Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 28/08/2021, 12:25 PM

Phật hiệu A Di Đà và Pháp môn Tịnh độ (I)

Sức lan tỏa của pháp môn Tịnh độ và hình ảnh Đức Phật A Di Đà đã đi vào tâm thức người Việt Nam cả trong cách chào hỏi. Niệm Nam mô A Di Đà Phật là đã nói thật nhiều, nói hết tất cả những ý nghĩa sâu xa của Phật đạo...

1. Ngày còn làm một chú điệu, cứ khoảng 16 giờ 15 phút là tôi được thầy nhắc nhở lo ngừng công việc, đi rửa tay chân để chuẩn bị lên chánh điện hồi chuông trống và đi công phu chiều.

Ngôi chùa tôi ở thuở đó sống nhờ vào trồng trọt nên phải lao động chân tay. Công việc vất vả nhưng dù có là vụ mùa hay công việc đang dang dở cũng phải ngưng để ưu tiên cho việc lên chùa tụng khóa kinh chiều.

Công phu chiều hàng ngày, kinh tụng chính là kinh A Di Đà, bản kinh mà tôi được thầy dạy phải học thuộc lòng lúc mới vào chùa làm tiểu. Kinh tụng buổi chiều ngoài kinh A Di Đà, còn có kinh Hồng Danh và Thí Thực. Công phu chiều thường rơi vào tầm khoảng 17 giờ. Tùy theo mùa mà giờ giấc công phu có thể thay đổi cho phù hợp nhưng nó là sinh hoạt tu tập không thể thiếu trong thời khóa hàng ngày.

Niệm Nam mô A Di Đà Phật là đã nói thật nhiều, nói hết tất cả những ý nghĩa sâu xa của Phật đạo...

Niệm Nam mô A Di Đà Phật là đã nói thật nhiều, nói hết tất cả những ý nghĩa sâu xa của Phật đạo...

2. Xin chia sẻ qua để quý vị hiểu thêm về pháp môn niệm Phật A Di Đà của hệ phái Tịnh độ. Trước thế kỷ thứ III, theo Cựu tạp thí dụ kinh, danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội dịch sang chữ Hán.

Đến thế kỷ thứ V, thiền sư Đàm Hoằng (mất năm 455) đã sang Việt Nam tu tập. Ngài ở tại trung tâm Phật giáo lớn của nước ta thời bấy giờ là chùa Tiêu Sơn. Tại đây, ngài đã phổ biến bản kinh Vô Lượng Thọ. Đàm Hoằng là nhà sư Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh cực lạc. Vô Lượng Thọ là bản kinh căn bản khuyên tu tịnh độ.Từ đây, pháp tu tịnh độ đã trở thành một trào lưu phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của pháp tu này bị ngắt quãng cho đến khoảng năm 826.

Điều thú vị khi chúng tôi dập các văn bia trong quá trình điền dã, khảo cứu về các vị thiền sư thì tất cả các văn bia còn lại của thời lý nói chung đều có chữ mở đầu: A Di Đà Phật. Đây là danh hiệu của Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tịnh độ. Việc thờ cúng Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Âm (hay còn gọi Phật Bà Quan Âm, đã trở nên phổ biến ngay từ thời kỳ này.

Khi nghiên cứu về hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chúng ta biết, đây là một hệ phái có ảnh hưởng của tư tưởng Bà La Môn và mật giáo. Trong các hệ phái Thảo Đường và Vô Ngôn Thông sau này khó có thể tìm ra mối liên hệ nổi bật nào của tịnh độ với tông các thiền phái này.

Vậy vì sao tịnh độ tông lại phát triển rộng rãi trong đời sống dân gian và có những thành tựu căn bản vào giai đoạn này?

Đi sâu vào bộ kinh mà tổ Tỳ Ni đã dịch là Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, ta sẽ có câu trả lời thú vị. Đây là bộ kinh căn bản của mật giáo (trong kinh dẫn lời Đức Phật Thích Ca dạy A Dật Đa: “Này A Dật Đa! Ông nên thọ trì mật giáo của Như Lai, dùng thiện phương tiện mà rộng thuyết pháp cho mọi người". Nhưng ngay trong phần đầu, lại là những câu chuyện ca ngợi Tỳ Kheo Tịnh Mạng, một tiền kiếp của Phật A Di Đà.

Tỳ Kheo Đạt Mạ do chỉ trích tỳ kheo Tịnh Mạng mà sau sẽ thành đạo ở cõi ta bà với đầy những khó khăn, uế trược. Còn Tỳ Kheo Tịnh Mạng thì đã thành Phật sớm hơn, không phải đọa vào địa ngục, bàng sanh hay làm thân người hạ tiện như Tỳ Kheo Đạt Mạ. Tỳ kheo Tịnh Mạng đã thành Phật ở một cõi nước hoàn toàn thanh sạch. Đó chính là cõi nước Tịnh Độ và ngài có tên gọi là Phật A Di Đà.

Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Năng lực tâm từ thiết lập Tịnh độ nhân gian

3. Đặt bộ kinh này trong bối cảnh ra đời, (được tổ Tỳ Ni dịch tại chùa Pháp Vân; là bộ kinh căn bản khuyên hành Mật giáo), chúng ta có thể hiểu vì sao, bên cạnh sự tiếp nối từ lịch sử, với sự truyền thừa của trào lưu tịnh độ từ thế kỷ thứ V, các vị thiền sư của hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi dù thực hành đạo Phật với ảnh hưởng lớn của Mật Pháp lại xưng tán Phật A Di Đà để làm biểu trưng và đưa pháp môn Tịnh độ vào trong lòng đời sống xã hội.

Thiền sư Pháp Hiền, người truyền thừa tiếp nối tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dựng nên trung tâm của thiền phái là chùa Chúng Thiện thuộc vùng núi Tiên Du, Bắc Ninh. Vùng núi này, thiền sư Đàm Hoằng hơn một thế kỷ trước đã truyền bá và phát triển pháp tu tịnh độ với bản kinh Vô lượng thọ.Như vậy, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã được khơi nguồn và tiếp nhận từ bản kinh căn bản, kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì với sự xưng tán ngợi ca đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tịnh độ. Trung tâm đầu tiên của thiền phái này cũng được lập tại vùng đất có lịch sử phát triển mạnh mẽ của phái tịnh độ.

Để truyền bá hệ tư tưởng mới của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, hẳn thiền sư Pháp Hiền đã phải khéo léo vận dụng những thiện xảo để vừa kế thừa và phát triển những thành quả và sự phát triển của hệ phái cũ do tổ Đàm Hoằng tạo dựng, vừa khéo léo xiển dương và truyền bá một đường hướng và hình thức tu tập mới mẻ hơn.

Đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ảnh hưởng và biểu hiện rõ rệt và sự phát triển của yếu tố Tịnh độ trong tư tưởng của các thiền sư truyền thừa hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Những pho tượng Phật Di Đà tiêu biểu cùng với pháp môn niệm phật và lời chào cửa miệng mở đầu bằng Phật hiệu A Di Đà được hình thành và lan truyền trong dân gian vẫn còn duy trì đến ngày nay.

 Còn nữa

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chung quanh vấn đề vãng sanh

Tịnh Độ tông 20:00 21/11/2024

Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Phạm vi cõi Cực lạc

Tịnh Độ tông 20:45 18/11/2024

Với pháp môn Niệm Phật, bất luận là bậc đại đức bác thông tam tạng hay là hạng độn căn tối dạ một chữ không học, hễ cứ nhất tâm chuyên niệm, dứt trừ được các mối nghi thì thảy đều được vãng sanh, không bỏ sót một ai.

Các kinh hướng về Tịnh độ

Tịnh Độ tông 18:00 07/11/2024

Các kinh dạy về Tịnh độ nhiều như số cát sông Hằng, nay chỉ lược nói ra đây một số để phá bỏ lòng nghi.

Ý nghĩa Tịnh độ

Tịnh Độ tông 11:00 22/10/2024

Tịnh Ðộ là chỉ cho quốc độ trang nghiêm thanh khiết an tịnh, quốc độ ấy tối thiểu phải có những điều kiện về nhân dân và thổ địa như sau:

Xem thêm