Cầu nguyện sám hối khởi đầu được xem như là sự biểu hiện của lo lắng, vị kỷ, nhưng lần lần do cảm niệm, hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của pháp này, mà tinh thần vị tha ngày được nâng cao. Cụ thể như những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng trong đạo Phật không chỉ đem đến sự chiêu cảm bình an cho bản thân mình, mà còn chan rải lòng từ đến cả tha nhân.
Lời dẫn nhập
Cầu nguyện sám hối nội dung và thao tác thuộc về tâm thức hay gọi là phạm trù tinh thần của con người, nhằm giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm và những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội như lo lắng, sợ hãi một sự việc, một vấn đề nào đó vượt ngoài tầm kiểm soát của tự lực bản thân. Cầu nguyện sám hối còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về một đời sống hiện thực hay lý tưởng của mình trước một tha lực linh thiêng.
Dù với hình thức nội dung nào thì cầu nguyện và sám hối vẫn là một biểu hiện của thiện tâm. Bời vì, khi ta chắp tay, cúi đầu hành lễ trước đấng “thiêng hóa”, lòng người trở nên khiêm hạ, cái “tôi” nhỏ bé, cái bi mẫn có cơ hội lan tỏa.
Với đạo Phật, sự cầu nguyện sám hối còn là một pháp môn tu tập của người phật tử, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng, thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp tiêu trừ, thân tâm hoan hỷ trước lộ trình giải thoát.
Với tín ngưỡng dân gian cầu nguyện cũng là dịp để thi ân tổ tiên, thần thánh (thánh mẫu, thành hoàng) ông bà, cha mẹ qua đời và những ân nhân mà mình phải đền ơn đáp nghĩa.
Cầu nguyện sám hối khởi đầu được xem như là sự biểu hiện của lo lắng, vị kỷ, nhưng lần lần do cảm niệm, hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của pháp này, mà tinh thần vị tha ngày được nâng cao. Cụ thể như những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng trong đạo Phật không chỉ đem đến sự chiêu cảm bình an cho bản thân mình, mà còn chan rải lòng từ đến cả tha nhân.
Tùy theo niềm tin tôn giáo mà có những hình thức và nội dung tín ngưỡng đặt ra đối với mỗi người và tập thể tôn giáo trong việc cầu nguyện sám hối. Với Phật giáo, thường thì chúng ta thấy có các hình thức: Cầu siêu, cầu an, cầu sám hối và cầu tiến bộ tâm linh hướng tới giác ngộ giải thoát. Đối tượng cầu nguyện sám hối, thường là các bậc xuất thế siêu tuyệt về phẩm cách đức hạnh hoặc những bậc giác ngộ giải thoát. Và cao hơn nữa là các chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương thế giới vô ngai.
Đối tượng cầu nguyện sám hối căn bản của người con Phật là Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), cụ thể là các đức Phật Bổn Sư, Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc, các vị Bồ tát, các vị Thánh hiền. Đối tượng cầu nguyện dân gian thì có tổ tiên, thần thánh, tổ sư, tổ nghề, ông bà cha mẹ đã qua đời, các linh hồn vất vưởng cho đến các gốc cây, hòn đá, linh vật cọp beo… Nói chung tất cả mọi thứ nếu được coi là linh thiêng
Đối với người phật tử chân chính chỉ cầu nguyện Tam bảo, các đức Phật, các vị Bồ tát, Thánh tăng. Những phật tử chưa thuần thục đạo pháp hay nói đúng hơn là chưa hiếu giáo lý và tin sâu Tam bảo thường thì vừa cầu Phật vừa cầu thần, nếu cầu họ có thể cầu luôn cả cỏ cây đá núi… Những Phật tử như thế đức Phật và Bồ tát đối với họ không khác các vị thần bao nhiêu.
Chính vì vậy mà trong Huyền ký đức Phật dạy ngài A Nan về việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo và thờ phượng ở thế giới như sau: “Hiện tại trái đất này có các nơi xây cất: nhà thờ, đình, miếu để thờ Thần nơi trái đất này. Khi con người có các nơi thờ như vậy, yên lòng đem cái Tưởng và cái ham muốn của mình vào cho Thần giữ, nên cái tưởng và các ham muốn của con người có nơi an trú mà được dịu lại.
Sau này, Như Lai nhập Niết bàn, các ông lập chùa thờ Như Lai, là nhớ lời dạy của Như Lai mà giác ngộ - giải thoát và biết quy luật luân hồi nhân quả, cũng như công thức trở về Phật giới. Nhưng những người đời sau họ không hiểu chánh pháp, mà theo (ngoại đạo), coi Như Lai như vị thần ban phước lộc và coi nhẹ việc giác ngộ và giải thoát khỏi tam giới”.
Vậy cầu nguyện sám hối, tùy theo trình độ văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng mà có khác nhau, đó là một thế giới muôn màu, muôn vẻ. Dù sao đối tượng cầu nguyện thì phải thiêng liêng, phải hoàn hảo, quyền năng vô tận và có tác dụng ảnh hưởng đến tâm thức của người cầu nguyện sám hối. Tại sao người viết bài này phải đề cập đến vấn đề nêu trên, bởi hiện nay xã hội đang lan tràn việc cầu xin lễ bái theo tín ngưỡng. Nhưng không nắm được nội dung chân thật của chính pháp, thì làm sao có được hiệu quả đem lại của việc sám hối cầu nguyện. Trong khi đó, sự cầu nguyện sám hối điều cần thiết nhất và tối quan trọng lại là sự thành thật và hiểu biết về Chánh pháp.
Sự tương tác của cầu nguyện và sám hối:
1. Tác dụng của cầu siêu:
Cầu siêu là mong cầu vượt qua hay còn gọi là siêu thoát. Nghĩa là dùng phương thức nào đó để cho vong linh của người đã chết siêu thoát khỏi các cảnh giới khổ đau. Đó là quan niệm thông thường trong thế gian. Cầu cho vong linh siêu thoát về đâu còn phụ thuộc vào tín ngưỡng và mục đích của người cầu nguyện. Đối với Phật pháp thì kết quả vấn đề cầu siêu phụ thuộc vào tâm linh và phương thức siêu độ. Theo đạo Phật cầu siêu là cầu nguyện Tam bảo phù hộ cho linh hồn đã mất được nhẹ nhàng siêu thoát về thế giới bên kia, tức thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà.
Kinh Địa Tạng có đề cập đến tác dụng của kinh này, khi cầu nguyện cho người chết nói rằng: Khi tụng kinh Địa Tạng cầu nguyện thì công đức có được 7 phần, người tụng được sáu, người chết được một phần. Tại sao người được cầu nguyện chỉ có một phần? Điều này theo đạo Phật ta thấy, khi tụng kinh tam nghiệp thanh tịnh, công đức phát sinh, năng lực công đức này có trước hết là bởi người tụng, rồi sử dụng năng lượng công đức ấy hướng đến người đã chết, đương nhiên người chết sẽ nhận được một phần năng lượng ấy, trong khi người tụng là người suất sinh công đức.
Trong kinh Vu Lan đề cập đến sức mạnh chú nguyện của chư tăng, nhờ sức mạnh thanh tịnh của tăng đoàn mà bà Thanh Đề thoát khổ, bởi năng lượng của tăng là năng lượng tập thể nên có tác dụng lớn, nó tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm thể của bà Thanh Đề, làm cho bà thay đổi tận gốc rễ nghiệp bất thiện của mình mà thoát khổ.
Trong kinh Địa Tạng cũng đề cập phương pháp giúp cho người chết thoát khổ bằng cách sử dụng tài sản của họ vào việc công ích bố thí, cúng dường, hồi hướng công đức cho họ sẽ được lợi ích lớn. Tất cả những điều diễn tả trong kinh đều muốn nói lên một thực tế rằng, nếu sử dụng năng lượng tâm linh đúng chánh pháp sẽ tạo khả năng chuyển biến và thay đổi tâm thức tới đời sống của chúng sinh cõi âm đang đau khổ là một thực tế. Theo HT.Thánh Nghiêm: “Công năng của gia trì là sức mạnh của trì chú, sức mạnh của lời nguyện là sức mạnh của tâm thành. Người trì chú có công đức sâu dầy thì bản thân của câu chú sinh ra lực cảm ứng có thể thông với quỷ thần, giúp đỡ và gia trì người ta. Sức mạnh của lời nguyện có thể giúp thông cảm với sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát và các vị Thần Hộ pháp. Sức mạnh của tâm có thể ảnh hưởng đến xu thế của tâm, làm tăng sức mạnh ý chí, thay đổi quan niệm, chuyển hung thành cát tiêu trừ tai họa”.
Trong cầu siêu thường trì tụng kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, chú vãng sinh và một số chú khác. Theo cuốn Nghi thức Thập chú của thầy Nhật Từ biên soạn nói rằng: Chú vãng sinh Tịnh độ là lấy ở trong kinh “Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh độ đà la ni.” Chư tổ xưa nói về sự linh ứng của chú này: “Hễ người trì chú mà nhất tâm thì tự nhiên thấy sự linh ứng. Nếu người nào y pháp mà chí tâm trì tụng chú này, thì đức Phật A Di Đà thường trụ và ủng hộ, không có oan gia thừa tiện nhiễu hại, mà trong lúc hiện thế đặng an ổn và đến khi mạng chung được vãng sinh”.
Theo tín ngưỡng dân gian thì sức mạnh của gia trì là tha lực, chứ không phải tự lực. Đó là sức mạnh thần chú, sức mạnh của lời nguyện và tâm người gia trì. Đó là sự mong cầu và niềm tin tôn giáo của con người nói chung.
Là phật tử, qua kinh điển chúng ta đã biết và khoa học ngày nay đã khẳng định: người chết vẫn còn mối quan hệ với nhân gian. Sống và chết chỉ là tạm gọi, vì thực chất sống hay chết đều đang chuyển biến. Chấm dứt thân thể vật lý này gọi là chết, tâm thức đang đi vào một thế giới mới. Khổ đau hay hạnh phúc thì do nghiệp quyết định, tất cả chúng sinh là sản phẩm của nghiệp: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu”. (Kinh Trung bộ số 135)
Tất cả chúng sinh đều từ nghiệp mà sinh ra, nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Do vậy, ý nghĩa siêu độ, cứu giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định.
Người phát tâm làm nghi thức cầu siêu phải có tâm thương xót vong linh, âm linh cô hồn nói chung và lòng thành kính với chư Phật, Bồ tát và hiền thánh tăng. Trong kinh dạy rằng, chư Phật và Bồ tát thường ứng thân vào trong các loài chúng sinh mà cứu độ. Nghi thức chuẩn tế hay cúng thí thực, trước thỉnh Phật và Bồ tát chứng minh, sau đó thỉnh các chân linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận phẩm vật.
Chúng sinh do nghiệp lực sai biệt nên thọ dụng thức ăn cũng sai biệt. Hương hoa phẩm vật trần gian nhờ Phật lực gia trì mà biến thành cam lồ khiến cho họ được no đủ. Phương pháp này thường dùng khoa Du già (yoga) Phật giáo Đại thừa thực hiện. Dù biểu hiện dưới hình thức nghi lễ nào, chúng ta phải có lòng thành thanh tịnh, (tam nghiệp thân - khẩu - ý tương mật mới nhập vào cảnh giới nhất tâm). Tâm cảm được Phật lực mới có sự lợi ích cho việc cầu siêu độ thân nhân quá vãng và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Đó là điều chắc thật mà đức Phật từng dạy trong kinh Du già tập yếu cứu A Nan đà la ni diện khẩu quỹ nghi như sau: “Hãy phát tâm rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loại chúng sinh ở tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhí máy động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân được lợi thù thắng, hưởng vui nhân thiên”. Qua đoạn kinh trên ta thấy, cúng thí thực âm linh cô hồn gọi là vô giá quảng đại, nương oai đức của Phật, Bồ tát mà chúng sinh đều lợi lạc, dựa trên cái tâm rộng lớn. Nếu hình thức nghi lễ nào mà thiếu cái tâm cao thượng thì đi ngược lại xu hướng giác ngộ của Phật dạy.
Trong kinh điển đức Phật còn dạy các hình thức siêu độ khác nữa. Phát tâm tu học cũng là phương thức siêu độ vong linh có hiệu quả cao. Niệm Phật và tụng kinh cầu nguyện là đem tâm Phật để điều phục tâm mình và đem tình thương của Phật chia sẻ cho muôn loài. Những người đã khuất hay người đang hiện hữu họ có duyên mới tiếp cận được với giáo lý đạo Phật. Trong giáo lý Mật tông và Tịnh độ khuyên hành giả cần tu niệm Phật, trì chú, tụng kinh để hồi hướng siêu độ cho người âm được siêu thoát. Tâm giúp đỡ vong linh chính là lòng từ bi.
Từ bi tam muội mới biến thức ăn thành cam lồ giúp chúng sinh cõi âm được siêu thoát. Ta nên nhớ cõi âm cũng như cõi dương. Chúng sinh đang đói về lòng bố thí nên bị đắm trong địa ngục đói khổ; đang đói về tình thương nên chìm sâu trong sân hận (nóng giận); đang đói về trí tuệ nên sống trong địa ngục vô minh. Chúng ta phải hiểu như vậy để y pháp cúng dường bố thí với nhiều phương diện, như tài thí, pháp thí và vô úy thí cho chúng sinh.
Đối với phật tử tại gia, ngoài vấn đề bố thí tiền tài, cần bố thí pháp thông qua chia sẻ kinh nghiệm tu học cho bạn đạo, giáo dục con cháu và khích lệ thân nhân họ tộc quy y Tam bảo, ấn tống kinh sách Phật giáo, ủng hộ Tam bảo trường tồn là điều phước đức lớn để siêu độ thân nhân. Người đang hiện hữu (còn sống) muốn giúp vong linh thân nhân siêu thoát phải có tâm lực. Tức đời sống có đạo đức, như phát tâm quy y Tam bảo thọ trì pháp giới. Là phật tử chúng ta đều biết, con đường Giới - Định - Tuệ là lộ trình giải thoát khổ đau của chúng sinh. Chúng ta sống có đạo đức để làm ngọn đèn soi đường cho người cõi âm đi ra khỏi bóng tối vô minh u ám. Đức Phật dạy: “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Địa ngục khổ đau do tâm tạo, giải thoát giác ngộ cũng do tâm khởi. Cho nên sống có đạo đức là biểu hiện một phương thức siêu độ rất cao. Cổ đức có câu “Nhất nhân hành đạo, cửu huyền thăng”. Tu học thành đạo mới cứu giúp được thân tộc nhiều đời nhiều kiếp đọa lạc.
Muốn hiểu rõ người đã qua đời mong mỏi điều gì và đời sống con người sau khi chết sẽ ra sao thì nên đọc kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng, văn Thủy Sám và Lương Hoàng Sám. Khi đọc những kinh văn này, bản thân chúng ta biết đau xót, biết rung cảm, biết phát khởi tâm chính đáng cho mọi hình thức siêu độ. Nếu có tâm lành đó rồi thì chỉ bông hoa và chén nước cúng ở chùa cũng có công đức không thể nghĩ bàn.
Bởi khi chúng ta có sức quán tưởng chân thành rằng, các đức Phật và Bồ tát đang sống hiện hữu trong đời này, như vậy sẽ có giao cảm tâm chúng sinh và tâm Phật. Tâm chúng sinh mà giao cảm được tâm Phật thì gọi là đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tâm ấy là tâm thanh tịnh và siêu thoát mọi khổ đau. Vậy cầu siêu cho người qua đời là nếp sống nhân bản rất đáng quý và đáng tôn trọng. Đó là thông điệp giúp con người nhận thức sâu sắc rằng, sống không phải là bắt đầu và chết không phải là kết thúc. Đó là nền tảng đạo đức Phật giáo mà mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và nhân loại đều quan tâm.
Nguyễn Đức Sinh (còn tiếp)