Tìm hiểu về khả tính thành Phật của nữ nhân
Chính từ sự kiện 'nữ nhân khả tính' một phần nhấn mạnh tầm quan trọng của bức thông điệp 'Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành', duy nhất, tuyệt vời chỉ có ở giáo Pháp của đức Phật, cũng là lời khẳng định về tính thống nhất toàn bộ tư tưởng Phật giáo.
Dẫn nhập
Nữ nhân trong mọi thời đại đều sẽ trở thành trung điểm bàn luận, thu hút nhiều những ý kiến, lý luận dị đồng. Dưới góc nhìn nghệ thuật, số đông vẫn dành những lời khen có cánh cho phái đẹp. Hình ảnh được ví nhiều nhất với người nữ chính là hoa, là sắc màu, hương thơm đều tỏa ra sức hấp dẫn kỳ lạ khiến bao nam nhân điêu đứng. Ngược lại, trong Tam tạng thánh giáo của đức Phật lại tràn ngập những tập khí xấu xa, đáng khiếp sợ của phái nữ.
Không phải nghịch lý hoàn toàn với pháp bình đẳng của Phật sau lần chấp nhận cho nữ giới xuất gia trong Pháp và Luật Phật. Điều đáng suy ngẫm ở đây là tính chân thật của Đạo. Nếu quả của Đạo là giải thoát luân hồi sinh tử, chứng nhập Vô sinh, thì nhân của Đạo phải xuất phát từ sự chân thật. Nhân đó là gì? Là có chính kiến, là thấu được Khổ, nhìn ra Tập, hướng đến Diệt, tu theo Đạo.
Nếu trong Kinh Nikaya lấy con người làm trung tâm thì đồng nghĩa với việc cần thận trọng nữ sắc, sức mạnh của nữ nhân có thể khuynh đảo khiến hành giả đắm chìm, ngụp lặn trong luân hồi, khó ra chứ nói chi đến giải thoát? Ví như nhà tù còn có thể ra nhưng ái dục, buộc kiềm của nữ nhân khó có thể xả ly.
Một điều đáng bàn tới ở đây chính là chuyển mình sang một giai đoạn Phật giáo phân kỳ, phát triển là Kinh điển Đại thừa thì vị trí người nữ được ngang tầm ở quả chứng như Phật, thực sự cần suy nghiệm thêm một lần về giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Chính vì lý do này mà người viết chọn đề tài: “Tìm hiểu về khả tính thành Phật của nữ nhân” ngang qua phương pháp so sánh đối chiếu và phân tích triết học để dùng thức phân biệt nhìn nhận về sự huyền diệu trong giáo pháp Như Lai, luận giải về tính thống nhất tư tưởng Phật giáo qua các thời kỳ hầu mong thấu tỏ được một chút pháp tính, cầu nguyện tâm ý kiên định, vững chí Bồ đề, thiện kết duyên lành “dâng ngọc” mà dự phần Bất thoái.
1. Tập khí nữ nhân trong Kinh Tạng
Mở lại trang lịch sử Phật giáo hẳn phải tìm về cội nguồn xã hội Ấn Độ với sự phân tầng giai cấp rõ rệt. Quan niệm này khỏi nguồn từ sự mặc định tư tưởng Phạm thiên sinh ra thế giới, con người và ngay nơi thân Ông có đủ các giai cấp hình thành nên xã hội. Tư tưởng lối mòn đó tồn tại trước khi đức Phật xuất hiện đã khiến những giai cấp thấp không có lối thoát. Sự kỳ thị, khinh rẻ giai cấp thể hiện rất rõ qua định kiến trong cuộc sống.
Đức Phật cũng tuyên bố xuất hiện nơi thế gian vì nỗi khổ của thế gian, và tìm ra con đường dẫn chúng sinh thoát khổ. Chính đức Phật nhìn ra sự đồng đẳng trong sự khổ của cả bốn giai cấp, những nỗi đau chung của chúng sinh thay vì như các vị giáo chủ ngoại phái nhân danh tôn giáo mà dẫn lối sai lệch. Người nữ, nhất là thuộc thân phận thấp, trong xã hội Ấn Độ có lẽ chịu cả gông cùm của xã hội và trong phạm vi gia đình.
Không chỉ là nô lệ của giai cấp trên mà còn là công cụ giải tỏa của chồng, là tôi đòi trong gia đình chồng, là sự đổi chác của gia đình mình, sự khinh rẻ, đáng ghê tởm trong mắt người nhìn. Nếu có được một phép màu ngay lúc này, khi nhắc tới Ấn Độ có ai dám thử “xuyên không” về đó mà tự cảm nhận sự đè nén đau thương, chỉ có nước mắt và mồ hôi làm bạn.
Từ nhiều nguyên nhân đó mà: “như thiện nam, thiện nữ v.v… không có ai mà chẳng cầu thân nam tử. Vì sao? Vì tất cả nữ nhân đều là chỗ chứa của mọi thứ ác”[1]. Sự đau thương, đáng tội nghiệp đó của nữ nhân và áp lực giai cấp đã được đức Phật thấu tỏ. Nhưng điều tiếp theo là sự thật còn đáng đau xót hơn đã được Đấng Thế Gian Giải chỉ rõ trong kinh văn:
“Nữ nhân uế Phạm hạnh,
Khiến loài Người hệ lụy,
Khổ hạnh và Phạm hạnh,
Là tắm không cần nước”[2].
Mọi tập khí xấu xa tột độ của người nữ được đức Phật chỉ dạy là khó có thể ngăn giữ: “Dầu ta có nắm tay, cũng không thể canh giữ nữ nhân khỏi trốn được. Như vậy, không ai có thể canh giữ nỗi đàn bà”[3].
Đọc trọn kinh điển, tới những bài kinh phơi bày, mổ xẻ những thói tệ hại của nữ nhân, thật khiến người viết kinh hoàng:
“Bọn nữ nhân đầy rẫy hận sân,
Nói mồm hai lưỡi, bọn vong ân,
Kẻ gieo chia rẽ, rồi gây chiến,
Vậy hỡi Tỷ-kheo, hãy bước chân”[4].
Sau thứ thân hình nhỏ bé, như yếu đuối của nữ nhân lại là chuỗi những gớm ghê của tính cách:
“Nữ nhân chẳng phải rộng lòng
Phát ban thường vẫn cản ngăn cố tình,
Biết nhiều mưu kế thông minh,
Thường hay lạc lối, ác hành tạo nên”[5].
Nếu tự mình đáng chán ghét bởi những tính xấu xa cũng đủ đưa chân vào ác đạo rồi vậy mà cũng chính nữ nhân lại lấy hình sắc, hơi hương, vị ngọt dẫn dụ, kéo lôi bao người sa đọa, khiến đổ vỡ gia đình, chịu khinh cười của chúng nhân. Phật đã hơn một lần nói về tính ràng buộc của người nữ, sẽ làm ngu mê, trong nữ vị khó hi vọng hồi đầu:
“Này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với sắc; này các Tỷ-kheo nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; này các Tỷ- kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng;1 này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm. Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập”[6].
Bằng hình ảnh cái lu chứa đựng các thứ có thể là nơi cất chứa bảo vật thì cũng có thể chứa bùn đất hôi nhơ, cũng vậy, thân nữ nhân vốn đã chứa góp bao hệ lụy, phiền trược, lại còn là nhân kéo theo vướng bận trong vòng luân hồi. Chỉ tưởng tượng chút thôi cũng đủ hình dung những hệ quả đau thương đều từ nữ nhân mà sinh khởi:
“Phẫn nộ là nữ nhân, này Ananda. Tật đố là nữ nhân, này Ananda. Xan tham là nữ nhân, này Ananda. Ác tuệ là nữ nhân, này Ananda. Ðây là nhân, đây là duyên, này Ananda, nữ nhân không ngồi giữa pháp đình, không có dấn thân vào sự nghiệp, không đi đến tinh túy của sự nghiệp”[7].
Huân tập từ nhiều kiếp, hay do một niệm khởi bất thiện, tham sắc, đắm hương… mà phải chịu thân nữ nhân, chỉ có đức Như Lai, Chính đẳng giác mới có thể thấu tỏ và chỉ lối đưa đường cho sớm thoát ly. Nhân ác, duyên ác chắc chắn quả ác là sự tất yếu khó có thể chạy trốn:
“Phần lớn các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?”[8].
Là Bậc Đạo Sư, đức Phật không những chỉ ra cái tệ lậu của chúng sinh mà còn ân cần dạy bảo phương cách chuyển hóa, cũng như thế, điều Như Lai chê trách nữ nhân không phải để giày vò, chất chồng áp lực lên họ. Vượt lên trên hết định kiến xã hội, những cổ hủ, lạc hậu, bất thiện đối với nữ nhân là con đường giải thoát mà đức Phật trao cho chúng sinh và nữ nhân được dự phần an lạc.
Chẳng phải chỉ có những nữ nhân xưa của Ấn Độ hay Ni đoàn thời Đức Phật mới cảm nhận được niềm cảm ân sâu sắc khi được trả lại về vị trí đáng có trong xã hội, được tiếp nhận sự giải thoát qua con đường chính đạo.
Mà ngay cả đến thời điểm hiện tại, cách xa lịch sử đức Phật nhập Niết Bàn hơn hai nghìn năm trăm năm, bản thân kẻ hậu sinh là người viết cũng phần nào tự thị bản thân đúng thực như lời dạy năm xưa của Ngài về những hữu lậu của nữ nhân và hơn hết là cơ hội được tồn tại trọn chữ “sống”, kiến giải chân chính, thanh tịnh, hòa hợp dưới ánh sáng của Trí tuệ – Từ bi.
2. Nữ nhân và con đường chứng Đạo và Quả
Đức Thế Tôn xuất thế với những chân thật ngữ đem lại thanh tịnh, an lạc, hiền thiện, giải thoát, rốt ráo chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Đây là đức hạnh của Bậc Thiện Thệ trên bước đường độ sinh mà không một ai có thể tự dối mình mà khẳng định được như thế. Đức Đạo Sư, không tự đặt cho mình điều đó nhưng cuộc đời trong khoảng thời gian hành đạo đã cho nhân loại câu trả lời về nhận định đó.
Có thể nói từ khi được Phật đồng ý thành lập Ni đoàn, ly gia, vào trong pháp và luật, thành tựu được việc làm của bậc Thánh Ni đồng giải thoát như chư vị Thánh Tăng qua bộ Trưởng Lão Ni Kệ: Trưởng lão ni Dhīrā, Vīrā, Mittā, Bhadrā, Upasamā,…. và một số gương sáng của chư thiện nữ thời Phật như Visakha, Migaramata, Ambapali…
Như vậy, như cái bình nhơ bẩn khi gặp nhân duyên thiện lành, gột bỏ những thứ không sạch vẫn có thể đựng vật báu. Dù thân nữ nhân chứa đựng vô số những lậu hoặc, có duyên tu tập hiền thiện đều được gọi “thiện nữ nhân”, dần tu các hạnh lành, tích đức tu đạo ngay ở những vị trí riêng của mình, trong nhà hay xã hội:
“Khi nữ nhân hiền đức vẹn toàn,
Tại đây được thấy giữa trần gian,
Chính chân nội tướng đầy nhân ái
Với mẹ chồng, như phận sự nàng.
Khi chư Thiên biết một hồng nhan,
Lòng trí cao minh, nghiệp thiện toàn,
Dù nữ nhi, mà từ thượng giới,
Thiên chúng đích thân đến với nàng.
Giữ đời đức hạnh, hỡi Nương nương,
Nhờ tích trữ toàn việc thiện lương,
Công chúa xuất thân, đà đạt được
Trọn niềm hạnh phúc vẫn cầu mong.
Vậy nàng gặt hái nghiệp duyên nàng
Bằng cảnh huy hoàng ở thế gian,
Công chúa, về sau trên thượng giới
Tái sinh nàng được hóa Thiên thần.
Nữ nhi hiền đức, hưởng hồng ân!
Cứ sống giữ gìn hạnh chính chân,
Nay lúc ta cần về thượng giới,
Vui mừng vì diện kiến tôn nhan”[9].
Mỗi con người ở vị trí khác nhau trong xã hội lại có những bổn phận, trách nhiệm riêng khác nhau. Có nữ nhân tính thích bố thí, trì năm giới… tới đức Phật và Tăng đoàn thì sống trọn đời cư sĩ tín tâm. Có nữ nhân hiểu sâu tội phước, chân thật muốn vượt ra sinh tử, thấy nhân gian tạm bợ, chuỗi những khổ đau, ác trược, được như ý nguyện xuất gia, sống đời sống rời xa gia đình, cũng có cơ hội giải thoát.
Giáo Pháp chỉ riêng của đức Phật mới toàn hảo đến thế: “Này A-nan, nữ nhân phải phụng hành tám trọng pháp này và không được vi phạm. Nữ nhân phải suốt đời phụng trì giới này. Này A-nan, cũng như người đánh cá giỏi hay đệ tử của ông ta vào trong nước sâu để thả lưới, phải đắp đập ngăn chặn để giữ nước không cho chảy ra ngoài. Cũng vậy, này A-nan, nữ nhân phải phụng hành tám trọng pháp, không được vi phạm. Nữ nhân phải phụng trì giới này suốt đời”[10].
Thuận theo giáo Pháp Như Lai, không phân thân tướng đều có cơ hội chứng quả giải thoát như trong Kinh Tương Ưng bộ, phẩm Thiêu Cháy có chép:
“Không kể nam hay nữ,
Đều dùng cỗ xe ấy,
Chính nhờ cỗ xe ấy,
Hướng tiến đến Niết Bàn”[11].
Thế gian, sự hiện hữu của người phụ nữ đều phụ thuộc bởi nam quyền, con thì dựa vào cha, vợ thì dựa vào chồng, mẹ dựa nhờ vào con trai thì ngược lại, trong biển (giáo pháp của Phật) rộng mênh mông không dung nạp tử thi (tâm nữ nhân ý hạ liệt, đắm chìm trong ngũ dục, cam chịu khổ đau hiện tại, luân hồi vòng xoay), đều nhận nước trăm sông (nương tựa mình) tự đổ về.
Bốn giai cấp Sát đế lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, khi đến với giáo pháp đều có chung tên gọi Thích tử: “Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ”[12].
Không hạn cuộc trong một giai cấp, không thuộc về chế độ cầm quyền, không theo lối mòn tư tưởng nam quyền cũ, không phải của riêng ai, lại như “xe báu” cho khắp tất cả, đủ hạng người Bimbisara, Ạjtasattu, Kassapa, Saraputta, Upali, Ambapali, Angulimana…vậy tất nhiên có phần của nữ nhân ở đây:“Này Ànanda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả”[13].
Kinh điển Nikaya khi bàn về sự chứng đắc đối với nữ nhân có thể đã là quá từ bi và bình đẳng về tính giải thoát trong giáo pháp của Đức Thế Tôn: “Đức Phật đã mở rộng cánh cửa cho nữ nhân các giới có cơ hội tu tập. Giáo hội tỳ-khưu-ni đã được thành lập rồi, ngay cạnh khu rừng Mahāvana của tỳ-khưu Tăng. Mấy trăm công nương, cung nga thể nữ dòng tộc Sakyā, dẫn đầu là hoàng hậu Gotamī, công nương Yasodharā, sương phụ của đức Phật, đã được gia nhập đoàn nữ samôn. Và nghe đâu, đức Phật ấy không phân biệt nữ nhân thuộc giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội”[14].
Tiếp biến sang giai đoạn kinh điển Đại thừa, không chỉ dừng ở ngôi vị A La Hán vì trong Kinh Tương Ưng Ba, Thiên Uẩn, Phẩm Tham Luyến ghi chép về sự dị biệt giữa Phật và chư vị chứng A La Hán có điểm tương đồng là đều được giải thoát nhờ trí tuệ, xa rời tham dục, hoàn toàn đoạn dục sắc, không chấp thủ chỉ có những đặc thù là các vị đệ tử Phật lấy Phật làm căn bản, y chỉ, là Bậc tuyên thuyết, thuần thục đạo, ngộ đạo.
Từ trích lược này, có thể nói ngôi vị Phật vẫn là rốt ráo vì “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Nối theo dòng tư tưởng trong Nikaya, Đại thừa kinh điển đã kế thừa và phát triển về vị trí của người nữ sau khi chứng A La Hán:
“Lại nữa, này thiện nam! Như cây A-thúc-ca, cây Ba-tra-la, cây Ca-ni-ca, mùa xuân nở hoa bầy ong hút lấy sắc hương mỹ vị chẳng biết chán. Nữ nhân dâm dục với nam tử cũng như vậy, chẳng biết nhàm chán. Này thiện nam! Do nghĩa này nên các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe được kinh điển Đại Niết-bàn Đại Thừa này thì thường nên chê trách thân tướng nữ nhân, cầu được thân nam tử. Vì sao? Vì kinh điển Đại Thừa này có tướng trượng phu, gọi là Phật tính. Nếu người chẳng biết Phật tính này thì không có nam tướng.
Vì sao? Vì chẳng thể tự biết có Phật tính. Nếu có người chẳng thể biết Phật tính thì ta nói những người đó là nữ nhân. Nếu người có thể tự biết có Phật tính thì ta nói người đó là đại trượng phu. Nếu có nữ nhân có thể biết thân mình nhất định có Phật tính thì phải biết những người đó là nam tử”[15].
Giai đoạn chuyển giao tư tưởng từ Nikaya sang Đại thừa hẳn cũng cần khoảng thời gian hình thành lên học thuyết về Tính, nhằm lý giải, dung hòa một vài chỗ khiếm thiếu trong hệ thống tư tưởng Phật giáo trước đó đến độ đồng nhất. Tính và tướng được phân định rõ ràng, ngôn ngữ thời kỳ này được cẩn duyệt hơn để tiện việc tu học, nghiên cứu về sau. Bước sang tầm nhận thức cao hơn thì tướng sẽ trở thành chướng ngại ngăn giữ sự giải thoát.
Ngoài ra, hình tướng là một phần thể hiện sự chấp thủ, khoen “thủ” trong nhân duyên cũng được coi là đại diện cho thời “hiện tại”, không cắt bỏ mắt xích đó sẽ lại tự làm vướng chân người tu đạo như Kinh Xà Dụ kể về câu chuyện sang tới bờ nên bỏ lại thuyền sao cứ mãi buộc thuyền trên lưng mà đi. Lại vì bản nguyện từ Bồ Tát sơ phát tâm đến ngôi vị Bất thoái chuyển thì: “Đại phạm Diệu Âm thưa: “Thưa Thế Tôn! Con nay dùng hình tướng nữ nhân này, sẽ khéo hộ trì tất cả nữ nhân, sẽ khéo thành thục tất cả nữ nhân”[16].
Đại ý của Kinh điển là bất khả tư nghì, khó có thể luận bàn, bởi ngữ thì hạn chế, ràng buộc câu từ mà nghĩa thì tùy tâm ý đương cơ nghe hiểu tới đâu thì tầng pháp tạm dừng ở đó nhưng lại không thể vì tri thức thấp để nhìn nhận giáo pháp chỉ đến độ vậy. Tương tự như chú ếch sống trong giếng, mỗi ngày nhìn lên miệng giếng rồi nhất quyết khẳng định thế giới bên ngoài đều chỉ vỏn vẹn trong hình thành giếng.
Có thể, mỗi nhận định cá nhân đều tùy tâm mà khi nghe pháp hiển ý dị – đồng, người viết chỉ y cứ trên kinh điển nhằm tự bản thân hiển tỏ ý pháp trong tầm hiểu biết đến đây.
3. Từ nhân vật Long nữ nghĩ về khả tính thành Phật của nữ nhân và liên hệ tới tính thống nhất trong tư tưởng Phật giáo
Sự kiện Long nữ thành Phật sau khi dâng cúng “ngọc châu” có thể gọi đây là sự hiển bày thần lực của Kinh sách đề cập, khó thể nghĩ bàn. Biện dẫn kinh văn “Phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ mười hai” chia làm hai mục lớn: Về vô lượng kiếp xưa kia có vị Tiên nhân truyền dạy Kinh Pháp Hoa cho đức Thích Ca nhân đó thành đạo, nay Bồ tát Văn Thù Sư Lợi truyền kinh mà Long nữ cũng thành Phật.
“Trong kinh Đại phẩm: Hành giả muốn được tất cả các pháp, phải học lý Bát Nhã, như được hạt châu như ý”[17], hạt châu biểu thị cho người tu tập “nhân” viên đốn, Long nữ dâng châu thành đạo là ý chỉ dùng Pháp chân thật chỉ một (Phật thừa) mà trừ mối nghi nhằm đạt được “quả”. Nhân quả tương ưng được Phật nhận châu chính chỉ cho mau chóng thành tựu.
Nếu ở Kinh tạng Nikaya là chứng A La Hán một đời thì bước chuyển tiếp ở kinh Pháp Hoa là thành Phật hiện tiền. Phẩm này nói đến Long nữ chính là minh chứng cho nhân viên quả mãn. “Biển” là chỗ trầm luân. “Rồng” đứng đầu ba độc. “Nữ thân” tâm tà cấu trược. “Hiến dâng” ngọc châu trong thời gian ngắn. Đây chính là hiển tỏ nghĩa màu là chỗ ngộ hiện đời cần thân cận thắng duyên (được giáo hóa bởi Đại Trí Văn Thù Sư Lợi).
Nội dung kinh tạng nguyên thủy, người nữ là hố sâu chứa nhóm những xấu xa, là bẫy mồi của luân hồi, là lưỡi hái Thần chết dịu ngọt nhất thì bước sang thời kỳ Phật giáo Đại thừa, đại diện Kinh Pháp Hoa đã cho người nữ một bước chuyển mình hơn thế. Không phải chỉ dừng lại ở quả vị A La Hán mà kinh Xử Thai ghi: “Pháp tính như biển lớn, không nói đến phải trái, phàm phu, hiền Thánh, bình đẳng không cao thấp, chỉ do tâm cấu diệt,chứng đắc thật dễ dàng”[18].
Sự thành Phật ở đây của Long nữ là xuất phát từ nhân nghe Pháp giống Bồ tát khi xưa mà thành Chính đẳng giác. Biển lớn sinh tử là hang ổ của ác duyên, nghiệp chướng, chẳng phải Diệu trí chẳng thể thâm nhập, không phải Diệu pháp không có khả năng chuyển hóa thành Diệu hạnh. Trí khởi thì hoặc nghiệp vong, vô số phiền não đương thể thanh tịnh:
“Hiểu sâu tướng tội phúc,
Chiếu khắp cả mười phương
Pháp thân mầu nhiệm tịnh,
Đủ ba hai tướng tốt,
Và tám mươi vẻ đẹp
…Duy Phật mới chứng biết…”[19]
Kinh Hoa nghiêm nói: “Mới phát tâm liền thành chính giác”. Kinh Tịnh Danh ghi: “Một niệm ngồi đạo tràng”. Kinh Pháp Hoa: “Trong khoảng sát na liền thành Phật” tất cả đều nhân sơ trụ chứng trí Vô sinh nên nói thành Phật. Chúng sinh mỗi phương tùy phúc đức mà ngộ nhập Pháp khác nhau. Như chúng sinh Ta bà chỉ có thể dùng hình mẫu Long nữ thành Phật để giáo hóa. Còn như ở phương Nam, chúng sinh duyên thuần thục nên được giáo hóa bằng tám tướng thành đạo, mỗi mỗi cảnh thấy nghe của cõi uế trược này đều lưu xuất từ tâm nên gọi y báo chính báo.
Đây có thể nói là phương tiện khéo léo nhân dụng tỏ tính, quy kết thành thể thâm đạt biến chiếu, hàm tàng ý về pháp sâu xa, không thể nghĩ bàn là nghĩa quyền thật vậy. Con gái vua rồng Ta Kiệt La căn tính lanh lợi, trí tuệ thông đạt các pháp là nghĩa phát tâm bồ đề được bất thoái chuyển, siêng năng tu tập chứng nhập Sơ trụ hay niệm bất thoái, chứng Vô sinh liền ở trong trăm cõi thành Phật. Long nữ chuyển thân nam mà thành Phật đều là phương tiện dụ cho Nhất thừa:
“Chuyển thân nữ chỉ là cách hiển bày thần lực của kinh, hiển thị thân nữ là thân nam, tướng mà không tướng nhất định chứ không phải khi đó con gái vua rồng mới thành – diệu dụng quyền thật”.
Tựa giống như thế: “Phật bảo Hiền giả Xá-lợi-phất: Nên biết, Chuyển luân thánh vương Phước Đức Thanh Tịnh lúc bấy giờ đâu phải người nào khác mà chính là Bảo Nữ. Bảo Nữ này ở chỗ Đức Phật Duy Vệ đã phát khởi đạo ý Chính chân vô thượng. Hiền giả Xá-lợi-phất hỏi Thế Tôn:Vì tội chướng gì mà thọ thân nữ nhân?Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát Đại sĩ không vì tội chướng mà thọ thân nữ. Vì sao? Vì Bồ-tát Đại sĩ dùng tuệ thần thông theo phương tiện thiện xảo Thánh minh, hiện thân nữ nhân để giáo hóa quần sinh.
Theo ý của Hiền giả Xá-lợi-phất thì sao? Bảo Nữ này là nữ nhân chăng? Chớ nghĩ tưởng như thế! Nương nơi diệu lực Thánh thông mà có sự biến hóa, đó là chân Bồ-tát. Nên khởi quán như thế này thì không có pháp nam thì không có pháp nữ, đầy đủ tất cả các pháp yếu thì không đến không đi. Bảo Nữ này ở cõi Diêm-phù-đề giáo hóa, truyền trao cho chín vạn hai ngàn các chúng đồng nữ đều phát đạo ý Chính chân vô thượng. Khi ấy, Bảo Nữ nói với Hiền giả Xá-lợi-phất:
Thưa Trưởng lão! Trưởng lão đâu có thể hiện thân nữ để nói pháp cho chúng sinh? Hiền giả Xá-lợi-phất nói: Như tôi hiện giờ không ưa thích thân nam, huống là trở lại thọ thân nữ! Bảo Nữ hỏi: Thầy đã chán ghét thân uế trược của mình rồi sao? Đáp: Thật nhàm chán!”[20].
Đức Thiện Thệ trước khi thành Chính giác cũng có vô số thân hành Bồ tát đạo đến khi tròn mãn, đến như cách Ngài đản sinh, xuất thế, gia đình, dòng tộc, cha mẹ… đều tròn mãn. Không chỉ riêng Bồ tát và cả những nhân vật, sự kiện, hiện tượng quanh Đức Như Lai cũng phải có nhiều duyên tạo thành.
Như mẹ của Thái tử trước khi thành đạo cũng phải trọn đầy tích lũy công đức:
“Nếu có bậc nữ nhân nào thành tựu đầy đủ ba mươi hai loại công đức thì sẽ làm mẹ Bồ-tát. Ba mươi hai đức ấy là những gì? Một là tên tuổi được nhiều người biết đến; hai là mọi người đều khen ngợi; ba là dung nghi mẫu mực; bốn là các tướng đều đầy đủ; năm là thuộc dòng họ cao quý; sáu là vô cùng đoan chính; bảy là danh vọng và đức hạnh tương xứng; tám là hình dáng dung mạo cân đối xinh đẹp; chín là chưa từng mang thai; mười là giới tính trọn đủ;
Mười một là tâm không chấp trước; mười hai là nhan sắc luôn tươi vui; mười ba là vận động thuận theo phía tay phải; mười bốn là sáng suốt tỉnh táo; mười lăm là tính tình hòa dịu, mềm mỏng; mười sáu là thường không sợ hãi; mười bảy là nghe rộng, nhớ giỏi; mười tám là trí tuệ trang nghiêm; mười chín là tâm không nhỏ nhen, nịnh bợ; hai mươi là không hề trí trá, lừa dối; hai mươi mốt là chưa từng giận dữ; hai mươi hai là thường không keo kiệt, bỏn sẻn; hai mươi ba là tính tình không ganh ghét, đố kỵ;
Hai mươi bốn là tính tình không thô tháo, loạn động; hai mươi lăm là dung sắc luôn đằm thắm, dịu dàng; hai mươi sáu là miệng không thốt ra lời độc ác; hai mươi bảy là đối với sự việc luôn gắng nhẫn nhục; hai mươi tám là luôn biết tự hổ thẹn; hai mươi chín là cả ba độc đều không có; ba mươi là luôn xa lánh tất cả hạng nữ nhân tội lỗi; ba mươi mốt là hết lòng cung kính chư Thiên; ba mươi hai là các tướng đều viên mãn.
Đó là nói về ba mươi hai đức hạnh. Nếu có bậc nữ nhân nào có đầy đủ các công đức ấy thì mới xứng đáng để làm mẹ Bồ-tát. Bồ-tát không nhập thai vào những ngày không có trăng sáng, chỉ chọn những ngày có trăng sáng hợp với sao Phất-sa, thời gian này người mẹ đang thọ trì trai giới thanh tịnh, chính lúc đó Bồ-tát sẽ thị hiện nhập thai”[21].
Hầu hết các kinh điển đại thừa đều ghi chép:
“Đức Phật bảo A-nan: Ưu-bà-di Hằng-giá-điều này đời vị lai, kiếp tên là Tinh tú, sẽ ở trong kiếp đó thành Phật hiệu là Kim Hoa Phật. Đức Phật bảo A-nan: Vị Ưu-bà-di này đời sau sẽ bỏ thân hình nữ nhân, thọ thân hình nam tử, liền sinh ở nước của Đức Phật A-súc. Con đã dùng hình tướng nữ nhân, trong các thế giới, nhiều như cát sông Hằng, ở khắp mười phương và vô số kiếp ở mỗi một thế giới, nhiều như số cát sông Hằng.
Con đã dùng tướng, lực, tinh tấn dũng mãnh, siêng năng như vậy cho đến cung cấp hầu hạ… đầy đủ như vậy! Như vậy! Chúng sinh bệnh khổ, đều làm cho thành thục hết; về sau, thân con sẽ được Vô thượng Chính đẳng Chính giác”[22].
Có thể nói giai đoạn Phật giáo Đại thừa ra đời đã giải đáp, tiếp nối những sự kiện còn dang dở của kinh tạng Nikaya. Tướng “nam – nữ” đến đây đã được thông tỏ, giải tỏa những phiền mắc, chấp thân của thời kỳ kinh điển trước. “Phật bảo Xá-lợi-phất: Người nữ sinh ra làm Phật thì không có việc ấy, nếu chuyển thân nữ rồi làm Phật thì có việc ấy”.
Nhưng cũng trong kinh Đại Bảo Tích, Q.98, Pháp hội 30: Đồng nữ Diệu Tuệ thì khi Bồ-tát Văn-thù hỏi đồng nữ Diệu Tuệ rằng: “Nay đồng nữ vẫn chưa chuyển đổi thân nữ nhân ư?” thì Diệu Tuệ đáp: “Tướng nữ nhân là hoàn toàn không có thì chuyển đổi cái gì?”[23].
Đến sau này, đề tài xoay quanh việc tu học chứng đắc của nữ nhân vẫn đầy những lý giải khác nhau. Nếu Phật giáo là một dòng tư tưởng với mục đích đưa ra là giải thoát thì quan ngại chi một vấn đề nhỏ trong đó, nhất là về nữ nhân. Thế giới đến nay nghiên cứu còn có xu hướng nhận thức chia ra có “bản chất và hiện tượng” và cho ra đời bao vấn đề triết học chưa đến hồi ngã ngũ.
Những câu hỏi có giải đáp bao lần cũng không thỏa mãn: “Nữ giới lại có năm điều chướng ngại. Một là không thể làm Phạm Thiên vương, hai là không thể làm Đế Thích, ba là không thể làm Ma Vương, bốn là không thể làm Chuyển luân Thánh vương, năm là không thể làm Phật. Như vậy thân nữ sao có thể mau chóng thành Phật được?”.
Nhất Nguyên đáp: “Nếu luận về hình tướng, quả thật có những điều như vậy. Nhưng luận về sự cốt yếu của bản tính thì không có những việc ấy. Thời Phật tại thế có vị Long nữ (1) mới 8 tuổi nhưng trí huệ đầy đủ, căn cơ nhanh nhạy, thành Phật chỉ trong chốc lát.(2) Vậy lẽ nào việc thành Phật lại do nơi hình tướng nam, nữ, già, trẻ hay sao?
Trong Thiền tông có rất nhiều người thuộc nữ giới mà ngay trong đời này cũng rõ được tâm, thấy được tính, làm thầy làm tổ, huống chi là việc vãng sinh sau khi đã bỏ thân này? Nếu ông cố chấp cho cái hình tướng nữ giới là thật, quả là rất không thông đạt lý tính. Người không thông đạt lý tính mới chính là nữ nhân; như nắm hiểu được chỗ cốt yếu của bản tính thì thật là không có nam nữ”[24].
Đức “Thiên Nhân Sư”, thường được chạm khắc giữa Tam Bảo của Phật giáo Bắc Truyền ngày nay, ý nghĩa vô cùng tận, khó lấy ngôn ngữ để hiển bày. Thánh nhân giáo hóa có hai là nói thật tức chỉ thẳng thật tướng và phương tiện, như nói “hóa thành” tạm dừng chân cho người mỏi mệt, nói “vô thường” để chúng sinh khỏi đắm say ba cõi. Dùng phương tiện rồi nói tính chân thường để đưa về thật. Vào thật tướng, sẽ tự biết mọi pháp thường vô thường đều hý luận.
Bậc trí tuệ không chán sinh tử cũng không vui Niết Bàn. Qua vài điểm sơ lược trên trích dẫn kinh văn, người viết đang truy tầm sự thống nhất tư tưởng ở kinh điển Phật giáo qua ba giai đoạn chính và điểm xuyết vài bài kinh nhỏ của Nikyaya và Đại thừa để nhận thức được khai thông, tỏ rõ. Có thể rằng, đề tài không có gì nổi trội, chỉ là xin góp chút lòng thành của hậu bối mượn kinh hồi tưởng về Chúng Ni thời Phật.
Về bước chuyển mình không kém dù thân liễu yếu mà chí đạo không sờn như Mae Chee Kaew ở đất Miến, Ni Sư Diệu Nhân, Ni Sư Huỳnh Liên, Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Hải Triều Âm, Ni Trưởng Như Thanh, Ni sư Trí Hải…thời cận đại khiến chúng con chỉ biết rạp mình kính ngưỡng, tự hào, về truyền thống giải thoát của Ni giới chưa hề đoạn dứt mà bồi hồi suy nghiệm về khả tính thành Phật như có lời giải đáp.
Kết luận
Thế đế, có thân tướng con người, có Thánh phàm, tội phúc. Đệ nhất nghĩa đế thì bản lai là thanh tịnh, bình đẳng. Nếu còn phân biệt thì có yêu – ghét, trì – phạm, có – không, đủ hình tướng tương phản. Đức Phật, một đời giáo hóa không ngoài bản thệ độ sinh, chẳng ngăn chừa, ngưng dứt. Nữ nhân cũng chỉ là nằm trong số được độ thoát.
Có thể bức thông điệp bình đẳng giới về nhân quyền và giải thoát quyền mà Đức Phật đưa ra không hoàn toàn thay đổi đất nước thiên Thần quyền, không xóa hết những áp bức, bất công giữa các giai cấp, nhưng cũng đã được coi là bản tuyên ngôn về tính bình đẳng trên khắp thế giới ngày nay.
Sự bất bình đẳng về người nữ, về chủng tộc, về tôn giáo, về màu da, giai cấp, về mọi phân biệt chỉ gây thêm chia rẽ, đấu tranh, tiếng súng, lầm than, chết chóc, đau thương, phe phái. Cái tồn tại mãi mãi kinh qua thời gian và không gian không gì bằng yêu thương, từ bi, bình đẳng.
Chính từ sự kiện “nữ nhân khả tính” một phần nhấn mạnh tầm quan trọng của bức thông điệp “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, duy nhất, tuyệt vời chỉ có ở giáo Pháp của đức Phật Đà cũng là lời khẳng định về tính thống nhất toàn bộ tư tưởng Phật giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Tỳ-khưu-ni Ambapālī, Tổng hợp TP.HCM, TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên VI. Phẩm Già, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
3. Thích Minh Châu dịch (2001), Kinh Tiểu Bộ 4, Chương I. Phẩm Nữ Nhân 63. Chuyện Hiền Sĩ Chà Là, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
4. Thích Minh Châu (2015), Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập IV, Phẩm Kosya, Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Thích Minh Châu dịch (2004), Kinh Tiểu Bộ 10, Chương XXII. Đại Phẩm 547. Chuyện Đại Vương Vessantara, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
6. Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập II, II. Đại Phẩm, Tôn Giáo, Hà Nội.
7. Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập I, VIII. Phẩm Không Hý Luận, Tôn Giáo, Hà Nội.
8. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp XIII. Phẩm Kusinàra, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
9. Thích Minh Châu dịch (2003), Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XIV. Tạp Phẩm 489. Chuyện Đại Vương Huy Hoàng, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
10. Thích Minh Châu dịch (2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp VI. Phẩm Gotamì, Tôn Giáo, Hà Nội.
11. Thích Minh Châu (2015), Kinh Tiểu Bộ – Tập II, Phẩm Ba: Tập Ba Kệ, Tôn Giáo, Hà Nội.
12. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 48 – Bộ Niết Bàn II – Số 375, Kinh Đại Bát Niết Bàn – Quyển IX – Phẩm 15: Nguyệt Dụ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
13. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 5 – Bộ A-Hàm V – Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Số 60: Phật Nói Kinh Cù-Đàm-Di Ký Quả, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
14. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 42 – Bộ Bảo Tích I – Số 310 (Quyển 1 – 40), Mục Lục, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
15. Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 52- Bộ Đại Tập III- Số 402-> 411, Kinh Bảo Tích Đà- La- Ni, Quyển 7, Phẩm 7: Nhiếp Thọ Diệu Pháp, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc.
16. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 32 – Bộ Bát-Nhã XV – Số 225 – 230, Kinh Ma-Ha Bát- Nhã Sao – Quyển 4 – Phẩm 7: Pháp Vốn Không, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
17. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 12 – Bộ Bản Duyên III (Số 186 – 190), Số 187 Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm – Quyển I, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
Chú thích:
[1] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 48 – Bộ Niết Bàn II – Số 375, Kinh Đại Bát Niết Bàn – Quyển IX – Phẩm 15: “Nguyệt Dụ”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr 202.
[2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên VI. “Phẩm Già”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Tr 86.
[3]Hòa thượng – Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập IV, “Phẩm Kosya”, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Tr 134.
[4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 4, Chương I. Phẩm Nữ Nhân 63. “Chuyện Hiền Sĩ Chà Là”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, Tr 411.
[5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 10, Chương XXII. Đại Phẩm 547. “Chuyện Đại Vương Vessantara”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2004, Tr 739.
[6] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập II, II. “Đại Phẩm”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Tr 325.
[7] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập I, VIII. “Phẩm Không Hý Luận”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Tr 429.
[8] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp XIII. “Phẩm Kusinàra”,Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Tr 513.
[9]HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XIV. Tạp Phẩm 489. “Chuyện Đại Vương Huy Hoàng”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2003, Tr 239.
[10] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5 – Bộ A-Hàm V – Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Số 60: “Phật Nói Kinh Cù-Đàm-Di Ký Quả”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr 206.
[11] HT. Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ, “Phẩm Thiêu Cháy”, tr 77.
[12] Hòa thượng – Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập II, Phẩm Ba: ‘’Tập Ba Kệ”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Tr 551.
[13] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp VI. “Phẩm Gotamì”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Tr 653.
[14] Minh Đức Triều Tâm Ảnh, “Con gái Đức Phật, Tỳ-khưu-ni Ambapālī”, Tổng hợp TP.HCM, TP. Hồ Chí Minh, 2012, Tr 314.
[15]Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 48 – Bộ Niết Bàn II – Số 375, Kinh Đại Bát Niết Bàn – Quyển IX – Phẩm 15: “Nguyệt Dụ”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr 202.
[16] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 52- Bộ Đại Tập III- Số 402-> 411, Kinh Bảo Tích Đà- La- Ni, Quyển 7, Phẩm 7: “Nhiếp Thọ Diệu Pháp”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr 136.
[17] Pháp Âm dịch, “Giáo nghĩa khai thị ngộ nhập”, tập VI, Nxb Hồng Đức, 2017, tr 637.
[18] Pháp Âm dịch, “Giáo nghĩa khai thị ngộ nhập”, tập VI, Nxb Hồng Đức, 2017, tr 637.
[19] Tuệ Hải dịch, “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1999, tr 328.
[20] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 51- Bộ Đại Tập II- Số 397 (Quyển 49- 60) & Số 398->401, “KinhBảo Nữ Sở Vấn”, Quyển 2, Phẩm 4: Vấn Bảo Nữ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr 600.
[21] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 12 – Bộ Bản Duyên III (Số 186 – 190), Số 187 “Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm” – Quyển I, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr 251.
[22] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 52- Bộ Đại Tập III- Số 402-> 411, “Kinh Bảo Tích Đà- La- Ni”, Quyển 8, Phẩm 8: Thọ Ký (tt), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr 146.
[23] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 42 –“Bộ Bảo Tích I” – Số 310 (Quyển 1 – 40), Mục Lục, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr 1010.
[24]Đại Sư Tông Bổn – Dịch Và Chú Giải: Nguyễn Minh Tiến – Hiệu Đính Hán Văn: Nguyễn Minh Hiến, “Quy Nguyên Trực Chỉ”, 21. Lìa Hình Tướng, Rõ Chân Tánh, Vãng Sanh Tịnh Độ, Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2011, Tr 1097.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm