Ðôi nét về Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Nara
Đây là thời kỳ Phật giáo được xây dựng trên tinh thần thống nhất nhân tâm và ý thức hệ về vận mệnh quốc gia nên hình thành thế cục chính giáo liên hoàn. Đó là hệ thống tương liên giữa chính trị và tôn giáo nên đã thay đổi bộ mặt của đất nước cũng như Phật giáo.
DẪN NHẬP
So với các quốc gia khác trong khu vực, Nhật Bản đón nhận Phật giáo khá muộn nhưng đã phát triển mạnh mẽ và trở thành tôn giáo chủ lưu trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt hưng thịnh là thời kỳ Nara (Nại Lương). Đây là thời kỳ Phật giáo được xây dựng trên tinh thần thống nhất nhân tâm và ý thức hệ về vận mệnh quốc gia nên hình thành thế cục chính giáo liên hoàn. Đó là hệ thống tương liên giữa chính trị và tôn giáo nên đã thay đổi bộ mặt của đất nước cũng như Phật giáo.
Theo Nhật Bản Thư Kỷ, Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ vương quốc Bách Tế [1] (bán đảo Triều Tiên) vào năm 552 dưới thời của Thánh Minh Thiên hoàng. Do nhu cầu của xã hội và phù hợp với tâm lý, văn hóa của người dân Nhật Bản, đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của chính quyền trong suốt các triều đại, Phật giáo được chính thức thừa nhận và phát triển nhanh chóng. Chính sách của triều đình ngay từ buổi đầu du nhập đã làm cho Phật giáo phát triển, trở thành nhân tố tư tưởng góp phần quy tụ, tập hợp nhân dân, tạo lập một quốc gia thống nhất. Đồng thời, Phật giáo được xem là một trong những yếu tố góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đầy tính đa sắc, độc đáo của Nhật Bản.
CHUYỂN BIẾN CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI NƯỚC NHẬT THỜI KỲ NARA
Triều đình nước Nhật đã ban hành bộ luật và sắc lệnh hành chính Tai-hô [2], từ năm 701 tạo nên một đế chế tập trung quyền lực vào Thiên hoàng. Đây là hệ thống luật pháp có văn bản, với sự phò tá của các quan lại do chính Thiên hoàng bổ nhiệm. Từ đó đến 80 năm về sau gọi là thời kỳ Nara (701-794) [3], cũng là thời kỳ Phật giáo hoàng kim trong lịch sử Nhật Bản. Phật giáo Nara là tôn giáo cung đình, trấn hộ quốc gia.
Nhằm ổn định tình hình chính trị và phát triển đất nước, Nguyên Minh Thiên hoàng (Genmei Tenno) (661-721) thực hiện chế độ định đô. Đây là sách lược mới mẻ đối với hoàng triều Nhật Bản vì các triều đại trước đều thực hiện chế độ định đô sau khi lên ngôi. Khu vực Nara có diện tích khá rộng rãi, khả năng phô trương được hết uy thế quốc gia, xứng đáng với cuộc cải cách chính trị có tầm vóc. Nguyên Minh Thiên hoàng muốn phát triển kinh đô Nara tương đương kinh đô Trường An của nhà Đường lúc bấy giờ. Do đó, Nguyễn Văn Tần nhận xét rằng “Văn hóa thời Nara là thứ đi mượn áo người khoác vào mình” [4]. Ý định định đô bắt nguồn từ việc biểu dương sức mạnh của nền chính trị trung ương tập quyền được chỉnh đốn trong tay Thiên hoàng, thể hiện uy nghi của hoàng triều cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nhờ định đô mà Nara trở thành trung tâm văn hóa lớn, kiến trúc chùa chiền, đền đài trở thành di tích lịch sử có giá trị không chỉ đối với Nhật Bản mà cả nhân loại.
Thánh Vũ Thiên hoàng (Shomu Tenno) (724-749) đã nói với triều quan: “Hạ lệnh bắt toàn dân phải theo là việc dễ, làm thế nào để thu phục lòng trăm họ quy y cả về một mối mới là khó. Chỉ có cách cả trăm họ cùng hướng vào Phật tổ mà quy y là thu phục lòng người chắc chắn hơn hết” [5]. Như vậy, Thánh Vũ Thiên hoàng mong muốn sự nhiệt tình ủng hộ Phật giáo phải xuất phát từ lòng mong muốn quy phục của trăm họ. Nếu xét kỹ, Phật giáo triều đình Nara tôn trọng nhằm “Trấn hộ quốc gia”. Đối với một quốc gia có tôn giáo bản địa là Thần đạo, Phật giáo muốn bám rễ để tồn tại thì không thể du nhập chỉ mỗi hệ thống lý luận trừu tượng mà phải bổ sung hình thức của quyền năng bảo hộ đất nước và thần dân, do đó tinh thần Bồ Tát đạo được ứng dụng rõ rệt trong giai đoạn này. Nếu so sánh với thời đại vàng son của lịch sử Phật giáo Việt Nam có điểm tương đồng khi Trần Thái Tông trong tác phẩm Khóa Hư Lục đã nói: “Làm phương tiện để dẫn dụ bề tôi mê hoặc, làm đường tắt để tỏ lẽ tử sinh” [6]. Điều này thể hiện sự khéo léo của các tu sĩ Phật giáo và những người ủng hộ lúc bấy giờ. Tại Nara, nội dung kinh điển Phật giáo lúc này đã trở thành khuôn mẫu và mô hình quản lý để kiến tạo hệ thống điều hành quốc gia. Tất cả những hành động đó đều tập trung vào xây dựng một quốc gia trên nền tảng chính giáo liên hoàn. Đó là chính trị và tôn giáo hỗ tương lẫn nhau để phát triển đất nước cũng như Phật giáo.
BIẾN CHUYỂN CỦA PHẬT GIÁO NHẬT BẢN THỜI NARA
Thông qua việc xây dựng hệ thống tự viện, quyền lực cục bộ của các dòng tộc không còn, Thiên hoàng nắm trọn quyền lực. Nếu trước đây cá nhân, dòng tộc hoàng triều được xây dựng chùa chiền thì giai đoạn này việc xây dựng đều theo chủ trương sách lược của Thiên hoàng. Một mặt để phát triển Phật giáo rộng khắp đất nước, mặt khác nhằm khẳng định vai trò và quyền lực của hệ thống lãnh đạo đứng đầu là Thiên hoàng. Ông hạ chiếu: “Trăm họ được phú túc ấm no, ấy là trẫm tự khắc trở nên giàu có bốn bể, quốc gia có uy thế ở khắp bốn phương ấy là trẫm tự khắc hùng mạnh. Muốn cho dân giàu nước mạnh thì từ trẫm trở xuống tứ dân, đều phải dốc tâm thờ Phật tổ, tạo dựng Phật tự, để trăm họ đủ nơi lễ bái cầu phước cầu an” [7]. Lời tuyên bố này đã khẳng định sự hiệp nhất quyền lực về một mối là Thánh Vũ Thiên hoàng. Đồng thời khẳng định Phật giáo là Quốc giáo. Phật giáo lúc này trở thành một trong những cơ sở cho sự thống nhất về đức tin của người dân và tạo điều kiện cho tinh thần thống nhất quốc gia. Thiên hoàng không chỉ là lãnh tụ về mặt chính trị mà còn là người đứng đầu về mặt tôn giáo. Như vậy, Phật giáo đã được tiếp nhận, phát triển để phục vụ cho lợi ích thực dụng của Thiên hoàng, triều đình và nhân dân Nhật Bản.
Trong lời tuyên bố với nhân dân, Thiên hoàng nói: “…ta muốn hết sức dùng những tài nguyên về kim loại trong nước để đúc nên tượng này và cũng đã san phẳng một đồi cao để dựng ngôi chùa lớn…” [8]. Vì vậy, chùa Đông Đại (Todaji) và tượng Phật Tỳ Lô Giá Na khổng lồ (Daibutsu) được tiến hành xây dựng. Bồ Đề Tiên Na (Bodhisenna) (704-760) đang giữ chức Tăng Chánh, khai quang điểm nhãn đại tượng Phật Tỳ Lô Giá Na tại chùa Đông Đại. Ngài Phật Triết tạo ra tám vũ điệu gọi là Lâm Ấp Bát Nhạc, múa cúng dường đại lễ, tạo nền tảng cho nhã nhạc cung đình (Nagaku) Nhật Bản phát triển sau này. Sự kiện này tập trung 25.000 Tăng Ni khắp nơi trên mọi miền đất nước và nước ngoài. Như vậy, giai đoạn này lối kiến thiết chùa chiền, tăng viện, sự cung dưỡng Tăng Ni, dựng tượng bằng đồng vĩ đại…đều được chi tiêu bằng quốc khố [9], nằm trong kế hoạch phát triển của quốc gia.
Ngoài xây dựng cơ sở vật chất, kiến thiết quốc gia thì việc đào tạo nhân lực là điều luôn thiết yếu. Thiên hoàng lấy thế giới lý tưởng của Phật giáo để xây dựng quốc gia như nhà Đường của Trung Quốc. Vì vậy, các Tăng sĩ được gửi theo các sứ giả sang Trung Hoa học đạo, đem tinh hoa văn hóa xứ người về làm phong phú thêm văn hóa bản địa. Thời kỳ Trung cổ Nhật Bản, tất cả chế độ như quan chế, học chế, hình chế, lịch học, lễ chế, âm nhạc, kiến trúc, công nghiệp, mỹ thuật đều ảnh hưởng và hình thành một nền văn hoá nhà Đường trên toàn cõi Nhật Bản [10].
Do vậy, Tăng sĩ nhập thế tích cực qua việc được trọng dụng, tham gia bộ máy cai trị, điều hành đất nước. Nhiều Tăng sĩ bằng tài năng, đức độ của mình có ảnh hưởng không nhỏ đối với giới lãnh đạo đất nước. Vào những thế kỷ đầu tiếp xúc và truyền bá văn hóa Trung Quốc, tầng lớp Tăng sĩ Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng do nắm trong tay ưu thế về học vấn nên được triều đình ưu ái. Nhiều người trong số họ trở thành những cố vấn cho các nhà lãnh đạo đất nước, ảnh hưởng không nhỏ tới đường lối của triều đình.
Nếu như Phật giáo Trung Quốc khuyên Tăng sĩ không nên tham gia việc nước như trong Quy Sơn Cảnh Sách ghi “bất năng an quốc trị bang” [11]. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam có các Thiền sư tham gia công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và được tôn làm Quốc sư [12], để lại trang sử vàng cho Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam. Như vậy, quan trọng là tu sĩ dùng thái độ nào đối với quốc vương và hệ thống chính trị để không mất bản chất Tăng sĩ mà vẫn phục vụ cho quốc gia, dân tộc. Đó là người xuất gia đồng hành với đất nước nhưng không giữ vị trí nào, nghĩa là không nắm quyền lực trong tay. Họ chỉ cố vấn, không thể hiện chức vụ quyền lực, trên tinh thần hỗ trợ cho sự tồn vong của đất nước. Đây là điểm hay của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam và các Thiền sư thời Lý-Trần đã thực hiện rất tốt tinh thần này. Nghĩa là các Ngài chỉ ở vị trí cố vấn, sau đó trở về chùa làm vai trò tu sĩ, không nắm giữ một quyền hành nào trong triều đình.
Thời kỳ Nara, Phật giáo cực thịnh đến nỗi sách sử ghi lại: “Chùa huy hoàng hơn cung điện, dân gian chăm việc lễ bái hơn là mệnh lệnh cấp trên, buổi sớm ban chiều tiếng chuông mõ lại rộn ràng hơn lời bàn quốc sự” [13], chùa chiền nhiều hơn cung phủ của hoàng thân quốc thích, tài lực kinh tế của tự viện tương đương xấp xỉ tài lực của triều đình. Như vậy, chúng ta đủ thấy Phật giáo lúc này phát triển cực thịnh về mọi mặt, ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp nhân dân và có sức mạnh tương đối so với triều đình. Vì vậy, năm 734, nhằm quản lý Tăng chúng, Thiên hoàng ra lệnh mỗi năm được xuất gia 10 người và phải thuộc kinh Kim Quang Minh và kinh Pháp Hoa [14]. Đây là biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh Tăng đoàn, bảo vệ giới luật Phật giáo, từ đó phát triển Giáo hội một cách hệ thống, Tăng sĩ có quy chuẩn.
Giai đoạn này, Phật giáo Nhật Bản chưa có Giới đàn truyền giới đậm tính bản địa. Từ khi Phật giáo du nhập, Tăng sĩ trong nước có lẽ đều do người nước ngoài đến truyền giới hoặc ra nước ngoài thọ giới. Do đó, vào năm 720, Long Tôn (706-760) thưa với Thánh Vũ Thiên hoàng rằng: “Địa vị phẩm chất của người xuất gia vốn không phụ thuộc chứng điệp được cấp bởi triều đình, do Phủ ti hay do Giáo hội cấp, mà phải được truyền giới thọ giới đúng cách. Người tu sĩ đắc giới sẽ thấy được bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia. Để đáp ứng điều này, Thánh Vũ Thiên hoàng phái hai Tăng sĩ là Vinh Duệ (Etei) và Phổ Chiếu (Fusho) qua nhà Đường xin thỉnh Luật sư [15] vào năm 733. Ngài Giám Chân (Ganjin) (688-763) là danh Tăng, thông hiểu giới luật của nhà Đường Trung Hoa, nhưng vua Đường không cho Ngài đi. Trải qua 11 năm, sau 6 lần vượt biển, Giám Chân đến được Nhật Bản năm 753 thì đã bị mù mắt, đến trú ở Đông Đại tự [16]. Năm 754, Ngài mở Giới đàn đầu tiên [17] tại chùa Đường Chiêu Đề (Toshodaiji), quy tụ rất nhiều Tăng sĩ thọ giới, cư sĩ thọ Bồ tát giới như Thiên hoàng, Quang Minh Hoàng Hậu, Hiếu Khiêm…Do đó, Giám Chân được xem là vị Luật sư đầu tiên của Phật giáo Nhật Bản. Chùa Đường Chiêu Đề trở thành Tổng Bản Sơn của Luật tông cho đến ngày nay.
Từ đó về sau, Tăng già Nhật Bản được xem là thọ giới đúng luật. Năm 755, Ngài cho mở ba Giới đàn viện [18]: Chùa Đông Đại (Todaiji) là Giới đàn trung tâm, chùa Quan Âm (Kwanseonji) là Tây giới Đàn viện, chùa Dược Sư (Yakushi) là Đông giới Đàn viện. Từ đó về sau, Giới đàn đều tổ chức trên ba địa điểm này, theo mô hình của Phật giáo Trung Hoa.
Song song việc đúc tượng Thích Ca Mâu Ni ở các Quốc Phần tự, Thiên hoàng thành lập công trình chép kinh tạng bằng tay. Mỗi chùa phải có kinh Kim Quang Minh, kinh Pháp Hoa. Trong kinh Kim Quang Minh có đoạn “… Chỗ nào giảng nói cho người bản kinh nhiệm màu ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy được bốn sự phước lợi. Một là quốc vương vô bệnh, không mọi tai ách. Hai là thọ lượng lâu dài, không bị trở ngại. Ba là không có thù địch, quân đội hùng cường. Bốn là yên ổn sung túc, Phật pháp lưu thông…” [19]. Như vậy, kinh Kim Quang Minh có đặc trưng là bộ kinh hộ quốc, lấy sự thống nhất giữa Phật giáo và chính quyền làm lý tưởng. Kinh chỉ nói đến sự yên vui, nhất là coi trọng hạnh phúc trong nhân loại, sự yên vui của quốc gia. Kinh này nói khá nhiều về quốc vương áp dụng chánh pháp cho bản thân, thân quyến và quốc dân, đề cao sự hộ vệ của chư thiên thiện thần. Đồng thời, nhân loại sống theo chánh pháp thì họ được hộ vệ. Riêng kinh Pháp Hoa để trang nghiêm quốc độ, pháp thủ hộ biên giới quốc gia [20].
Việc chép kinh dưới thời Nara rất phát triển [21], hoạt động có quy mô, phong trào, chính sách. Ngoài các cơ quan chép kinh của nhà nước, còn có cơ sở chép kinh của các chùa, viện và quý tộc. Vì vậy, các sử gia gọi Phật giáo Nara là Phật giáo chép kinh [22]. Phong trào này đã đóng góp rất lớn cho nền văn hóa Nhật Bản.
Từ thời Asuka, Thánh Đức Thái tử sớ giải kinh Pháp Hoa, Thắng Man, Duy Ma và giảng kinh Pháp Hoa, kinh Thắng Man cho Thiên hoàng. Có thể nói, Phật giáo Đại thừa đã được đón nhận và truyền bá ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hệ thống tư tưởng chưa được hình thành. Cuối thời Nara, hệ thống tư tưởng dần hoàn bị, nhiều sự lựa chọn cho người học Phật. Tăng sĩ đi du học trở về rất nhiều, nền học thuật đã chuyển từ việc học các nguyên lý đại cương sang tìm hiểu sâu xa hơn về các trường phái. Có sáu trường phái tư tưởng Phật học của Trung Hoa được truyền bá vào Nhật Bản trong thời kỳ này, sau được gọi là “Nam Đô lục tông” (Nanto Rokushu), còn gọi là Cựu Phật giáo [23]. Đông Đại tự là nơi nghiên cứu cả sáu tông. Đó là Câu Xá tông (Kurasu), Thành Thật tông (Jojitsu), Tam Luận tông (Sanrsu), Pháp Tướng tông (Hossosu), Luật tông (Ritru), Hoa Nghiêm tông (Kegonsu).
Các luận sư của các trường phái này đã viết nhiều sớ giải về các kinh và luận, nghiên cứu trong những ngôi chùa lớn, nhưng những giáo học đó chỉ là những học vấn trong phòng sách của một số Tăng lữ hiếu học và chỉ tập trung vào những kiến thức trên văn tự không có liên quan gì đến những tín ngưỡng hiện thực. Lúc bấy giờ, Pháp Tướng tông có ảnh hưởng mạnh nhất. Phật giáo thời Nara là Phật giáo thực tiễn, tinh thần căn bản là hướng đến mục đích đền trả tứ ân, phụng sự Tam bảo, cứu tế xã hội, kỳ nguyện cho quốc thái dân an. Mặc dù Thiên Minh Thiên hoàng và nhân dân ủng hộ Phật giáo, nhưng không vì vậy mà họ bỏ rơi tôn giáo bản địa. Khi đúc tượng “Đại Phật”, Thánh Vũ Thiên hoàng từng sai người đến cầu nguyện nơi Thần cung của phái Thần đạo Ise và vị Vũ Tá Bát Phan Thần [24]. Thần đạo cũng được triều đình ủng hộ, đỉnh cao vàng son đồng thời cùng giai đoạn với Phật giáo. Đây được xem là kết quả của tinh thần dung hợp Thần đạo và Phật giáo. Do đó, nhiều chùa thờ tượng các vị Thần minh của Thần đạo và ngược lại. Đây là một quan điểm tín ngưỡng khá đặc biệt của Nhật Bản trong thời kỳ Phật giáo Nara.
Bằng chính sách Phật giáo kết hợp chính trị, sử dụng trí thức Phật giáo vào bộ máy quyền lực đã tạo ra thành công trong việc xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo. Về chủ trương chính trị đi đôi với tôn giáo nên việc khoáng trương chùa chiền song hành với tổ chức hành chính. Như vậy, đối với dân tộc Nhật Bản, Phật giáo không còn là một tôn giáo ngoại lai nữa, mà là một tôn giáo của quốc gia, có liên hệ mật thiết với sự thịnh suy, tồn vong của quốc gia. Do đó, không chỉ ở Nhật Bản mà Phật giáo trong giai đoạn này cũng có một bộ mặt mới mẻ, tầm cỡ để lại cho đời sau nhiều di sản có giá trị về mặt tinh thần và vật chất. Ngày nay, Phật giáo Nhật Bản có bộ mặt khác so với các quốc gia có Phật giáo du nhập trên thế giới, đó cũng là quy luật lựa chọn và phát triển phù hợp theo quan điểm của mỗi dân tộc và quốc gia khác nhau. Thế nhưng, Phật giáo thời kỳ Nara đã trở thành một giai đoạn lịch sử huy hoàng, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản qua các triều đại, cho đến ngày nay.
Chú thích:
[1] R. H. P Mason & J.G. Caiger, Lịch Sử Nhật Bản, Nguyễn Văn Sĩ dịch, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2003, tr.28.
[2] Sđd, tr.34.
[3] Trần Quang Thuận, Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2008, tr.118.
[4] Nguyễn Văn Tần, Nhật Bản Sử Lược quyển 1, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1960, tr.244.
[5] Ishi Da Kazu Yoshi, Nhật Bản Tư Tưởng Sử, Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Hà Nội, 1973, tr.190- 191.
[6] Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo TP. HCM ấn hành, 1992, tr.52.
[7] Ishi Da Kazu Yoshi, Nhật Bản Tư Tưởng Sử, Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Hà Nội,1973, tr.190- 191.
[8] R. H. P Mason & J.G. Caiger, Lịch Sử Nhật Bản, Nguyễn Văn Sĩ dịch, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2003, tr.40.
[9] Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Hạ, Trúc Thiên-Tuệ Sĩ dịch, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, 2015, tr.371.
[10] Tuệ Khai dịch, Nghiên Cứu Phật Giáo Tây Vực, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2002, tr.139.
[11] Nguyễn Minh Tiến dịch, Quy Sơn Cảnh Sách, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2003, tr.8.
[12] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB. Văn học, Hà Nội, 2014, tr.184 -200.
[13] Nguyễn Văn Tần dịch, Nhật Bản Sử Lược quyển 1, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1959, tr.207.
[14] Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002, tr. 69.
[15] Sđd, tr.100.
[16] Tuệ Khai dịch, Nghiên Cứu Phật Giáo Tây Vực, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2011, tr.141.
[17] Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002, tr.69.
[18] Trần Quang Thuận, Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2008, tr.160.
[19] Thích Trí Quang dịch, Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, 1994, tr.135-137.
[20] Thích Nguyên Tâm dịch, Tinh Hoa Phật Giáo Nhật Bản, tập 1, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2010, tr.157
[21] Sueki Fumihiko, Lịch Sử Tôn Giáo Nhật Bản, Phạm Thu Giang dịch, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr.72.
[22] Thánh Nghiêm -Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, NXB. Khoa Học Xã Hội, tr.454.
[23] Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002, tr.80.
[24] Thích Thiên Ân, Lịch Sử Tư Tưởng Nhật Bản, NXB. Khoa Học Xã Hội, TP. HCM, 2018, tr.250.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm