Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 15/04/2023, 10:00 AM

Cư sĩ Phật giáo (Phần 1)

Cư sĩ Phật giáo là tín đồ tại gia, dân gian thường phân biệt gọi xuất gia là tu chùa, ở chùa, và tại gia là tu nhà, tu tại gia.

Phật giáo là một tôn giáo, một đạo giáo xuất hiện từ trên 2500 năm và càng ngày càng lan rộng từ Đông sang Tây. Số tín đồ gia tăng bao gồm cả mọi thành phần không phân biệt già trẻ, nam nữ, trình độ tri thức, địa vị xã hội, nghề nghiệp chuyên môn…Đặc biệt là thành phần trí thức tại các quốc gia đang phát triển ở Âu châu và ngay cả tại Hoa Kỳ người mộ Phật càng đông khi nhận biết Phật giáo không phải chỉ là giáo lý uyên thâm mà còn là một thực tập cụ thể, một kinh nghiệm thực tế đối với cá nhân tín đồ tu tập, phù hợp với triết lý hành động thực nghiệm (Pragmatism) có tính cách truyền thống của người dân Hoa Kỳ. Giới khoa học đã xác nhận tiến trình lịch sử nhân loại: Trước kia Khoa học và Tôn giáo tưởng như không gặp được nhau, ngày nay Khoa học và Tôn giáo đã tiến lại gần nhau, mà tôn giáo đầu tiên khoa học có thể gặp gỡ bắt tay được chính là Phật giáo.

Một tôn giáo cũng như một học thuyết, một chủ nghĩa sở dĩ tồn tại, phát triển hay suy vong là do ở tín đồ nhiều hay ít, có tiếp tục duy trì và tiếp tục duy trì và hoằng dương được đạo pháp hay không ? Nói cách khác, vị giáo chủ chỉ có công khai sáng, lập thuyết, lập đạo trong thời kỳ ban đầu hình thành, còn sự bảo tồn và phát huy là do ở công lao của giới tín đồ tôn giáo thuộc những thế hệ kế tiếp về sau. Không có tín đồ thì tôn giáo ắt tiêu vong, chỉ còn tiếng vang trong quá khứ lịch sử, giáo lý dù có giá trị uyên thâm cũng chỉ là tài liệu dùng cho sự nghiên cứu sưu tầm, không còn đóng góp được gì vào sinh hoạt tín ngưỡng trong cuộc sống xã hội loài người. Vai trò của tín đồ là kế thừa vị giáo chủ, tiếp tay với vị giáo chủ khơi giòng đạo pháp cho lan tràn khắp không gian và xuyên qua thời gian. Trong trường hợp Phật giáo, giới tín đồ đã kế thừa vị giáo chủ là Đức Thích Ca Mâu Ni đảm trách công việc của Như Lai, hóa độ chúng sinh suốt hơn 25 thế kỷ cho đến ngày nay.

Tín đồ Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đại cương chia làm hai loại, tu sĩ Phật giáo và cư sĩ Phật giáo. Tu sĩ Phật giáo là tín đồ xuất gia, có nhiều danh xưng bằng tiếng Hán Việt như tăng sĩ, tăng đồ, tăng chúng phân biệt theo phái tính gọi là tăng (phái nam) và ni (phái nữ), dân gian thường gọi là ông sư bà vãi. Cư sĩ Phật giáo là tín đồ tại gia, dân gian thường phân biệt gọi xuất gia là tu chùa, ở chùa, và tại gia là tu nhà, tu tại gia.

Vai trò của người cư sĩ Phật tử

2

Cả hai giới xuất gia và tại gia đều có công lớn, không như thường tình nhiều người cho rằng thành phần cư sĩ tu nhà không đóng một vai trò quan trọng đáng kể bằng thành phần tín đồ tu chùa trong lịch sử Phật giáo. Dĩ nhiên mỗi bên đã đóng góp, đảm trách Phật sự một cách khác nhau, tùy từng căn cơ, tùy từng cảnh ngộ, ngôn từ nhà Phật gọi là tùy duyên.

Theo giáo lý Tiểu thừa (Phật giáo nguyên thủy), người cư sĩ chỉ làm Phật sự, công việc hộ pháp, còn muốn đạt đạo giải thoát phải xuất gia sống đời tu sĩ. Nhưng theo giáo lý Đại thừa (Phật giáo phát triển), người cư sĩ vẫn có thể đạt đạo giác ngộ như giới tu sĩ. Quan điểm của Phật giáo Đại thừa được dẫn chứng trong lịch sử Phật giáo tại nhiều quốc gia. Ngay thời Đức Thích Ca còn tại thế, phía nam cư sĩ có ông Duy-Ma-Cật ngộ đạo được Đức Thích Ca và các đại đệ tử của Phật thời bấy giờ kính nể (Kinh Duy-Ma-Cật); phía nữ tu sĩ có Mặc Lỵ phu nhân ngộ đạo được Đức Thích Ca xác nhận (Kinh Thắng-Man).

Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có ghi trường hợp đạt đạo cả gia đình một cư sĩ là ông Bàng Long Uẩn, vơ, con trai và con gái. Tất cả bốn người đều đạt được cái chết tự tại khi lìa trần gian một cách an nhiên, đáng làm gương cho cả giới tu sĩ noi theo.Đọc lịch sử Phật giáo Việt Nam, không ai là không biết đến thời kỳ phát triển Phật giáo đời Lý, đời Trần. Trong giới cư sĩ không ai nổi danh bằng Thượng Sĩ Tuệ Trung, không sống làm đạo sư dạy cả giới cư sĩ và giới tu sĩ đương thời, lúc chết cũng an nhiên tự tại như trường hợp ông Bàng Long Uẩn bên Trung Hoa. Là con Phật và con dân Việt Nam, chúng ta lấy làm hoan hỷ khi biết đến tấm gương sáng chói của vị thiền sư cư sĩ Tuệ Trung với một số chi tiết chính yếu như sau:

Thượng sĩ tục danh là Trần Tung, con đầu lòng của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương Trần Liễu, anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Danh hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ do vua Trần Thánh Tông ban tặng khi pháp đàm với Trần Tung thấy là một bậc siêu phàm tôn làm sư huynh (Bậc Thượng sĩ coi như bậc Bồ-Tát). Vua Trần Thánh Tông ủy thác cho Thượng sĩ dạy dỗ thái tử là vua Trần Nhân Tông sau này.

Khi tịch Thượng sĩ nằm trên giường, mắt nhắm mà tịch. Các thê thiếp và gia nhân thương sót khóc ầm lên. Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy quở rằng: “Sống chết là lẽ thường, không nên buồn thảm thương tiếc làm nhiễu chân tính ta !”. Nói xong, nằm thế kiết tường mà tịch, Thượng sĩ thọ 62 tuổi, mất năm 1291.

Thượng sĩ Tuệ Trung là một thiền sư cư sĩ, hâm mộ thiền học từ lúc nhỏ, lớn lên học đạo với thiền sư Tiêu Dao tại tịnh xá Phước Đường. Ông là một nhà quân sư lỗi lạc, hai lần tham gia chống quân Nguyên thắng trận được phong chức Tiết Độ sứ trấn giữ cửa khẩu Thái Bình, sau truy phong Hưng Ninh Vương. Để ghi nhớ thành tích chiến thắng quân sự đặc biệt của một thiền sư cư sĩ, vốn không ham thích công danh ở cõi thế gian nhưng vẫn nhận lấy trách nhiệm làm tướng ngăn giặc khi đất nước bị ngoại xâm, dân gian đã có câu ngưỡng mộ vị cư sĩ Phật giáo đã sống hòa mình với thế tục: Bỏ áo cà sa mặc chiến bào.

Về tác phẩm để lại hậu thế, chỉ thấy duy nhất có một tập Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ Lục, do vua Trần Nhân Tông đệ tử thân cận nhất của Thượng sĩ ghi chép tài liệu và do thiền sư Pháp Loa soạn lại. Nội dung ghi lại những câu trả lời người đến hỏi đạo, cử công án, thơ tụng và hành trạng, thái độ xử thế của Thượng sĩ. Điểm nổi bật sáng chói nhất là triết lý thiền của Thượng sĩ, đem đạo vào đời, luôn luôn tùy duyên để hành động. Vua Trần Nhân Tông khi ghi chép vẫn cung kính gọi Thượng sĩ là bậc thầy để tỏ lòng biết ơn vị đã khai sáng tâm linh đạo học cho mình. Vua Trần Nhân Tông là người được nhận là truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, tiếp nối vị tổ thứ năm là thiền sư Huệ Tuệ. Sau khi xuất gia, nhà vua đổi pháp hiệu Hương Vân Đầu Đà sang Trúc Lâm Đầu Đà, do đó nhà vua là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chắc chắn vị sơ tổ này đã thấm nhuần đạo học của Thượng sĩ Tuệ Trung. Như vậy vai trò của vị cư sĩ siêu phàm Trần Tung đã có tầm mức quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng không ai có thể phủ nhận được.

(còn tiếp)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm