Phật tử Lý Liên Kiệt: Sử dụng tình yêu để chinh phục phần tâm linh của nhân loại
Lý Liên Kiệt là một trong những diễn viên phim hành động nổi tiếng nhất thế giới. Đa phần chúng ta biết đến anh như là một “cao thủ võ lâm” trên màn ảnh. Nhưng ít ai ngờ, trong cuộc sống, anh lại là một Phật tử thuần hành.
Phatgiao.org.vn xin giới thiệu bài phỏng vấn của phóng viên tờ Beijing Wanbao (Báo tối Bắc Kinh) với Lý Liên Kiệt về các vấn đề như: nhân sinh, sự nghiệp, gia đình, tín ngưỡng, tai họa… nhân dịp anh đến các trường đại học ở Bắc Kinh diễn giảng.
PV: Khi giữa gia đình và sự nghiệp xảy ra xung đột, anh sẽ luôn nghiêng về phía gia đình chứ? Gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của anh?
- Tôi nghiêng về tình yêu. Trong cuộc sống của mình, tôi cảm thấy tình yêu là sự cho đi, tôi đang cho đi và vợ tôi cũng đang cho đi. Tình yêu không phải là sở hữu, tình yêu là cho đi, bạn luôn quan tâm đến cảm nhận của đối phương, đối phương cũng luôn quan tâm đến cảm nhận của bạn, tôi nghĩ một tình yêu như vậy mới có thể bền chắc và dài lâu. Đương nhiên, tình yêu ban đầu là dựa vào sự hấp dẫn của hai giới, nhưng vài chục năm sau đó, cho đến lúc bạn qua đời, tôi nghĩ sự cho đi giữa đôi bên sẽ quan trọng hơn sự hấp dẫn.
PV: Từ quan điểm của phái mạnh, anh thấy tiêu chuẩn của một người đàn ông tốt là gì?
- Rất nhiều phụ nữ nói, Lý Liên Kiệt thật sự là người chồng tốt, anh ấy đem tất cả tài sản của mình giao hết cho vợ. Nhưng rất nhiều đàn ông cũng nói, tên ngốc này sao lại làm như thế chứ? Đem hết tiền kiếm được đưa cho vợ chẳng phải là sẽ sinh ra nhiều phiền phức lắm sao? Tôi nghĩ, không nhất định như vậy. Tôi thấy điều chủ yếu nhất là phải cho đi tình yêu của mình một cách chân thành, những chuyện sau đó không cần quan tâm đến làm gì.
PV: Cho đi tình yêu là điều theo đuổi lớn nhất trong đời anh sao?
- Chắc chắn là thế. Trong kinh nghiệm mấy mươi năm thăng trầm của cuộc đời mình, tôi từng gặp các bà hoàng hậu, các vị tổng thống; từng gặp rất nhiều người giàu sang, quyền thế; và từng gặp cả xã hội đen… Đến ngày hôm nay tôi mới xác định được mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình, từ 40 tuổi trở về sau, tôi nguyện cho đi tình yêu của mình để đền ơn xã hội.
PV: Xin hãy nói một chút về những thay đổi trong đời sống tinh thần của anh?
- Bắt đầu từ lúc 11 tuổi, tôi không tin hết vào những lời người lớn nói nữa. Đến 16 tuổi, tôi cảm thấy những gì người lớn nói ra không đúng hoàn toàn, do đó, tôi tự chọn lấy cuộc đời của mình. Điện ảnh đã thay đổi cuộc đời tôi. Bắt đầu từ năm 17 tuổi đóng phim Thiếu Lâm Tự, cho đến hết những năm 80 là một giai đoạn rất dài tôi sống vị kỷ, tự đề cao mình, và tự gánh chịu những đau khổ mà cuộc đời mang lại. Đó là quá trình tôi phấn đấu vì danh, vì lợi và vì vật chất xa hoa. Đến sau những năm 90, tôi bắt đầu nghĩ, võ học đã cho tôi biết thứ gì cũng có hai mặt âm dương, khi đứng ở hai góc độ khác nhau để nhìn nhận cùng một vấn đề, kết quả sẽ không giống nhau. Từ đó, tôi tập tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu đời người trên hai góc độ khác nhau; cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn luôn quan sát cả hai mặt của sự vật, không quen đứng trên một góc độ nào đó để xem xét các vấn đề.
PV: Nhân sinh quan của anh rất kiên định, còn về mặt tâm linh, anh có thay đổi gì không?
- Thực ra, ngay từ năm 1997 tôi đã muốn nghỉ hưu, không đóng phim nữa, vì tôi phát hiện ra rằng, vật chất không thể thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của mình. Tôi muốn đi tìm kiếm ý nghĩa của sự sống rốt cuộc là gì? Thực sự vậy, tôi cảm thấy vật chất, ở một giai đoạn nào đó là tương đối quan trọng, nhưng qua khỏi giai đoạn đó, bản chất không đổi nhưng lượng đã thay đổi. Tiền và vật chất không thể nào giúp mỗi người chúng ta được an vui, vì lòng tham của chúng ta là không đáy. Giả sử, mỗi người chúng ta đều giàu như Lý Gia Thành, nhưng nhìn về phía trước, vẫn còn có Bill Gates giàu hơn nữa, làm thế nào để có thể nhiều tiền hơn cả Bill Gates đây? Nhận thức được rằng vật chất không thể giải quyết được nỗi đau khổ về tâm linh, nên tôi bắt đầu trở thành một tín đồ Phật giáo, nhìn lại vũ trụ, nhìn lại sự sống, nhìn kết cấu của vật chất, nhìn kết cấu của tâm linh, và từ trong đó tôi tìm thấy cho mình rất nhiều niềm vui.
PV: Việc tin Phật đem đến cho anh sức an định và sự thay đổi như thế nào?
- Tôi cảm thấy mục tiêu theo đuổi chung của toàn nhân loại là an vui và hạnh phúc. Con người sống trong đoàn thể, đã cùng một đoàn thể thì phải quan tâm, yêu thương nhau. Là diễn viên phim hành động, những năm gần đây, tôi đang tập trung vào việc truyền đạt đến khán giả nước Mỹ một tư tưởng rằng: “Bạo lực không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”. Tôi luôn hy vọng là các tác phẩm điện ảnh của mình có thể truyền đạt được tư tưởng này. Kỳ thực, phim Hoắc Nguyên Giáp mà tôi đóng gần đây có một thông điệp vô cùng quan trọng, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: “Bạo lực có thể là một cách giải quyết vấn đề, nhưng chắc chắn không phải là cách duy nhất, bạo lực có thể chinh phục phần xác của người khác, nhưng mãi mãi không thể chinh phục phần tâm của người khác, chỉ có tình yêu làm được điều đó mà thôi.” Thực vậy, chỉ có sức mạnh của tình yêu mới có thể chinh phục phần tâm linh của toàn thể nhân loại.
PV: Anh từng suýt chết vì tai họa sóng thần khi đi du lịch ở Maldives, nghĩ lại lần thập tử nhất sinh ấy, anh có cái nhìn thế nào về cái chết?
- Trong năm 2004, tôi đã đối diện với cái chết 3 lần, 2 lần ở Tây Tạng, rồi 1 lần ở Maldives. Lần ở Tây Tạng, sau 5 ngày ngồi thiền trên độ cao 4200 m so với mặt nước biển, tôi bị hết dưỡng khí, không thể nào thở được, phản ứng cao nguyên vô cùng trầm trọng, thực sự đã đối diện với cái chết. Điều trùng hợp thú vị là, trước khi đi Tây Tạng, tôi và bạn bè mình đã đi đảo Hải Nam, trải nghiệm cuộc sống kiểu đế vương, mỗi ngày đều có đầu bếp nấu cho vài chục món ăn. Sau đó, đến Tây Tạng, điều kiện hoàn toàn trái ngược, không có nước, không có đầu bếp, ngay cả mì tôm nấu cũng không thể chín. Một bên là vật chất, một bên là tâm linh. Trải ngiệm này rất ý nghĩa. Tôi không biết khi nào mình sẽ chết, nhưng sau khi đối diện với cái chết, tôi đã cùng thương lượng với vợ rằng, trong số con cái của chúng tôi nhất định sau này phải có một đứa làm tình nguyện viên của hội Chữ thập đỏ. Cuối năm 2004, tôi lại suýt chết vì sóng thần. Sau lần thập tử nhất sinh đó, tôi mới có thời gian suy nghiệm xem danh là gì, lợi là gì, tôi thực sự phải làm gì, tôi rốt cuộc là cần điều gì? Cuộc sống rất ngắn ngủi, không biết chết khi nào, cho nên, hãy tận dụng, hãy trân quý từng ngày được sống.
PV: Hình tượng của anh trên màn ảnh mà chúng tôi thường thấy đều là “tay đấm chân đá”, vậy tính cách của anh ngoài đời thực như thế nào?
- Thật ra là tôi có một chút tự kỷ, tính tự kỷ này là do hoàn cảnh sống bắt buộc, tại vì tôi nổi tiếng quá sớm, sau khi nổi tiếng, thì phải luôn giữ mình, sợ nói sai, làm sai. Tôi không muốn tiếp xúc với người khác, thích một mình đọc sách, thích ở cùng mấy người bạn thân. Cho đến vài năm gần đây, nhờ có Phật giáo, tôi đã có đủ dũng khí để đối diện với xã hội. Tôi cũng không còn làm việc vì bản thân nữa, 40 tuổi về trước là vì gia đình, 40 tuổi về sau sẽ là vì đền ơn xã hội.
Theo Beijing Wanbao
Người dịch: Tịnh Nguyên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm