Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 15/10/2017, 10:19 AM

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư duy con người cũng phải có sự cân bằng cần thiết.

Ai có dịp đến chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), đều không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm điêu khắc bằng đá độc đáo ở đây. Đặc biệt hơn cả, đó là pho tượng Phật A Di Đà tọa trên tòa sen trong tư thế tĩnh tọa cân bằng.

Từ việc thể hiện quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động tư duy của con người, các nhà tư tưởng thời Lý đã đi đến việc thể hiện quan niệm về về sự cân bằng trong một quần thể kiến trúc. Điều đó thể hiện trong nghệ thuật kiến trúc chùa Một Cột (chùa Diên Hựu).

Chùa Một Cột là công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và giá trị tư tưởng độc đáo của đời Lý. Công trình chẳng những thể hiện được bản sắc riêng của kỹ thuật kiến trúc thời Lý mà còn thể hiện được quan niệm về trạng thái cân bằng của người thiết kế, đó là sự đăng đối của các chi tiết xung quanh đều được quy về điểm trung tâm. Trong công trình kiến trúc này, người thiết kế xuất phát từ yếu tố trọng tâm, lấy đó làm nhân tố tổ hợp để quy chiếu tất cả các chi tiết khác, tạo thành một khối kiến trúc có bố cục chặt chẽ. Nghệ thuật của công trình kiến trúc này thể hiện quan niệm về sự cân bằng mà có thể nó đã xuất hiện ở nước ta từ thời Hùng Vương?

Quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động là một trong những quan niệm sớm xuất hiện trong lịch sử tư tưởng của người Việt. Đến dầu đời Lý, nó đã trở thành một trong những đặc điểm trong quá trình hình thành thế giới quan trong giới tăng sĩ.
 
Quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động ở đời Lý được xây dựng từ hai cơ sở: quan niệm cân bằng trong vận động của Phật giáo và tính cân bằng trong hoạt động kinh tế của vương triều Lý.
 
Vương triều Lý, thông qua chính sách kinh tế của mình, đã thể hiện quan niệm về tính cân bằng giữa cung và cầu của xã hội. Quan niệm đó được thể hiện qua việc triều đình đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp, như: bắt dân lưu tán phải về quê quán làm ăn, nhằm đảm bảo đủ nhân lực cho sản xuất; xử phạt nặng những kẻ trộm cắp trâu bò,... Ngoài ra, hàng năm, nhà nước còn huy động mọi tầng lớp thần dân tu sửa đê điều, nạo vét, đào thêm kênh mương. Mặt khác, nhà vua còn đề ra chính sách nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp, như: hàng năm, nhà vua chủ trì lễ cày tịch điền vào dịp đầu năm; tổ chức rước Phật để cầu đảo, dựng đàn Xã tắc để tế trời đất, cầu mong được mưa thuận gió hòa,... Những chính sách và những việc làm trên đây của nhà Lý đã có ít nhiều kết quả thiết thực là ổn định được tư tưởng, góp phần ổn định đời sống thần dân, trên cơ sở cân bằng giữa khả năng và nhu cầu của xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, vương triều Lý chú ý tạo ra sự cân bằng giữa các ngành kinh tế. Ngay từ khi mới lên ngôi, các vị vua triều Lý, bên cạnh việc đề ra chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, các vị còn ban hành những chính sách phát triển thủ công nghiệp và giao thông vận tải. Cụ thể, về thủ công nghiệp, nghề in sách, nghề làm vàng bạc, đan lát, nghề dệt gấm vóc, tơ lụa, nghề làm đồ gốm sứ,... đã được quan tâm, khuyến khích phát triển về mặt kỹ thuật. Những chính sách đó đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, trong đó, có những nghề, như: mộc, đúc đồng, chạm khắc đá,... trong dân gian đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Về giao thông vận tải, ngoài một số sông ngòi đã được nạo vét và đào mới để vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo cho nhu cầu giao thông nội địa, nhà Lý còn cho xây dựng một số thương cảng để giao dịch buôn bán với thương nhân nước ngoài, tiêu biểu là thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).

Rõ ràng, những chính sách kinh tế và những chủ trương phát triển đồng bộ các ngành kinh tế, xét về mặt tư duy, là sự thể hiện quan niệm về sự cân bằng trong hoạt động kinh tế của nhà Lý. Chúng ta cũng có thể thấy, những quan niệm đó đã có ít nhiều ảnh hưởng và góp phần làm cơ sở thực tiễn cho quan niệm về cân bằng trong vận động của các tăng sĩ đời Lý.
 
Trong giáo lý Phật giáo, chúng ta thấy, cơ sở lý luận cho quan niệm về cân bằng trong vận động xã hội là các chân lý mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết pháp qua các bài pháp về Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo,... Những quan niệm đó được ẩn chứa trong nội dung của những bài thuyết pháp của đức Phật khi Ngài đã thành đạo. Đặc biệt, trong nhiều bài thuyết pháp, đức Phật đã thể hiện quan niệm của mình về trạng thái cân bằng trong chính mỗi con người. Theo Ngài, để có được cân bằng giữa thân và tâm trong mỗi con người, người ta phải dùng phương pháp đối trị, đó là những phương pháp tu hành, như: thực hành tam quy, ngũ giới, tứ niệm xứ, tứ chính cần, thất chính chi, thất giác chi,... Để duy trì được trạng thái cân bằng trong quá trình vận động, Phật giáo cho rằng, cần phải tạo ra sự phù hợp và thích nghi đối với từng địa phương và đối với mọi chế độ xã hội.

Chúng ta biết rằng, trong quá trình sinh thành và phát triển, sự vật và hiện tượng xã hội vốn có bản chất là tuân theo quy luật biện chứng. Do đó, để có được sự phù hợp trong quá trình hoạt động thực tiễn, Phật giáo đã xây dựng cho mình phương pháp tư duy biện chứng. Phương pháp tư duy biện chứng đó được thể hiện qua những bài kệ, bài giảng và các bài hoằng pháp... của các vị cao tăng. Qua những bài kệ, bài minh của các tăng sĩ đời Lý, chúng ta thấy phương pháp tư duy biện chứng thời Lý đã trở thành một yêu cầu cần thiết bảo đảm cho trạng thái cân bằng của mọi sự vận động xã hội được duy trì, không những được thể hiện qua phương pháp tư duy biện chứng của Phật giáo mà còn được thể hiện qua việc nhà tư tưởng - các tăng sĩ - tìm ra những nhân tố phù hợp giữa giáo lý Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa. Đây cũng là biểu hiện cụ thể của quan niệm về sự cân bằng trong xã hội.

Mặt khác, nhằm duy trì trạng thái cân bằng trong vận động, Phật giáo còn tạo ra khả năng thích nghi với từng chế độ chính trị xã hội.
 
Theo chúng tôi, sở dĩ Phật giáo quan niệm cần có sự thích nghi và phù hợp để duy trì trạng thái cân bằng của mọi dạng vận động vì Phật giáo đồng thời mang trong mình nó hai tính chất: tôn giáo và triết thuyết của chân lý và sự thật. Với tư cách là một tôn giáo, Phật giáo tìm mọi biện pháp để tuyên truyền, duy trì và phát triển đạo của mình; với tư cách là triết thuyết, Phật giáo phổ biến một cách rộng rãi nhân sinh quan và thế giới quan một cách chân thực, khách quan. Cả hai phương diện này, Phật giáo có cùng một đối tượng và cùng một môi trường hoạt động: tín đồ phật tử và chùa làng.

Như vậy, quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động của Phật giáo thời Lý được xây dựng và củng cố dựa trên hai cơ sở: quan niệm cân bằng trong đời sống kinh tế xã hội của thời đại và quan niệm cân bằng trong tâm lý, tư tưởng con người. Từ những quan niệm về cân bằng trong vận động trên đây và từ những hoạt động phật sự của mình, giới tăng sĩ đời Lý đã góp phần tạo nên và duy trì trạng thái cân bằng trong các mối quan hệ xã hội tại các làng xã và ở mỗi gia đình, góp phần ổn định xã hội một thời gian dài của vương triều Lý.

Lịch sử xã hội nước ta cho thấy rằng, đời sống tín ngưỡng trong mỗi gia đình truyền thống ở nước ta - gia đình có 3, 4 thế hệ trở lên - dung nạp đồng thời cả ba tôn giáo: Nho, Phật, Đạo. Điều đó được phản ánh qua hiện tượng: Xuân, Thu nhị kỳ, khi người cha khăn áo ra văn chỉ làm lễ tế Chu Công, Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết và các vị tiên nho, tiên hiền của làng thì người mẹ cũng tiền gạo ra chùa lễ Phật, đồng thời hàng năm, như đã thành lệ “tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, các bà, các chị lại đến Kiếp Bạc, Phủ Giầy để làm lễ đức Thánh Trần và chúa Liễu Hạnh. Tín ngưỡng thờ Chu Công, Khổng Tử,... tại văn chỉ, văn miếu là của đạo Nho; thờ đức Thánh Trần và chúa Liễu Hạnh là một phương diện của Đạo giáo. Như thế là Nho, Phật, Đạo đã chung sống rất hòa thuận trong gia đình người Việt. Với tư cách là tín đồ của ba tôn giáo khác nhau ấy, mặc dù sự biểu hiện đời sống tâm linh có khác nhau, nhưng cả ba loại tín đồ của ba tôn giáo ấy lại là thành viên trong một gia đình, chung sống rất hòa hợp, thậm chí, đôi khi nó lại là nguồn gốc tạo nên sự hòa hợp trong mỗi gia đình, cộng đồng và trong toàn xã hội.

Từ hiện tượng ba tôn giáo chung sống hòa bình dưới một mái nhà, trong nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, hầu hết làng nào cũng có một tòa văn chỉ thờ vị Thánh sư của đạo Nho, một ngôi chùa thờ Phật, Bồ tát,... của đạo Phật, một ngôi quán hoặc điện thờ của Đạo giáo,... Vào những ngày tiết lệ, tín đồ của ba tôn giáo lui tới ba cơ sở thờ tự của mình với hành trang giáo lý và lễ thức tôn giáo khác nhau, nhưng lại không bao giờ xảy ra va chạm, xung đột tôn giáo mà ngược lại: họ luôn luôn giữ được trạng thái cân bằng về mặt tinh thần trong cuộc sống gia đình. Về vấn đề này, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có vai trò chi phối của giáo lý Phật giáo mà cụ thể là các thành viên trong gia đình đã thấm nhuần lời dạy của đức Phật về cách ứng xử theo quan niệm cân bằng tâm lý trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi thành viên trong gia đình.
 
Trên phương diện quốc gia, ở thời Lý, mặc dù Phật giáo có vai trò xã hội rất quan trọng, nhưng Nho giáo và Đạo giáo cũng phát triển ở mức độ nhất định và triều đình cũng trọng dụng nhân tài của cả ba tôn giáo.

Rõ ràng, trạng thái cân bằng trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của xã hội được thể hiện ở hiện tượng ba tôn giáo cùng tồn tại trong một gia đình, trong một làng và trong một quốc gia. Do đó, dường như là một sự phân công tự nhiên, nếu trong gia đình, ông bố có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, nền nếp gia phong, còn bà vợ và những người con có nhiệm vụ giữ nhịp độ cân bằng trong đời sống kinh tế và tinh thần của gia đình, thì trong phạm vi quốc gia, Nho giáo giữ chức năng cai trị, còn Phật giáo và Đạo giáo có vai trò duy trì sự ổn định đời sống văn hóa tinh thần của xã hội. Chính thông qua sự phân công tự nhiên đó mà các mối quan hệ xã hội được duy trì và phát triển trong trạng thái cân bằng. Trạng thái cân bằng của các mối quan hệ xã hội ấy được xác lập thông qua quá trình tự điều chỉnh trong hành vi, trong cách ứng xử hàng ngày của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Tóm lại, quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động của vương triều Lý và của Phật giáo thời Lý là một trong những điểm sáng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Quan niệm này đã có ảnh hưởng ít nhiều đến trạng thái cân bằng trong đời sống tinh thần làng xã và của toàn xã hội Việt Nam thời Lý.

Nguyễn Quang Khải
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm