Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (4)
Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.
4. Nếu thấy các tướng không phải tướng tức là thấy được Như Lai
(Nhược kiến chư tướng phi tướng, tất kiến Như Lai)
“Thân tướng chính là chẳng phải thân tướng. Vì nếu nhận thấy các tướng đều là không phải tướng, chính là thấy Như-Lai". … “Rời lìa tất cả tướng, chính đó gọi là chư Phật".
Như Lai là Phật, nhưng không phải Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ như ở Ấn-độ cách đây 2600 năm mà chúng ta đang tượng hình ngài để thờ. Thân Phật tại Ấn độ cũng là đất nước gió lửa, không thật. Thân chúng ta đây cũng không thật vì được làm bằng đất, nước, gió, lửa nhưng chúng ta vẫn phải nương thân hình này để mà phân biệt đây là cô A, cô B, cô C cho không có lẫn lộn. Đức Phật có 32 tướng, chúng ta không có 32 tướng, như vậy chúng ta là chúng ta và Phật là Phật, chứ không thể nói là một được. Vậy chúng ta phải xử lý thế nào với những hình tướng giả đó? Đối với những tướng giả chúng ta đừng nên cố chấp. Phải buông những giả huyễn và nắm cái thật và cũng phải biết rằng những cái giả này nó từ cái thật mà hiện ra, cho nên kinh Kim Cang nói “Lìa những tướng giả, đó chính là Như Lai.”
Từ pháp thân Phật thật mới có hoá thân 32 tướng của Đức Phật Thích Ca. Còn chúng ta từ tâm tham, sân, si, vô minh ái nhiễm mà hiện ra thân cô A, cô B, cô C. Biết là giả tạm thì đừng nên cố chấp và mất thời gian vào các tướng huyễn ảo. Chúng ta học Phật là để tìm ra sự thật. Nhưng mặt khác cũng đừng nghĩ rằng các tướng là giả, rồi thấy tượng Phật không thèm lễ thì không nên. Thật ra, chính từ cái giả, từ những biểu tượng bằng đồng, bằng giấy ấy, mới có Phật thật. Vì thế, khi vào chùa chúng ta học Tứ-niệm-xứ, học các kinh của Phật giáo Nguyên Thủy trước, để thấy các pháp là giả và sau đó chúng ta cũng phải vội vàng học kinh Lăng-nghiêm, kinh Kim Cang và các kinh Đại Thừa để nhận ra cái thật là bản thể của các pháp. Đức Phật thật vẫn có mặt ở nơi Phật giả, bởi vì Phật thật là pháp thân ở khắp pháp giới chỗ nào cũng có ngài. Ở cái chuông, ngọn cỏ, lá hoa đều là Phật. Cho nên, thấy Phật giả bằng xi măng, bằng đồng thì vẫn lễ, chứ đừng bảo đây là Phật giả nên không để tâm làm gì thì sẽ thiệt thòi sự phước đức của chúng ta. Vì nếu bỏ Phật giả ra để đi tìm Phật thật thì tìm ở đâu? Chúng ta tìm sẽ không có và chúng ta sẽ thấy mênh mông bát ngát không biết lối nào mà tìm.
Thế cho nên, chúng ta phải y vào 32 hảo tướng của Đức Phật để tìm ra Phật thật. Cũng giống như chúng ta phải y vào thân căn giả tạm này của chúng ta để nhận lấy tánh thấy, tánh nghe nơi bản thân mình là thật, rồi từ đó sẽ nhận ra pháp thân thường trụ là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật này. Vì vậy, chúng ta đừng cố chấp vào lời nói là giả rồi buông hết. Chúng ta y theo lời nói nhưng phải hiểu rằng đây mới là một phần của lẽ phải và trong lẽ phải này chúng ta phải tìm ra chân lý nữa. Đó là trong giả có cái thật, nương cái giả để thấy cái thật.
Pháp ngữ thứ bốn này nói: “Thấy các tướng đều không phải tướng, chính là thấy Như-Lai”. “Như Lai” là chỉ cho pháp thân không sanh không diệt sẵn có của Phật và của tất cả chúng ta. Pháp thân Phật này đồng thể với pháp thân của chúng ta. Nhận được nơi chúng ta thì cũng nhận ra ngài. Đức Phật có tánh biết, tánh nghe như chúng ta. Thể tánh ấy thường trụ ở khắp pháp giới. Phật pháp thân là tánh thể chẳng sanh, chẳng diệt, sẵn có nơi mọi người, mười loài chúng sanh và cả muôn loài vạn tượng, cả cây ổi, cây xoài và khắp sơn hà đại địa, vạn tượng thế gian. Bây giờ chúng ta tạm mượn hình tượng Phật giả để thờ và để nhớ đến Phật thật. Nhưng khổ nổi! Lỗi của chúng ta là lại quen sống với cái giả và cứ hay quên cái thật. Những cái không hình không tướng, không hiện ra hình tướng thì chúng ta lại dễ hay quên. Thế cho nên chúng ta phải nhớ đến cái thật, đừng cố chấp đến cái giả. Chúng ta chỉ mượn cái giả để tìm cái thật. Đừng khư khư cố chấp cho Phật hình tướng là xi măng cốt thép, ngồi trên chùa, không biết gì hết, còn chúng ta ở dưới nhà bếp này tha hồ làm những điều sằng bậy thì không nên.
Chúng ta học Phật phải để ý đến ý nghĩa ẩn bên trong văn tự, bởi vì lời nói nhiều khi dễ bị hiểu lầm. Lời nói không đủ để hiểu được sự thật. Sự thật lại không hình không tướng nên chỉ tạm dùng lời nói để phô bày tánh vô tướng đó nên dễ bị hiểu lầm lắm. Kinh dạy là Pháp nhẫn tức bình tĩnh kiên trì học đạo để hiểu “pháp vô sanh pháp nhẫn của Phật”. Lý là lìa tướng, là Phật, nhưng thật ra vẫn y nơi sự là tướng giả mà trở về. Lý sự phải dung thông nhau.
5. Dùng sắc để thấy Như lai là tà đạo
Này Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai chăng?"
Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai".
Đức Phật dạy rằng: "Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai đó, thời vua Chuyển-Luân-Thánh-Vương chính là đức Như-Lai rồi!"
Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: "Bạch đức ThếTôn! Theo như con hiểu nghĩa-lý của đức Phật nói, thời chẳng nên do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức NhưLai". Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy tu đạo tà!
Chẳng thấy được Như-Lai.
5a. Pháp thân Đức Phật thường trụ khắp pháp giới
Như vậy, nếu chúng ta lấy hình tượng thân kim sắc của Phật để thờ Phật, lấy âm thanh “Nam mô A Di Đà Phật” mà niệm Phật cũng là tà đạo sao? Thật ra, như các Tổ thường nói: đây là dùng phương tiện để thờ, đáng lẽ là quán tưởng thân Phật, nhưng có những người không quán được nên các Tổ phải đặt ra bài kệ:
Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới Đế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.
(Năng lễ sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn
Ngã thử đạo tràng như Đế Châu.
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung.
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ).
Năng lễ là chúng ta, sở lễ là Phật đang nhận lễ, không tịch là các Ngài có tánh Phật không hình không tướng tịch tĩnh, ứng biết khắp nơi. Cho nên khi chúng ta tha thiết một lòng lễ và quán tưởng đến ngài thì sẽ có sự cảm ứng diệu dụng hoà hợp của đôi bên không thể nghĩ bàn. Đức Phật có nguyện cứu độ chúng sanh nên chúng ta vừa cầu, vừa cảm thì ngài liền có ứng, hiển hiển. Sự cảm ứng này vừa nhanh chóng, hiệu lực, lợi ích và vi diệu cho người lễ. Đức Phật ở khắp mười phương, nên đứng góc nào lễ, chúng ta đều nhận được sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Cảm xúc thiêng liêng rất khó diễn tả bằng lời được.
5b. Chấp Ba mươi hai tướng của Như Lai là tà đạo
“Tà đạo” nghĩa là chúng ta lúc nào cũng khư khư chấp vào sắc tướng, âm thanh, rồi bị sắc tướng, âm thanh đánh lừa. Do bị đánh lừa nên không tìm được Phật thật, không thấy được tánh tịch tĩnh và không nhận được sự cảm ứng khó nghĩ bàn của người lễ và người nhận lễ đó, nên làm cái gì cũng sai với ý đạo, trở thành ngoại đạo.
Hảo tướng của Đức Phật là ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẽ đẹp. Sắc thân là đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và các phần của thân. Còn chúng ta chưa có ba mươi hai hảo tướng như Đức Phật nhưng sắc thân chúng ta vẫn có đầy đủ mắt tai mũi lưỡi, nhưng đó là trược thân, chứ không phải là thân phạm hạnh phước báu như Đức Phật. Ngài Tu Bồ Đề hỏi: “Nếu nói thấy sắc thân Phật thì có thấy Phật không?” Đức Phật bảo: “Ai thấy sắc thân Phật tức không phải thấy Phật. Vì cớ sao? Vì Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân mới gọi là sắc thân.” Đây là phong cách và pháp ngữ thứ năm của Kim Cang.
Đầy đủ sắc thân của Đức Phật là tướng Thái tử Sĩ-đạt-đa ở Ấn Độ cách đây 2600 năm thì chúng ta ai cũng biết. Có những Đức Phật như Phật Quan Thế Âm Nam Hải, Phật Chuẩn Đề nghìn mắt nghìn tay, Phật Dược Sư cầm châu sáng... Hóa thân và ứng thân của chư Phật và chư Bồ tát có vi trần tướng hải, vô số hình sắc, nhưng thật ra pháp thấn của các ngài vốn đồng thể không hình, không tướng, ở khắp pháp giới. Kinh Kim Cang Bát Nhã dạy: “Phàm có hình tướng thì không phải là thật”, chỉ là tướng hóa hiện giả tạm mà thôi. Vì thế, các tướng là chuyện hư vọng của cuộc đời phàm phu của chúng ta, còn Đức Phật thì không có sắc thân cũng không có hình tướng. Lìa pháp, lìa tướng tức là lìa chấp pháp và chấp tướng là Như Lai. “Như Lai” là nói về pháp thân chứ không phải nói về sắc thân hay hóa thân. Đức Thích Ca minh bạch rằng nếu thấy sắc thân ba mươi tướng mà cho là thấy Đức Phật Thích Ca, tức không thấy Như Lai. Mỗi người chúng ta đều có Pháp thân. Như Lai tức là tánh Phật vốn có của chúng ta. Chúng ta tuy có tánh Phật thật nhưng chúng ta chưa hiển lộ ba mươi hai tướng và còn mang tướng nghiệp báo của thân người.
Trong kinh Phật thường dạy rằng ai có đủ ba mươi hai tướng tốt của loài người thì đó là một con người hoàn mãn. Đó là tướng hảo cụ túc của loài người chứ không phải là thật tướng của đức Phật. Do muốn độ thế giới ta bà, nên Đức Phật mới hiện thân con người với ba mươi hai tướng tốt của loài người để độ sanh, chứ Đức Phật thì có vi trần tướng hải ở khắp pháp giới, chứ không phải chỉ có ba mươi hai tướng này thôi. Trong kinh cũng nói minh bạch rằng các vị Chuyển Luân Thánh Vương đều có đủ ba mươi hai tướng, nghĩa là hễ ai làm chúa tể trong loài người đều có tướng đẹp hoàn mỹ như thế. Đức Phật Di Lặc trong thời Phật có đủ ba mươi hai tướng bởi vì ngài cũng sắp sửa thành Phật nên cũng có tướng phước báu của ba mươi hai tướng hảo và tám mươi tướng phụ. Đức Phật Di Lặc bụng tròn mà cười với sáu chú lục tặc là Bố Đại Hòa Thượng, là đức Phật Di Lặc của người Trung Hoa. Nhiều vị đệ tử của Phật như tôn giả A-nan, Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên cũng có những tướng hảo như Phật.
Đức Phật Thích Ca có ba mươi hai tướng tốt thì trong đó có một tướng là vô kiến đảnh tướng. Các bồ tát và Chuyển Luân Thánh Vương có thể có ba mươi hai tướng tốt nhưng chưa thể có tướng vô kiến đảnh tướng, chỉ có bậc giác ngộ chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác như Đức Phật mới có. Những vị chưa giác ngộ như Phật thì khó thấy được vô kiến đảnh tướng này. Các bậc Chuyển Luân Thánh Vương có đủ ba mươi hai tướng. Nếu chúng ta chấp vào ba mươi hai tướng là tướng sắc thân tốt đẹp, tướng quý báu sống lâu, tướng trí tuệ sáng suốt là tướng của Đức Phật thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng như vậy thì Chuyển Thánh Vương cũng là Đức Phật hay sao? Cho nên không thể chấp ba mươi hai tướng là tướng của Như Lai được.
Phàm cái gì có tướng cũng đều mộng huyễn bởi vì chính hình tướng đâu có thật. Hình tướng là do nương tựa sắc thân mà hiện ra nhưng chính sắc thân là cái không có. Sắc thân là đất nước gió lửa mà đất nước gió lửa đâu có hình tướng cố định bởi lẽ hễ cái gì có hình tướng thì đều là hư vọng. Ở đây, Đức Phật lấy ngay thân của ngài để làm bằng chứng. Thân của Đức Phật là bậc chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác mà còn là hư vọng thì bao nhiêu các thân uế trược như chúng ta đây đều không có thật. Cho nên, Đức Phật không cần nói những thân khác, ngài chỉ lấy ngay thân của ngài để minh bạch rằng sắc thân và hình tướng là hư vọng huyễn ảo. Lìa cả sắc lìa cả tướng thì mới sống với tánh Kim Cang Bát Nhã này được.
5c. Nhập tánh Không để đón pháp thân vô tướng của Đức Phật
Tôn giả Tu Bồ Đề rất khéo diễn thuyết tánh không cũng như khéo ứng dụng diệu lý không trong các động tác đi đứng nằm ngồi và suy nghĩ của mình. Cho nên ngài nghĩ rằng nghênh đón Đức Phật tức là đón Pháp thân thường trụ khắp nơi, chứ không phải thân kim sắc 32 tướng của Đức Phật. Có câu chuyện như sau:
Lúc đó, sau ba tháng đức Phật giảng pháp cho mẫu hậu Ma Da tại cung trời Đao Lợi nghe và ngài chuẩn bị trở về lại cõi ta bà. A Na Luật báo cho đại chúng biết Đức Phật sắp trở về, ai cũng tranh nhau xuống núi trước để được coi là người nghinh đón đức Phật trước nhất. Lúc bấy giờ tôn giả Tu Bồ Đề đang ngồi vá áo trong động Kì Xà. Khi nghe được tin này, liền buông kim chỉ đứng dậy, định cùng mọi người đi nghinh đón Phật, nhưng rồi một ý nghĩ dấy lên trong tâm tư, tôn giả liền ngồi xuống lại như cũ, lòng thầm nhũ: “Ta đi nghinh đón đức Phật để làm gì? Chân thân của Phật không thể nhìn thấy được ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của Phật. Nếu bây giờ ta đi nghinh đón Phật có nghĩa là ta lấy cái thân tứ đại giả hợp kia làm pháp thân Phật; và như thế tức là ta đã không biết gì về tính không của các pháp. Nếu không viết gì về tính không của các pháp thì không thể nhìn thấy pháp thân của Phật, Tính không của các pháp hay pháp thân của Phật không phải là chủ thể tạo tác, cũng không phải là vật được tạo tác; vì vậy, muốn trông thấy Phật, trước hết phải thấy rõ tính chất vô thường của năm uẩn, bốn đại, cũng như tính chất vô ngã, không tịch của vạn tượng, Không có ta, không có người; không có vật tạo tác, không có vật được tạo tác. Tất cả vạn pháp là không tịch, pháp tính bao trùm mọi nơi, pháp thân Phật không có chỗ nào là không hiện hữu. Ta qui y và hành trì giáo pháp của Phật, đã thể chứng được diệu lí không của các pháp thì không thể nào để cho sự tướng làm mê hoặc".
Vì nghĩ như vậy cho nên tôn giả không theo mọi người xuống núi, tiếp tục vá áo một cách thong thả, thản nhiên.
Đức Phật từ thiên cung trở về là một việc vui mừng rất lớn đối với tăng đoàn. Tất cả mọi người mặt mày hớn hở. Ai cũng mong được gặp Phật và lạy Phật trước nhất. Bấy giờ trong chúng tì kheo ni, ni sư Liên Hoa Sắc là người có thần thông bậc nhất. Ni sư đã nhanh chân xuống núi trước nhất, vừa đảnh lễ đức Phật, vừa thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con là Liên Hoa Sắc, xuống nghinh đón Thế Tôn trước tiên, xin cho con được đảnh lễ Thế Tôn.
Đức Phật mỉm cười và dịu dàng bảo:
- Ni sư Liên Hoa Sắc! Lần này Như Lai trở về, người nghinh đón Như Lai trước nhất không phải là ni sư đâu!
Liên Hoa Sắc cực kì kinh ngạc. Ni sư nhìn quanh quất, chư tăng và chư ni, kể cả các vị trưởng lão của tăng đoàn như tôn giả Đại Ca Diếp, cũng vẫn vừa mới xuống tới, còn đang ở sau lưng mình kia mà! Lòng rất đổi hoài nghi, ni sư bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vậy thì còn có vị nào đã tới đây trước con?
Vẫn nụ cười từ hòa, đức Phật nhìn khắp lượt đại chúng, vừa trả lời ni sư Liên Hoa Sắc, vừa như muốn bảo chung cho đại chúng biết:
- Chính Tu Bồ Đề là người đã nghinh đón Như Lai trước nhất. Tu Bồ Đề đang ở trong động Kì Xà, quán chiếu thấy rõ tính không của các pháp, thấy rõ được pháp thân của Như Lai là vô tướng, như thế mới chính thực là nghinh đón Như Lai trước nhất.
Nghe Phật dạy như thế, ni sư Liên Hoa Sắc cùng tất cả đại chúng hiện diện đều lấy làm hỗ thẹn, tự biết mình không sánh kịp với Tu Bồ Đề trong việc chứng nghiệm tánh Không mà pháp ngữ Kim Cang dạy: “Dùng sắc để thấy Như Lai là tà đạo”. Như vậy, chỉ có người chứng ngộ mới thấy được sự thật rốt ráo và mới thoát khỏi các hiểu biết hạn hẹp sai lầm do chấp tướng mà sanh ra.
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm