Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 06/07/2018, 17:58 PM

Sen Hà Thành với vẻ đẹp mát dịu, xua tan nóng gắt ngày hè (*)

Tháng 7 về, nhiều đầm sen ở nội, ngoại thành Hà Nội nở rộ tạo vẻ đẹp thanh tao cho những ngày hè nóng bức. Zing.vn xin giới thiệu một vài tác phẩm nhiếp ảnh về loài hoa này.

Người Hà Nội háo hức chụp ảnh sen hồ Tây Giữa tháng 6, các đầm sen ở hồ Tây náo nức như trẩy hội, dòng người xúng xính yếm đào, áo dài "săn" ảnh đẹp cùng loài hoa này.
 
Những ngày tháng 6,7, các đầm sen ở nội, ngoại thành Hà Nội nở rộ, tạo dư vị dịu nhẹ xua tan nắng gắt trưa hè. Mỗi người Việt Nam, dù lớn lên ở đâu, sen cũng là biểu tượng in sâu vào tiềm thức. Với những cô cậu bé nông thôn, một chiều nghịch nước, ngắt bông sen đã là ký ức tuổi thơ không thể nào quên. Với những đứa trẻ thành thị, sen vẫn hiện lên trong lời mẹ ru tối muộn, câu ca dao khi đến lớp, để một chiều hè về quê háo hức ngóng bà đưa ra hồ sen.
 
Người Hà Nội yêu và nâng niu sen trong lòng thành phố. Mỗi năm cứ vào dịp tháng 5, sen hồ Tây nhẹ nhàng chọn một sáng nắng mà bung cánh lụa hồng, mang theo hương thơm dịu dàng, quyến rũ lòng người, không tanh, không gợn mùi bùn. Đúng như câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
 
Hà thành những ngày đầu tháng 7 trời như đổ lửa. Cái nóng của ánh mặt trời gay gắt cùng với hiệu ứng đô thị hóa khiến con người chán ngán trung tâm nội thành. Nhưng đâu đó chếch về hướng tây bắc thành phố, những bông sen không một chút vướng bận bung bình, tỏa hương trong không khí oi nồng. Cảnh sắc ngày hè gắt gỏng vì thế bỗng trở nên dịu dàng, khiến con người ta thư thái hơn.
 
Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi mặt nước, hướng đến mặt trời đón ánh nắng ban mai. Loài hoa biểu trưng cho sắc đẹp, sự cố gắng vươn lên khi tỏa hương tinh khiết dù sống trong bùn sình, lầy lội.
 
Riêng sắc xanh của hoa sen và đài sen thôi cũng đủ làm dịu mùa hè. Màu xanh của lá sen đậm đà, không nổi bật. Ấy là màu xanh lục điềm đạm. Với đài sen, sắc xanh tươi hơn như vẫn còn vương chút tinh nghịch, kiêu sa của những bông sen sót lại.
 
Người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng luôn dành một tình yêu trân quý đối với hoa sen. Mỗi mùa sen, một góc nhà những người chơi hoa, yêu hoa lại dịu dàng hẳn bởi những cánh sen e ấp, rụng mềm dưới chân lọ gốm nung. Sen đẹp là thế nhưng lại mỏng manh và chóng tàn. Anh bạn yêu hoa từng dành góc bàn làm việc cho đôi cánh sen hồng bừng nở, gian phòng cũng vì thế mà tươi sáng màu thôn quê.
 
Lá sen không vì thế mà kém nổi bật với những bông sen được ca tụng biết bao trong thơ và ca dao. Dù mang nét đẹp bình dị, mộc mạc và cũng khiêm nhường khép mình làm nền xanh cho những bông sen tỏa sáng. Không chỉ chơi hoa, người ta còn dùng lá sen bọc gói thức ăn. Những món được gói từ lá sen mang dư vị hồn quê không thể lẫn vào đâu đuợc.
 
Nụ hoa lúc chưa nở cũng có thần thái tinh khôi riêng của sen. Hòa lẫn với màu xanh của lá, nụ hoa e ngại nấp mình nhưng vẫn nổi bật với cấu tạo riêng. Một đóa sen lúc người con gái Hà thành mua về chưng trong góc nhà lúc nào cũng phải là nụ hoa hé nở. Có như thế, thời gian thưởng hoa mới dài, lòng người bên hoa mới vui lâu.
 
Sen trắng tinh khôi và kiêu sa. Vươn mình từ đầm bùn, những cánh hoa vẫn không hoen màu ố bụi. Sen luôn giữ cho mình sắc trắng tinh khôi như màu áo dài cô nữ sinh Hà thành. Nhưng cũng có lúc, sen trắng thể hiện sự lạnh lùng, ảm đạm theo nỗi buồn của một chàng trai xa mãi xa.
 
Những bông sen vươn dài, hướng về ánh sáng. Có đôi bông lại dịu dàng đáp nhẹ trên lá sen trôi bồng bềnh trên mặt nước. Mặc cho gió và nắng đùa giỡn, sen trắng vẫn kiêu kỳ tỏa hương đợi đời và người Hà Nội một chiều tan làm ghé thăm.
 
Hoa sen còn là biểu tượng cho nền Phật giáo. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tự tại ngồi trên sen hồng là hình ảnh quen thuộc với mỗi người. Sen đi vào thơ, trở thành hình ảnh đẹp về phẩm chất tốt mà mỗi Phật tử hướng đến.
 
Sen không chỉ điểm tô cho cuộc sống thêm sắc, đầy hương mà còn là món ăn, phương thuốc cho cuộc sống thường nhật của con người. Sen lúc tàn để lại đài sen, chứa những hạt sen tạo nên món chè thanh tao, nhẹ nhàng mà bổ dưỡng. Hạt sen cũng có thể luộc, hay nấu cháo, là nguyên liệu trong các món ăn giúp ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa.
 
Ngó sen là nguyên liệu chính tạo nên món gỏi thơm ngon cùng nhiều món ăn dân dã khác. Bầu sen có tác dụng trị máu cam, còn thân rễ sen cầm máu rất tốt, củ sen lại giúp tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim mạch.
 
Một công dụng đặc biệt của hoa sen và cũng là nét văn hóa đậm hồn Việt là ủ trà bằng hoa sen. Những bông sen được chọn để ủ phải to, trà được đưa vào tâm hoa khi bông vừa hé nở. Mỗi bông sen phải còn nguyên phần thân, sau đó cắm vào nước trong một ngày để hoa vẫn tươi và hút nước cho hương lan tỏa bên trong.
 
Là quốc hoa của Việt Nam, hoa sen đã thực sự sống cùng người dân Việt không chỉ trong một khắc thời gian, một mùa hoa mà cả một đời người. Sen đi cùng một đời người, gắn với tuổi thơ, tươi tắn trong những ngày thanh xuân và chiêm nghiệm khi cuộc đời đã quá ngũ niên. Cánh sen, bông sen, lá sen và cả cuộc đời sen tự bao giờ đã hòa với cuộc đời mỗi con người Việt.

Theo Vũ Minh Quân - Khánh Trinh 
Link bài: https://news.zing.vn/ve-dep-mat-diu-xua-tan-nong-gat-ngay-he-cua-sen-ha-thanh-post857181.html
(*): Do BBT đặt lại
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar

Ảnh 11:00 17/03/2024

Hầu hết người dân ở Myanmar đều một lần trải qua nghi lễ Shin Pyu để lên chùa tu tập, báo hiếu cha mẹ.

Thái Tử Tất Đạt Đa tìm đạo giải thoát

Ảnh 11:20 12/03/2024

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Phật tử khắp nơi lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tưởng niệm về sự từ bỏ vĩ đại nhất để tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh.

Chiêm ngưỡng bức tranh trên trần chánh điện lớn nhất Việt Nam

Ảnh 15:15 29/02/2024

Chùa Diệu Đế với kiến trúc độc đáo, cùng bức tranh “Cửu long ẩn vân”. Đây là bức tranh vẽ trên trần chính điện xưa và lớn nhất Việt Nam.

Phượng vàng nở rộ khoe sắc dịp Tết tại Linh Ẩn tự, Lâm Đồng

Ảnh 16:00 27/01/2024

Cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km, chùa Linh Ẩn (Linh Ẩn Tự) tọa lạc ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là một trong những ngôi chùa linh thiêng, thu hút khách du lịch ghé thăm mỗi khi có dịp đến với phố núi.

Xem thêm