Thái tử Tất Đạt Đa sớm nhận ra đời sống dục lạc thế gian là đau khổ
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Phật tử khắp nơi lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một niềm tin vĩ đại mà Đức Phật đã cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Sau khi thái tử Tất Đạt Đa giành chiến thắng vang dội cả về võ thuật lẫn thể thao trong tất cả các cuộc thi tài kén chọn phò mã của nàng công chúa vô cùng kiều diễm, thanh cao và hiền thục Da Du Đà La, Quốc vương Tịnh Phạn vô cùng vui mừng và tổ chức một lễ thành hôn long trọng, xa hoa theo đúng nghi thức hoàng gia cho Thái tử. Lúc đó, Đức Phật mới mười sáu tuổi với dung mạo tuấn tú phi phàm và phong thái thanh lịch, hòa nhã.
Cuộc sống vương quyền giàu sang
Thời đó, các thành viên hoàng tộc, đặc biệt là vị thái tử sẽ kế thừa ngôi vua, thường kết hôn rất sớm, vì vậy Thái tử Tất Đạt Đa không có lựa chọn nào khác ngoài vâng lệnh phụ vương. Theo tục lệ cổ truyền, một vị vua được quyền có nhiều thê thiếp, vì vậy phụ vương của Ngài đã tuyển lựa thêm cho Thái tử những phi tần xinh đẹp thuộc giai cấp quý tộc như nàng mrigaja (Ridagkye), nàng gopa (Satshoma) và nàng yashakhi (Dragdenma) và ban cho Thái tử sáu nghìn cung phi mỹ nữ.
Quốc vương Tịnh Phạn muốn con trai của mình được thỏa mãn tất cả mọi ý thích, ước muốn, như vậy Thái tử sẽ hài lòng với địa vị tôn quý và thụ hưởng mọi giàu sang, dục lạc thế gian, đồng thời canh giữ cẩn mật khiến Thái tử không có cơ hội từ bỏ đời sống vương giả xa hoa để đi theo chí nguyện tâm linh thúc giục tìm chân lý của sự sống.
Lúc đó, sống trong cung điện tráng lệ với hàng ngàn cung phi mỹ nữ, thái tử Tất Đạt Đa đáp ứng mọi mong chờ của mọi người ở một vương tử mẫu mực. Ngài chăm lo cho công chúa Da Du Đà La, chính thê của Ngài, cùng tất cả phi tử của mình với tình yêu thương, lòng từ ái bình đẳng, vô phân biệt. Mặc dù không nhìn thấy bất kỳ cảnh khổ sở, đau đớn nào, xung quanh Thái tử chỉ có những cảnh sắc vui tươi, cao lương mỹ vị, nhã nhạc du dương, hoa viên thơm ngát và Ngài được xưng tán, chúc tụng với những ngôn từ cung kính, êm ái của các phi tử, quần thần, Thái tử Tất Đạt Đa vẫn bền bỉ nuôi dưỡng ước nguyện duy nhất vốn sẵn có trong mình là được từ bỏ cuộc sống hoàng gia để hoàn thành một điều gì đó thực sự ý nghĩa vì lợi ích hết thảy chúng sinh.
Mười ba năm sống cùng các phi tử vô cùng dịu dàng và quyến rũ, nhưng Thái tử cảm thấy cuộc sống này thật vô nghĩa nếu không đạt giác ngộ. Trong suốt mười ba năm đó, mặc dù được phụ vương chăm lo, không thiếu thốn bất kỳ khoái lạc vật chất gì, nhưng càng ngày Thái tử càng tò mò muốn biết xem dân chúng lao động, sinh sống ra sao.
Bốn cảnh màThái tử Tất Đạt Đa thấy
Vào một ngày đẹp trời, Thái tử thực hiện một chuyến dạo chơi bằng xe ngựa dọc theo khu vườn thượng uyển lộng lẫy và rực rỡ sắc hoa cùng với đoàn tùy tùng vài ngàn người. Thoạt tiên, có vẻ như đây chỉ là một chuyến dạo mát thông thường trong một buổi chiều nắng đẹp, nhưng sau đó Thái tử chứng kiến một quang cảnh khác thường làm Ngài suy tư về bản chất của đời sống con người. Đặc biệt, Ngài bắt đầu nhận ra đời sống trong hoàng cung chẳng khác nào ngục tù không lối thoát. Thái tử nhận thấy những người thuộc dòng dõi quý tộc luôn căng thẳng, lo lắng vì bảo vệ của cải, địa vị và họ không hề nghĩ đến ai, chỉ chăm chăm quan tâm đến lợi ích của gia đình.
Đầu tiên, Đức Phật nhìn thấy một ông già rách rưới bẩn thỉu, đầu tóc rối bù, gầy gò như một bộ xương khô. Thân hình của người đó run rẩy theo từng bước chân, và khi ông ta nói thì chỉ là những từ bắp bắp không thể hiểu nổi. Thái tử choáng voáng khi thấy hình ảnh một con người thê thảm như vậy. Ngài nhìn lại bản thân mình, những ngón tay nuột nà, trẻ trung được trang điểm bằng ngọc ngà, châu báu và Ngài trầm tư suy ngẫm, liệu có một ngày mình cũng sẽ có cùng số phận như con người đáng thương kia: tóc sẽ bạc, răng sẽ rụng, thân thể sẽ gày còm già yếu phải chống gậy khi bước đi, và đầu óc sẽ lẩn thẩn, mụ mẫm.
Khi Thái tử Tất Đạt Đa đi ra ngoài hoàng cung, cảnh tượng thứ hai Ngài nhìn thấy là một người đàn ông ốm yếu, khuôn mặt tái nhợt không còn chút huyết sắc, toàn thân đầy những vết thương rỉ máu, mưng mủ lở loét như một xác chết đang rữa nát, bốc mùi hôi thối. Thái tử chưa bao giờ thấy một người ốm bệnh trong hoàng cung. Ngài suy ngẫm, thân thể con người được cấu thành bởi máu và thịt nên không thể tránh khỏi bệnh tật, đau ốm và cuối cùng sẽ bị rữa nát. Thậm chí, mặc dù thân thể của những thành viên trong hoàng tộc luôn được phục sức bằng lụa là gấm vóc, được tô điểm bằng ngọc ngà châu báu nhưng họ cũng như người đàn ông này, vẫn phải chịu đựng bệnh tật và đau đớn. Vậy thì dù ngự tại cung vàng điện ngọc trong giàu sang phú quý, cung tần mỹ nữ vây quanh, thụ hưởng vô số dục lạc thế gian thì cũng có ý nghĩa gì? Và thế là Thái tử Tất Đạt Đa bắt đầu trăn trở làm cách nào có thể đạt được trí tuệ toàn giác, thấu hiểu về bản chất của sự sống để thoát khỏi đau khổ, bệnh tật.
Cảnh tượng thứ ba Ngài chứng kiến là một xác chết được khâm liệm bằng mảnh vải và rắc bên trên là những tràng hoa như một lời vĩnh biệt người khuất bóng, xung quanh là bà con họ hàng rũ rượi than khóc thảm thiết. Người đứng kẻ ngồi, vò đầu đấm ngực, kêu khóc than vãn: họ không thể tin rằng thần chết đã cướp mất người thân yêu của mình, người tưởng chừng như không bao giờ chia lìa, rời xa họ. Tâm trí họ tràn ngập sự đau khổ, mất mát, họ than khóc và kêu gào trong nỗi bi thương cùng cực. Khi nghe thấy những tiếng than khóc và chứng kiến cảnh mọi người đau đớn trước nỗi khổ sinh tử phân ly, Thái tử cảm nhận nỗi đau ấy thật là cùng cực không thể nào chịu nổi. Toàn thân Ngài run rẩy và nước mắt tuôn trào. Ngài chẳng biết làm gì khác ngoài chia sẻ nỗi buồn và niềm thương tiếc đối với những người đang đau khổ vì mất mát người thân.
Cảnh tượng thứ tư Thái tử nhìn thấy là một vị tăng khoác tấm y vàng đơn sơ, giản dị, trên tay cầm bình bát, bước đi trong tĩnh lặng, tự tại đến nỗi như thể sự an lành thấm nhuần mặt đất theo từng bước chân ông, như thế trả về cho Đất Mẹ mọi thứ được ban tặng vô cùng hào phóng. Thật ra, vị tăng sỹ đặc biệt này được một sứ giả từ cõi thiên hóa hiện ra, để khích lệ Ngài từ bỏ đời sống vương giả. Khi ngắm nhìn vị tăng, Thái tử cảm thấy từ sâu thẳm lòng mình tràn ngập niềm an lành, hỷ lạc và Ngài tự nhủ cuộc sống xuất gia thật lý tưởng và cao thượng, nếu Ngài có thể từ bỏ những tham vọng thế tục và dâng hiến trọn đời theo đuổi chí nguyện tâm linh.
Sau khi chứng kiến bốn cảnh tượng khác nhau, Thái tử Tất Đạt Đa hỏi những người hầu cận rằng có bao nhiêu người trong vương quốc phải chịu đau khổ như vậy. Họ thưa rằng không ai có thể tránh khỏi cảnh sinh già bệnh chết. Song họ cũng không biết đến một vị tu sỹ nào trong vương quốc có thể hoàn toàn từ bỏ mọi mục đích vị kỷ để phục vụ lợi ích tha nhân.
Trên đường trở về hoàng cung, Thái tử nhìn thấy những người nông dân mặt mũi lấm lem, đầu tóc bê bết bụi bặm, đang cực nhọc lao động trên những cánh đồng. Chân tay của họ nứt nẻ và chảy máu, nhưng họ dường như không chú ý tới sự đau đớn đó. Da họ phồng rộp và bị thiêu đốt trong ánh nắng gay gắt vì phải làm việc hàng ngày dưới mặt trời chói chang. Dù thân thể như que củi, gầy còm và yếu ớt, nhưng để kiếm kế sinh nhai, họ cùng với đàn bò vẫn phải vất vả cày bừa, gieo trồng trên những thửa ruộng.
Thái tử nhận ra họ sắp chết vì đói và khát. Quá thương xót những người nông dân và đàn bò lao lực, Ngài tặng họ rất nhiều đồ ăn thức uống và các loại nước bổ dưỡng. Ngài cho hầu cận xoa dầu và thuốc vào cổ các chú bò để chữa trị những vết thương trày trụa do phải mang ách kéo cày vô cùng nặng nhọc.
Cuối chặng đường trở về hoàng cung, mặt trời tỏa nắng gay gắt, Thái tử và đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ ngơi dưới bóng mát của một cây cổ thụ có tán lá tỏa rộng. Vì chuyến đi của Thái tử kéo dài khá lâu nên Quốc vương Tịnh Phạn vô cùng lo lắng, bèn cưỡi voi cùng với binh lính hộ vệ đi tìm con trai mình.
Khi Quốc vương tìm thấy Thái tử đang an bình nghỉ ngơi trong bóng mát của cây cổ thụ, Quốc vương nhận thấy rằng mặc dù lúc đó mặt trời đã di chuyển sang hướng khác, nhưng bóng cây vẫn ở nguyên tại chỗ, lặng lẽ tỏa bóng mát cho Thái tử. Thấy hiện tượng kỳ diệu này, Quốc vương liền cúi đầu đỉnh lễ con trai mình. Ông cảm thấy ngay cả những vật vô tri vô giác như cây cối cũng sẵn sàng trợ giúp Thái tử, đây là dấu hiệu cho thấy Đức Phật đã tích lũy được vô lượng công đức và hoàn toàn xứng đáng để nhận sự kính trọng từ chính bậc phụ vương.
Trong khi cả đoàn tùy tùng đang ngủ thiếp đi dưới bóng cây cổ thụ, người hầu cận riêng của Thái tử tâu lại cho Quốc vương về bốn cảnh tượng Thái tử đã nhìn thấy ở ngoài hoàng cung và gây những ảnh hưởng bất thường, mạnh mẽ cho Thái tử. Thái tử thấu hiểu sâu sắc những cảnh tượng đau khổ và vô cùng thương xót chúng sinh. Anh ta cũng kể cho Quốc vương rằng tấm y khoác của vị tu sĩ khổ hạnh đó, người đã từ bỏ cuộc sống thế tục, đã lôi cuốn Thái tử như thế nào.
Nghe thấy như vậy, nỗi lo sợ rằng con trai mình sẽ rời bỏ hoàng cung và trở thành tu sĩ như một nhà thông thái Bà la môn đã tiên đoán trước vốn vẫn ẩn náu trong lòng Quốc vương Tịnh Phạn lại trỗi dậy. Ngài ra lệnh cho binh lính hầu cận canh phòng Thái tử cẩn mật hơn và chu cấp cho con trai mình tất cả tiện nghi, lạc thú, thậm chí Ngài còn tuyển thêm phi tần cho Thái tử, hy vọng rằng những điều này sẽ cuốn hút Thái tử an lòng hưởng thụ đời sống vương giả mãi mãi với nội cung gồm sáu mươi nghìn cung tần mỹ nữ!
Cuối buổi chiều, Thái tử và đoàn tùy tùng tỉnh giấc, rời khỏi tán cây mát mẻ và tiếp tục lên đường trở về hoàng cung. Họ đi ngang qua một nghĩa địa, nơi có hàng trăm thi thể nằm la liệt trên mặt đất, lũ chó sói, chó rừng và chim kền kền đang tranh giành xác chết, chúng ăn thịt, liếm máu, gặm xương, lôi móc nội tạng người chết. Thái tử Tất Đạt Đa kinh hoàng và đau xót khi nhìn thấy sự mong manh của thân thể con người và sự ngắn ngủi của một kiếp sống. Tâm ý Ngài đã hoàn toàn chuyển biến. Bất chấp sự giàu sang, lạc thú đang chờ đợi nơi hoàng cung, trong lòng Thái tử chỉ có một nguyện ước duy nhất là rời bỏ đời sống vương giả để trở thành một vị tu sĩ tìm đạo chân chính. Thái tử tin rằng nếu trở thành một tu sỹ đạo hạnh, Ngài sẽ có khả năng giúp ích cho chúng sinh nhiều hơn là trở thành một vị vua quyền lực mà không biết khổ đau thực sự của thế gian. Kể từ ngày đó, Thái tử không còn cảm thấy vui thú gì với cuộc sống vương giả nữa.
Nguồn: daibaothapmandalataythien.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm