Thứ bảy, 24/06/2023, 14:12 PM

Quan điểm về cư sĩ đắc thánh quả trong kinh Mi Lan Ðà vấn đạo

Kinh Mi-lan-đà vấn đạo (Milindapañhā) là tác phẩm ghi lại những cuộc hỏi đáp về Phật pháp giữa vua Mi-lan-đà (Milinda) và Tỳ-kheo Na-tiên (Nāgasena) có niên đại khoảng thế kỷ I (trước Tây lịch).

Nội dung các câu hỏi đáp xoay quanh những vấn đề tinh yếu trong giáo lý của Đức Phật, được thể hiện qua những kiến giải trung thành với quan điểm nguyên thủy của Phật giáo.

Vì lý do đó, kinh này được xem là một tác phẩm quan trọng trong nghiên cứu Phật học. Ở Việt Nam, kinh Mi-lan-đà vấn đạo được phổ biến với hai phiên bản là kinh Na-tiên Tỳ-kheo trong Bắc tạng và kinh Mi-tiên vấn đáp trong Nam tạng. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng dữ liệu từ bản kinh Mi-tiên vấn đáp, do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch.

Vua Mi-lan-đà vấn đạo Tỳ-kheo Na-tiên - Ảnh minh họa

Vua Mi-lan-đà vấn đạo Tỳ-kheo Na-tiên - Ảnh minh họa

Tỳ-kheo (tu sĩ nam), Tỳ-kheo-ni (tu sĩ nữ), Ưu-bà-tắc (cư sĩ nam), Ưu-bà-di (cư sĩ nữ) là tứ chúng trong Phật giáo. Mối quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia là mối quan hệ khắng khít có từ thời Đức Phật và xuyên suốt trong lịch sử Phật giáo cho đến nay. Trên thực tế, mối quan hệ này có những lúc không suôn sẻ nên nó không chỉ được Đức Phật làm rõ trong kinh điển, mà tiếp tục được các thế hệ sau đề cập. Trong kinh Mi-lan-đà vấn đạo, có ít nhứt hai lần vấn đề cư sĩ đắc Thánh quả được đề cập trực tiếp, đó là câu hỏi “Bậc Thánh cư sĩ tại sao phải đảnh lễ, cúng dường phàm tăng” và câu hỏi “Về cư sĩ A-la-hán”.

Thánh cư sĩ cung kính phàm tăng

Ở câu hỏi này, vua Mi-lan-đà đặt nghi vấn rằng lời dạy của Đức Phật dường như có mâu thuẫn. Phật dạy người đắc pháp xuất thế gian xứng đáng cho chư thiên và nhân loại cúng dường, nhưng lại dạy cư sĩ đắc quả Tu-đà-hoàn phải đảnh lễ và cúng dường Tỳ-kheo bất kể Thánh hay phàm. Ngài Na-tiên giải đáp, dù phàm tăng vẫn có hai mươi pháp hành cao thượng của bậc Sa-môn, cộng với hai pháp cao thượng thuộc về Tăng tướng. Tỳ-kheo thực hành hai mươi hai pháp ấy có thể tiến lên các Thánh quả. Trong khi đó, người cư sĩ dù đắc quả vẫn không có được các pháp cao thượng ấy.

Song, nhà vua tiếp tục băn khoăn rằng nếu vị Tỳ-kheo thực hành các pháp ấy nhưng chưa thành tựu đầy đủ, thậm chí thực hành hư hỏng, thì làm sao cư sĩ bậc Thánh lại cung kính được. Ngài Na-tiên trả lời, dẫu vị Tỳ-kheo như thế vẫn xứng đáng được cung kính, bởi họ đã thọ trì giới bổn thanh tịnh, có khả năng làm những việc mà cư sĩ bậc Thánh không làm được, đặc biệt là chính họ đang kế thừa hạt giống Bồ-đề.

Dẫu sự thực hành khiếm khuyết thì “họ vẫn đang trong Tăng tướng và phẩm mạo cao thượng; họ đang đi trên con đường phạm hạnh, họ ăn một bữa, họ thiểu dục, tri túc; họ thường sống nơi tịch mịch, xa chỗ huyên náo ồn ào, xa chỗ ngũ dục thấp hèn”. Trong khi đó, cư sĩ dù đắc quả nhưng “vẫn có gia đình với vợ và con, bạc tiền, của cải, danh vọng, địa vị, nghề nghiệp nuôi sống. Ta không cắt móng tay, không cạo râu tóc, vẫn trang điểm, vẫn thoa vật thơm, y phục lành tốt, thọ hưởng ngũ dục, ăn ngon, mặc ấm, giường cao, nhà rộng…”[1].

Chúng ta biết, cư sĩ có khả năng đắc quả là điều được xác nhận bởi chính Đức Thế Tôn và trong thời của Ngài đã có rất nhiều cư sĩ đắc quả. Đức Phật cho biết, cư sĩ có thể đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, tạo tiền đề để đi đến quả vị Chánh giác trong đời vị lai. Song, để đắc quả Tu-đà-hoàn, người cư sĩ cần giữ gìn và thực hành năm pháp một cách hoàn hảo, đồng thời có được bốn tăng thượng tâm. Năm pháp ấy là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Bốn tăng thượng tâm ấy là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới.

Trong kinh Ưu-bà-tắc (Trung A-hàm, số 128), Đức Phật giảng dạy rõ về điều kiện và kết quả mà người cư sĩ có thể thực tập và đạt được: “Này Xá-lợi-phất, nếu Thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, thì đối với hiện pháp lạc trú dễ được, chứ không phải khó được. Này Xá-lợi-phất, Thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau”[2].

Cư sĩ đắc quả A-la-hán

Cư sĩ không chỉ có khả năng đắc quả Tu-đà-hoàn, mà còn có thể đắc quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, thậm chí là A-la-hán. Trong thời Đức Phật, cũng đã có những vị cư sĩ đắc quả A-la-hán. Tuy nhiên, khi một cư sĩ đắc quả A-la-hán vào ngày nào thì phải xuất gia ngay ngày ấy. Trong trường hợp không xuất gia được vì lý do nào đó (chẳng hạn không tìm được thầy tế độ) thì vị ấy bắt buộc phải nhập Niết-bàn. Đây cũng chính là thắc mắc của vua Mi-lan-đà.

Để giải đáp nghi vấn này, ngài Na-tiên trả lời: “Phẩm mạo cư sĩ thấp thỏi quá, thật không xứng đáng với quả vị A-la-hán mà người ấy đã đắc, do vậy phải thay đổi phẩm mạo xuất gia. […] Chính phẩm mạo xuất gia như kẻ có đức, có trí, có tài, nhiều phước báu, mới xứng đáng với quả vị A-la-hán. Phẩm mạo xuất gia có thể được ví như một bảo cái lớn rộng, có khả năng che chở cho quả vị A-la-hán, tâu đại vương!”[3]. Ngài ví dụ thêm, quả A-la-hán như món ăn thượng vị, mà phẩm mạo cư sĩ như một thể xác suy yếu, không đủ khả năng tiêu hóa thức ăn ấy.

Quả thật, mặc dù cư sĩ có khả năng thành tựu quả vị A-la-hán, nhưng đạt được điều đó khó hơn rất nhiều so với người xuất gia. Đến khi đắc quả, người cư sĩ ấy phải xuất gia ngay hoặc nhập Niết-bàn. Nói cách khác, không thể có quả vị A-la-hán tồn tại lâu dài trong phẩm mạo của người tại gia. Trong lịch sử Phật giáo cũng có hai trường hợp tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề nầy, đó là ngài Da-xá và vua Tịnh Phạn.

Chàng thanh niên Da-xá là con của một triệu phú ở thành Ba-la-nại, tìm đến Đức Phật nghe pháp và đắc quả Tu-đà-hoàn. Ông triệu phú đi tìm con và tiếp tục được Đức Thế Tôn giáo hóa. Sau khi nghe những lời Phật dạy cho cha mình, Da-xá đắc quả A-la-hán và xin xuất gia. Ngài trở thành vị Tỳ-kheo thứ sáu trong Tăng đoàn, sau năm anh em Kiều-trần-như[4].

Khi vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, Đức Thế Tôn và các ngài Nan-đà, A-nan, La-hầu-la cùng với chúng Tỳ-kheo trở về thành Ca-tỳ-la-vệ thăm viếng. Nhận thấy duyên lành để tiếp độ phụ vương, Đức Phật đã thuyết pháp cho nhà vua nghe trong bảy hôm. Đến ngày cuối cùng, vua Tịnh Phạn đắc quả A-la-hán và nhập Niết-bàn ngay trong ngày hôm đó[5].

Như vậy có thể thấy rõ ngài Da-xá và vua Tịnh Phạn đều đắc quả A-la-hán khi chưa xuất gia. Sau khi đắc quả, ngài Da-xá đã xuất gia trong ngày hôm ấy, còn vua Tịnh Phạn thì nhập Niết-bàn trong ngày hôm ấy, đúng như hai trường hợp mà kinh điển đã cho biết.

Một vài nhận định và liên hệ

Hai câu hỏi nêu trên phần nào cho thấy, ngay từ buổi bình minh của Phật giáo, mối quan hệ giữa Tỳ-kheo và cư sĩ trong tu tập đã là vấn đề được quan tâm. Câu hỏi của vua Mi-lan-đà chắc hẳn cũng là thắc mắc chung của nhiều người trong thời kỳ đó và đến cả ngày nay. Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo đã rất nhứt quán trong mối quan hệ này. Phật giáo thừa nhận khả năng thành tựu các quả vị của cư sĩ, song sự đắc quả của cư sĩ khó khăn hơn rất nhiều so với Tỳ-kheo.

Khi cư sĩ đã đắc ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm thì vẫn phải cung kính, lễ bái, cúng dường Tỳ-kheo dù chưa đắc quả. Bởi Tỳ-kheo là người thọ giới thanh tịnh, sống đời phạm hạnh, lãnh trách nhiệm truyền bá Chánh pháp. Khi cư sĩ đã đắc quả A-la-hán thì phải xuất gia hoặc nhập Niết-bàn ngay, không thể có người đắc quả A-la-hán mà vẫn mang hình tướng cư sĩ lâu dài. Mặc dù cư sĩ có khả năng đắc quả A-la-hán, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, rất khó xảy ra. Phẩm mạo cư sĩ chỉ tương xứng với ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Trên thực tế thời Đức Phật, không có nhiều vị cư sĩ đắc quả A-la-hán mà đa phần các vị cư sĩ đắc quả Tu-đà-hoàn.

Sở dĩ chúng tôi trình bày đề tài này, không chỉ dừng lại ở việc trao đổi về kinh Mi-lan-đà vấn đạo, mà còn có một số liên hệ đến thực tế Phật giáo Việt Nam ngày nay với hai biểu hiện cần lưu tâm.

* Đối với Tăng Ni: Một bộ phận Tăng Ni vẫn có trường hợp lễ bái những cư sĩ được cho là “đắc quả”. Chúng ta biết, trong dân gian và một số tôn giáo phái sinh từ Phật giáo, có những trường hợp các vị cư sĩ tự xưng là mình đắc quả, hoặc vị ấy được truyền tụng rằng đã đắc quả. Với tình hữu nghị giữa các tôn giáo, Tăng Ni đến thăm viếng tôn giáo bạn là việc làm tốt đẹp. Tuy nhiên, một số Tăng Ni đã lễ bái trước bàn thờ, di ảnh, bài vị… của các cư sĩ nói trên. Đây là hành động chưa phù hợp với quan điểm Phật giáo.

* Đối với cư sĩ: Một số cư sĩ có thái độ thiếu kính trọng Tăng Ni, thậm chí có người cực đoan cho rằng Tăng bảo trong Tam bảo chỉ là các bậc Thánh tăng đệ tử Phật chứ không phải phàm tăng ngày nay! Không thể phủ nhận rằng, sự thiếu kính trọng ấy có một phần lý do xuất phát từ những Tăng Ni sống chưa đúng giới luật, dẫn đến mất hình tượng đối với cư sĩ. Song, Tăng Ni là người đang tu, không phải người đã tu xong, nên không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Đem sai trái của vài người để đánh đồng lên cả Tăng đoàn là điều không hợp lý.

Hai hiện tượng nêu trên chỉ là số ít trong Phật giáo Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đó vẫn là thực trạng cần cảnh báo. Trước tình hình đó, khi đọc lại kinh Mi-lan-đà vấn đạo, chúng ta nhận thấy những lời dạy trong tác phẩm này càng trở nên có giá trị. Những vấn đề mà chúng ta gặp phải ngày nay đã được vua Mi-lan-đà và ngài Na-tiên đề cập từ cách nay hơn hai ngàn năm.

Như đã trình bày ở phần đầu bài viết này, mối quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia trong Phật giáo dĩ nhiên sẽ có những lúc không thể tránh khỏi cảm xúc hỷ nộ ái ố. Khi ấy, những người cư sĩ nên đọc lại lời của ngài Na-tiên để cảm thông cho những bậc xuất trần đang bước trên con đường phạm hạnh - con đường mà chính chúng ta đã không dám bước đi. Hãy nhớ rằng họ ăn một bữa, hạn chế lòng ham muốn, xa lìa các huyên náo thế gian, giữ mình trong giới luật… Trong khi chúng ta ăn ngon, mặc đẹp, nhà rộng, tích trữ tài sản, chạy theo danh vọng, nuôi dưỡng các ham muốn trần tục…

Ngược lại, người xuất gia không nên quên đi sự cao quý của phẩm mạo Tỳ-kheo. Từ đó, chúng ta có hành vi ứng xử với các tôn giáo bạn hoặc tín ngưỡng dân gian một cách phù hợp giới quan điểm nhà Phật. Cuối cùng, thay lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn lại lời dạy của ngài Na-tiên với vua Mi-lan-đà: “Không kể phàm, không kể Thánh - chỉ ngay cái phẩm vị Tỳ-kheo - đã là phẩm vị cao thượng, xứng đáng cho trời và người lễ bái, tôn trọng, cúng dường”[6].

-------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Giới Nghiêm dịch, kinh Mi Tiên vấn đáp (2014), tr. 441.

[2] Kinh Trung A Hàm, Tập III (1992), tr. 86.

[3]Giới Nghiêm dịch (2014),Sđd, tr. 603.

[4] Nārada Mahā Thera, Đức Phật và Phật pháp (2019), Phạm Kim Khánh dịch, tr.66-68.

[5] Maha Thong Kham Medhi Vongs, Lịch sử Đức Phật Tổ Cồ-đàm (1999), tr.260.

[6]Giới Nghiêm dịch (2014),Sđd, tr.443.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ngày Phật thành đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại

Kiến thức 08:30 07/01/2025

Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.

Bài học đáng quý nhân ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo

Kiến thức 13:00 06/01/2025

Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.

Nghi thức hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng bệnh tật

Kiến thức 12:05 06/01/2025

Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền.

Ý nghĩa thâm diệu và công đức của Bát Nhã Tâm Kinh

Kiến thức 10:57 04/01/2025

Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong Cư trần lạc đạo phú.

Xem thêm