinh điển, Đức Phật từng giảng rằng: “Cơ hội để có lại được thân người, có thể ví như trong biển có con rùa mù trăm năm nổi lên trên mặt nước một lần. Trên biển có một mảnh gỗ có hốc nhỏ trôi dạt lênh đênh. Xác suất rùa chạm vào cái hốc nhỏ của miếng gỗ khi nổi lên còn lớn hơn khi ta mất thân người mà lại mong lần nữa được làm người”.

Trong lục đạo, chúng sinh của cõi trời và cõi Tu la vui sướng nhiều hơn khổ não, chỉ lo hưởng cạn phúc báo chứ ít khi tu hành. Thọ mệnh của chúng sinh cõi trời từ 500 năm đến 8 vạn kiếp đều không như nhau, xem xem là ở cõi nào trong 33 tầng trời. Cõi trời thứ nhất là Tứ Đại Thiên Vương, một ngày tương đương với 50 năm cõi người. Còn cõi trời thứ hai tên cõi trời Đế Thích, một ngày tương đương với 100 năm cõi người, cứ thế mà nhân lên.

Trong lục đạo luân hồi, biết sẽ đi về đâu, bây giờ không tu thì đợi đến bao giờ nữa?

Thọ mệnh của chúng sinh cõi quỷ đói thông thường đều là trên nghìn năm, thời gian của chúng sinh cõi quỷ đói cũng lâu dài hơn so với cõi người. Chúng sinh trong cõi quỷ đói chỉ lo kiếm ăn khắp nơi, vậy nên rất khó nghe được Phật Pháp và tu hành.

Thọ mệnh của chúng sinh trong cõi súc sanh là ngắn nhất so với hết thảy chúng sinh của lục đạo, từ vài giờ đồng hồ cho đến mấy trăm năm tùy theo loài, cũng là không có cơ hội nghe được Phật Pháp và tu hành.

Chúng sinh trong cõi địa ngục đều đang chịu khổ không ngừng nghỉ dù chỉ một khắc, nói gì đến việc tu hành và lắng nghe được Phật Pháp đây?

Còn chúng sinh nơi cõi người buồn vui đan xen, cũng là cơ hội tốt nhất để tu hành. Tuy được sinh cùng vào cõi người, nhưng cũng chỉ có những người có phúc phận lắm mới có thể có cơ hội nghe được Phật Pháp và tu hành. Vậy nên câu nói “trăm nghìn vạn kiếp khó gặp được” này, chúng ta phải nên biết quý tiếc khoảnh khắc ngắn ngủi có được thân người này mà tinh tấn tu hành. Khó trách các bậc đại đức xưa nay đều thường hay nói: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp, được cả ba điều, may mắn lắm thay”.

3. “Ngã kim kiến văn đắc thọ trì”: Thân người khó được như thế nay đã có được rồi, Phật Pháp khó được nghe thấy thư thế nay đã được nghe rồi. Bắt đầu từ bây giờ cần phải cố gắng theo đuổi và liễu giải Phật Pháp một cách thâm sâu, tinh tấn phụng hành và tu trì theo giáo Pháp của Phật.

4. “Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa”: Tâm nguyện duy nhất trong việc thọ trì Phật Pháp của người học Phật chính là mong có thể liễu giải triệt để giáo nghĩa chân thật của Như Lai, ý nghĩa chân thật bất hư của Tín, Nguyện, Hạnh mà Phật truyền dạy.

Bài kệ này có thể nói là biểu đạt trọn vẹn niềm hân hoan của chúng sinh đã phải luân hồi trong lục đạo vô số kiếp đã may mắn gặp được Phật Pháp. Mấy trăm năm nay tuy có khá nhiều tăng nhân từng muốn sửa đổi lời văn trong đó, nhưng đều không sao sánh được với nguyên tác, từ đó ta có thể thấy được chỗ tinh diệu của bài kệ này.

Bài kệ lưu truyền đến hôm nay, đã trở thành lời kệ phát nguyện trước khi tụng kinh của biết bao nhiêu người tu hành. Ngày hôm nay sau hơn hàng nghìn năm, phần lớn tự viện Phật giáo nói chung, mỗi ngày trước khi chưa tụng kinh đều sẽ tụng niệm 4 câu “Khai Kinh kệ” này trước tiên.

Hoàng đế Ung Chính, nhà Phật học lỗi lạc

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Một chút lưu luyến trong lúc vãng sanh sẽ sanh ra nhiều chướng ngại

Kiến thức 11:50 03/05/2024

Tôi 26 tuổi học Phật, nghe được Phật pháp, năm nay đã 80 tuổi rồi, nghĩ lại giống như mới học Phật ngày hôm qua, bạn nói xem đời người có ý nghĩa gì?

Đại từ đại bi, chữ “đại” có nghĩa là gì?

Kiến thức 10:45 03/05/2024

Chúng ta nhất định phải có trí huệ, đối xử với tất cả chúng sanh, chúng ta luôn mong muốn tất cả chúng sanh sớm được giác ngộ, sớm được thoát khỏi sáu cõi luân hồi, sớm viên thành Phật đạo.

Tham nhiễm ngũ dục rất điên đảo, người tu phải cố gắng lần lượt phá trừ

Kiến thức 09:30 03/05/2024

Các phiền não về tham không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Từ cội gốc tham, sanh ra các chi tiết xấu khác như: bỏn sẻn, ganh ghét, lường gạt giả dối...gọi là Tùy phiền não.

Tâm bình thế giới bình

Kiến thức 20:34 02/05/2024

Hòa bình nghĩa là không chiến tranh, không chết chóc, không đau thương. Quan niệm hòa bình của Phật giáo là không có chiến tranh từ tâm thức đến ngoại cảnh, từ nhân cho đến qủa. Nói rõ hơn, chiến tranh có là do tâm hỗn loạn, tham lam, sân hận và si mê.

Xem thêm