Cư sĩ Phật giáo (Phần 2)
Phải hội đủ ba điều kiện về nội dung thể chất tin, học và làm mới xứng danh là cư sĩ Phật giáo, thiếu một điều kiện nào ắt sẽ dẫn đến kết quả sai lệch trên đường tu đạo, không thể đạt được đạo quả viên mãn.
Thượng sĩ Tuệ Trung không phải là vị cư sĩ nổi danh đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây chỉ là một nhân vật vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một thiền sư cư sĩ Phật giáo mà tâm linh và sinh hoạt thực tế trong đời sống hàng ngày lúc nào cũng tròn đầy tinh hoa của thiền học, đem đạo vào đời theo nguyên tắc truyền thống tùy tục, hòa quang đồng trần, nghĩa là làm giống như thế tục để hóa độ thế tục, không hề cách biệt với cuộc sống thế gian hiện hữu. Nguyên tắc truyền thống này có thể thấy từ thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ, chủ trương không chấp vào bất cứ hình tướng nào, kể cả nghi thức, kinh điển, ăn chay hay làm phước, chỉ cốt sao thực hiện được đời sống hạnh phúc bình dị, an nhiên tự tại.
Những chi tiết về lịch sử Phật giáo, tấm gương sáng chói của Thượng sĩ Tuệ Trung dẫn đến sự khẳng định: Không có sự phân biệt tín đồ Phật giáo làm tu sĩ và cư sĩ về thể chất. Xuất gia hay tại gia chỉ là phương tiện, là hình tướng tu tập để tín đồ một khi đã quyết định phát tâm tu đạo có thể tùy duyên, tùy hoàn cảnh và căn cơ, được tự do lựa chọn. Sự tiến bộ trong việc tu tập có minh giải, có chứng ngộ được hay không, điều đó không phụ thuộc vào hình tướng tu tập xuất gia hay tại gia, mà phụ thuộc vào sự phát tâm, vào ngũ lực (1) của mỗi tín đồ. Xuất gia thuộc lòng kinh điển, tụng niệm không ngừng mà không phá bỏ được chấp ngã, chấp pháp thì tu chùa liên tục bao nhiêu kiếp cũng không an nhiên tự tại được, vẫn chìm đắm luân hồi không dứt. Còn tại gia như Thượng sĩ Tuệ Trung, vẫn có gia đình thê thiếp, vẫn ăn mặn lại ngộ đạo, làm thầy dạy đạo từ vua đến dân, cả tu sĩ lẫn cư sĩ, xứng đáng làm kim chỉ nam cho tín đồ Phật tử tu đạo của muôn đời.
Xem xét tăng độ tuổi của cư sĩ tham gia tổ chức Giáo hội
Về phương diện sinh hoạt Phật sự hộ pháp, ở cương vị một tín đồ tại gia có nhiều câu hỏi về cư sĩ cần được giải đáp, tham cứu để góp phần thuận lợi trong việc tu đạo.
Câu hỏi thứ nhất
Về phương diện nội dung thể chất, người cư sĩ cần phải hội đủ những điều kiện nào? Xin thưa: Có ba điều kiện là Tin, Học và Làm.
TIN là điều kiện căn bản thiết yếu hàng đầu. Có lòng tin ở Phật thì mới phát tâm theo đạo, tu học và hành đạo.
HỌC là tìm hiểu cho thông suốt giáo lý, thấm nhuần lời Phật dạy. Có học mới giải tỏa được những u mê nghiệp chướng, chấm dứt được mọi đau khổ trong kiếp sống thế gian. Có tin mà không học, lòng tin này khó giữ được bền lâu, khó thành chánh tín, và dễ thành mù quáng, mê tín dị đoan, ngược lại với giáo lý đạo Phật.
LÀM là thực hiện lời Phật dạy, những điều đã tin và đã hiểu. Dù có chánh tín có học hỏi chuyên cần mà không thực hành áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống thực tế hàng ngày thì vô ích, uổng cả lòng tin say sưa và học hỏi công phu, kết quả là không chứng được pháp nào, không ngộ đạo được. Người Phật tử chân chính theo đạo phải đạt đến chứng ngộ, không phải chỉ nhằm mục tiêu nghiên cứu sưu tầm về Phật học. Tin mà không làm thì chỉ là say mê kinh điển, không phải là tin Phật, tin ở đường lối từ bi Giải thoát của Phật. Học mà không làm thì chỉ là học lý thuyết suông, có khi còn bị gán cho từ ngữ châm biếm là học vẹt. Học thì phải hành, tu thì phải tập, do đó dân gian thường nói tiếng ghép đôi cho trọn ý nghĩa là học tập, học hành, tu tập, tu hành.
Như vậy phải hội đủ ba điều kiện về nội dung thể chất TIN, HỌC và LÀM mới xứng danh là cư sĩ Phật giáo, thiếu một điều kiện nào ắt sẽ dẫn đến kết quả sai lệch trên đường tu đạo, không thể đạt được đạo quả viên mãn.
Câu hỏi thứ hai
Về phương diện hình thức phương tiện, người cư sĩ cần phải hội đủ những điều kiện nào? Xin thưa: Có nhiều ý kiến trả lời khác nhau, hoặc có tính cách bắt buộc hay có tính cách nhiệm ý tùy tiện, hội đủ được càng nhiều càng hay, nếu không thì cũng được, hoặc cần hội đủ tất cả hay chỉ một hai điều kiện liệt kê dưới đây cũng coi là được.
Gia nhập một hội đoàn Phật giáo như Hội Cư sĩ Phật giáo để có điều kiện sinh hoạt tập thể theo nội quy của hội, như vậy thuận lợi cho việc tu tập hơn trường hợp sinh hoạt cá nhân lẻ tẻ.
Theo nghi thức Phật giáo, thọ lễ quy y, nguyện giữ tam quy ngũ giới (2), có pháp danh, mặc áo tràng khi đi chùa lễ Phật hay tham dự những tổ chức sinh hoạt do Phật giáo điều động với tư cách thành viên một tập thể tôn giáo.
Tụng kinh niệm Phật tại chùa hay tại gia đều đặn thường xuyên, tìm hiểu giáo lý Phật giáo bằng cách tham dự các khóa tu tập hay nghe các vị tu sĩ, thiện tri thức thuyết pháp giảng kinh…Tham gia những công việc xã hội từ thiện, giúp đỡ những người già bệnh, trẻ mồ côi, kẻ túng thiếu, tàn tật, gặp lúc hoạn nạn không nơi nương tựa.Trả lời dứt khoát câu hỏi thứ hai
Việc này xin dành cho các đạo hữu độc giả, kẻ cầm bút chỉ xin góp ý như sau:Hội đủ ba điều kiện căn bản thiết yếu TIN, HỌC và LÀM ở câu hỏi thứ nhất là đã trở thành cư sĩ Phật giáo. Nhưng nếu không có một điều kiện nào ở câu hỏi thứ hai thì thuộc trường hợp cư sĩ tại gia, tự mình biết tự mình hay, không có danh xưng là cư sĩ trong đời sống tập thể xã hội. Mặt khác, trường hợp này cũng làm cho người Phật tử gặp nhiều khó khăn trên đường tu đạo vì lý do đơn lẻ, thiếu phương tiện thuận lợi tạo nên duyên lành cho kết quả tu tập.
Không hội đủ ba điều kiện ở câu hỏi thứ nhất, nhưng hội đủ ít nhiều hay tất cả những điều kiện ở câu hỏi thứ hai thì vẫn thường được gọi là cư sĩ Phật giáo ở cửa miệng thế gian. Tuy nhiên, đây là trường hợp chỉ có cái danh cư sĩ mà thực ra không phải là cư sĩ, hoặc giả tự mình ngộ nhận rồi tự phong cho mình làm cư sĩ Phật giáo. Thật đáng thương nhiều hơn đáng trách.
Kết luận:
Để kết luận thẩm định công phu tu tại gia và đánh giá đạo quả việc cư sĩ tu nhà, dân Việt Nam đã có câu ca dao quen thuộc từ xưa để khuyến tu tại gia.Tu đâu cho bằng tu nhà,Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.Hay là:Thứ nhất là tu tại gia,Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Chú thích:
① Ngũ lực: Năm sức mạnh tinh thần giúp cho người tu Phật đạt được đạo quả, đó là tín lực, niệm lực, tinh tấn lực, định lực và tuệ lực. Cả năm thứ hợp lại gọi là Phật lực.
② Tam quy: Quy Phật, quy pháp, quy tăng. Ngủ giới: Năm đều răn cấm gồm có không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật và không uống rượu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm